Hết thời smartphone Trung Quốc cấu hình cao giá rẻ
Dưới sức ép cạnh tranh, nhiều hãng di động Trung Quốc buộc phải đẩy cao giá smartphone để tìm kiếm lợi nhuận.
Trong quý IV/2016, 3 hãng sản xuất tưởng chừng như vô danh vài năm trước là Oppo, Huawei và BKK Communication Equipment lần lượt xếp thứ 3, 4, 5 với tổng số 21,3% thị phần. Nhiều người thực sự lo ngại cho vị trí thống trị của Apple và Samsung.
Tuy nhiên, hai ông lớn này có lý do để cảm thấy dễ thở hơn đôi chút: Các hãng di động Trung Quốc đang mất dần lưỡi gươm sắc bén nhất, là những sản phẩm smartphone cấu hình cao giá rẻ.
Thị phần smartphone thế giới quý IV/2016 theo số liệu của IDC. Đồ họa: Thành Duy.
Giá bán trung bình của smartphone Trung Quốc sẽ tăng lên từ mức 1.700 tệ (khoảng 247 USD) lên 2.000 tệ (290 USD) cho đến cuối 2017, theo hãng nghiên cứu thị trường TrendForce.
“Đối mặt với giá sản xuất lên cao và cạnh tranh từ đối thủ, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ buộc phải từ bỏ chiến lược bán smartphone cấu hình cao với giá siêu rẻ”, Avril Wu – nhà phân tích mảng smartphone của TrendForce chia sẻ.
IDC có một thống kê tương tự, khẳng định giá bán trung bình của smartphone Trung Quốc tăng 11% từ năm 2015 đến 2016. Nguyên nhân của tình trạng này là việc các nhà sản xuất gặp khó trong việc tìm kiếm lợi nhuận và giá linh kiện tăng cao.
Huawei P9 và Gionee M6 mở ra trào lưu bán smartphone cao cấp giá cao vào năm ngoái, theo sau đó là các model của Meizu và Xiaomi. Trước đây, các thương hiệu này nổi tiếng với việc bán những chiếc smartphone giống hệt iPhone với giá 320 USD.
“Với việc tăng giá, các hãng di động Trung Quốc đối mặt với nguy cơ đánh mất khách hàng”, Wu cho biết. “Cùng với đó, việc duy trì lợi nhuận cũng không dễ dàng khi thị trường đang cạnh tranh hơn bao giờ hết”.
Tại những thị trường như Đông Nam Á, việc smartphone tăng giá có thể khiến chúng trở thành ngoài tầm với của nhiều khách hàng, Xiaohan Tay – nhà phân tích cao cấp của IDC tại Singapore cho hay.
Video đang HOT
Smartphone Trung Quốc thời gian gần đây có giá khá cao. Ảnh: Reuters.
Tại thị trường Việt Nam, tình trạng tương tự cũng diễn ra với các mẫu di động tới từ Trung Quốc. Xiaomi trong lần đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam đã cho bán chiếc Xiaomi Mi Mix với giá 17 triệu đồng, không thua kém các đối thủ từ Apple, Samsung hay HTC.
Trong khi đó, giá bán của các mẫu di động tầm trung của Huawei, Oppo, Lenovo cũng liên tục nhích lên. Nếu như năm ngoái, smartphone tầm giá 5-6 triệu được xem là tâm điểm của thị trường thì năm nay, những di động tầm giá 7-10 triệu xuất hiện nhiều hơn, hứa hẹn tạo ra một cuộc chiến mới trên thị trường.
Các hãng di động này đều khẳng định đã nghiên cứu kỹ thị trường và tự tin vào mức độ thành công của mình khi nhích giá sản phẩm lên cao. Tuy nhiên, phía cửa hàng bán lẻ lại ghi nhận doanh số không quá ấn tượng cho các sản phẩm này, ít nhất ở thời điểm đầu 2017.
Đức Nam
Theo VNE
Ông chủ Oppo, Vivo hé lộ cách đả bại Apple
Duan Yongping - tỷ phú sở hữu 2 thương hiệu điện thoại Oppo và Vivo - cho biết Apple đã không thích ứng tốt tại thị trường như Trung Quốc.
Duan Yongping đã ẩn mình đủ để cho Tim Cook không biết ông là ai khi họ gặp nhau lần đầu 2 năm về trước. Hiện tại, ông chủ của Apple có lẽ đã biết rất rõ.
Duan là một tỷ phú giàu có, người sáng lập ra Oppo và Vivo - hai thương hiệu smartphone đã vượt mặt công ty lớn nhất thế giới tại Trung Quốc năm ngoái. Từng được định vị là những bản sao rẻ tiền của iPhone, 2 công ty này liên tục tăng hạng, đẩy Apple ra khỏi top 3 nhà sản xuất lớn nhất vào năm 2016.
Họ làm được điều đó bởi ông lớn smartphone Mỹ không thích ứng tốt với cạnh tranh từ thị trường nội đia, doanh nhân này chia sẻ với Bloomberg trong bài phỏng vấn đầu tiên sau 10 năm. Oppo và Vivo kết hợp những điều tưởng như vô lý, chẳng hạn thiết bị rẻ tiền với tính năng cao cấp để tìm ra công thức chiến thắng, Duan nói.
Duan Yongping rất ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ảnh: The Examiner.
"Apple không thể đánh bại chúng tôi tại Trung Quốc vì họ có lỗ hổng", ông trùm điện tử 56 tuổi nói. "Đôi khi họ cứng đầu. Họ làm rất nhiều thứ tuyệt vời, như hệ điều hành nhưng chúng tôi vượt qua họ trong những lĩnh vực khác".
Duan không đánh giá thấp Apple. Thực tế, đối thủ từ Mỹ còn là nỗi ám ảnh của ông. Ông từng là nhà đầu tư dài hơi nhãn hàng Apple và là fan của Tim Cook.
"Tôi gặp Tim Cook vài lần. Ông ta có thể không biết tôi nhưng chúng tôi đã trò chuyện một chút. Tôi rất thích ông ta", Duan nói.
Duan không ngừng viết blog về sản phẩm Apple, giá cổ phiếu và hoạt động của họ từ năm 2013, khi công ty này có giá trị bằng một nửa hiện tại. Ông cần một cái túi lớn vì ông luôn mang theo 4 thiết bị, bao gồm một chiếc iPhone làm máy chính.
Trong một bài đăng năm 2015, ông cho rằng lợi nhuận của Apple sẽ đạt 100 tỷ USD trong vòng 5 năm. Duan không chia sẻ ông mua cổ phiếu gì nhưng khẳng định phần lớn tài sản từ nước ngoài của ông gắn liền với nhà sản xuất iPhone. Ông thậm chí còn sống tại Palo Alto, dễ dàng lái xe đến trụ sở hình UFO của Apple tại Cupertino.
"Apple là một công ty phi thường. Đó là mô hình để chúng ta học hỏi", Duan nói. "Chúng tôi không có khái niệm vượt qua ai, thay vào đó là tập trung cải thiện bản thân".
Vị tỷ phú này được truyền thông Trung Quốc gọi là Warren Buffet của Trung Quốc vì sự nhạy bén đầu tư của ông. Sinh ra ở Giang Tây, Duan bắt đầu công việc của mình tại một nhà máy ống chân không, trước khi tạo nên tên tuổi bằng các thiết bị điện tử.
Miếng bánh thị trường smartphone Trung Quốc năm 2016 (số liệu của IDC).
Ông có thói quen rời bỏ những công ty của mình vào lúc chúng phát triển mạnh nhất.
Cùng chung một người sáng lập nhưng Oppo đang làm tốt hơn ở thị trường nước ngoài với các chiến dịch tiếp thị rầm rộ từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Triết lý bán hàng của họ được thực hiện rất tốt, theo Giám đốc nghiên cứu của IDC Kiranjeet Kaur.
"Các công ty này hiểu rất rõ cách làm tốt nhất với những gì họ có, một đặc sản của Duan" Nicole Peng - nhà phân tích cấp cao của Canalys nhận định. Điều quan trọng là họ hiểu được đối tượng khách hàng của mình. "Rất nhiều người trong nhóm quản lý của họ còn trẻ và làm việc tại công ty từ khi tốt nghiệp".
Năm 2001, ở tuổi 40, Duan quyết định chuyển đến California để tập trung đầu tư và làm từ thiện bằng việc mua lại một căn biệt thự của John Chambers - chủ tịch của Cisco. Tuy nhiên, sự biến đổi trên thị trường điện thoại thông minh khiến doanh nhân này không thể nghỉ hưu sớm.
"Sản xuất điện thoại không phải ý của tôi. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể làm tốt trong thị trường này", Duan chia sẻ.
Oppo và Vivo đưa ra phương pháp marketing dựa vào người nổi tiếng và mạng lưới bán hàng phủ khắp Trung Quốc. Họ tạo ra hình ảnh về những sản phẩm đẹp mắt, thu hút "thế hệ millennial" và đưa ra các thông số "có vẻ" cao cấp. Trên giấy tờ, điện thoại Oppo giờ đây vượt mặt iPhone về tốc độ sạc, bộ nhớ và tuổi thọ pin.
Oppo, Vivo tăng trưởng mạnh (riêng Oppo tăng trưởng 3 con số) trong năm 2016 trong khi nhiều đối thủ tăng trưởng âm. Đồ họa: Counterpoint.
Chiến lược này cực hiệu quả. Bộ đôi này bán hơn 147 triệu smartphone tại Trung Quốc năm 2016, so với mức 76,6 triệu của Huawei, 44,9 của Apple và 41,5 triệu của Xiaomi, theo IDC. Cả Oppo và Vivo đều tăng gấp đôi doanh số sau một năm. Trong quý IV, Oppo và Vivo đứng thứ nhất và thứ 3, kẹp giữa là Huawei.
Hai thương hiệu này cũng xếp thứ 4 và thứ 5 thế giới. Khoảng 1/4 đích đến các sản phẩm của Oppo là Ấn Độ, nơi họ kỳ vọng sẽ thiết lập chỗ đứng vững chắc trước khi Apple thực sự mạnh tay.
Duan ngày càng giữ khoảng cách của mình với 2 nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc mặc dù luôn là cổ đông lớn. Ông nói mình thích đứng ngoài ánh đèn sân khấu, với cuộc sống tại California với cô vợ nhà báo và những đứa trẻ.
Trên thực tế, ông tham dự mọi cuộc họp hội đồng nhưng khẳng định nhận hầu hết thông tin về Oppo và Vivo từ Internet để "tránh làm phiền họ".
Niềm đam mê lớn nhất của ông là đầu tư chứng khoán. Đó là lý do tại sao ông sẵn sàng trả một khoản kỷ lục là 620.100 USD để ăn trưa với Buffet.
Mặc dù Vivo và Oppo đang phát triển tốt, không có gì là chắc chắn trong một thị trường phát triển như vũ bão. Tuy nhiên, Duan khẳng định sẽ không trở thành một nhà điều hành tích cực mà để những người khác đối mặt với thách thức tiếp theo.
"Tôi đã làm rõ điều này từ nhiều năm trước. Tôi sẽ không quay lại. Nếu có vấn đề gì họ không thể khắc phục, tôi cũng vậy".
Thành Duy
Theo Zing
Xiaomi đến Việt Nam, khẳng định không theo dõi người dùng Hãng công nghệ được ví là "Apple Trung Quốc" cho rằng điện thoại của mình từng bị cài mã độc qua kênh trung gian. Người dùng mua hàng chính hãng sẽ không bị dính phần mềm độc. Tại sự kiện "Mi is here" vừa diễn ra tại TP.HCM, Xiaomi đã chính thức đặt chân vào Việt Nam. Thông qua nhà phân phối, họ...