Hệ lụy từ giá đất ‘tăng ảo’
Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, giá bất động sản vùng ven Hà Nội và các tỉnh, thành phố vệ tinh liên tục thiết lập mặt bằng mới, khiến nhiều nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình trạng “tăng giá ảo” cần được kiểm soát chặt, nếu không dễ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Theo khảo sát của batdongsan.com.vn, giá các phân khúc bất động sản (BĐS) tại một số khu vực từng là điểm nóng của thị trường BĐS Hà Nội hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới cao như tại huyện Đông Anh, giá đất gần chân cầu Nhật Tân, vị trí kinh doanh có mức giá từ 120 – 150 triệu đồng/m2; đất mặt tiền Đông Trù (xã Đông Hội) đang được rao bán từ 55 – 70 triệu đồng/m2; đất thuộc xã Nguyên Khê, ví trí mặt tiền đường hai ô tô tránh nhau cũng đang được chào bán từ 50 – 60 triệu đồng/m2… tăng tới 20 – 30% so với cuối năm 2021.
Văn phòng giao dịch BĐS mọc lên khắp nơi, kể cả trên tuyến đường đê tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên.
Hoạt động tìm kiếm, giao dịch đất nền vùng ven Hà Nội cũng đang bắt đầu sôi động ngay sau Tết Nguyên đán, nhất là tại các huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh, Sơn Tây… chạy theo thông tin quy hoạch sắp lên quận của các địa phương này và thành phố đang nghiên cứu phát triển mô hình “thành phố trong thành phố”, khiến nhiều dự án bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cả chục năm nay cũng được môi giới, quảng cáo, thổi giá đất tăng lên chóng mặt.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, hiện tượng tăng giá đất, thậm chí “sốt giá” đã xảy ra từ cuối năm 2021. Trong đó, giá đất nền tại một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như ở các vùng ven đô Hà Nội như: Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (tăng 45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%)… Thực tế, tình trạng tăng giá đất đã nhanh chóng tác động tới nhu cầu thực của người dân. Trong khi nhà đầu tư mua đất đầu cơ bỏ hoang, thì người có nhu cầu thực không thể mua được nhà, an cư…
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), so với hai năm trước, giá đất có tăng, nhưng đây là tăng do xu hướng chung. Từ năm 2020 đến nay, qua 2 năm đại dịch, nguồn cung BĐS hạn chế, nhiều dự án, khu đô thị chưa hoàn thành sản phẩm, trong khi nhu cầu cả người có nhu cầu thực lẫn đầu tư đều tăng. Nguồn cung chưa đáp ứng nguồn cầu dẫn đến việc tăng giá.
Nhiều hệ lụy
Các chuyên gia BĐS cho biết, giá BĐS tăng cao thời gian qua đã khiến khả năng mua nhà của người dân ngày càng khó khăn hơn, về lâu dài sẽ tạo ra nhiều hệ lụy và sự chênh lệch giàu nghèo. Bên cạnh đó, giá đất tăng không đúng giá trị thực đang dẫn tới nguy cơ trầm lắng cho nền kinh tế và sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát triển nhà ở giá thấp. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp, lồng ghép vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở trong thời gian tới, nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ chế cho phát triển loại hình nhà ở này.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, việc hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đô thị được đầu tư, phát triển nhanh hiện nay làm tăng giá trị của đất đai, đấy là nguyên lý của thị trường. Thế nhưng, mức tăng giá đất hiện nay đang không tương thích với mức độ tăng đầu tư. Tức là giá trị BĐS sẽ tỷ lệ thuận với việc đầu tư, nhưng trong trường hợp đầu tư 1 mà giá tăng 3 – 4 lần là bất hợp lý. Sự tăng giá mạnh của nhà đất trong thời gian ngắn có “độ ảo”, có những nơi giá tăng như “dựng đứng” không đúng với giá trị thật và tiềm ẩn nguy cơ bong bóng.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là nguồn cung các dự án khan hiếm trong khi lực cầu thị trường mạnh. Song không ít cầu “ảo” đến từ đầu cơ, không hẳn là cầu thật với nhu cầu ở thực, được đưa vào sử dụng, kinh doanh lâu dài. Các dòng vốn đang chảy vào BĐS hiện tại chủ yếu vẫn mang tính chất đầu tư tài chính ngắn hạn lấy lãi, đầu tư “lướt sóng”.
“Người đầu tư thật ít tham gia mà phần lớn là cò đất bán đi bán lại qua tay. Điều này tạo ra hiện tượng “nóng, sốt đất”, nhưng người mua thật ít. Các nhà đầu tư cũng nghe ngóng và rút kinh nghiệm từ đợt sốt đất đầu năm 2021, khi nhiều người chạy theo phong trào và đã chịu lỗ”, ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đưa ra nhận định, đầu tư vào đất đai mà mang tính đầu cơ, kiếm lời là một trong những nguy cơ, ảnh hưởng tới hoạt động của nền kinh tế trong tương lai. Ngoài ra, giá BĐS tăng còn ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ. Thị trường BĐS và tiền tệ quan hệ lưu thông với nhau, vì vậy, các dòng tiền đổ hết vào thị trường BĐS dễ gây nguy hiểm cho hệ thống tiền tệ, dẫn đến lạm phát.
Để hạn chế rủi ro cho nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nhà đầu tư cần thận trọng và xem xét bố trí nguồn vốn hợp lý, hạn chế việc đổ tiền vào BĐS, bố trí nguồn vốn hợp lý cho các lĩnh vực kinh doanh sản xuất khác.
Hoàn thiện chính sách phát triển nhà ở xã hội
Trong năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện chính sách phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) theo chương trình của Chính phủ.
Tăng cường chính sách hỗ trợ
Trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện các nhiệm vụ quan trọng về chương trình phát triển nhà ở theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ đã hoàn thành báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg (tổng số hộ được hỗ trợ khoảng 19.550/21.600 hộ (đạt 90,5%), trong đó 6/13 địa phương đã hoàn thành; 7 tỉnh còn lại tỷ lệ hoàn thành đạt trên 70%).
Năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ hỗ trợ cho phát triển NƠXH. Riêng chương trình phát triển nhà ở thu nhập thấp và công nhân tại khu công nghiệp, do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và khó khăn về nguồn vốn, nên tiến độ triển khai còn chậm. Cả nước đã hoàn thành 254 dự án (khoảng 108.800 căn, với tổng diện tích 5.440.000 m2), đang triển khai 271 dự án (khoảng 256.500 căn, với tổng diện tích 12.825.000 m2).
Hoàn thiện chính sách phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: TTXVN.
"Từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất do tập trung đông người, dẫn tới khó khăn trong việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và ổn định đời sống, việc làm. Do đó, việc đầu tư phát triển NƠXH, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất", Thứ trưởng Bộ Xây dung Nguyễn Văn Sinh cho hay.
Rà soát của Bộ Xây dựng cho thấy, thời gian gần đây, qua công tác kiểm tra, một số tỉnh, thành phố phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp tại các dự án NƠXH sử dụng không đúng mục đích, quy định, tự ý thay đổi thiết kế công trình, không đúng đối tượng mua, thuê NƠXH. Ngoài ra, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, giao Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến NƠXH, nhà ở cho công nhân.
Trên cơ sở đó, trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ tập trung: Tăng cường nghiên cứu, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu đề xuất và thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH, nhà ở cho công nhân theo Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ...
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, rà soát, tổng hợp công bố thông tin về nhà ở và thị trường Bất dobgj dảm toàn quốc theo quy định. Phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương kiểm soát, quản lý, nhằm đảm bảo thị trường nhà đất phát triển ổn định, lành mạnh.
Sửa luật sát thực tế
Việc đầu tư phát triển NƠXH công nhân khu công nghiệp là giải pháp cần thiết để phục hồi sản xuất và kinh tế. Luật Nhà ở sửa đổi tới đây nếu được Quốc hội thông qua sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, hỗ trợ nhà ở theo cơ chế, chính sách mới, nhất là NƠXH cho người có thu nhập thấp.
Luật Nhà ở sửa đổi tới đây sẽ bổ sung các quy định liên quan đến quỹ đất dành để phát triển NƠXH như: Bổ sung quy định quỹ đất dành để xây dựng NOXH được xác định ngay khi lập và phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng; bổ sung quy định tỷ lệ quỹ đất dành để làm NOXH do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; điều kiện địa lý và nhu cầu nhà ở thực tế của người dân... đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách, về đất đai và các pháp luật khác có liên quan.
Còn theo ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), những chính sách mới bổ sung sẽ thúc đẩy nguồn cung NƠXH, tăng thu ngân sách Nhà nước, phát triển mô hình khu đô thị NƠXH tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; khắc phục được tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, sử dụng đất đô thị không hiệu quả, chia nhỏ dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư; đồng thời, giảm bớt chi phí về nhà ở cho người dân khi nơi ở và nơi làm việc có sự gắn kết, các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ.
"Những chính sách mới thay đổi trong Luật Nhà ở sửa đổi tới đây sẽ thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực nhà ở nói chung và kinh tế địa phương nói riêng. Khuyến khích đầu tư của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế vào phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Đồng thời, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước, nhất là các đối tượng là công nhân khu công nghiệp, người lao động tại các ngành nghề thuộc lực lượng vũ trang chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt thòi trong những thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh...", đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho hay.
Để đẩy mạnh phát triển NƠXH cho công nhân, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách NƠXH trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 với gói tín dụng 65.000 tỷ đồng và đề xuất các chính sách "mở đường" cho nhà ở công nhân như: Chính phủ giao UBND cấp tỉnh, thành phố bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân.
Đất cuối năm lại lên 'cơn sốt' Thời gian gần đây, giá đất lại tăng chóng mặt, theo các chuyên gia, nguyên nhân là do khan hiếm nguồn cung và có hiện tượng đầu cơ, găm hàng. Các nhà đầu tư đang bắt đầu quay lại thị trường săn lùng đất nền, khiến nhiều vùng ven Hà Nội và các địa phương lên cơn "sốt đất". Giá đất "lên đồng"...