Hé lộ nguyên nhân sâu xa khiến Jose Mourinho bị MU sa thải
Sau vô vàn tranh cãi, bĩ cực kèm theo kết quả kém cỏi trên sân cỏ cùng mâu thuẫn trong phòng thay đồ, huấn luyện viên Jose Mourinho đã bị MU sa thải vào ngày 18/12.
Trên ESPN, cây bút Rob Dawson có góc nhìn lý giải việc vì sao HLV Mourinho bị sa thải thông qua bài viết “Câu chuyện đằng sau hành trình Mourinho bị bóc trần tại MU”, Zing.vn xin lược dịch và gửi đến độc giả.
Triều đại của HLV Jose Mourinho tại Old Trafford bắt đầu lung lay từ đầu hè 2018, nhưng không khí về sự sợ hãi và hoảng loạn lan truyền đi từ trước đó. Nó ảnh hưởng tới những thứ nhỏ nhất tại Old Trafford, dù rằng không phải điều gì trong số đó cũng gắn với sân cỏ.
“Họ sẽ sa thải tôi nếu biết cuộc hẹn này”, đó là điều đầu tiên mà một thành viên giấu tên của MU nói với báo giới trong cuộc hẹn kín tại một quán bia nhỏ tại Cheshire, thay vì ở trung tâm thành phố vì lo lắng HLV Mourinho có thể phát hiện. Nhân vật này đã bị sa thải sau đó.
Sau cùng, việc bổ nhiệm Mourinho vào tháng 6/2016, một nỗ lực của ban lãnh đạo MU để xóa tan đi mây mờ sau kỷ nguyên hậu Sir Alex Ferguson đã thất bại, thậm chí còn kết thúc một cách quá sức độc hại tới mức buộc Phó chủ tịch Ed Woodward và nhà Glazers phải lộ diện.
Mourinho đã bị MU sa thải. Ảnh: Gett Images.
Mâu thuẫn chuyển nhượng
HLV Mourinho tin rằng vị trí thứ hai tại Premier League mùa trước đã tạo ra những ảo giác nhất định về sự hài lòng của ban lãnh đạo tới lực lượng của CLB và từ đó coi nhẹ chuyện tăng cường nhân sự.
Jose Mourinho đã đưa ra những tài liệu rất rõ ràng về việc MU phải mua ai, tăng cường vị trí nào trong đội hình thông qua những băng hình phân tích, những báo cáo của đội ngũ tuyển trạch lẫn khối lượng dữ liệu khổng lồ mà ông có, song trong những cuộc họp với ban lãnh đạo, HLV Mourinho không được nhận được sự ủng hộ từ đội ngũ thượng tầng.
Ban lãnh đạo MU lựa chọn nhân sự theo cách của riêng họ, và đó không phải những người mà nhà cầm quân người Bồ Đào Nha muốn. Thậm chí, vào tháng 7, khi MU chi ra 50 triệu bảng để mang Fred về sân Old Trafford, thì HLV Mourinho vẫn nhấn mạnh rằng đây sẽ là mùa giải “khó khăn” với “Quỷ đỏ” Manchester.
HLV Mourinho từng bày tỏ không ít lần sự bĩ cực với công tác chuyển nhượng của MU.
HLV Mourinho cũng nhấn mạnh mọi thứ có thể còn tệ hơn nếu ông không có được trung vệ như Harry Maguire, người mà không ai trong tổng số 52 tuyển trạch viên (scout) của MU nhận ra khi tuyển thủ Anh mới một vài năm trước đó vẫn còn chơi cho Hull City. HLV Mourinho cũng bị ban lãnh đạo ngăn cản việc đẩy đi Anthony Martial khi khẳng định tiền đạo người Pháp “không phải để bán”.
Ngay từ lúc đó, HLV Mourinho và ban lãnh đạo MU không còn nhìn về một hướng. Mối quan hệ giữa “Người đặc biệt” với các cầu thủ cũng ngày một trở nên lạnh nhạt. Qua truyền thông, ban lãnh đạo MU đưa ra thông điệp rất rõ ràng rằng Mourinho đã được cấp 400 triệu bảng để mua 11 cầu thủ kể từ khi nhậm chức, và đó đều được cho là người mà Mourinho muốn. Còn Mourinho thì bận bịu với những chỉ trích về việc CLB đã không duy trì cam kết hậu thuẫn về tài chính cũng như chiến lược để MU tụt lại so với Man City hay Liverpool.
Những phóng viên được cho là nghe thấy Mourinho thét lớn “Thật rác rưởi” trong khách sạn Miami sau khi nhận được cuộc điện thoại thông báo từ Phó chủ tịch Ed Woodward rằng MU sẽ không thể mua Jerome Boateng từ Bayern Munich vì tiền sử chấn thương. Chuyến du đấu mùa hè chuẩn bị cho mùa giải mới của MU đã kết thúc như thế, báo hiệu cho chiếc thuyền với vị tướng người Bồ Đào Nha có thể chìm bất kỳ lúc nào.
Video đang HOT
Jose Mourinho có mâu thuẫn nặng nề với Phó chủ tịch Ed Woodward cùng ngôi sao Paul Pogba.
HLV Mourinho đơn giản là không hợp với MU
Jose Mourinho luôn cho thấy cảm giác rằng ông không thực sự muốn có mặt tại MU vào thời điểm này. MU từng là giấc mơ trong sự nghiệp của Mourinho, nhưng người đàn ông cá tính, lạnh lùng từng xuất hiện tại Chelsea vào năm 2004 tuyệt đối không còn hiện hữu trong Jose Mourinho 2016
“Chúng ta xong rồi chứ nhỉ?”, HLV Mourinho tỏ ra vội vã như thế trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị HLV trưởng MU tại Thượng Hải. Ông nói rằng mình không có nhiều thời gian trước buổi tập và rời đi.
Khoảng 10 phóng viên trong phòng họp báo đã tưởng HLV Mourinho đùa, nhưng không phải, Những tiếng cười nhanh chóng trở thành sự bối rối, và người phụ trách của MU phải đưa HLV Mourinho trở lại để hoàn tất cuộc họp báo.
HLV Mourinho chưa từng thích việc ngồi ghế huấn luyện tại sân Old Trafford.
Thời gian của HLV Mourinho tại Manchester gắn liền với hình ảnh ngồi một mình trong nhà hàng tại khách sạn Lowry ở Salford, “nhà” của ông trong hai năm rưỡi gắn bó với MU. Sau thời gian tại đó và ở CLB, Jose Mourinho luôn quay trở về nhà chính của ông tại London qua đường tàu để gặp mặt vợ con một cách thường xuyên.
HLV Mourinho muốn cho thấy ông buộc phải có cam kết với MU, và thậm chí ông từng bị đồn là phao tin cho tờ Manchester Evening News viết bài rằng ông chăm chỉ như thế nào khi chưa từng lỡ buổi tập nào của MU mà vẫn có thể về thăm nhà thường xuyên.
Nhưng điều khiến Mourinho khó chịu nhất tại MU phải là việc không nắm trong tay quyền kiểm soát mọi thứ. Hồi đầu năm 2017, HLV Mourinho nổi điên khi đội hình dự kiến của ông trước Man City với Rashford, Lukaku và Martial cùng xuất phát bằng cách nào đó bị lộ ra truyền thông trước đó 24 tiếng.
MU thua trận 1-2, và HLV Mourinho lý giải cho thất bại bằng việc khẳng định Pep đã biết trước kế hoạch của mình. Sau đó, Jose Mourinho yêu cầu bộ sậu tìm bằng được kẻ tuồn thông tin ra bên ngoài nhưng thất bại. Hồi tháng 10, đội hình xuất phát của MU trong trận hòa 2-2 trước Chelsea cũng bị tuồn ra ngoài trước 24 tiếng, và một lần nữa Jose Mourinho đã nổi điên.
Trong phòng thay đồ, HLV Mourinho từng tước băng đội trưởng của Pogba hồi tháng 9, ngôi sao đắt giá nhất cả đội và được cho là ép Luke Shaw hay Martial phải ra đi, trực tiếp tạo ra cuộc khủng hoảng niềm tin trong phòng thay đồ.
Những kết quả nghèo nàn trên cả sân cỏ lẫn thị trường chuyển nhượng cùng thứ bóng đá thiếu sức sống có thể tạo ra cảm giác về một Mourinho coi mình lớn hơn CLB. Điều này kéo theo hệ quả là hồi tháng 9, ban lãnh đạo MU từ chối đưa ra bất kỳ sự đảm bảo nào về tương lai của Mourinho sau khi có những tin đồn ông sẽ chuyển tới PSG.
Thành tích của Mourinho tại MU trong 2,5 năm.
Sau trận thua West Ham 1-3 hồi tháng 9, những tin đồn về việc Zinedine Zidane tới thế chỗ Mourinho tới Old Trafford lớn đến mức người đại diện kín tiếng Jogre Mendes phải đứng ra đảm bảo rằng mọi thứ vẫn đang ổn.
Nhưng Mendes không thể bảo vệ Mourinho mãi. Những nguồn tin riêng của ESPN nói rằng sau khi sa thải nhà cầm quân người Bồ Đào Nha, BLĐ MU cùng HLV tạm quyền thay Mourinho có thể biến MU trở lại thành một tập thể và kéo người hâm mộ trở lại.
Một số cầu thủ MU được cho là đã “sốc” khi nghe tin Mourinho bị sa thải, nhưng cảm giác chung được cho là “được giải thoát”. Mọi căng thẳng sau cùng cũng đã đi cùng nhà cầm quân người Bồ khỏi Old Trafford.
Theo Báo Mới
Jose Mourinho, nạn nhân 'chết chìm' trên con tàu lạc hậu
Vị HLV người Bồ Đào Nha đơn giản chỉ là nạn nhân của vòng xoáy khắc nghiệt trong bóng đá hiện đại.
Khi sức sáng tạo đã cùn, nguồn nội lực trở nên cạn kiệt và khiến con người ta không thể tái tạo, một chiến lược gia tài năng như Jose Mourinho cũng chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Đến cuối cùng, Mourinho đã rời Manchester United. Vào dòng thông báo ngắn ngủi trên trang chủ CLB nói lên tất cả. "Một con thuyền không hạnh phúc", nhà báo gạo cội Phil McNulty, người phụ trách mục bóng đá của trang BBC Sport viết.
Mourinho không còn tiếng nói với cầu thủ.
Mourinho không thể cứu được MU
Thất bại 1-3 tại Premier League trước Liverpool không đơn giản chỉ là sự khẳng định về một mùa giải thất bại nữa của Manchester United. Nó còn cho thấy những bất ổn mang tính hệ thống của "Quỷ đỏ" dưới bàn tay của Mourinho. Những bất ổn đến từ chính con người vị chiến lược gia từng tự nhận mình là "Người đặc biệt".
Man Utd đang có khởi đầu mùa giải tệ nhất kể từ 1990/91. Lần đầu tiên trong lịch sử CLB, chỉ sau 17 vòng đấu, họ đã kém đại kình địch Liverpool tới 19 điểm trên bảng xếp hạng.
Một bước lùi khác của Mou-United là việc họ đã để lọt lưới tới 29 bàn chỉ sau 17 vòng. Mùa trước, Mou-United để thủng lưới 28 bàn sau 38 vòng.
Với một HLV từng coi mình là "bậc thầy" trong nghệ phòng ngự, Mourinho dường như đang chết chìm trên con tàu không hạnh phúc M.U. Ngay cả trong cái cách ông sử dụng "nghệ thuật hắc ám" - thứ từng làm nên tên tuổi của mình, Mourinho cũng cho thấy sự bấn loạn.
Những cuộc họp báo trước và sau trận đấu không còn là nơi để ông thể hiện "thứ nghệ thuật hắc ám" từng làm nên tên tuổi nữa. Ông chỉ trích vô tội vạ các học trò, gọi họ là "những đứa trẻ hư hỏng", "thiếu phẩm chất chơi cho Man Utd"...
Nỗ lực của Mourinho bất thành.
Trên tờ The Guardian, cây viết lão làng Jonathan Wilson nhấn mạnh đến chi tiết Mourinho "đã phải thừa nhận rằng đội bóng của mình không thể đối phó với một đội bóng mạnh mẽ và tràn đầy hưng phấn như Liverpool".
Thất bại trước Liverpool ở Anfield, Mourinho không còn thể nói "chúng tôi ghi cả 4 bàn trong một trận đấu, nhưng vẫn phải hòa 2-2" như trong trận gặp Arsenal trước đó nữa.
Năm thứ ba ở Old Trafford, Mourinho có thể đã đi tới điểm cùng của sự nghiệp. Tờ The Guardian đã mô tả trạng thái của HLV này ở Manchester United giống như "một HLV tung cục xúc xắc lên trời và chờ đợi may mắn".
Sẽ là khiên cưỡng nếu nói rằng Mourinho không chịu nổi áp lực, nhưng rõ ràng HLV người Bồ Đào Nha dường như đã "bất lực" trong suốt quãng thời gian ở Manchester United.
Vòng xoáy khắc nghiệt của bóng đá hiện đại không chừa một ai, và những sợi tóc bạc trên khuôn mặt hoang mang của Mourinho nhiều năm qua nói lên điều đó.
Rời MU có thể tốt cho Mourinho?
Mourinho đã bị sa thải. Điều đó có thể tốt cho ông lúc này. Khi mà HLV người Bồ Đào Nha đã xoay đủ mọi hướng, tuy nhiên vẫn chết chìm ở hai con tàu Chelsea và Manchester United, dù có nhiều thời điểm được ủng hộ vô điều kiện, cần hiểu rằng Mourinho cần tái tạo.
Nên nhớ rằng kể từ khi bắt đầu gây tiếng vang ở Porto vào năm 2004, Mourinho đã không có quãng nghỉ nào trong sự nghiệp. Ông đã kinh qua Chelsea trong kỷ nguyên đầu của Chủ tịch Roman Abramovich, cùng Inter Milan gần như đối đầu với cả Italy, hay những cuộc xào xáo nội bộ ở Real Madrid.
Mourinho rời MU như một cuộc chia tay được báo trước.
Năm 2012, sau khi rời Barcelona, Pep Guardiola đã thừa nhận "ông cần thời gian nghỉ ngơi" bởi sự khắc nghiệt của nghề làm HLV. Ông nghỉ hẳn một năm trước khi trở lại cùng Bayern Munich.
Tương tự Pep Guardiola, HLV Jurgen Klopp cũng từng thừa nhận cần nghỉ ngơi sau khi đạt tới hạn cùng Dortmund vào năm 2015, trước khi trở lại cùng Liverpool vào năm 2016.
HLV Arsene Wenger, trong một bài phát biểu hồi tháng 6/2016, từng bày tỏ sự "không hiểu nổi" về độ yếu đuối của các HLV trẻ như Klopp hay Guardiola. Nhưng quãng thời gian nghỉ vừa qua sau khi rời Arsenal, HLV người Pháp hẳn thấm thía điều này.
Cả Klopp (51 tuổi) và Pep Guardiola (47 tuổi) đều trẻ hơn Mourinho (55 tuổi), và có tuổi nghề ngắn hơn Mourinho, nhưng có thời điểm họ cảm thấy thật sự khó khăn.
Đó liệu có phải là một bước lùi trong sự nghiệp của Mourinho? Có thể. Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, đôi khi bước lùi đó lại có thể giúp HLV này tiếp tục sự nghiệp tốt hơn.
Theo Báo Mới
Chính Ed Woodward là thủ phạm gây khủng hoảng ở Man United HLV Jose Mourinho đã bị sa thải. Quá dễ để đổ hết trách nhiệm cho sự sụp đổ của Manchester United lên đầu 'Người đặc biệt'. Nhưng tội đồ thực tế là Phó chủ tịch Ed Woodward. Rốt cuộc thì Jose Mourinho đã bị sa thải. Lướt nhanh một vòng các mặt báo Anh chúng ta có thể tìm ra 1.001 lý do...