Hiểm hoạ từ sạc pin “nhái”
Những chiếc sạc pin cho iPad, iPhone, laptop bị làm nhái một cách tinh vi hiện được bày bán khá nhiều trên thị trường. Điều đáng lo ngại là chất lượng của những sạc này rất kém nhưng lại rất khó phân biệt.
Người dùng rất khó để phân biệt được sạc thật – giả bởi chúng giống nhau như đúc.
Mua của người quen cũng ăn quả đắng
Bỏ 1,8 triệu đồng để mua chiếc sạc cho iPad ở cửa hàng bạn thân nhưng anh Nguyễn Thanh Toàn, quận 3, TP.HCM đã ăn phải quả đắng khi cái sạc anh mua là sạc “nhái” và chiếc iPad của anh ngay trong lần sạc đầu tiên đã bị nóng và chết đứng màn hình. Quá bức xúc anh xách ra bắt cậu bạn đổi lại, nhưng trớ trêu thay cậu bạn cũng chẳng biết phân biệt đây là hàng giả hay thật vẫn cứ khẳng định đó là đồ thật. Cuối cùng khi cắm thử vào một chiếc iPad khác bị tình trạng tương tự anh mới được cửa hàng của bạn mình đổi lại cho cái mới.
Không may mắn như anh Toàn, chị Nguyễn Thị Loan, quận 1, TP.HCM đã phải bỏ ra cả 2 triệu đồng để sửa chiếc iPhone của mình cũng vì mua phải sạc “nhái”. Đáng tiếc cho chị, khi chiếc sạc chị mua về dùng máy không trở chứng ngay mà phải gần 2 tháng sau mới bị sự cố. Vì là hàng xách tay chỉ bảo hành 1 tháng, nên khi thợ sửa chữa bảo do cục sạc chị đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” bỏ tiền ra sửa và mua lại cục sạc mới.
Nhưng tổn thất nặng nhất về sạc “nhái” có thể đề cập đến trường hợp của bạn Thanh Tuấn, sinh viên trường KHXH&NV TP.HCM. Chiếc sạc cũ bị hư, nghe bạn giới thiệu có người quen chuyên bán sạc chất lượng cho dòng máy Sony Vaio mình đang dùng, Tuấn bỏ ra hơn 1 triệu đồng để tậu 1 cục sạc về dùng. Trớ trêu thay, dùng được một thời gian thì sạc xịn chưa thấy hiệu quả, chiếc laptop của Tuấn đã mắc thêm nhiều bệnh, vừa bị hư nguồn, hư chức năng sạc, chai pin, thế là phải thay lại nguyên bộ mới ngót nghét hơn 4 triệu đồng.
Video đang HOT
Chuyên gia nhiều khi cũng “chào thua”
Thực tế để phân biệt được bộ sạc “nhái” và sạc thật đối với những thiết bị như laptop, smartphone, máy tính bảng… trên thị trường hiện nay là rất khó. Một số lời khuyên cũng được các kỹ thuật đưa ra trên các diễn đàn như sạc “nhái” trọng lượng sẽ nhẹ hơn sạc thật, nhãn mác không được sắc nét, tem dán dễ bị bong… tuy nhiên, để phân biệt được chúng bằng mắt thường là rất khó vì ngay cả dân kỹ thuật nhiều khi cũng không phát hiện ra.
Chính vì thế, theo anh Mai Phú Phong, Giám đốc công ty cổ phần Phongee, đơn vị chuyên kinh doanh các mặt hàng Apple ở Việt Nam, đối với sạc Apple, người dùng có thể kiểm tra bằng số Series trên trang web của hãng có thể phân biệt được thật và giả. Tuy nhiên, đó là hàng Apple, còn hàng các hãng khác thì ngay cả anh cũng “chào thua”, người dùng tốt nhất là nên đến những nơi bán hàng có uy tín để mua nhằm được hưởng chế độ bảo hành đầy đủ.
Anh Nguyễn Tuấn Phong, kỹ thuật viên tin học chuyên sửa chữa sạc laptop, TP.HCM lại cho rằng, riêng mặt hàng sạc laptop, mua ở chỗ uy tín chưa chắc đã là hàng “xịn”. Do mỗi máy tính xách tay khi nhập về Việt Nam chỉ có một bộ sạc đi kèm, vì thế đa số các bộ sạc mới đang bán ở nhiều cửa hàng hiện nay đều là hàng “nhái” từ Trung Quốc. Cho nên, người dùng sẽ rất khó mua được hàng “xịn” ở đấy, nếu mua thì nên đến những trung tâm sửa chữa, ở đó mới có thể có hàng, nhưng sẽ rất mắc. Ngoài ra người dùng muốn chắc chắn thì nên đặt mua hàng chính hãng từ các công ty phân phối hoặc nhờ người mua ở nước ngoài khi đó mới có thể an tâm.
Theo những người am hiểu lĩnh vực này thì với việc sạc “nhái” được bán tràn lan như hiện nay, người dùng mua phải là điều không thể tránh khỏi. Muốn an tâm và mua hàng đảm bảo, lời khuyên được đưa ra cho người dùng là nên tới những nơi bán hàng có uy tín và bảo hành đầy đủ. Vào đại lý của các hãng phân phối ở Việt Nam đặt hàng để họ nhập về, giá có thể hơi đắt nhưng độ an toàn cao hơn. Ngoài ra, để chắc ăn nên nhờ dân kỹ thuật tư vấn và đi mua hàng cùng – nếu người dùng không am hiểu lắm về hàng công nghệ.
Theo ICT
3 SV chế tạo ôtô chạy bằng năng lượng mặt trời
Ý tưởng "Thiết kế xe năng lượng xanh SC4" của 3 sinh viên ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng bắt đầu từ cái nắng gắt của Việt Nam. "Lợi dụng" cái nắng gắt này, 3 SV đã sản xuất ra chiếc du lịch 2 chỗ sử dụng năng lượng sạch chạy trong thành phố.
Đây là công trình nghiên cứu khoa học của 3 sinh viên: Ngọc Thiên Bình (trưởng nhóm), Huỳnh Kim Trang và Phạm Nguyên Sơn, công trình này vừa được Bộ GD-ĐT trao giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học tại Hà Nội và tặng bằng khen.
Sinh viên Ngọc Thiên Bình cho biết: "Ban đầu chúng em định sáng chế xe xích lô ba bánh chạy bằng năng lượng mặt trời, có thể giảm đến 70% lực của người đạp. Nhưng khi nghiên cứu em nhận thấy điện sử dụng xe xích lô có quy mô nhỏ nên bàn nhau chuyển qua ôtô, nhất là khi giá xe ôtô ở nước ta còn quá cao. Khi nghiên cứu chế tạo xe, mục đích của chúng em là sử dụng nguồn năng lượng mặt trời vì nguồn năng lượng này ở Việt Nam rất cao".
Tuy nhiên, xe chạy bằng năng lượng mặt trời có một điểm yếu là thời gian sạc pin rất lâu, khả năng vận hành liên tục và phạm vi hoạt động còn hạn chế nên chúng em đã kế thừa công nghệ chuyển đổi động cơ xe máy chạy bằng xăng sang chạy bằng các loại nhiên liệu khí (khí dầu mỏ hoá lỏng LPG, khí thiên nhiên NGV, khí biogas...) của GS.TSKH Bùi Văn Ga để tự thiết kế một bộ truyền lực. Nếu hết điện hoặc không có nắng, xe có thể chạy bằng động cơ nhiệt sử dụng nhiên liệu khí gas hoá lỏng LPG được lắp đặt song song với động cơ điện. Mục đích trước mắt sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, sau đó sử dụng năng lượng EQJ. (Khi xe sử dụng cạn năng lượng mặt trời rồi thì có thể bật sang chế độ EQJ để chạy).
SV Ngọc Thiên Bình, trưởng nhóm nghiên cứu khoa học công trình "Thiết kế xe năng lượng xanh SC4".
Bình cho hay, mỗi xe chỉ chở được 2 người, mỗi người 70kg, tốc độ tối đa 40-50km/h, trung bình là 18 - 20km/h, phù hợp với các khu du lịch, các thành phố, điều kiện giao thông đông đúc, các đoạn đường nhỏ... Độ bền của xe khoảng 20 năm. Việc bảo dưỡng xe rất đơn giản, chỉ cần chùi, rửa, hiệu suất tấm pin là được. Hiện kinh phí xe ô tô hết 13 triệu đồng nhưng để hoàn thiện mẫu mã hoàn hảo sẽ có giá thành tổng cộng khoảng 60 triệu đồng.
Quyết tâm thực hiện ước mơ
Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện nghiên cứu công trình, Bình cho biết: "Khởi đầu nghiên cứu đề tài, nhóm có 4 người. Đề tài nghiên cứu này cũng chính là đề tài tốt nghiệp, nếu không thành công sẽ bị chậm lại một năm ra trường. Áp lực lớn như vậy, trong khi đó lúc em trình bày, nhiều người không tin tưởng là thành công nên một bạn đã bỏ cuộc".
Khát khao biến ý tưởng thành hiện thực, 3 chàng sinh viên đã thức đêm, tập trung nghiên cứu ở một phòng học mà nhà trường ưu ái cho mượn để làm xưởng, hằng mong nhìn thấy "con cưng" của mình ra đời. Sau 3 tháng cặm cụi làm việc và phải xin trợ cấp của gia đình để mua vật liệu, 3 chàng trai đã thành công thực hiện được ý tưởng của mình.
"Là sinh viên nên chưa có điều kiện tiếp cận nhiều về công nghệ ôtô ở Việt Nam nhưng không muốn dừng lại ở ý tưởng, chúng em sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của mạnh thường quân, từ bạn bè hy vọng sẽ hoàn thiện được công trình. Theo thiết kế thì ô tô đã chạy được nhưng chỉ tập trung một mảng về năng lượng còn các vấn đề khác chưa đầy đủ, hiện chúng em cũng đang thiết kế các mẫu xe khác nhau để mọi người tham khảo, góp ý" - Bình cho hay.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trưởng nhóm của công trình giải nhất nghiên cứu khoa học sẽ được cấp học bổng du học nước ngoài theo đề án 322. Tuy nhiên, trong thời gian học, Bình đã tự tìm cho mình một suất học bổng ngành cơ khí tại Hàn Quốc.
Bình chia sẻ, hiện tại em và các bạn trong nhóm tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình là sản xuất thành công chiếc xe ô tô mang nhãn hiệu "made in Việt Nam" trong tương lai.
Theo Dân Trí
Điện thoại mèo máy Doremon dễ thương "vô đối" Sản phẩm có tên gọi KATOON D1 sở hữu ngoại hình chẳng giống ai, vậy mà cũng nghe gọi nhắn tin ngon lành teen nhé! Không mấy khó khăn để tìm thấy một chú dế đặc biệt sở hữu ngoại hình giống hệt nhân vật mèo máy Doremon quen thuộc trong những bộ truyện tranh Nhật Bản. Sản phẩm có tên gọi KATOON...