Hệ thống ngân hàng Việt: Ổn định tài chính, duy trì huyết mạch của nền kinh tế
Sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 là môi trường thuận lợi cho ngành tài chính – ngân hàng phát triển trong năm 2019.
Kết quả kinh doanh của các TCTD tăng trưởng khả quan trong năm 2018 với lợi nhuận sau thuế ước tăng khoảng 40% so với năm 2017.
2018: Những con số ấn tượng
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ: “Tôi muốn chúc mừng sự thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc quản lý các chính sách tiền tệ và tín dụng, ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, giải quyết nợ xấu và duy trì mức dự trữ ngoại hối.
Năm 2018, chúng tôi đã chứng kiến nhiều cơ quan xếp hạng bên ngoài nâng cấp xếp hạng tín dụng Việt Nam, cả trong lĩnh vực ngân hàng và xếp hạng chủ quyền quốc gia. Những sự gia tăng xếp hạng này dựa trên sức mạnh và sự ổn định liên tục của nền kinh tế, các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng, cũng như những cải tiến không ngừng trong khung pháp lý và môi trường kinh doanh. Không ai có thể làm được điều này nếu không có sự lãnh đạo của NHNN và Chính phủ”.
Theo các số liệu vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố, tốc độ tăng lượng cung tiền M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng) và tín dụng đều có xu hướng giảm. Đến cuối năm 2018, M2/GDP ước khoảng 168%, tăng thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2012 – 2016.
Tín dụng ước tăng 14 – 15%. Tỷ lệ tín dụng/GDP khoảng 134%. Hệ số chênh lệch tín dụng/GDP tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015. Cung tiền, tín dụng đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô.
Thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2017. Trong đó, tổng tín dụng ước tăng 14 – 15% (năm 2017 tăng 17,6%), mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm gần đây, nhưng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo các TCTD báo cáo, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 16,6% tổng tín dụng của toàn hệ thống. Dư nợ cho vay phục vụ đời sống chiếm 18,8% tổng dư nợ của hệ thống TCTD.
Số liệu của các TCTD cho biết, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cuối năm 2017, xuống mức 2,4% (năm 2017 là 2,5%). Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017.
Video đang HOT
Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017 là 65,4%). Giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác.
“Một số ngân hàng thương mại đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42, hệ thống TCTD xử lý được khoảng 30% nợ xấu xác định tại thời điểm 15/8/2017″, ông Nguyễn Văn Thùy, Phó trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát cho biết.
Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư năm 2018 tăng trưởng ổn định so với năm 2017. Vốn huy động ước tăng 15% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 14,6%).
Trong đó, huy động vốn ngoại tệ tăng mạnh, khoảng 17% (năm 2017 tăng 2,1%), chiếm 9,9% tổng vốn huy động; vốn huy động VND tăng khoảng 14,3%, chiếm 90,1% tổng vốn huy động. Theo đó, thanh khoản của hệ thống TCTD ổn định, do vốn huy động tăng trưởng ổn định trong khi tín dụng tăng thấp hơn so với các năm trước.
Cuối năm 2018, tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống khoảng 87,5% (năm 2017 là 87,8%). Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân giảm còn 28,7% (năm 2017 là 30,4%). Các ngân hàng thương mại chủ động cơ cấu lại kỳ hạn huy động và cho vay để đáp ứng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn không quá 40% từ 1/1/2019.
Đặc biệt, kết quả kinh doanh của các TCTD tăng trưởng khả quan trong năm 2018. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lợi nhuận sau thuế ước tăng khoảng 40% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 52,3%).
Các chỉ tiêu sinh lời tiếp tục được cải thiện, lợi nhuận trên tài sản (ROA) ước đạt 0,9% (năm 2017 là 0,73%), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ước đạt 13,6% (năm 2017 là 11,22%). Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của hệ thống TCTD đạt 11,1% (yêu cầu tối thiểu là 8%), do vốn tự có tăng 12,2%, trong khi tổng tài sản có rủi ro tăng thấp hơn (khoảng 10,8%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản có hệ số rủi ro là 8,8% (năm 2017 là 7,8%).
2019: Áp lực đến từ thành công của 2018
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho rằng, sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 là môi trường thuận lợi cho ngành tài chính – ngân hàng phát triển trong năm 2019. Hoạt động ngân hàng chuyển dịch theo hướng ngân hàng bán lẻ do nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính cá nhân (vay tiêu dùng, thẻ, bảo hiểm…) của người dân ngày càng tăng cao.
“Nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng bùng nổ cùng xu thế thanh toán điện tử và di động toàn cầu. Điều này là phù hợp với những tác động từ cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển của khoa học – công nghệ cũng sẽ là nền tảng hỗ trợ các ngân hàng triển khai các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tiêu chí nhanh chóng, tiện lợi và an toàn cho khách hàng. Nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, nắm bắt công nghệ và xu hướng thị trường sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong việc điều chỉnh cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng bán lẻ và trẻ hóa khách hàng mục tiêu”, ông Văn nói.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều định chế tài chính nước ngoài đều cho rằng, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục phát huy vai trò động lực và định hướng phát triển cho các hoạt động của ngân hàng trong năm 2019 như Quyết định số 488 của NHNN về Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của các TCTD giai đoạn 2017 – 2020, Quyết định số 2545 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020…
“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của NHNN trong việc duy trì liên lạc và cập nhật thường xuyên về sự phát triển trong lĩnh vực ngân hàng. Điều này bao gồm ban hành kịp thời các chính sách và định hướng của Chính phủ và NHNH…”, ông Nirukt Sapru nói.
Tuy nhiên, chặng đường 2019 không chỉ toàn màu hồng. Ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định: “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ thực hiện 2 lần nâng lãi suất trong năm 2019, cùng với tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu giảm, có thể nói thị trường tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam trong năm 2019 sẽ tiếp tục khó đoán và tiềm ẩn không ít rủi ro”.
Nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại sau thời gian tăng trưởng liên tục, dẫn đến nhu cầu vốn để đầu tư và mở rộng sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ có xu hướng giảm. Tín dụng khó tăng cao cùng áp lực thực hiện Basel II buộc các ngân hàng phải chuyển hướng trong hoạt động sang tăng thu phí dịch vụ, điều này cũng cần có thời gian và lộ trình hợp lý để tránh “phản ứng ngược” từ khách hàng.
“Theo đó, sẽ là một áp lực cho năm 2019 khi các TCTD phải duy trì mức tăng trưởng tối thiểu là tương đương 2018, đặc biệt là khi các nguồn thu từ tín dụng hay nguồn thu đột biến như trái phiếu, xử lý nợ, bảo hiểm… không còn nhiều như trước”, ông Văn nhận định.
Theo Tổng giám đốc SCB, xu hướng ngân hàng số đòi hỏi các ngân hàng phải có sự đầu tư về công nghệ, yêu cầu không chỉ đáp ứng nguồn tài chính mà còn phải có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nhân lực chuyên môn cao.
Sự phát triển của các sản phẩm ứng dụng công nghệ kéo theo rủi ro về mặt an toàn hệ thống và bảo mật thông tin. Tỷ lệ tội phạm công nghệ có xu hướng tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại về tài chính và uy tín cho khách hàng.
Số người dân có tài khoản ngân hàng chiếm tỷ lệ khoảng 60,2% (thấp hơn mức trung bình của châu Á – Thái Bình Dương là 70%) cũng là thách thức với các ngân hàng trong việc đẩy mạnh các hoạt động thanh toán điện tử, phát triển sản phẩm thẻ…
Nhuệ Mẫn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
VDSC: Ngân hàng Việt có khả năng sinh lời cao hơn nhiều so với ngân hàng ngoại
Theo VDSC, tỷ suất sinh lời của cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam cao hơn rất nhiều so với những ngân hàng khác trên thế giới mặc dù năng lực nội tại của nhiều ngân hàng còn khá yếu kém.
Trong báo cáo mới đây của VDSC, công ty này đã xem xét định giá và biến động giá cổ phiếu trên một số ngân hàng ở nhiều khu vực khác nhau và cho thấy, từ đầu năm các ngân hàng Việt Nam (Vietcombank, Techcombank, BIDV, HDBank) đang có kết quả kinh doanh tốt hơn rất nhiều các ngân hàng khác trên thế giới.
Mặc dù giá cổ phiếu của các ngân hàng này đắt hơn rất nhiều nếu chúng ta định giá cổ phiếu theo tỉ số P/BV hay P/E. Trong số ít các ngân hàng lớn trong khảo sát, chỉ có duy nhất JP Morgan Chase là có tỷ suất sinh lời gần với mức của các ngân hàng Việt Nam (8%).
Đáng chú ý, cổ phiếu các ngân hàng châu Âu cho mức sinh lời kém, đặc biệt là hai ngân hàng lớn của Đức là Commerzbank và Deutsche Bank, giá cổ phiếu hai ngân hàng này giảm lần lượt 24% và 35% trong vòng 1 năm qua. "Các ngân hàng châu Âu cho mức sinh lời rất tệ, đặc biệt là hai ngân hàng lớn của Đức. Chúng tôi thừa nhận rằng định giá ngân hàng hoạt động ở các quốc gia khác nhau sẽ có phần khập khiễng, nhưng giá cổ phiếu đã nói lên tất cả!", VDSC nhận định.
VDSC cho rằng, ngành ngân hàng luôn được xem như là "phong vũ biểu" cho sức mạnh nền kinh tế, do đó diễn biến giá kém tích cực của các ngân hàng lớn toàn cầu dường như đang hàm ý rằng những thành phần tham gia thị trường đang trở nên thận trọng hơn đối với triển vọng của giá trị tài sản.
Các chuyên gia của VDSC tin rằng những chỉ số định lượng như P/BV hay RoE là nhân tố quyết định biến động giá cổ phiếu ngân hàng. Hai yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá cổ phiếu ngân hàng là các yếu tố định tính: Tầm nhìn, thể hiện bởi một kế hoạch rõ ràng theo một chiến lược hợp lý để tăng thu nhập; Niềm tin của nhà đầu tư đối với đội ngũ quản lý.
Điều này đã được minh chứng từ những trường hợp của JPMorgan, Wells Fargo và DBS trong những năm qua, khi mà các ngân hàng này thực hiện những chiến lược cải cách hoặc tăng trưởng hợp lý, trong đó có việc kiểm soát nợ xấu. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS2, nhiều bằng chứng cho thấy việc chủ động giải quyết nợ xấu là một chất xúc tác hiệu quả cho ngành ngân hàng.
Ngược lại, Deutsche Bank, ABN Amro, một số ngân hàng Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều ngân hàng khác đã bị trừng phạt vì thiếu sự hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp và thất bại trong việc chuyển sang các khu vực địa lý hoặc phân khúc sản phẩm nằm ngoài sự hiểu biết của họ.
"Trong khi đó, tại Việt Nam, xu hướng sáp nhập có thể sẽ diễn ra trong vài năm tới trong bối cảnh năng lực nội tại của nhiều ngân hàng đang tỏ ra khá yếu kém và những ngân hàng này hầu như không thể đáp ứng chuẩn Basel II. Và thực tế, ba năm trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn 10 ngân hàng cần tuân thủ Basel II vào năm 2020 nhưng cho đến nay chỉ có một số ít có thể thực hiện được ", VDSC cho biết.
Mai Hà
Theo antt.vn
'Cổ phiếu ngân hàng Việt sinh lời cao hơn nhiều nhà băng thế giới' Khảo sát của VDSC cho thấy tỷ suất sinh lời trên mỗi cổ phiếu của các nhà băng Việt hiện cao hơn rất nhiều so với ngân hàng lớn khác trên thế giới. "Tính đến hiện tại, đây là một năm không vui đối với các cổ đông của nhiều ngân hàng lớn... trừ khi họ đã đầu tư vào các ngân hàng...