Hiểm họa từ nuôi chó thả rông
Gần đây, nhiều tỉnh thành liên tục ghi nhận các trường hợp bị chó thả rông tấn công, phải tiêm vaccine ngừa dại, thậm chí không qua khỏi.
Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như 100% không qua khỏi. Ảnh: Pexels.
Con chó nặng khoảng 15 kg, có màu đen, mắt hung dữ, miệng sùi bọt mép, tấn công bà N.T.T. khi đang đi bộ trên đường. Mặc dù đã cố gắng phản kháng, la hét và bỏ chạy nhưng con chó vẫn đuổi theo người phụ nữ.
“Con chó nhảy lên và cắn mạnh vào vùng bắp tay phải của tôi, gây vết thương sâu và có nhiều phần dập nát. Sau khi cắn tôi, con chó đó lại điên cuồng chạy xuống xóm dưới và cắn thêm 2 người khác”, bà T. nói.
Sự việc xảy ra trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ngoài bà T., còn 3 trường hợp đi đường khác cũng bất ngờ bị chó dại tấn công.
Không chỉ tại Đắk Lắk, nhiều địa phương khác cũng ghi nhận hiện tượng chó dại cắn người trong thời gian gần đây.
Nhiều người bị chó dại tấn công
Tại Hải Dương, một người đàn ông đã không qua khỏi sau khi bị chó lạ cắn vào lòng bàn tay nhưng chủ quan không tiêm phòng. Sau 2 tháng bị cắn, ông phát bệnh dại. Chỉ 4 ngày sau khi có triệu chứng lạ, người đàn ông qua đời.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng là địa phương liên tục ghi nhận các ổ dịch dại trong thời gian gần đây. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 17 ổ dịch dại trên chó tại các huyện. Địa phương này hiện chiếm 25% trên tổng số ổ dịch dại của khu vực phía Nam. Bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có nguy cơ xảy ra nguy hiểm tính mạng ở người.
Những trường hợp trên cảnh báo việc nuôi chó thả rông không rọ mõm, không tiêm phòng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người, đặc biệt tại các vùng nông thôn.
Video đang HOT
Chó thả rông, không rọ mõm có nguy cơ cao mắc bệnh dại và tấn công người. Ảnh: Bảo Trọng.
Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi nuôi chó thì chủ vật nuôi phải đăng ký tại UBND cấp xã, phải tiêm vaccine phòng bệnh dại, phải rọ mõm, xích giữ chó tại những nơi công cộng…; nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020). Cụ thể, phạt tiền 1-2 triệu đồng nếu chủ chó không rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Chủ vật nuôi cũng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do sức khỏe của họ bị xâm phạm theo Điều 590, Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, chủ vật nuôi còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
100% không qua khỏi nếu phát bệnh
Theo ThS.BS Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật, thường thấy ở chó, mèo.
Thời gian ủ bệnh dại khoảng 2-8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày và dài có khi 1-2 năm, tùy lượng virus và vị trí, độ nặng vết thương.
Triệu chứng khởi đầu của bệnh dại gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi… Bước vào giai đoạn viêm não, người bệnh thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió).
Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động… Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như 100% không qua khỏi.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm… cũng cần chích ngừa định kỳ.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, mọi người cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để chích vaccine, huyết thanh kháng dại kịp thời; tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Lo ngại khi bệnh dại gia tăng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 44 người tử vong do bệnh dại tại 23 tỉnh, thành phố.
Các địa phương có số ca tử vong cao nhất là Bình Thuận: 7 ca, Đắk Lắk: 5 ca...
Khi bị chó cắn cần đến ngay các trung tâm y tế để được chẩn đoán và tiêm phòng dại.
Thêm nhiều ca mắc
Tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp, nhiều nơi ghi nhận ca bệnh tăng đột biến. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xuất hiện 146 ổ dịch bệnh dại tại 34 tỉnh, thành phố. Các địa phương đã phải tiến hành tiêu hủy 395 con chó, mèo, tăng gần 79% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngày 27/6, thông tin từ Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xác nhận, có 4 trường hợp người dân cùng sinh sống trên địa bàn phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột bị chó dại tấn công.
BS Võ Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết, vào lúc 11 giờ ngày 24/6, bà Đ.T.T đang hái rau bên vườn thì bị một con chó không rõ nguồn gốc tấn công. Tiếp đó, vào lúc 17 giờ 30, bà N.T.T đi ra trước cổng nhà để vứt rác thì tiếp tục bị con chó nêu trên tấn công. Liên tiếp cùng ngày, có thêm 2 trường hợp cũng bị con chó nêu trên tấn công tại các vị trí cánh tay, ngón tay, cẳng chân. Đến ngày 26/6, con chó được phát hiện đã chết và được Chi cục Thú y vùng V lấy mẫu làm xét nghiệm, cho kết quả dương tính với virus dại.
Theo Cục Thú y, tổng đàn chó, mèo của cả nước là khoảng 6,7 triệu con, tuy nhiên, số lượng chó, mèo được tiêm phòng vaccine mới đạt hơn 3 triệu con (chiếm tỷ lệ gần 49% tổng đàn). Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh, hiện công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Nguyên nhân gia tăng nguy cơ bùng phát bệnh dại là do đàn chó, mèo thả rông còn phổ biến; tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vaccine thấp; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, chó thả rông, tiêm vaccine phòng bệnh dại. Qua báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, chiều hướng dịch bệnh dại đang gia tăng tại nhiều địa phương. Đáng lo ngại khi không chỉ tăng về số ổ dịch và số lượng chó, mèo bị chết, phải tiêu hủy, mà số người bị tử vong do dịch bệnh dại cũng tăng cao. Hiện nay, Việt Nam vẫn là khu vực có dịch tễ bệnh dại, mỗi năm ghi nhận khoảng 100 người tử vong do bệnh dại gây nên.
Tỷ lệ tử vong cao
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Bệnh đã được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguy cơ bệnh dại lây truyền từ chó qua vết cắn, cào chiếm 96,1%, nguy cơ lây truyền qua vết cắn từ các động vật khác chiếm 3,9%.
Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Trung bình mỗi năm có 59.000 người tử vong vì bệnh dại ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, 99% trường hợp người tử vong do nhiễm virus dại từ chó.
Tại Việt Nam, mỗi năm vẫn có hơn 500.000 người bị chó, mèo cắn. Theo TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại. Bệnh dại gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine. Bệnh dại khi đã có dấu hiệu lâm sàng thì tỷ lệ tử vong là 100%. Cũng theo TS Hoàng Minh Đức, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.
Cùng đó, có đến 43,8% người dân chủ quan cho rằng chó nhà cắn tại thời điểm chó đang bình thường nên không đi tiêm vaccine phòng dại.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vaccine dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình tàn phá.
Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 - 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.
Theo TS Hoàng Minh Đức, có một thực tế là người dân e ngại việc tiêm vaccine phòng dại có nhiều tác dụng phụ dẫn đến việc sử dụng các biện pháp điều trị không được Bộ Y tế công nhận. Dù cơ quan y tế đã nhiều lần khuyến cáo nhưng vẫn có đến hơn 16% người bị bệnh dại đã điều trị bằng thuốc nam.
Còn theo BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC (Công ty cổ phần vaccine Việt Nam) thì bệnh dại có thể điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Nếu người bị cắn được tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh với tỉ lệ cao. Một người khi đã lên cơn dại thì không thể nào chữa được. Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý chủ quan không đi tiêm vaccine phòng dại. Cũng theo BS Chính: Bằng mắt thường không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không, do đó khi có người nhà bị chó dại cắn cần theo dõi con vật. Nếu không biết chắc con chó có bị dại không thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn.
Quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70%. Tiếp đến là tiêm vaccine phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.
Hà Nội tăng cường biện pháp phòng chống bệnh dại, tay chân miệng, sốt xuất huyết Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà mới có Công văn số 1354/UBND-KGVX chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai...