Hệ thống nhận diện khuôn mặt của Cảnh sát London có tỉ lệ sai lên đến… 81%
Đừng ngạc nhiên nếu bỗng nhiên bạn bị bắt khi đang dạo chơi ở Anh một ngày nào đó.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt đang được thử nghiệm bởi Cảnh sát Metropolitan được cho là có tỉ lệ sai sót đến 81%.
Theo một nghiên cứu của Đại học Essex, hệ thống này nhận diện nhầm 4 trong số 5 người vô tội là những nghi phạm bị truy nã.
Nếu bị kiện ra tòa, hệ thống này nhiều khả năng sẽ bị đưa vào danh mục “bất hợp pháp”.
Nhằm phục vụ công tác tổng hợp nên một bản báo cáo độc lập về quá trình thử nghiệm dịch vụ này của cảnh sát London, Peter Fussey và Daragh Murray đã được Đại học Essex trao cho quyền truy cập “chưa từng có tiền lệ” vào 6 trong số 10 đợt thử nghiệm tiến hành từ tháng 6/2018 đến tháng 2/2019.
Bộ đôi này đã tham gia cùng các sỹ quan làm việc trong các phòng điều khiển LFR (Live Facial Recognition – nhận diện khuôn mặt trực tiếp) và cả trên thực địa; họ còn tham dự các phiên họp và phỏng vấn, cũng như các cuộc họp lập kế hoạch.
“Báo cáo này được dựa trên quá trình tham gia mật thiết trong các quy trình liên quan sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trực tiếp của Cảnh sát Metropolitan” – đồng tác giả Fussey tuyên bố.
“Việc những vấn đề như những người liên quan đến quy trình sử dụng LFR là đối tượng bị kiểm tra, và những kết quả kiểm tra phải được công khai, là điều hợp lý” – ông nói thêm.
Những mối quan ngại chính của các nhà nghiên cứu này đều rất chính đáng.
Họ khẳng định Cảnh sát Metropolitan đã không nhận được “ủy quyền pháp lý rõ ràng” để sử dụng LFR xét theo luật nội địa, hoặc không quan tâm đến những yếu tố như bản chất xâm phạm đời tư của công nghệ hay việc sử dụng công nghệ xử lý sinh trắc học.
Thêm vào đó, hai nhà nghiên cứu cho rằng phía cảnh sát đã thiếu sót trong khâu lên kế hoạch tiền thử nghiệm và khái niệm hóa công nghệ, dẫn đến một loạt các vấn đề liên quan đến sự đồng thuận, tính hợp pháp, và niềm tin.
Trong 6 đợt thử nghiệm được đánh giá, công nghệ LFR đã đưa ra 42 kết quả trùng khớp, nhưng các tác giả nghiên cứu cho biết chỉ có 8 trong số đó là chắc chắn đúng.
“…hệ thống của Cảnh sát Metropolitan ngay từ đầu đã không được đưa vào những điều khoản về tuân thủ quyền con người, và nó cũng không phải là một phần thiết yếu của quy trình áp dụng công nghệ” – Murray nói.
Với công bố của mình, hai tác giả Murray và Fussey kêu gọi ngừng tất cả các đợt thử nghiệm LFR đang được tiến hành cho đến khi những mối quan ngại được giải quyết.
Cảnh sát Metropolitan hiện chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc.
Theo GenK
Nhận diện khuôn mặt giúp cảnh sát Trung Quốc tóm 10.000 tên tội phạm bốn năm qua
Trung Quốc rất nổi tiếng với hệ thống giám sát dựa trên khuôn mặt Skynet. Một tiết lộ mới đây cho thấy, công nghệ này đã giúp cảnh sát Trung Quốc bắt giữ hơn 10.000 tội phạm trong bốn năm qua.
Với dân số lên đến 1,4 tỷ người, việc săn lùng tội phạm ở Trung Quốc khó khăn chẳng khác nào "mò kim đáy bể". Tuy nhiên, nhờ đầu tư vào công nghệ nhận dạng khuôn mặt, lực lượng thực thi pháp luật ở đây đã gặt hái được kết quả khả quan trong việc đó.
Theo báo SCMP, Cloudwalk, một start-up có trụ sở tại Quảng Châu được chính phủ đầu tư, tuyên bố họ đã giúp cảnh sát tóm được hơn 10.000 kẻ phạm tội trong hơn bốn năm qua. Hệ thống camera giám sát dày đặc tại hơn 29 tỉnh thành, mỗi ngày thực hiện hơn 1 tỷ phép đối chiếu giữa khuôn mặt người dân với cơ sở dữ liệu của họ.
Trung Quốc tận dụng nhận diện khuôn mặt để giám sát nơi công cộng
Chưa hài lòng với kết quả hiện nay, công ty đã hợp tác với phòng nghiên cứu trực thuộc Bộ Công An, thành lập một liên doanh chuyên phân tích dữ liệu video. Mục đích là tạo ra công cụ mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ cho các cảnh sát.
Họ không phải hãng duy nhất ở Trung Quốc cung cấp công nghệ này. Đối thủ của Cloudwalk còn có SenseTime Group và Megvii, giúp xây dựng nên mạng lưới giám sát trên toàn Trung Quốc. Dự án có tên 'Skynet', theo đuổi mục tiêu chiến đấu với bọn tội phạm và cảnh báo các thảm họa tiềm năng. Hơn 20 triệu camera giám sát đã được lắp đặt tại các điểm công cộng, trong khi một dự án khác là 'Sharp Eye' được tiến hành rộng rãi ở các vùng nông thôn, theo cơ quan nhà nước.
Theo IHS Markit, thị trường camera giám sát của Trung Quốc huy động khối lượng thiết bị lên đến 176 triệu, nhiều hơn ba lần 50 triệu camera ở Hoa Kỳ. Dự kiến đến 2020, con số camera sẽ tăng lên 450 triệu.
"Nếu bạn không có gì để che giấu, bạn việc gì phải sợ?"
Cloudwalk được thành lập bởi Zhou Xi, một nhà khoa học về thị giác máy tính, vào năm 2015. Ông từng làm việc ở Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của quốc gia này. Cloudwalk bây giờ là đối tác lớn nhất về trí tuệ nhân tạo với các ngân hàng trong nước. Hơn 400 ngân hàng đều sử dụng công nghệ của họ. Lắp đặt tại các cây ATM, hệ thống thực hiện giám sát 216 triệu giao dịch mỗi ngày. Ngoài ra, nó xuất hiện tại hơn 60 sân bay trên khắp lãnh thổ Trung Quốc.
Công ty đã nhận được giúp đỡ mặt tài chính và ủng hộ của chính phủ từ trung ương đến địa phương. Họ cũng tham gia xây dựng tiêu chuẩn về nhận dạng khuôn mặt ở cấp độ quốc gia, cũng như góp mặt trong danh sách được hỗ trợ bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc.
Những bộ phim viễn tưởng đã thành hiện thực
Bắc Kinh xem nhận dạng khuôn mặt như chìa khóa để quản lý mọi mặt đời sống người dân. Từ việc quy định sử dụng giấy vệ sinh nhằm tránh lãng phí và mất cắp, ngăn chặn hiện tượng phe vé, đi bộ xuống lòng đường trái quy định, cho đến thanh toán điện tử. Năm 2017, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành 'Kế hoạch phát triển Trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo' nhằm đặt ra lộ trình ba bước, vươn tới thống trị AI năm 2030.
Start-up như Cloudwalk đã nhận được 297 triệu USD từ chính quyền thành phố Quảng Châu năm 2017, cũng như nhiều quỹ khác liên quan đến chính phủ để tăng cường nguồn tài chính. Hiện tại, họ đạt giá trị khoảng 3 tỷ USD, là một trong những "kỳ lân" của giới khởi nghiệp.
Công ty đang để mắt đến thị trường nước ngoài. Theo báo cáo, họ đã ký hợp đồng với chính phủ Zimbabwe. Mục đích xây dựng một hệ thống tài chính thông minh trong các ngân hàng, cũng như hệ thống giám sát nơi công cộng. Cùng với đó, công ty cũng sẽ xây dựng cho đất nước này một hệ cơ sở dữ liệu khuôn mặt quốc gia.
Theo VN Review
Trường học đầu tiên ở Mỹ triển khai hệ thống camera nhận diện khuôn mặt Lockport City School District, trường học tại New York (Mỹ) sẽ bắt đầu thử nghiệm hệ thống camera nhận diện khuôn mặt mang tên "Aegis" từ ngày 3/6 sắp tới. Theo Engadget, đây sẽ là nơi đầu tiên tại Mỹ triển khai hệ thống camera nhận diện khuôn mặt cho học sinh và giáo viên. Toàn bộ camera và phần mềm điều khiển...