Hết hạn cách ly vẫn chưa được xét nghiệm phải làm sao?
Hết hạn cách ly 14 ngày nhưng chúng tôi chưa có kết quả xét nghiệm, phải lưu ý gì? Hà Nội có xét nghiệm lại những người về từ Đà Nẵng không?
Bác sĩ quân y lấy mẫu xét nghiệm một người dân diện F1 tại Đà Nẵng – Ảnh: B.D.
* Chúng tôi ở TP.HCM có đến Đà Nẵng ngày 24-7, đang tự cách ly tại nhà. Có người đến hết ngày 7-8 vẫn chưa có lịch hẹn xét nghiệm, có người xét nghiệm từ 28-7 đến nay chưa biết kết quả. Xin hỏi: sau 14 ngày tự cách ly, không có triệu chứng bệnh, chúng tôi có thể đi làm được không (hay phải chờ kết quả xét nghiệm)?
- Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) trả lời: HCDC đã có văn bản tham mưu Sở Y tế TP.HCM đề xuất Ban chỉ đạo TP về việc giải quyết đối với các trường hợp không thuộc nhóm nguy cơ cao đã thực hiện tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà trên 14 ngày và không có các triệu chứng liên quan đến COVID-19.
Theo đó, những trường hợp chưa được lấy mẫu hoặc đã được lấy mẫu nhưng chưa có kết quả xét nghiệm vẫn được đi làm.
Tuy nhiên, những người này phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại nơi làm việc; không đến chỗ đông người, không tiếp xúc gần với người khác; rửa tay thường xuyên, tự theo dõi sức khỏe.
Những người này phải ghi nhận nhật ký đi lại của mình trong suốt thời gian kể từ ngày rời khỏi Đà Nẵng đến khi có kết quả xét nghiệm.
* Sau thông tin một nhân viên xe buýt tại Hà Nội dương tính sau khi xét nghiệm nhanh có kết quả âm tính, TP Hà Nội có xét nghiệm lại cho những người về từ vùng dịch không? Nếu có, việc xét nghiệm lại sẽ thực hiện như thế nào?
- Theo ông Hoàng Đức Hạnh (phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội), tính từ ngày 15 đến 28-7, có trên 74.000 người từng đi, đến Đà Nẵng và hiện đã quay lại Hà Nội, đã khai báo y tế.
Hà Nội đã thực hiện gần 72.800 xét nghiệm bằng test nhanh và trên 500 xét nghiệm Realtime PCR. Kết quả đã có 13 người dương tính trên 72.800 người được xét nghiệm bằng test nhanh, nhưng xét nghiệm lại bằng Realtime PCR thì 13/13 đều âm tính.
Tuy nhiên đã có 2 trường hợp âm tính qua xét nghiệm bằng test nhanh, nhưng xét nghiệm lại bằng PCR lại dương tính (bệnh nhân 714 và nữ bệnh nhân 30 tuổi ở huyện Phúc Thọ, vừa được xác định dương tính ngày 7-8).
Ngày 7-8, các cơ quan chuyên môn của Hà Nội đã họp bàn để thống nhất hình thức xét nghiệm lại.
Trước mắt sẽ ưu tiên xét nghiệm bằng Realtime PCR với những người từ Đà Nẵng về từ 15-7 đến nay và hiện có triệu chứng nghi nhiễm (ho, sốt…), kế đến là những người đi từ Đà Nẵng về và chưa qua 14 ngày, người tiếp xúc với người bệnh (F1)… hoạt động với công suất 500 mẫu/ngày.
Tuy nhiên ở Hà Nội còn nhiều viện, bệnh viện trung ương có thể hỗ trợ xét nghiệm nếu cần.
* Tôi có thể gửi thực phẩm cho người thân vừa được cách ly ở Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, Đà Nẵng được không?
- Ông Trần Viết Tiến (phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu) cho biết: Tại các khu cách ly đều có bộ phận hậu cần, những nhu cầu thiết yếu, yêu cầu cơ bản đều được tính toán và lo chu đáo nên mọi người không quá lo lắng mà tập trung đi gửi đồ.
Trong bối cảnh Bộ Y tế khuyến cáo đỉnh dịch ở phía trước, nên cẩn trọng, tự cách ly và hạn chế tiếp xúc là cách phòng dịch tốt nhất.
Nếu có trường hợp người bị cách ly được người nhà gửi đồ, việc tiếp nhận đều tổ chức theo quy trình phòng dịch.
Cụ thể, chúng tôi sẽ bố trí điểm tiếp nhận vòng ngoài; sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin người nhận, bộ phận hậu cần vòng ngoài tiến hành khử khuẩn rồi chuyển giao cho bộ phận hậu cần vòng trong để thông báo người cách ly đến nhận hàng ở địa điểm cố định.
Tính đến ngày 7-8, TP.HCM còn đang tồn khoảng 3.000 mẫu xét nghiệm và dự kiến sẽ giải quyết xong trong cùng ngày.
Với khoảng 13.000 người chưa được lấy mẫu xét nghiệm, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các quận huyện tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu đến ngày 9-8 và tổ chức thực hiện xét nghiệm để có kết quả chậm nhất vào ngày 11-8.
7 việc quan trọng cần làm trong thời điểm này để có thể "phá vỡ chuỗi lây truyền của COVID-19"
Hôm nay (6/8) Bộ Y tế và Văn phòng tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam đã phối hợp xây dựng một đoạn clip ngắn, khuyến cáo về "Cách phá vỡ chuỗi lây truyền của COVID-19".
Theo Bộ Y tế và WHO, cho dù bạn ở đâu hay bạn là ai, mỗi chúng ta đều có thể phá vỡ chuỗi lây truyền của COVID-19 và bảo vệ bản thân, mọi người xung quanh bằng 7 việc đơn giản sau đây:
1. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi
2. Rửa tay sạch thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi đeo khẩu trang, khi đi ra ngoài hoặc khi về nhà.
3. Tránh những nơi đông người và tránh tụ tập đông người.
4. Tránh chạm vào các bề mặt ở nơi công cộng vì chúng có thể bị bám dính vi rút từ người mắc.
5. Giữ khoảng cách khi giao tiếp xã hội, đeo khẩu trang khi giao tiếp với người khác.
6. Nếu bạn cảm thấy không khỏe, hãy ở nhà. Gọi đường dây nóng Bộ Y tế 19009095 hoặc cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Nếu kết quả xét nghiệm của bạn dương tính, hãy tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly và điều trị. Hãy cung cấp cho cán bộ y tế danh sách những người Bạn đã tiếp xúc gần đây.
7. Tuân thủ cách ly 14 ngày nếu bạn trở về từ vùng dịch hoặc từng tiếp xúc với người mắc COVID-19. Nếu bạn phải tự cách ly tại nhà, hãy tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế.
Cho dù bạn ở đâu hay bạn là ai, mỗi chúng ta đều có thể phá vỡ chuỗi lây truyền của COVID-19.
Cuối cùng, Bộ Y tế và WHO cho biết: Đại dịch COVID-19 đã và đang thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và kết nối với nhau. Đó là một thách thức, nhưng CÙNG NHAU chúng ta có thể phá vỡ chuỗi lây truyền của COVID-19.
Test nhanh âm tính, có cần cách ly nữa không? Người có kết quả test nhanh nCoV âm tính vẫn có nguy cơ đang mang virus và gây lây nhiễm, cần cách ly đủ thời gian quy định. Để phát hiện nCoV trong cơ thể một người, hiện nay có hai nhóm phương pháp xét nghiệm gồm trực tiếp và gián tiếp, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi Sức tích...