HĐH Android và những câu chuyện “hậu trường”
Ai cũng biết đến Android, hệ điều hành di động số một nhưng ít ai biết đến sự phát triển của nó.
Androi hiện đang là hệ điều hành di động số một cho điện thoại và máy tính bảng, thành công của nó bao gồm rất nhiều nhân tố. Hiện nay nó được phát triển bởi liên minh OHA (Open Handset Alliance) bao gồm 84 công ty sản xuất các thiết bị di động được dẫn đầu bởi Google. Chỉ trong một thời gian ngắn mà Android có những thay đổi vượt bậc và trở thành nền tảng di động bán chạy nhất trên thế giới.
Android được phát triển từ bộ nhân Linux đã được sửa đổi. Giao diện lập trình ứng dụng của nó được viết trên ngôn ngữ C còn khung ứng dụng được dựa trên Apache Harmony, một ứng dụng mã nguồn mở của Java. Chính vì thế mà hầu hết các ứng dụng dành cho Android được lập trình bằng Java.
Tiền thân của Android là của một công ty mẹ cùng tên được thành lập vào năm 2003 nhưng sau đó vì lý do phát triển không hiệu quả nên đã được Google mua lại vào năm 2005. Ngay sau khi sở hữu Android, Google đã nhanh chóng tổ chức một đội ngũ các nhà phát triển làm việc trên nền tảng điện thoại di động và Android bắt đầu phát triển từ đây.
Với tham vọng của mình, Google đã tìm cách phát triển một hệ điều hành di động dễ sử dụng, linh hoạt, có độ tùy biến cao và trên hết đó là mã nguồn mở. Android đã được phân phối cho các nhà sản xuất phần cứng và các nhà phát triển ứng dụng trên toàn thế giới. Google đã có một nước đi đúng đắn vì xét cho cùng đầu tư và phát triển một nền tảng mã nguồn mở là điều mà không phải công ty nào cũng dám làm. Chính vì thế mà Google cũng đã nhận được sự hợp tác tích cực của một số nhà phát triển game di động. Năm 2007, liên minh OHA (Open Handset Alliance) đã được thành lập và sản phẩm chủ lực của họ chính là Android.
Video đang HOT
Có một điều khá thú vị đó là tất cả các phiên bản Android từ Android 2.0 trở đi đều được đặt tên theo các món tráng miệng. Cách chọn tên món ăn này cũng rất thú vị vì chữ cái đầu tiên của chúng được xếp theo vần a, b, c như Banana bread, Cupcake, Donut, Eclair, Froyo, Gingerbread ….
Android 1.0
Sau nhiều lần phát triển và thử nghiệm, phiên bản thương mại đầu tiên của Android được chính thức giới thiệu vào năm 2008. Ít ai biết đến một điều đó là HTC Dream/T-Mobile G1 chính là chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng Android 1.0. Phiên bản đầu tiên của Android có hỗ trợ đầy đủ các chức năng cơ bản của smartphone bao gồm camere, wi-fi, bluetooth… Nó cũng bao gồm các ứng dụng của Google như Google Maps, Sync, Mail. Phiên bản 1.1 (Banana bread) tiếp theo đã được Google sửa một vài lỗi nhỏ và thêm một số ít các tính năng mới. Phiên bản 1.5 (Cupcake) chính là đợt cập nhật đầu tiên của Android, nó bao gồm nhiều tính năng mới cùng với một giao diện người dùng được thay đổi. Đến Android 1.5, hệ điều hành này đã hỗ trợ bàn phím ảo, widget, khả năng quay và phát lại video, các chức năng bổ sung của Bluetooth cùng với tính năng upload ảnh và video. Qua mỗi phiên bản, Android đều có sự thay đổi và ở phiên bản 1.6 (Donut), nó đã được bổ sung thêm tính năng tìm kiếm bằng giọng nói và văn bản. Thêm vào đó, Google cũng đã chú ý để cải thiện khả năng làm việc của camera trên Android một cách tốt hơn. Cũng ở phiên bản 1.6 này, Android đã có thể làm việc với màn hình có độ phân giải cao và hỗ trợ các giao thức liên lạc mới.
Android 2.0
Android 2.0 (Eclair) gồm có giao diện người dùng mới và hỗ trợ HTML5 cho trình duyệt web, tính năng camera mới và một số tính năng khác giúp cho nó hoạt động tốt hơn, có thời gian dùng pin lâu hơn. Phiên bản 2.0.1 và 2.1 có một vài thay đổi về giao thức API và một số lỗi nhỏ. Đến lúc này thì Android đã có thể vận hành hiệu quả hơn với khả năng tùy biến cao và giao diện người dùng thân thiện, dễ sử dụng. Phiên bản Android 2.2 đã được Google tối ưu về tốc độ cũng như được thêm vào một vài tính năng mới. Những bổ sung đáng chú ý nhất của 2.2 bao gồm USB tethering, Wi-Fi, hỗ trợ màn hình Flash và màn hình HD.
Android 2.3
Hiện nay Android đã phát triển đến phiên bản 2.3 tiếp tục mang lại cho người dùng hiệu suất hoạt động tốt hơn, giao diện người dùng cũng được cập nhật, ít hao pin hơn và hỗ trợ tốt hơn cho con quay hồi chuyển. Các phiên bản tiếp theo 2.3.3, 2.3.4, 2.3.5 và 2.3.6 chỉ là những bản cập nhật nhỏ bao gồm một vài tính năng được sửa lỗi.
Lý do chính lý giải cho sự thành công của Android chính là sự tiếp cận dễ dàng của nó đối với người dùng. Khi sử dụng Android, người dùng không hề bị giới hạn vào một vài sản phẩm như của Apple nhưng vẫn có một nền tảng mạnh và đủ sức cạnh tranh. Họ có nhiều sự lựa chọn hơn cho điện thoại của mình với các sản phẩm đến từ rất nhiều các hãng sản xuất lớn như Samsung, Motorola, LG …
Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh không thể phủ nhận cho Android. Bên cạnh đó, với tính chất là một hệ điều hành mã nguồn mở nên người dùng phổ thông và nhất là những người ưa vọc cạnh hoàn toàn có thể tùy biến Android theo phong cách riêng của mình. Các ứng dụng cho Android cũng vô cùng phong phú trên gian hàng số Android Market và cũng chính vì là mã nguồn mở nên chúng hoàn toàn miễn phí với người dùng. Chi phí lớn nhất mà người dùng phải bỏ ra chỉ số tiền để sắm một chiếc điện thoại.Với những ưu điểm kể trên và nhất là lại được một ông lớn như Google đỡ đầu, Android đã có những bước phát triển vượt bậc và trở thành hệ điều hành di động lớn nhất thế giới.
Theo Bưu Điện VN