Hiểm họa từ các món ăn tái dân nhậu ưa thích
Bò, dê tái chanh, gỏi cá, nem chua… là những món ăn được người Việt, đặc biệt là dân nhậu ưa chuộng nhưng lại có nguy cơ gây bệnh rất cao, thậm chí dẫn đến tử vong.
Trong ẩm thực Việt Nam, những món ăn quen thuộc được chế biến từ các loại thịt tái, sống như bê, dê tái chanh, bò tái, gỏi cá, nem chua… được rất nhiều người ưa chuộng bởi vị ngon vừa miệng, và đặc biệt thích hợp lai rai trong những cuộc nhậu.
Nhận định về dinh dưỡng của các món ăn này, bác sĩ Lê Thị Hải – giám đốc Trung tâm tư vấn Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng quốc gia đánh giá: “Nếu đảm bảo được nguồn thực phẩm sạch, không nhiễm khuẩn, giun sán thì những món ăn này hoàn toàn đảm bảo chất dinh dưỡng và tiêu hóa bình thường”.
Dê tái chanh là món ăn được rất nhiều người ưa chuộng – Ảnh: zing.vn.
Bác sĩ Hải cho biết tại nhiều người trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ăn sống rất nhiều thực phẩm như cá, tôm, mực, bạch tuộc mà không ảnh hưởng đến sức khỏe bởi họ đảm bảo được nguồn cung cấp thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khi thưởng thức các món ăn này, người tiêu dùng không thể tránh khỏi nguy hiểm rình rập đến sức khỏe bởi nguồn cung cấp thực phẩm thiếu an toàn.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học có khoảng 50 loại giun sán ký sinh được tìm thấy ở thủy sản, một số loại có thể gây chết người. Trứng giun sán trên sông biển ao hồ, trung chuyển qua ốc, tôm, cua rồi ẩn sâu vào thịt cá. Với những món tái như gỏi, trứng giun sán vẫn sống trong miếng thịt và theo đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể con người. Sau đó, ấu trùng này sẽ nở thành giun sán và bắt đầu gây bệnh.
Tháng 7/2014, một bệnh nhân nam (42 tuổi, ở Hà Nội) phải nhập viện vì bị sán lá gan làm tổ trong “của quý” – Ảnh: Viện Sốt rét Ký sinh trùng, côn trùng trung ương.
Giun sán thường gây thiếu máu do sử dụng các chất dinh dưỡng cho con người ăn vào, đồng thời làm rối loạn tiêu hóa và hấp thu. Người bị nhiễm giun sán có thể nhiễm một loại hay nhiều loại nên việc điều trị rất phức tạp. Nếu có dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị nhiễm giun sán nên đến bệnh viện để khám, xét nghiệm phân hoặc máu xem bị nhiễm loại giun sán nào để điều trị sớm.
Nhiễm khuẩn
Ngoài nguy cơ nhiễm giun sán, các món ăn tái sống nếu được chế biến từ thực phẩm có chứa vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, E.Coli có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm.
Điển hình, E.Coli hay còn gọi là vi khuẩn đại tràng là một trong những loài vi khuẩn chính ký sinh trong đường ruột của động vật máu nóng (bao gồm chim và động vật có vú). E.Coli gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh như thịt trâu, bò, dê, cừu không được nấu chín.
Video đang HOT
Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm đau bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu, kèm theo có thể có sốt hoặc nôn. Một số trường hợp nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người già).
Ngoài ra, nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn thực phẩm chế biến tái sống cũng ngày càng phổ biến. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương, trong vòng 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận gần 10 ca bệnh liên quan đến liên cầu khuẩn lợn.
Bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn – Ảnh: VTC News.
Bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng.
Nếu thấy người bệnh có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ, khó thở, gia đình nên lập tức đưa đến bệnh viện, tránh nguy cơ tử vong.
Với những nguy hiểm có thể gây chết người này, bác sĩ Lê Thị Hải cho rằng do ở Việt Nam nguồn cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh nên để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân chúng ta không nên sử dụng các món ăn được chế biến tái sống này.
Theo Zing
Ám ảnh kinh hoàng những người 'rước họa' vì tiết canh
Ở Việt Nam, thú ăn tiết canh chế biến từ tiết sống của các con vật nuôi như lợn, ngan vịt, dê, ngựa... có từ lâu đời và vẫn còn duy trì đến ngày nay.
Bệnh nhân Trần Văn Anh (39 tuổi ở Ninh Bình) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh đã tử vong sau 3 ngày nhập viện điều trị. Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu. Trước khi nhập viện một ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn ngoài chợ. Khi về nhà, bệnh nhân có biểu hiện sốt, khó thở... nhưng chỉ nghĩ là bị ốm thông thường nên tự điều trị ở nhà. Đến khi thấy tình trạng sức khỏe ngày càng nguy kịch mới nhập viện thì đã quá muộn.
Bệnh nhân Trần Văn Anh bị hoại tử khuôn mặt vì liên cầu khuẩn lợn.
Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn, dẫn tới nhiễm trùng huyết suy đa tạng, có nhiều ban hoại tử đen toàn thân, đặc biệt là ở mặt. Bệnh liên cầu lợn là một bệnh từ động vật lây sang người do vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis) gây ra. Nguyên nhân bị mắc liên cầu khuẩn lợn có thể do ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp...
Không chỉ ở mặt, những vết hoại tử còn có thể lan rộng khắp cơ thể.
Chia sẻ về sự nguy hiểm của bệnh liên cầu lợn, Ths.BS Nguyễn Tiến Lâm (Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, BV Nhiệt đới Trung Ương) cho hay: "Thông thường, một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Còn những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí có khi lên tới hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng. Vì vậy, rất nhiều trường hợp bị liên cầu khuẩn lợn nhưng không có điều kiện chữa trị nên đành phải xin về nhà... chờ chết. Những trường hợp như vậy, chúng tôi cũng rất đau lòng, nhưng không biết làm thế nào được".
Ăn tiết canh dê, hôn mê vì ... liên cầu lợn
Ông Trần Văn T., một doanh nhân người Hà Nội, đi công tác đến Ninh Bình - đất của dê núi nên đã rẽ vào quán thịt dê, gọi tiết canh dê khai vị. Ăn xong bát tiết canh, ông T., tiếp tục ăn thịt dê tái chanh cùng vài món làm từ thịt dê khác.
Nhưng chỉ 2 ngày sau, ông T. lên cơn sốt, đau đầu, buồn nôn và hôn mê nên được nhập BV bệnh Nhiệt đới TW cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết ông T., bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, tình hình rất nguy kịch. Liên cầu khuẩn lợn mà ông T mắc phải được xác định do chính bát tiết canh dê mà ông đã ăn hai ngày trước đó.
Ông T. đang hôn mê vì viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn.
Vậy tại sao một người ăn tiết canh dê, lại bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn?
Lý giải về điều này, ThS-Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV bệnh Nhiệt đới TW nói: "Không thể biết chính xác tại sao người đàn ông này ăn tiết canh dê nhưng lại nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Rất có thể, tại quán bán thịt dê đó có thực khách ăn tiết canh dê lớn, mà mỗi con dê chỉ có một lượng tiết nhất định nên tiết lợn được lấy pha lẫn tiết canh dê. Hoặc có thể là tiết canh dê nhưng pha vào dụng cụ trước đó dùng đựng tiết canh của con lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn nên lây sang".
Ngoài ra, theo bật mí của một cựu chủ quán bán tiết canh dê thì, phần cuống họng dê nhỏ nên nhiều khi phải dùng sụn, họng lợn để băm, pha vào cùng với tiết dê. Mà phần họng lợn là nơi khu trú của liên cầu khuẩn.
Điều này lý giải tại sao có người ăn tiết canh dê vẫn mắc liên cầu khuẩn lợn.
Bệnh nhân nam 58 tuổi, ở Cao Lộc, Lạng Sơn được người nhà đưa xuống BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 12/5 trong tình trạng lơ mơ, xuất hiện các cơn co giật.
Bệnh nhân là người thường xuyên ăn món lòng lợn tiết canh và rau sống. 4 ngày trước khi nhập viện bệnh nhân cũng xuất hiện các cơn co giật và rơi vào trạng thái lơ mơ.
"Với hai triệu chứng điển hình trên cộng với tiểu sử bệnh nhân là người thích ăn món lòng lợn tiết canh, rau sống, chúng tôi nghĩ đến căn bệnh sán não nên chỉ định cho bệnh nhân chụp CT sọ não ngay lập tức", vẫn là BS Cấp, người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân, chia sẻ.
Một lát chụp CT não của bệnh nhân phát hiện nhiều sán đang làm tổ trong não.
Không nằm ngoài dự đoán, kết quả chụp CT sọ não của bệnh nhân cho thấy rất nhiều sán trong não. Nhìn kết quả chụp các bác sĩ cũng phải tá hóa bởi mỗi lát cắt chụp não phát hiện 4 - 5 ổ sán não, trong não của bệnh nhân có tới trên dưới 50 ổ sán não làm tổ.
Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều nguy cơ nhiễm sán trong môi trường. Bình thường, sán có trong ruột của lợn, thậm chí có trong ruột của người. Khi phân thải ra môi trường nếu không được xử lý tốt, bám vào rau sống, tiết canh (do giết mổ không an toàn, trứng sán trong phân có nguy cơ dính vào tiết canh trong quá trình chọc tiết lợn), người nuốt phải trứng sán này trong thức ăn thì sẽ bị nhiễm ấu trùng sán lợn.
Trứng sán vào trong cơ thể phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sán lợn có khả năng xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa và theo dòng máu, mạch huyết đi khắp mọi nơi trong cơ thể và cư trú ở tất cả các hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoàn, não. Nang sán trú lại chỗ nào sẽ gây bệnh ở chỗ ấy.
Đông kinh, co giật vì giun xoắn trong tiết canh tấn công não
Cách đây vài năm, ông Nguyễn L., ở TP Vinh, Nghệ An rất thích ăn tiết canh. Một hôm, bỗng dưng ông bị lên cơn động kinh, co giật và ngã xuống đường khi đang đi xe. Sau đó 2, 3 tháng liền, ông vẫn bị triệu chứng đau đầu, động kinh và gia đình đưa ông đi khám với nghi ngờ ông bị tai biến mạch máu não.
Hình ảnh đáng sợ của giun xoắn tấn công não người.
Tuy nhiên, tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, sau khi chụp cắt lớp não, bác sỹ phát hiện một tổ kén giun trong não. Ông được chuyển đến Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TW và các bác sỹ kết luận ông L. bị nhiễm giun xoắn lên não có thể do ăn tiết canh, thịt lợn sống.
U sán nổi cục ở mắt sau 3 ngày ăn tiết canh
Năm 2013, Anh Nguyễn Xuân T. (32 tuổi ở Bắc Giang) rất khoái khẩu với món tiết canh lợn. Một lần, sau 3 ngày ăn tiết canh, tự nhiên anh thấy mắt sưng to và ngứa dữ dội, nhỏ thuốc mắt không thấy đỡ. Sau đó, ở rìa mắt nổi lên một cục u, lúc to, lúc nhỏ.
Đi khám bác sĩ chấn đoán u sán ở kết mạc vùng hốc mắt. Khối u có lúc sưng to, lúc xẹp xuống do sán chui ra ngoài nang nằm trên kết mạc. Anh phải phẫu thuật để lấy con sán ra.
Theo Trí Thức Trẻ
Mất mạng do ăn tái, sống Nhiều người có thói quen ăn các món tái, sống một cách cẩu thả mà không biết rằng nguy cơ các ấu trùng, giun sán... thâm nhập dẫn đến nguy kịch, thậm chí mất mạng. Giun lươn bò lổn nhổn dưới da do ăn hải sản tái, sống - Ảnh: T.L Ngon miệng, hại mạng! Tháng 6 vừa qua, Bệnh viện (BV) Nhiệt...