Hết đua xe trên mặt đất, con người giờ lại muốn đua trên trời: Tổ chức cuối 2020, dùng mẫu xe bay ‘viễn tưởng’ này để thi đấu
Chặng đua xe bay đầu tiên của thế kỉ 21 có thể sẽ được tổ chức ngay trong năm 2020, theo Alauda, công ty phát triển mẫu xe bay chạy bằng điện Airspeeder.
Trong nhiều thập kỷ, ý tưởng về một chiếc ô tô có thể bay được khi bị tắc đường chỉ mang tính viễn tưởng, xuất hiện trong các bộ phim đề tài tương lai của Hollywood. Tuy nhiên, sự phát triển chóng mặt của công nghệ đã dần giúp con người dần hiện thực hóa ý tưởng về một loại phương tiện vừa có thể di chuyển trên mặt đất, vừa có thể bay lượn trên bầu trời.
Liên tiếp trong vài năm gần đây, một loạt nguyên mẫu xe bay đã được trình làng trên thế giới. Nổi bật nhất trong số này có thể kể tới Airspeeder, mẫu xe bay chạy bằng điện được nghiên cứu và phát triển bởi hãng Alauda.
Lần đầu được trình làng tới công chúng vào mùa hè năm ngoái, Airspeeder có thiết kế pha trộn giữa những chiếc xe đua F1 và thiết bị bay không người lái (drone). Ở thời điểm hiện tại, Airspeeder vẫn đang tiến hành các cuộc thử nghiệm cuối cùng trước khi mẫu xe viễn tưởng này có thể tung ra thị trường.
Được biết, Alauda đã tuyển dụng các phi công của Không quân Mỹ để bay thử biến thể MK4 – phiên bản mới nhất của Airspeeder. Đáng chú ý, biến thể này cũng sẽ được sử dụng trong một chặng đua xe bay đầu tiên trên thế giới.
Theo đó, Alauda kỳ vọng giải đua xe bay Airspeeder MK4 sẽ trở thành một môn thể thao tốc độ phổ biến trong tương lai, tương tự như đua xe F1 hiện tại. Với sự kết hợp giữa thể thao và khoa học viễn tưởng, giải đua xe bay này sẽ thu hút sự quan tâm của những người mê tốc độ lẫn những game thủ đam mê e-sports.
Khi chặng đua được tổ chức, nó sẽ được phát sóng trực tiếp trên Internet để khán giả thế giới có thể theo dõi. Trong khi đó, việc theo dõi trực tiếp chặng đua sẽ chỉ giới hạn cho một số nhân vật VIP.
Airspeeder MK4 lần được được trình làng dưới dạng concept vào mùa hè năm 2019.
Được điều khiển bởi những phi công giàu kinh nghiệm, những mẫu xe bay này sẽ sử dụng cảm biến Laser Radar (hay LiDAR), công nghệ vốn thường được trang bị trên các mẫu ô tô tự lái nhằm tránh xảy va chạm giao thông.
Tốc độ tối đa của Airspeeder MK4 lên tới 241 km/h nhờ bốn động cơ cánh quạt chạy bằng điện có công suất 24 KW.
Tải trọng tối đa của Airspeeder MK4 là khoảng 100kg, đủ cho 1 phi công điều khiển.
Mỗi chiếc xe chỉ nặng khoảng 226kg. Trọng lượng siêu nhẹ kết hợp cùng động cơ mạnh mẽ giúp Airspeeder có chỉ số công suất – trọng lượng thậm chí còn tốt hơn xe đua công thức 1.
Khi chặng đua chuẩn bị được tổ chức, nhà sản xuất Alauda sẽ cung cấp cho các đội đua các trang thiết bị phần cứng của Airspeeder, cho phép các đội đua có thể tuỳ ý tinh chỉnh về mặt kĩ thuật.
Giống như đua xe F1, các chặng đua xe Airspeeds cũng sẽ có Pit Stop, khi tay lái đưa chiếc xe của mình vào điểm dừng để kiểm tra kỹ thuật. Tuy nhiên, do Airspeeder sử dụng động cơ điện, thời gian Pit Stop cũng sẽ ngắn hơn rất nhiều.
Lấy cảm hứng từ các bộ phim khoa học viễn tưởng, buồng lái của Airspeeder có thể sẽ dùng công nghệ thực tế mô phỏng để giúp các phi công dễ điều khiển hơn.
Chặng đua sẽ được sẽ được tổ chức tại sa mạc Adelaide, Úc.
Hiện tại, Airspeeder đã sẵn sàng để tiến hành thử nghiệm. Một khi các quy định phong tỏa, giãn cách xã hội tại Australia được dỡ bỏ, những chuyến bay thử nghiệm sẽ được bắt đầu.
Theo nhà sản xuất Alauda, chặng đua đầu tiên có thể được diễn ra vào cuối năm nay.
Giải đua xe bay đầu tiên thế giới sẽ được tổ chức trong năm 2020 với mẫu xe bay Airspeeder MK4
10 ứng dụng hữu ích của năng lượng mặt trời
Từ những tấm pin quang điện, con người đã thu năng lượng mặt trời, dùng trong nhiều lĩnh vực như chiếu sáng, sưởi ấm không gian, chưng cất nước, sấy nông sản và chạy các loại động cơ...
1. Đèn đường năng lượng mặt trời
Đèn đường ứng dụng pin năng lượng mặt trời không chỉ dễ lắp đặt, tạo thẩm mỹ mà còn giảm thiểu được nguy cơ tai nạn do không cần hệ thống dây điện phức tạp. Đèn đường này có thể được lắp đặt ở đường cao tốc trên cao, tại các cung đường vùng cao-sâu-xa, không có điện. Bên cạnh chức năng cung cấp ánh sáng cho tầm nhìn rõ ràng, đèn năng lượng mặt trời còn làm đẹp cảnh quan, thân thiện với môi trường.
2. Ứng dụng của pin mặt trời với nguồn điện cho thiết bị di động
Những tấm pin mặt trời được thiết kế với nhiều hình dáng, được lắp đặt bên trong những phát minh thông minh, hiện đại, điển hình như cục sạc dự phòng, balo năng lượng... để sạc các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng, laptop.... Ứng dụng hữu ích này giúp cho người sử dụng các thiết bị di động dù đi bất cứ đâu cũng không lo thiếu nguồn điện.
3. Ứng dụng pin mặt trời cho phương tiện giao thông
Phương tiện giao thông và sự di chuyển là một trong những lĩnh vực quan trọng trong đời sống. Chính vì thế, năng lượng mặt trời đã được ứng dụng ngày một nhiều, nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường cũng như sự chủ động cho con người. Hiện pin mặt trời đã được lắp đặt trên các phương tiện: ô tô, xe đạp, xe máy tàu hỏa, phi thuyền, máy bay và trực thăng...
4. Trạm xe buýt chiếu sáng tự động
Những tấm pin năng lượng mặt trời giúp trạm xe buýt thu năng lượng vào ban ngày và tự chiếu sáng vào ban đêm. Ngoài ra, nguồn năng lượng còn đảm bảo cho các hệ thống wifi hoạt động thông suốt, giúp hành khách có thể truy cập Internet miễn phí trong lúc đợi xe.
5. Trạm sạc năng lượng mặt trời
Cùng với hệ thống phương tiện giao thông, thiết bị sạc năng lượng mặt trời di động thì trạm sạc năng lượng mặt trời đã được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu sạc pin cho các thiết bị di động và các phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng mặt trời.
6. Hệ thống nước nóng từ năng lượng mặt trời
Pin năng lượng mặt trời được lắp đặt chuyển hóa từ ánh sáng sang điện sử dụng nóng lạnh trong phòng tắm hoặc nước nóng dùng trong gia đình. Đây là trở thành một ứng dụng phổ biến, đặc biệt là tại các vùng khí hậu có nhiều ánh nắng.
7. Hệ thống sưởi ấm bằng năng lượng mặt trời
Pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại các tòa nhà sẽ thu và truyền nhiệt đi bằng các thiết bị như quạt, ống dẫn, ổ cắm không khí, bộ tản nhiệt và bộ phận ghi không khí nóng... để làm nóng không gian sống của tòa nhà. Khi tòa nhà không cần được sưởi ấm, nhiệt từ bộ phận thu có thể được chuyển tới thiết bị lưu trữ.
8. Nhà sấy năng lượng mặt trời
Mô hình nhà sấy khô hoạt động theo nguyên lý hiệu ứng nhà kính, nhà sấy sử dụng các tấm hấp thụ năng lượng mặt trời, nhốt ánh sáng mặt trời làm cho mức nhiệt có thể lên tới 50-70C. Kết hợp hệ thống quạt gió đối lưu làm cho lượng khí nóng tuần hoàn mang theo hơi ẩm của nguyên liệu ra ngoài. Mô hình này hiện được đánh giá là lựa chọn tốt nhất để sấy nông sản, hải sản, các loại thịt, hoa quả.
9. Bơm năng lượng mặt trời
Năng lượng mặt trời được cung cấp điện cho động cơ bơm một cách độc lập (khi có ánh sáng) mà không cần dùng điện lưới điện lực. Khi nối với các ống dẫn nước, ứng dụng này không chỉ giúp tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường mà còn giúp giải phóng sức lao động của con người.
10. Chưng cất nước tinh khiết bằng năng lượng mặt trời
Thiết bị lọc nước sạch từ không khí đã được áp dụng lắp tại các hộ gia đình. Theo đó, những tấm pin quang điện năng lượng mặt trời sẽ thu năng lượng vào ban ngày và lưu trữ trong một viên pin lithium-ion tích hợp để duy trì áp lực nước ổn định sau khi trời tối. Lượng điện này sau đó sẽ được sử dụng để chạy một chu kỳ ngưng tụ và bốc hơi để có thể sản xuất ra nước.
Thanh Sơn
AI phát hiện chuột cũng có nhiều biểu cảm khuôn mặt như người Trí tuệ nhân tạo đã phát hiện loài chuột cũng có thể biểu đạt cảm xúc trên mặt tương tự con người, mở ra hy vọng tìm hiểu phản ứng của não người trong vấn đề này. Chuột cũng có nhiều biểu cảm trên khuôn mặt như con người Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Sinh học thần kinh Max Planck...