Hậu ly hôn : Làm gì thì làm, đừng làm trò cười cho thiên hạ!
Nắng hôm qua không hong khô được quần áo ngày hôm nay và đúng như những gì người “đàn bà cũ” ấy đã nói: bùn bẩn của ngày hôm qua chỉ có thể bắn được lên trên gấu váy, chẳng cần phải bận tâm cúi xuống làm gì.
Chia tay là hai từ vốn thanh ngang theo quy tắc Tiếng Việt nhưng nghĩa của nó lại mang sức nặng vô cùng. Không có sự chia tay nào là bình yên, thanh thản, không có cuộc ly hôn nào mà không dậy sóng trong lòng. Nhưng việc chấm dứt một cuộc hôn nhân khi hai bên đã có sự ràng buộc về con cái sẽ là nỗi đau lớn hơn, chất chứa nhiều nước mắt và những hệ lụy không phải chỉ là chuyện của riêng hai người.
Khi cuộc sống càng hiện đại thì chuyện tình cảm lại càng trở nên dễ dàng. Người ta thích nhanh, yêu chóng, cưới vội rồi chẳng được bao lâu lại chán nản buông tay. Nhưng ly hôn đâu phải là sự giải quyết cuối cùng.
Bởi sau khi chấm dứt mọi quan hệ trên tòa án, lúc nào hứng lên, người ta lại sẵn sàng bới móc những thứ xấu xí đã chôn sâu vào quá khứ để bêu xấu nhau. Ngặt nỗi, dù sao rời vật đổi, dù có trút sạch những ngọt ngào hứa hẹn buổi ban đầu, để bỗng chốc coi nhau như cái gai trong mắt thì chẳng bao giờ họ xóa được một điều: cả hai đã từng là vợ chồng của nhau.
Có một lúc nào đó, ta sẽ bắt gặp vài mảnh chuyện của một anh hàng xóm, mấy chị đồng nghiệp tâm sự về những nỗi lòng chất chứa bấy lâu trong khoảng thời gian mà họ cho là địa ngục khi sống với chồng cũ, vợ cũ. Cuối cùng cũng chỉ là thứ ràng buộc duy nhất: đứa con. Trách người cha không làm tròn trách nhiệm trợ cấp nuôi dưỡng, trách người mẹ cấm đoán, gieo tiếng xấu của bố lên đầu con…
Họ còn đến hàng ngàn lý do khó chịu với nhau dù đã không còn chung sống trong một mái nhà. Và khi không thể thương lượng, họ chọn cách nói xấu nhau, nói xấu một cách bất chấp dù chẳng hiểu kết quả sẽ mang lại cho mình điều gì tốt đẹp.
Thời gian gần đây, những bà mẹ đơn thân như Phạm Quỳnh Anh, Dương Cẩm Lynh, Hồng Nhung hay Thu Quỳnh đang được ngợi khen khi họ phải cố mạnh mẽ, gồng mình vượt qua đổ vỡ hôn nhân gánh trên mình một trọng trách mới. Người ta đồng cảm, người ta thương xót cho số phận người phụ nữ sao mà ngặt nghèo thế. Nhưng cuộc đời này vẫn vậy, dù người nổi tiếng hay người bình thường, khi nỗi đau ập đến, ai rồi cũng như ai.
Thế nhưng, khi nước mắt mới kịp khô cạn, khi nụ cười gượng vừa mới hé thì người “đàn bà đã cũ” lại phải chịu một cú sốc lớn hơn về tinh thần. Cô ấy bị chồng cũ công khai “kể tội”. Thậm chí khi niềm oán giận đã lên cao, chẳng còn đủ những từ ngữ đặc sắc nhất để anh ta miêu tả về người phụ nữ từng đầu ấp tay gối với mình, anh ta gói gọn vào một nhân vật trong phim – một cô gái làm cái nghề hèn mạt, tận đáy của xã hội. Nực cười thay!
Người ta bảo hôn nhân dù có không được trọn vẹn, vợ chồng phải dắt díu nhau lên tòa án thì hết tình vẫn còn nghĩa, sao cứ phải vạch áo cho người xem lưng? Chẳng có cuộc hôn nhân nào là không có sóng gió, chẳng có tình yêu nào mà không một lần lung lay, niềm vui thì cứ na ná như nhau nhưng nỗi buồn lại chẳng ai giống ai được.
Cô ấy không nói không phải cô ấy không đau, cô ấy không phản pháo đâu phải cô ấy tự nhận điều người ta tố cáo mình là đúng. Con người thực ra không hơn nhau ở manh quần tấm áo mà hơn nhau ở cách sống, nhân phẩm.
Video đang HOT
Khi hôn nhân không thể cứu vãn, có quá nhiều thứ tối tăm chất chồng, cùng đường người ta mới phải lựa chọn ly hôn. Ly hôn chính xác là sự giải thoát cần thiết cho cả hai. Vậy tại sao sau khi mua lấy sự tự do mà phải trả giá bằng cả một tổ ấm gia đình thì bạn lại đào bới lại quá khứ mà mình đã từng tìm mọi cách để rũ bỏ?
Phụ nữ nào sau ly hôn cũng đau đớn vô cùng, chỉ là họ có thích thể hiện ra ngoài cái niềm đau đó không thôi. Cuộc sống sau ly hôn cũng khó khăn nhiều lắm, khi đàn ông họ rảnh rang đi tìm những niềm vui mới thì đàn bà bắt đầu tất bật trong cả hai vai bố và mẹ. Họ bận rộn với cuộc sống mới, họ lấy con cái làm niềm vui và động lực. Họ không than vãn, không càm ràm, không nói xấu chồng cũ nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, phụ nữ chưa bao giờ cạn kiệt nước mắt.
Hôm qua có ai đó đã nói với tôi rằng, cái anh diễn viên kia chẳng qua bị vợ cấm đoán chuyện con cái, không cho anh ta thực hiện cái quyền làm cha nên anh ta mới nổi đóa lên như vậy. Thế nhưng, xin hỏi các anh đàn ông nói chung và những ông chồng đang được gọi là “chồng cũ” nói riêng: khi công khai nói xấu người đàn bà đã từng sinh và nuôi con cho mình mà cô ấy chẳng hề phản bác lại thì các anh có thấy xấu hổ không? Cho dù trong quá khứ, các anh đúng, cô ấy sai nhưng không có nghĩa cái sai trong quá khứ chứng minh con người cô ấy ở hiện tại. Nắng hôm qua không hong khô được quần áo ngày hôm nay và đúng như những gì người “đàn bà cũ” ấy đã nói: bùn bẩn của ngày hôm qua chỉ có thể bắn được lên trên gấu váy, chẳng cần phải bận tâm cúi xuống làm gì.
Khi anh mang con ra làm lý do cho cái hành động nhỏ nhen của anh thì anh lại sai càng sai. Con anh đã biết đọc, nó có quyền biết mọi sự thật trên các mặt báo về bố mẹ nó. Vậy sự thật là gì? Sự thật là bố nó bêu xấu người mà đang nuôi nấng và chăm sóc nó hàng ngày. Sự thật là bố nó đang bỏ qua lớp vỏ của đàn ông chân chính vẫn hay dạy dỗ nó để đào xới những nỗi đau trong quá khứ mà bố nó đã gây ra với mẹ nó. Vậy cái mà nó nhận được là gì?
Đừng mang những ích kỉ, toan tính cá nhân gieo vào đầu con trẻ. Nếu đã được nó gọi là cha, là mẹ thì phải có trách nhiệm thực hiện trọn vẹn cái nghĩa vụ ấy. Cứ cho là anh diễn viên kia sẽ đạt được cái mục đích mà người đời đang đồn đoán nhưng hệ quả mà anh ta để lại cho đứa con bé non nớt, cho những người thân, những người đang yêu quý anh ta lại vô cùng lớn. Chẳng biết cái mục đích cao cả kia có đạt được không nhưng giờ người ta nhìn anh xấu, xấu lắm.
Tôi đã từng nghe có một số người cười cợt khi cặp vợ chồng ca sĩ Tim và Trương Quỳnh Anh dù ly hôn nhưng lúc cần thiết vẫn ngủ chung vì con họ. Tôi đã từng đọc nhiều bài báo về con trai của ca sĩ Hồ Ngọc Hà và doanh nhân Quốc Cường, cậu bé có vẻ hài lòng với cuộc sống mới khi cả ba và mẹ mình đều tìm được hạnh phúc riêng.
Vậy đấy, thay vì nói xấu nhau, chê bai nhau thì họ vẫn bên nhau đúng lúc, đúng thời điểm, tất cả đều vì nụ cười của con. Hay như cặp vợ chồng nghệ sĩ Thảo Vân, Công Lý, có người đàn bà nào cao thượng đến mức đích thân đến chúc mừng người mới của chồng mình, chọn cách là bạn của chồng cũ và cùng anh ấy làm tròn trách nhiệm với con. Ai trong chúng ta cũng có những khuyết điểm, những góc khuất, dù là người nổi tiếng hay bất cứ ai tồn tại trên Trái đất này vì chúng ta không phải thần thánh, cũng chẳng phải những bậc vĩ nhân.
Có những sai lầm, có những lần day dứt, những thiếu xót với nhau, nhưng khi hôn nhân đã kết thúc, nếu không thể coi nhau là bạn thì hãy bình thản bước qua nhau. Không phải chúng ta đang dối lòng mình hay giả vờ cao thượng khi người ấy đã gây tổn thương cho ta quá nhiều. Mà đơn giản vì phải làm thế ta mới có được sự bình yên cho riêng mình, nó là hành trang rất quan trọng trong chặng đường sắp tới, chặng đường chỉ có mẹ với con.
Tôi còn nhớ một câu nói thế này: Phụ nữ muốn hạnh phúc thì đừng hi sinh quá nhiều, còn đàn ông muốn thành toàn thì đừng đòi hỏi quá lớn. Đúng là như vậy, mọi thứ sẽ trọn vẹn nếu cả hai phía cùng cố gắng dựng xây. Còn khi đã trở thành quá khứ của nhau thì hãy để cho nó ngủ yên mãi mãi, bởi quá khứ có lộng lẫy hay tồi tàn thì nó cũng là thứ xa rất xa rồi.
- Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả -
Theo guu.vn
Mong manh ngưỡng giữ - ngưỡng buông
Ly hôn thì dễ, nhưng hậu ly hôn lại không đơn giản chút nào cho cả vợ, chồng lẫn con cái. Hãy cân nhắc kỹ, cần hỏi trái tim mình còn cần nhau không trước khi ký đơn ly hôn.
Trong quá trình làm nghề tư vấn tâm lý, tôi nhận thấy nhiều cặp chưa đáng ly hôn đã vội chia ly để rồi tiếc nuối. Nhiều gia đình sắp ly hôn tìm đến, thấy may mắn vì đã quyết định không ly hôn. Nhưng cũng có người, sau khi gặp chuyên viên, nhận ra "giá em gặp chị sớm hơn, để kiên quyết ly hôn, giải thoát cho em và các con". Đâu là ngưỡng cần ly hôn và đâu là ngưỡng nên giữ nhau?
Bỏ dễ, giữ khó
Ảnh minh họa
Gia đình chị T., chồng cờ bạc, đề đóm nhiều năm. Chị đã dùng nhiều biện pháp cứng rắn, mềm dẻo cố cảm hóa chồng. Chị quản lý tiền bạc, để lo cho các con ăn học, trả nợ cho chồng. Chị tạo cơ hội cho anh có nhiều việc làm, bớt dần thời gian nhậu và cờ bạc. Chị động viên mỗi ngày để anh quan tâm hơn đến con cái, đưa đón con, làm việc nhà... Anh dần tìm thấy niềm vui trong gia đình nhiều hơn bên bạn nhậu. Dần dần, chị đã tách anh khỏi thói cờ bạc. Đến nay, gia đình chị tuy vẫn còn khó khăn, nhưng ấm êm. Chồng nể vợ, vợ thương chồng. Chị tâm sự, vài năm phải lo "cày" trả nợ cho chồng cũng bực lắm, muốn ly hôn cho xong. Nhưng nghĩ thương anh, vì bình thường anh vẫn là người chồng, người cha tốt; chị thương anh thật lòng, không nỡ để anh sa vào lầm lạc.
Nhiều gia đình có chồng cờ bạc khác rơi vào cảnh người vợ cố gắng chung sống, vì sợ con không có bố, sợ mất sĩ diện, mang tiếng... chứ không phải giữ hôn nhân vì tình yêu. Họ sống cố trong sự coi thường chồng, than thân trách phận mà không giúp chồng thay đổi. Vòng luẩn quẩn vợ chán chồng, chồng chán vợ, con coi thường bố, nợ nần chồng chất... Lỗi do ai? Chồng thiếu bản lĩnh, biết sai không ráng sửa, tự ái với vợ mà ngày càng sa ngã. Vợ thiếu tế nhị, không đủ yêu thương nên khó cảm hóa, giúp chồng thay đổi.
Vợ chồng chị H. đều là tiến sĩ, có địa vị xã hội. Chị phát hiện anh ngoại tình với cô đồng nghiệp trẻ ở cơ quan. Cô ấy kém chị cả về hình thức, bằng cấp, địa vị... nên khi biết chuyện, chị bị tổn thương nặng, thấy xấu hổ vì chồng yêu một người "không ra gì" dưới con mắt của chị. Chị lập tức ly hôn, không cho chồng cơ hội giải thích. Vợ chồng chị chia tay nhanh đến mức gia đình đôi bên, bạn bè không kịp hiểu đầu đuôi, không kịp chia sẻ, phân tích đúng sai. Chị tự hào vì mình đã quyết định đúng, đáng đời người chồng phụ bạc. Nhưng một năm sau, chị biết chuyện chồng với cô đồng nghiệp chỉ là một phút yếu lòng trong lần đi công tác xa. Chồng chị đã rất hối hận nên khi về, anh đã cố gắng cắt đứt liên lạc với cô gái ấy, chăm sóc vợ nhiều hơn. Nhưng cô gái vẫn đeo bám, nhắn tin, gọi điện bày tỏ nhớ thương. Không may chị đọc được đúng giai đoạn đó. Chị đã không tìm hiểu kỹ, không cho chồng cơ hội nói rõ sự việc.
Chỉ vì tự ái, sĩ diện của người đàn bà đẹp, giỏi giang mà chị mất một người chồng từng yêu tha thiết. Sau một năm ly hôn, chị biết mình vẫn còn yêu chồng, nhưng không thể cứu vãn. Anh đã chuyển ra nước ngoài làm việc và đã ổn định cuộc sống nơi xứ người. Chị ở lại với day dứt và hối hận, nhưng vẫn tự ái không nói gì với anh, để anh hiểu tâm sự của mình.
Hỏi kỹ trái tim
Ảnh minh họa
"Sức khỏe hôn nhân" không phải do hoàn cảnh mà do tâm thế của người trong cuộc. Vợ chồng chị B., anh H. đã có với nhau một đứa con. Phát hiện anh H. ngoại tình, có con riêng, chị B. đã có nhiều buổi trò chuyện thẳng thắn với chồng, nói rõ quan điểm của chị - nếu anh yêu người kia, anh nên ly hôn để lo cho mẹ con họ, chị không níu kéo, chị có thể tự lo cho mình và con.
Sau vài lần nói chuyện, chị B. biết chồng chỉ ham vui, để lại hậu quả, giờ đã hối hận. Anh không muốn ly hôn, vì vẫn yêu vợ con. Anh tha thiết mong chị cho anh cơ hội. Chị B. đã tự vấn tình cảm và nhận ra chị vẫn còn yêu anh. Dù đau lòng, chị tin có thể tha thứ cho anh. Chị quyết định cùng anh đến gặp cô gái kia, nói rõ quan điểm và xem cô ta muốn tính chuyện đứa con lỡ dại thế nào.
Cô gái kia, thấy gia đình chị hạnh phúc, quyết định không níu kéo anh nữa. Cô chọn sinh con và tự nuôi. Chị B. đã chu cấp cho cô ta một ít tiền và từ đó cô không liên hệ với anh chị nữa. Sau sự việc, anh chuyên tâm làm ăn, lo cho vợ con. Chị B. cũng dần tha thứ cho anh, không nhắc lại chuyện cũ. Hơn mười năm đã qua, chị thấy, nhờ chuyện xảy ra, chị mới hiểu chị yêu anh đến mức nào và anh cũng hiểu anh cần gia đình đến mức nào.
Các câu chuyện cho thấy, trước sóng gió trong hôn nhân, điều cần nhất là bình tâm soi xét, xem lòng mình, lòng người còn yêu thương nhau không rồi hãy quyết định. Kỹ năng ra quyết định quan trọng nhất là thu thập đủ thông tin, hiểu nhu cầu, cảm xúc của các bên liên quan, đưa ra nhiều giải pháp, phân tích thuận lợi - khó khăn rồi mới chọn giải pháp khả thi nhất, phù hợp nhất với nhu cầu, cảm xúc các bên.
Ly hôn thì dễ, nhưng hậu ly hôn lại không đơn giản chút nào cho cả vợ, chồng lẫn con cái. Trước khi ly hôn, hãy cân nhắc kỹ, chứ bát nước hất đi khó lấy lại. Chúng ta cần hỏi trái tim mình còn cần nhau không trước khi ký đơn ly hôn. Để làm được điều này, mỗi người cần hạ cái tôi của mình xuống, học bao dung, tha thứ và yêu thương nhau thật lòng, để giúp nhau thay đổi, cũng là để giúp mình hạnh phúc.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy
Theo phunuonline.com.vn
Hậu ly hôn: đàn bà nhất định phải giữ chặt 4 thứ này trong tay để chồng cũ không thể khinh thường Đàn bà ly hôn cần nắm chắc trong tay 4 thứ này để người đàn ông đã cũ kia phải đứng ngồi không yên vì bạn. Ly hôn không phải là chuyện xấu, nó là cách giải quyết tốt nhất cho cuộc hôn nhân không tốt, giải thoát người đàn bà khỏi xiềng gông bất hạnh, hi sinh mà đời đặt lên vai...