Hãy kể câu chuyện đẹp về cá tra giữa cuộc chiến thương mại
Dù chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có xảy ra hay không, hay có diễn biến thế nào thì ngành thủy sản Việt Nam vẫn phải tập trung xây dựng, để kể cho thị trường thế giới nghe một câu chuyện đẹp về con cá tra Việt Nam.
Nhận định này được nhiều người hưởng ứng khi hôm qua, 23.8, là ngày mà Mỹ dự kiến tăng mức thuế trung bình từ 10,2% lên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc, trong đó có mặt hàng thủy sản.
Theo TS.Nguyễn Tiến Thông, Đại học Nam Đan Mạch, chiến tranh thương mại nếu xảy ra sẽ tác động trực tiếp, làm tăng giá nhập khẩu trung bình của hàng Trung Quốc vào Mỹ. Tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng lên do giá thấp hơn, còn xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm.
TS.Thông cho rằng nếu không có chiến tranh thương mại, Mỹ vẫn là thị trường lớn. Nếu chiến tranh thương mại có xảy ra thì giá sẽ không ảnh hưởng nhiều, lợi thế cho cá tra trong nước có khi còn cao hơn. Chỉ có vấn đề là áp lực từ nguồn cung của Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại chưa ảnh hưởng nhiều đến cá tra Việt Nam. Ảnh: Thuận Hải
“Vấn đề đặt ra là nguồn cung thủy sản của Trung Quốc sẽ đi đâu nếu không vào được Mỹ?” – TS.Thông đặt vấn đề. Lúc đó, Trung Quốc sẽ phải tăng cường tiêu thụ nội địa và tìm kiếm thị trường mới.
Các thị trường mới đó có thể là chính các thị trường mà cá tra Việt Nam đang có mặt. Như vậy, sự cạnh tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như mặt hàng Việt Nam nhập vào nước này cũng sẽ gia tăng. Theo đó, các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp sẽ là cá tra và cá rô phi của Việt Nam với cá chép và cá rô phi của Trung Quốc.
Với nhạy cảm thương mại, Trung Quốc sẽ tìm nhiều cách để đối phó. Cho nên, TS.Thông cho rằng, chiến tranh thương mại có xảy ra hay không, Việt Nam vẫn phải nỗ lực giữ bằng được thị trường Mỹ cũng như châu Âu.
Chính việc đảm bảo những điều kiện khắt khe từ thị trường này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước thay đổi cách làm ăn, thay đổi hình ảnh con cá tra và giá xuất khẩu. Khi đã vào được thị trường Mỹ, hoàn toàn có khả năng mở ra các thị trường khác ở cấp thấp như Trung Quốc, một số nước châu Mỹ.
“Tuy nhiên, hoạt động tiếp thị chung cho ngành cá tra còn ít. Ở thị trường Trung Quốc, hãy kể cho họ nghe một câu chuyện đẹp về cá sông, cá nguyên con – là thứ mà họ thích chứ không phải cá biển hoặc cá phi lê”, TS.Thông gợi ý.
Bà Ngô Nguyễn Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn cũng cho rằng, sản phẩm cá tra Việt đã có mặt trên thị trường thế giới khá lâu và nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực cải thiện chất lượng, giá cả. Nếu cuộc chiến thương mại có xảy ra thì cá tra cũng chưa thể bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Video đang HOT
“Ví dụ, so với các mặt hàng khác, dư lượng kháng sinh có thể không ảnh hưởng nhiều bằng nhưng hình ảnh bị ảnh hưởng tệ hại hơn. Ngành cá tra còn phải làm nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị”, bà Hoàn nói.
Ngành thủy sản cần xây dựng hình ảnh tốt và kể câu chuyện đẹp về cá tra Việt Nam. Ảnh Nguyên Vỹ
Đồng tình, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết vẫn chưa thể đánh giá hết sức tác động của chiến tranh thương mại. Hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá Trung Quốc không phải đối thủ cạnh tranh với tôm, thủy sản ở thị trường Mỹ.
Nếu cuộc chiến thương mại có xảy ra thì cũng chỉ tác động ở khía cạnh gián tiếp, ví dụ như gia tăng các sản phẩm thay thế… hiện thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đánh giá đúng mức các rủi ro có thể xảy ra để tránh bị động, tổn thất trong xuất khẩu sang Trung Quốc.
Với Mỹ, Việt Nam vẫn còn vướng các rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn hay mới đây là chương trình truy xuất SIMP… “Ngành thủy sản phải nỗ lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông qua việc cải tiến chất lượng, đảm bảo vấn đề thị hiếu và khả năng cung cấp”, ông Hòe nói.
Theo bác sĩ Paul S. Valle, Trường Khoa học thú y Na Uy, tại Mỹ và châu Âu, cá tra đang bị cạnh tranh với các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá lưỡi trâu… với mức giá rẻ hơn.
Việc tiếp cận thị trường của cá tra lại đang bị ngăn trở bởi nội bộ ngành và truyền thông. Cho nên trong “cuộc chiến cá thịt trắng”, cá tra đang yếu thế vì bị cho rằng đang gây ảnh hưởng bất lợi đến môi trường hoặc các cáo buộc tiêu cực khác. Thậm chí, đã có ý kiến phê phán cá tra Việt Nam vì không tạo ra được một sản phẩm cơ bản, khác biệt mà chỉ cạnh tranh về giá.
Việt Nam không nên quá lo lắng chuyện Trung Quốc mà nên tập trung vào công việc của mình. Công tác tiếp thị ở các thị trường khó tính sẽ tốn nhiều chi phí và công sức.
“Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, cần phải có cơ chế đóng góp từ doanh nghiẹp và Vasep có trách nhiệm trong chuyện này. Việc định hình, tiếp thị sản phẩm hay là kể một câu chuyện theo cách riêng cần tiếp tục tập trung theo đuổi”, bác sĩ Paul S. Valle chia sẻ.
Theo Danviet
Xuất hiện cơ hội cho tôm Việt trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Nhu cầu thị trường tăng cùng với những rào cản về thuế mà phía Mỹ sắp áp dụng đối với tôm nhập khẩu từ Trung Quốc giúp các doanh nghiệp Việt Nam kì vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Dẫu vậy, các rào cản khác như thuế chống bán phá giá, chương trình SIMP... vẫn đang làm khó các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Vượt qua cạnh tranh gay gắt, con tôm thu về gần 2 tỷ USD
Sau một thời gian xuất khẩu có phần chững lại, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giá tôm hiện đang nhích lên và xuất khẩu tôm tháng 7 có dấu hiệu hồi phục.
Cụ thể, trong tháng 7, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 348 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu tôm 7 tháng đầu năm lên gần 2 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tôm chân trắng chiếm 67% với gần 1,4 tỷ USD, tăng 10% và tôm sú chiếm 23% với 474 triệu USD, giảm 4%.
VASEP dự báo, xuất khẩu tôm sẽ hồi phục trong những tháng tiếp theo, cụ thể là từ khoảng tháng 9, tháng 10 tới, vì nhu cầu trên thị trường đang tăng trở lại. Giá tôm nguyên liệu trong nước do đó cũng đang bình ổn trở lại và có xu hướng tăng, nông dân sẽ lại an tâm đầu tư nuôi tôm.
Xuất khẩu tôm sau thời gian đi xuống vì giá giảm, nguồn cung tăng, đến nay đã có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ. Ảnh: Thuận Hải.
Mỹ vẫn là thị trường chính của tôm Việt Nam, chiếm khoảng 15,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm nay. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 5 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu gần 254.100 tấn tôm, trị giá 2,4 tỷ USD tôm các loại, tăng 9% về khối lượng và 7% về giá trị.
Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 5 cho Mỹ, chiếm 8,5% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ. Tính tới tháng 5 năm nay, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ đạt 17.900 tấn, trị giá 202,6 triệu USD, giảm 3% về khối lượng nhưng tăng 2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Dẫu vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam Nam vào Mỹ cũng phải chịu chung cảnh giá giảm sâu, xuất khẩu ngưng trệ của toàn ngành tôm thế giới trong nửa đầu năm nay. Chưa kể, tại thị trường lớn này, tôm Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của các nhà cung cấp khác như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia...
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ là cơ hội cho con tôm Việt?
Trong lúc khó khăn, các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn đang nhìn thị trường Mỹ với nhiều cơ hội mới khi cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc Trung - Mỹ nổ ra từ hồi tháng 7 vừa qua.
Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với tất cả các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có sản phẩm tôm với các mã như HS 03061700, 16052105, 16052110, 16052905, 16052910. Đây cũng là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ.
Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ nhân cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước Mỹ - Trung. Ảnh: Thuận Hải.
Trong khi đó, sau Việt Nam, Trung Quốc là nguồn cung lớn thứ 6 cho Mỹ, chiếm 4,8% thị phần. Được biết trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Trung Quốc sang Mỹ đạt 16.445 tấn, trị giá 115 triệu USD, tăng 6% về khối lượng và 4% về giá trị.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP nhận định, những sản phẩm này có khả năng cạnh tranh về giá và thuế suất với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Do đó, đây có thể được coi là lợi thế cho Việt Nam để tăng xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ.
Hơn nữa, tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế.
Thế nhưng, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (VIna Cleanfood), cho rằng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ đang phải đối mặt với những chính sách bảo hộ mậu dịch khá "phi lý" của nước này nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước.
Đơn cử như đầu tháng 3/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 - POR12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017) lên đến 25,39%, cao nhất từ trước đến nay.
Hay như từ 31.12 tới đây, các nhà nhập khẩu tôm vào Mỹ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Chương trình giám sát nhập khẩu hải sản vào Mỹ (SIMP). Theo ông Phục, các thủ tục rườm rà của SIMP có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp mất cơ hội xuất khẩu tôm vào Mỹ.
"Những quy định phức tạp này buộc phải có 1 đội ngũ để chuẩn bị hồ sơ, làm tốn thêm chi phí nhân công. Thời hạn thì chỉ còn vài tháng, quá gấp gáp để chuẩn bị, hàng hóa xuất đi dễ bị ách tắc, sẽ làm ảnh hưởng nhiều khâu, nhiều bộ phận ", ông Phục nói.
Sau khi tăng 17% trong quý I/2018 với gần 1,8 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong quý II tăng chậm lại với mức 5,7% đạt 2,2 tỷ USD. Nguyên nhân được cho là do xuất khẩu tôm giảm 5% vì giá tôm giảm, nguồn cung tăng.
Bước sang tháng 7, với giá trị kim ngạch khoảng 793 triệu USD, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh trở lại, tăng 7%). Kết quả xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm đạt khoảng 4,78 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Danviet
Cá tra Việt Nam hết "một mình một chợ": Phải thay đổi thôi Tại hội nghị "Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp" (Bộ NNPTNT tổ chức ngày 21.8), nhiều ý kiến cho rằng, nhiều năm trước đây, cá tra là sản phẩm độc quyền của Việt Nam trong cả sản xuất lẫn chế biến và xuất khẩu. Thế nhưng, lợi thế "một mình một...