Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đổi mới cách quản lý
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an đưa vào hoạt động ngày 25/2.Đây được xem là bước tiến trong quản lý dân cư tại Việt Nam.
Với vai trò là đối tác chủ trì công nghệ, Tập đoàn VNPT là đơn vị góp sức xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về dân cư) – một trong 6 cơ sở dữ liệu quan trọng của đất nước.
Thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dân cư của các cơ quan quản lý nhà nước, ngày 8/6/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 896 phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
Ngày 11/3/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 366 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án CSDLQG về dân cư. Đến ngày 20/7/2020, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an và nhà thầu liên danh VNPT-Hadic-GTEL ICT, trong đó Tập đoàn VNPT là chủ trì liên danh, tổ chức lễ phát động triển khai dự án xây dựng hệ thống CSDLQG về dân cư, đầu tư mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất.
Hệ thống CSDLQG về dân cư giúp giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh và đi lại cho công dân.
Khi đi vào vận hành, hệ thống CSDLQG về dân cư sẽ giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh và đi lại cho công dân; giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc lưu hồ sơ. Cùng với đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ được bãi bỏ, chuyển sang quản lý bằng dữ liệu điện tử, hiện thực hóa việc quản lý dân cư qua mã định danh cá nhân.
Điều này khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, đồng thời giảm kinh phí thực hiện những cuộc điều tra xã hội liên quan dân cư, giảm thiểu việc nhập, duy trì các trường thông tin trùng lặp về công dân. Đây cũng là chìa khóa giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Video đang HOT
Khẳng định vị thế trong cuộc đua chuyển đổi số
Hệ thống CSDLQG về dân cư quản lý thông tin của hơn 100 triệu người dân, phạm vi sử dụng trên cả nước với hơn 11.500 điểm từ cấp xã, huyện đến Trung ương, với hơn 40.000 người truy nhập vào hệ thống. Vì vậy, việc triển khai xây dựng hệ thống là bài toán phức tạp, đòi hỏi các bên tham gia phải có tiềm lực về công nghệ thông tin cùng kinh nghiệm triển khai các dự án mang tầm quốc gia.
Để giải bài toán này, VNPT với vai trò là chủ trì công nghệ, cùng các đối tác trong liên danh là GTEL-ICT và Hadic, nhanh chóng triển khai trong thời gian 5 tháng (từ 9/2020 đến 2/2021). Với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án trọng yếu của Chính phủ, bộ ngành và địa phương, VNPT tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất.
Trong 5 tháng, VNPT và liên danh triển khai hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống, các phần mềm ứng dụng. VNPT huy động 780 giảng viên nội bộ, tiến hành đào tạo cho hơn 23.000 cán bộ chiến sĩ công an để nắm vững nghiệp vụ quản trị, sử dụng và vận hành hiệu quả hệ thống CSDLQG về dân cư.
Các kỹ sư công nghệ của VNPT làm việc bất kể ngày đêm để dự án về đích trong thời gian ngắn nhất.
Cùng với đó, VNPT phát triển 13 phần mềm cho hệ thống CSDLQG về dân cư. Hiện tại, VNPT hoàn thành tổ chức đào tạo sử dụng 8 phần mềm ứng dụng, gồm phần mềm quản trị ứng dụng; phần mềm cư trú; phần mềm quản lý tàng thư nhân, hộ khẩu; phần mềm quản lý biến động về dân cư; phần mềm báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư; cổng thông tin dân cư; phần mềm thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư và xử lý vi phạm; phần mềm cung cấp dịch vụ dân cư.
Trong thời gian 8 tuần (từ 7/12/2020 đến 30/1/2021), VNPT hoàn thành đào tạo 550 lớp tại 63 tỉnh thành; đào tạo 23.652 học viên chiến sĩ công an về vận hành các ứng dụng trên hệ thống CSDLQG về dân cư.
Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho biết, tập đoàn cùng các đối tác trong liên danh triển khai dự án bài bản, thận trọng với những công nghệ tốt nhất, đảm bảo hệ thống tuân thủ tiêu chuẩn cấp độ 4 về an ninh, an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ.
“Với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án trọng yếu của Chính phủ, chúng tôi tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất của tập đoàn trên toàn quốc để triển khai hệ thống trong thời gian ngắn nhất”, ông Phạm Đức Long cho biết thêm.
Qua việc triển khai thành công dự án, Tập đoàn VNPT lần nữa khẳng định được vị thế, vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Những lợi ích từ việc quản lý cư trú bằng số định danh cá nhân
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021.
Theo đó xác định thay đổi quản lý cư trú từ phương thức thủ công (quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) sang phương thức quản lý dân cư bằng mã số định danh nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và cơ quan quản lý Nhà nước.
Khi tham gia các giao dịch thì công dân có thể xuất trình Căn cước công dân (có thông tin về số định danh cá nhân).
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
Theo Luật mới được thông qua, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ chấm dứt vai trò khi các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân.
Việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Việc thay đổi hình thức quản lý này không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Theo đó, khi công dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ không cần xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú mà sẽ được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân.
Việc này cũng góp phần từng bước hình thành hệ thống pháp luật theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật quy định về các vấn đề có liên quan đến thông tin, giấy tờ công dân khi giải quyết các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành theo hướng thông tin của công dân sẽ được cập nhật, khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú chỉ còn giá trị sử dụng đến cuối năm 2022.
Chỉ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính
Trên thực tế, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào vận hành hoạt động và được kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng chung thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan Nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Cụ thể, Luật Cư trú (sửa đổi) đã quy định "Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, hạn chế các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này".
Để chuẩn bị cho việc bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú (cuối năm 2022), các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú cũng đã được rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, Luật Cư trú (sửa đổi) mới thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-7-2021) cũng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến quản lý cư trú, như Luật Lý lịch tư pháp, Luật Bảo hiểm y tế...
Bên cạnh đó, khi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì công dân khi làm các thủ tục hành chính như tuyển sinh, ngân hàng, bảo hiểm, đăng ký kết hôn...và các thủ tục hành chính có liên quan sẽ được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân. Theo đó, công dân được sử dụng số định danh để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú.
Khi tham gia các giao dịch thì công dân có thể xuất trình Căn cước công dân (có thông tin về số định danh cá nhân) để cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không bắt buộc công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú.
Ngoài ra, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú đi vào vận hành thì cơ quan chức năng có nhiều hình thức khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu bảo đảm tính thông suốt, liên tục và dễ tiếp cận, dễ sử dụng, tạo thuận lợi tối đa cho công dân.
Không cho phép xe lưu thông ban đêm cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận Các cơ quan liên quan cần xây dựng và thực hiện phương án tổ chức giao thông phù hợp, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện lưu thông tạm thời tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. Tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận được chấp thuận cho phương tiện lưu thông tạm dịp Tết Nguyên đán để giảm tải Quốc...