Hệ điều hành 64-bit: Hiện đại chưa hẳn đã hay!
“Càng mới càng tốt” – đó là suy nghĩ chung của đa số người tiêu dùng hiện nay, cả về máy tính nói riêng và đồ điện tử nói chung. Tuy nhiên, nếu hiểu kĩ hơn về những thứ đang sử dụng, bạn sẽ nhận ra điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Không phải vô lý mà nhiều người hiện vẫn trung thành với các hệ điều hành 32-bit như Windows XP hay tân tiến hơn một chút là Windows 7 32-bit. Lý do đầu tiên phải kể đến là phần cứng. Các máy tính cá nhân (còn tồn tại) đến ngày nay chủ yếu sử dụng các bộ xử lý 64-bit (mã x64 – Core i5 chẳng hạn) hoặc 32-bit (mã x86). Trong khi phần cứng x64 có khả năng tương thích ngược rất ổn định với hệ điều hành 32-bit, thì chúng ta không thể chạy hệ điều hành 64-bit trên phần cứng 32-bit. Do vậy, nếu bạn đang sử dụng một bộ máy thuộc loại khủng cách đây khoảng 7 năm, đừng quá thắc mắc khi Windows 7 64-bit không cho phép cài đặt.
Thế nhưng ngay cả khi đáp ứng được điều này, nhiều chuyên gia máy tính vẫn khuyên chúng ta đừng quá ham hố các hệ điều hành 64-bit. Lý do vì sao? Trước tiên hãy cùng nhìn qua về ưu điểm của các hệ điều hành mới này.
Ưu điểm rõ rệt nhất mà đa số người dùng máy tính đều biết chính là khả năng nhận RAM. Nếu có nhu cầu sử dụng nhiều hơn 4 GB bộ nhớ trong, chắc chắn bạn sẽ phải tìm đến hệ điều hành 64-bit. Điều này cũng khá phổ biến trong nhiều máy tính chơi game và làm việc hiện nay. Ngoài ra thì hệ điều hành 64-bit cũng chịu “nhả” RAM cho ứng dụng nhiều hơn. Theo kinh nghiệm người dùng, hệ điều hành 32-bit chỉ chịu cấp RAM tối đa 1,4 GB cho ứng dụng, sau đó sẽ dùng đến page-file dù RAM vẫn còn khá dư dả (page-file là không gian ổ cứng thay thế, mà ổ cứng thì có tốc độ chậm hơn RAM nhiều lần).
Kết quả nếu bạn cần chạy các tác vụ nặng và cần nhiều RAM như render, khả năng lag treo sẽ lớn hơn trên hệ điều hành 64-bit. Tất nhiên điều kiện cần để khai thác lợi thế này là hệ thống phải có nhiều RAM đã. Hơn nữa sự “hào phóng” này sẽ phản tác dụng trong trường hợp máy tính chỉ được trang bị ít RAM (2 GB và thấp hơn).
Điểm vượt trội thứ 2 là tốc độ: các ứng dụng native 64-bit chạy nhanh hơn ứng dụng 32-bit rất nhiều. Thế nhưng tôi tin chắc rằng có rất rất ít độc giả đang đọc từng tiếp xúc với các ứng dụng này bởi số lượng của chúng cực kỳ ít, và đa số chẳng hề phục vụ các nhu cầu của người dùng cơ bản (game, office, giải trí HD… hay thậm chí cả render). Bản thân việc lập trình ra các ứng dụng này cũng chẳng hề đơn giản, đến mức Microsoft từng phải khuyên người tiêu dùng không nên sử dụng bộ sản phẩm Office 2010 64-bit của họ do… quá nặng nề và nhiều lỗi. Chỉ có các kĩ sư – những người có khả năng tự lập trình & thiết kế phần mềm phục vụ nhu cầu công việc của mình – mới được hưởng lợi rõ rệt nhất.
Ngoài 2 ưu điểm trên (mà ưu điểm thứ 2 cực… khó hưởng), các hệ điều hành 64-bit lại vẫn tồn tại một vài thiếu sót khó chịu. Thứ nhất là tính tương thích: Mặc dù phần lớn các ứng dụng và phần mềm 32-bit đều chạy trơn tru trong môi trường 64-bit, nhưng vẫn có một lượng nhỏ tiện ích đòi hỏi làm việc kết hợp với các thành phần khác trong hệ thống. Nếu các thành phần này đã được lập trình lại thành 64-bit, chúng sẽ không còn hợp tác trơn tru với nhau nữa.
Lỗi khó chịu thi thoảng phát sinh.
Video đang HOT
Lấy ví dụ là Unikey – phần mềm cực quan trọng đối với người dùng Việt Nam. Phải rất lâu sau khi Windows 7 ra mắt (trước đó đã có Windows Vista), phiên bản Unikey 64-bit mới được tung ra. Trong suốt một khoảng thời gian dài đó người dùng Windows 64-bit phải chịu sống chung với rất nhiều lỗi khi thao tác văn bản. Điều tương tự cũng xảy ra với WarCraft III HP View Helper – tiện ích “ruột” của nhiều game thủ WarCraft III. Đối với các Ocer, phần mềm “tủ” ép xung card đồ họa MSI AfterBurner (và các phần mềm nền Riva Tuner khác) cũng không hỗ trợ theo dõi thông số (xung nhịp, nhiệt độ, khung hình/s…) trên các game 64-bit như Half-Life 2 64-bit hay Crysis 64-bit.
MSI AfterBurner không hỗ trợ native 64-bit.
Thứ 2, chúng ta cũng không thể chạy các chương trình nền 16-bit Windows (và DOS) nếu đang sử dụng hệ điều hành 64-bit. Tuy nhiên điều này cũng chỉ gây chút ít khó khăn cho các lập trình viên và các vọc sĩ, còn người dùng thông thường thì chẳng gặp vấn đề gì.
Tổng kết lại, đối với người dùng thông thường như chúng ta, hệ điều hành dường như chỉ phù hợp trong trường hợp hệ thống của bạn có nhiều hơn 4 GB RAM. Nếu không hãy gác ham muốn “thời thượng” sang một bên và hướng tới các hệ điều hành 32-bit, Windows 7 32-bit chẳng hạn.
Theo Bưu Điện VN
Tìm hiểu về Windows 32 bit và 64 bit
Điện toán 64-bit đã ra đời cách đây khá lâu nhưng chỉ trong vòng vài năm gần đây mới trở nên phổ biến nhờ sự ra đời của Windows 7 64-bit. Điều gì khiến cho hệ điều hành này hấp dẫn như vậy?
Trước khi xem Windows 64-bit mang lại những lợi ích gì chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua về kiến trúc 64-bit.
Bên trong CPU có một bộ phận gọi là các thanh ghi (register), các thanh này có nhiệm vụ chứa các dữ liệu mà CPU cần để xử lý (kết quả của các phép toán logic, địa chỉ 1 ô nhớ, ...). CPU 32-bit nghĩa là độ rộng của các thanh ghi bên trong CPU là 32-bit. Với thanh ghi có độ rộng 32-bit, CPU có thể quản lý được 2 mũ 32 địa chỉ tương đương với khả năng quản lý hơn 3GB RAM.Còn những CPU 64-bit con số này là 2 mũ 64 tương đương với hơn 17 tỉ GB RAM.
Đến đây, chắc bạn đã phần nào hiểu được sự khác nhau giữa kiến trúc 32-bit và 64-bit, bây giờ chúng ta cùng xem xem lợi ích cũng như hạn chế mà một hệ thống 64-bit mang lại.
Ưu điểm
Nhận và sử dụng nhiều hơn 4GB RAM
Như đã phân tích ở trên, hệ điều hành 32-bit nói chung và Windows nói riêng chỉ có thể hỗ trợ được tối đa 4GB RAM (trên thực tế bạn chỉ có thể sử dụng hơn 3GB một chút), còn với hệ điều hành 64-bit, con số này lớn hơn rất nhiều. Hiện tại thì phiên bản Windows 7 Home đang giới hạn ở 16GB RAM, còn phiên bản Profesional và Ultimate thì nhiều hơn, hỗ trợ tới 192GB.
Năng suất làm việc cao hơn
Không chỉ cho phép hệ điều hành sử dụng nhiều bộ nhớ hơn, mà bộ nhớ của máy còn được sử dụng hiệu quả hơn nhờ các thanh ghi có độ rộng tới 64-bit và tình trạng ngốn bộ nhớ cũng ít khi xảy ra nhờ cơ chế phân phối bộ nhớ của Windows 64-bit. Việc sử dụng lượng bộ nhớ RAM trên hệ thống 64-bit sẽ hiệu quả hơn so với 32-bit rất nhiều.
Tăng khả năng phân phối bộ nhớ cho từng ứng dụng
Windows 32-bit bị giới hạn lượng RAM cấp phát cho 1 ứng dụng (tối đa là 2GB). Những ứng dụng chính sửa ảnh, video hay ứng dụng tạo máy ảo đều ngốn rất nhiều RAM nên việc thiếu bộ nhớ khi sử dụng những chương trình này là thường xuyên gặp phải. Windows 64-bit không gặp phải hạn chế này vì lượng RAM tối đa trên lý thuyết có thể cấp phát cho 1 ứng dụng đơn là 8 TB (8000 GB), quá thừa thãi ở thời điểm hiện tại. Các ứng dụng được tối ưu hóa cho 64-bit như Photoshop hoạt động rất nhanh và tận dụng được hết khả năng của CPU.
Lợi ích mà hệ điều hành 64-bit mang lại quả thật rất lớn nhưng bên cạnh đó cũng có một số hạn chế.
Nhược điểm
Nhiều thiết bị phần cứng và phần mềm cũ không tương thích với hệ điều hành 64-bit
Đây là hạn chế rõ nhất của các hệ điều hành 64-bit, với những thiết bị được sản xuất trong vòng vài năm trở lại đây thì vấn đề này không lớn lắm vì bạn có thể cập nhật driver cho hệ điều hành 64-bit nhưng nếu nhà sản xuất không hỗ trợ cho thiết bị đó nữa thì bạn chẳng còn cách nào khác ngoài việc đi mua mới.
Đối với phần mềm cũng tương tự, 1 số chương trình được viết cho hệ điều hành 32-bit không thể chạy trên nền 64-bit nếu không có các bản patch từ nhà phát triển. Bạn có thể giả lập hệ điều hành 32-bit để chạy chúng nhưng việc này xem ra không mấy hiệu quả. Đối với các Game cũ thì không chạy được trên nền 64-bit cũng là đương nhiên và hiếm có nhà sản xuất nào tung ra bản patch 64-bit cho 1 game đã ra đời cả chục năm(như Halo:Combat Evolved chẳng hạn).
Chưa kể đến việc 1 số chương trình có phiên bản dành cho 64-bit tuy nhiên những phần mở rộng cho chương trình đó thì lại không, ví dụ điển hình trình duyệt Firefox có rất nhiều plugin phong phú nhưng khi chuyển lên hệ điều hành 64-bit thì những plugin này lại không được hỗ trợ hoặc chưa kịp phát triển.
Tuy nhiên những nhược điểm trên có lẽ chỉ thể hiện rõ trên Windows XP 64 bit và Vista 64 bit còn phiên bản 64 bit của Windows 7 đã khắc phục phần lớn vấn đề tương thích nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi cài đặt.
Những CPU hỗ trợ tập lệnh 64-bit
Hầu hết các CPU mới hiện nay có thể cài đặt Windows 7 đều hỗ trợ tập lệnh 64-bit nhưng để chắc chắn thì bạn có thể sử dụng phần mềm miễn phí CPU-Z để kiểm tra:
Ở mục Instructions nếu có tập lệnh EM64T (với CPU AMD là x86-64) thì bạn có thể yên tâm là CPU có hỗ trợ tập lênh 64 bit.
Tham khảo: How To Geek
Theo PLXH