Hậu COVID-19, Trung Quốc không thể vượt Mỹ
Trong bối cảnh Mỹ chật vật xử lý khủng hoảng, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng thời cơ để nâng cao vị thế quốc tế.
Một người dân đi bên cạnh container sơn màu cờ Trung Quốc tại TP Thâm Quyến ngày 12-3. Ảnh: CNN
Nhiều đồn đoán cho rằng, trong kỷ nguyên hậu COVID-19, vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ sẽ suy yếu. Trung Quốc (TQ) sẽ “trỗi dậy” mạnh mẽ hơn và nhanh chóng “khoả lấp” khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại. Tuy nhiên, vị thế của Mỹ vẫn khó có thể bị lay chuyển trong ngắn hạn. Tham vọng “soán ngôi Mỹ” của TQ thiếu nền tảng vững chắc và những nhân tố bổ trợ.
Nền kinh tế thiếu bền vững
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng nợ của TQ hiện tiệm cận mức 310% GPD, mức cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi. “Khoản nợ khổng lồ này đã kìm hãm giấc mơ giải cứu kinh tế thế giới của TQ. Không giống như giai đoạn 2008-2009, lần này TQ không có nguồn lực để đưa ra các biện pháp kích thích tài khóa khổng lồ nhằm cứu thế giới”, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng DBS (Singapore) Taimur Baig nhận định.
Trong khi đó, hai nhà phân tích Logan Wright và Daniel Rosen của tổ chức nghiên cứu kinh tế Rhodium Group chỉ ra “những cải cách bị trì hoãn, các khoản nợ gia tăng và một nền kinh tế bị chi phối bởi các công ty nhà nước hoạt động kém” chính là các thách thức hiện tại của TQ. Dịch bệnh đã làm trầm trọng thêm làn sóng cảnh giác về tính an toàn, mức độ tin cậy và triển vọng dài hạn của kinh tế nước này.
Dịch bệnh làm trầm trọng thêm làn sóng cảnh giác về tính an toàn, mức độ tin cậy và triển vọng dài hạn kinh tế Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: REUTERS
Đại dịch đang là một quả bom đang tàn phá nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các yếu tố sản sinh ra tri thức và đổi mới của cường quốc này không bị phá huỷ. Trái lại, tham vọng nâng cấp công nghệ trong kế hoạch “Made in China 2025″ của TQ lại phải chịu tổn thất đáng kể. Bởi lẽ nhiều mục tiêu công nghệ trong kế hoạch đã bị tổn thương trong thương chiến Mỹ-Trung.
Thành tựu của TQ phụ thuộc vào dòng chảy liên tục và không bị hạn chế các bí quyết và sáng kiến công nghệ của Mỹ vào TQ. Khi đại dịch lắng xuống, khó có thể tưởng tượng Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động kinh doanh như thường lệ với TQ mà không có các biện pháp kiềm chế hay thắt chặt an ninh. Đã có thông tin nhiều doanh nghiệp Mỹ rút khỏi TQ vô thời hạn.
Song song đó, việc xem xét địa điểm để các tổ chức, công ty và cá nhân lựa đặt sự giàu có và nguồn vốn của họ trong thời kỳ khủng hoảng là rất quan trọng. Nơi các thực thể này đặt cược dài hạn cho sự thịnh vượng của họ phản ánh mức độ tin cậy và uy tín của nền kinh tế và TQ không còn là chọn lựa tốt nhất.
Video đang HOT
Thị trường tài chính và vốn của Mỹ vẫn đa dạng nhất. Mỹ là một trong trong số thị trường đáng tin cậy nhất trên thế giới. Hiện có khoảng 160 công ty TQ được niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ, với tổng giá trị vốn hoá thị trường vào khoảng một ngàn tỉ USD. Đồng USD đang là đồng tiền trú ẩn an toàn hàng đầu và dường như sẽ tiếp tục dẫu bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Uy tín suy giảm trong hệ thống
Dịch COVID-19 bắt nguồn từ TQ. Những chỉ trích rộng khắp về việc TQ “thao túng” Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc WHO ca ngợi lãnh đạo TQ và phản ứng chậm chạp đối với đại dịch càng đẩy nhanh sự thất bại của TQ trên mặt trận truyền thông.
Không chỉ yếu kém trong giải quyết khủng hoảng, TQ còn thất bại về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống như uy tín lãnh đạo, tinh thần tương hỗ và cam kết trách nhiệm. Thương hiệu “quốc gia hào phóng, trách nhiệm” mà TQ cố gắng xây dựng đang lao dốc.
Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chuẩn như uy tín lãnh đạo, tinh thần tương hỗ và cam kết trách nhiệm. Ảnh minh hoạ: REUTERS
Ứng xử của TQ trong thời gian qua gợi nên viễn cảnh không mấy tươi sáng. Đó là phương Tây sẽ ngày càng mất niềm tin vào TQ và mở rộng thêm sự phân chia địa chính trị vốn đã được định sẵn.
Một xu hướng ngày càng gia tăng là các quốc gia phương Tây đang hạn chế sức mạnh kinh tế của TQ thông qua tách rời một số liên hệ kinh tế sâu rộng. Một số tập đoàn có chuỗi cung ứng toàn cầu đang hiện diện tại TQ có thể đa dạng hóa các địa điểm kinh doanh.
Trong thời gian tới, nhiều khả năng TQ sẽ ổn định việc làm trong nước, tăng tiêu dùng nội địa, thúc đẩy các ngành công nghiệp dẫn đầu về tiêu dùng và đảm bảo thanh khoản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Quốc tế Chatham House (Anh) Yu Jie nhận định: “Chính phủ TQ sẽ ít tập trung vào các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài liên quan đến sáng kiến Vành đai Con đường (BRI); các doanh nghiệp nhà nước lớn của TQ – vốn đóng vai trò chính cho các dự án BRI cũng vậy”. Các động thái chính trị, kinh tế của TQ dọc theo hành lang BRI có thể trở thành giới hạn địa chính trị cho TQ sau khủng hoảng.
Bức tranh chống dịch thời gian qua phơi bày sự thiếu vắng nền tảng quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của TQ. Vẫn còn quá sớm để TQ tự tin vươn lên vị thế lãnh đạo thế giới. Mỹ sẽ vẫn giữ địa vị ưu trội trong kỷ nguyên hậu COVID-19.
(*) Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
TS. HUỲNH TÂM SÁNG
Những nền kinh tế châu Á dự báo giảm tốc vào 2020
Các nhà kinh tế xem căng thẳng thương mại và địa chính trị là yếu tố rủi ro chính cho các kinh tế châu Á năm sau.
Các nhà kinh tế xem căng thẳng thương mại và địa chính trị là yếu tố rủi ro chính cho các kinh tế châu Á năm sau. Cuộc khảo sát quý mới nhất, giai đoạn từ 22/11 đến 11/12 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) và Nikkei, vừa cho biết triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á vẫn còn yếu trong năm 2020, sau khi giảm tốc đột ngột vào năm 2019 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiếp diễn.
Cuộc khảo sát quý mới nhất, giai đoạn từ 22/11 đến 11/12 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) và Nikkei, vừa cho biết triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á vẫn còn yếu trong năm 2020, sau khi giảm tốc đột ngột vào năm 2019 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiếp diễn.
Cuộc khảo sát thu thập 44 câu trả lời từ các nhà kinh tế và nhà phân tích tại 5 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan (gọi tắt là ASEAN5) và Ấn Độ.
Kết quả, triển vọng tăng trưởng năm 2019 cho ASEAN5 được điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với khảo sát trước đó thực hiện vào tháng 9, xuống còn 3,9%. Đây cũng là lần điều chỉnh giảm thứ 6 liên tiếp, kể từ cuộc khảo sát tháng 9/2018. Thời điểm đó, tăng trưởng năm 2019 của ASEAN5 từng được kỳ vọng là 5%.
Dự báo tăng trưởng năm 2020 không thay đổi so với khảo sát trước đó, là 4,2%. Con số này cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo năm 2019, nhưng không mạnh bằng tốc độ tăng trưởng 5% trong năm 2017 và 4,8% trong năm 2018.
Sự chậm lại ở các nước phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Malaysia, Thái Lan và Singapore. Tốc độ tăng trưởng của Malaysia được dự báo giảm từ 4,7% trong năm 2018 xuống 4,5% vào năm 2019 và xuống còn 4,3% vào năm 2020. Chuyên gia Wan Suhaimie của Ngân hàng Đầu tư Kenanga (Malaysia) dự kiến tăng trưởng nước này "chậm lại vào năm 2020 do nhiều thách thức từ bên ngoài".
Dự báo tăng trưởng năm 2019 của Thái Lan được điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống 2,4%, tức giảm 1,7 điểm phần trăm so với năm 2018. Cùng với đó, dự báo năm 2020 được điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm, xuống 2,6%.
"Nền kinh tế của Thái Lan được dự báo tăng trưởng với tốc độ chậm vào năm 2020, do suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn do chiến tranh thương mại", Amonthep Chawla của CIMB Thai Bank cho biết.
Tốc độ tăng trưởng năm 2019 của Singapore được dự báo giảm mạnh xuống 0,7 điểm phần trăm, từ mức 3,1% của năm 2018. Manu Bhaskaran của Cent Century Asia (Singapore) dự kiến tăng trưởng "đón đầu vào năm 2020", nhưng dự đoán "tốc độ sẽ giảm dần".
Nền kinh tế Indonesia dự kiến tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2019 và 2020. Tuy nhiên, dự báo của năm 2019 đã được điều chỉnh giảm nhẹ so với khảo sát trước. Nhu cầu trong nước vẫn ổn định, nhưng "nền kinh tế Indonesia đang chịu áp lực bởi tăng trưởng xuất khẩu thấp, do giá hàng hóa tương đối thấp", ông Dendi Ramdani của Bank Mandiri nói.
Tốc độ tăng trưởng năm 2019 của Philippines được dự kiến giảm xuống dưới 6% lần đầu tiên sau 8 năm, một phần do các dự án đầu tư công chậm trễ. Tốc độ tăng trưởng dự kiến trở lại mức 6,5% vào năm 2020. Chuyên gia Jonathan Ravelas của BDO Unibank mong đợi một "liều kích thích gấp đôi", như tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và chính sách tiền tệ thuận lợi để thúc đẩy đà tăng trưởng.
Nền kinh tế Ấn Độ đã chậm lại đáng kể vào năm 2019. Tốc độ tăng trưởng lần lượt là 5,0% và 4,5% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 và tháng 7 đến tháng 9, do những rắc rối trong lĩnh vực tài chính.
Dự báo năm tài khóa 2019-2020 của Ấn Độ đã giảm 1,1 điểm phần trăm, xuống còn 5,0%. Dự báo theo khảo sát trước đó vào tháng 6 và tháng 9 lần lượt là 6,9% và 6,1%. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 6 năm, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ thấp hơn Trung Quốc, vì dự báo của năm 2019 là khoảng 6%.
"Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu, cùng với điều kiện tài chính eo hẹp, có khả năng khiến quỹ đạo tăng trưởng của Ấn Độ bị kìm nén trong 2 năm tới", Tirthankar Patnaik của Sở Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ nhận xét.
Cuộc khảo sát đã hỏi các nhà kinh tế về các vấn đề hoặc sự kiện sẽ ảnh hưởng quan trọng đối với các nền kinh tế. Nhiều chuyên gia đề cập đến tác động toàn cầu của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
"Triển vọng cho một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn. Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tiếp tục 'siết chặt' Trung Quốc như một phần trong nỗ lực tái tranh cử vào năm tới", Donald Hanna của Ngân hàng CIMB (Malaysia) bình luận.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một vấn đề lớn khác. "Không khí chung của nền kinh tế thế giới chủ yếu xoay quanh việc ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ," Carlo Asuncion của Ngân hàng Liên minh Philippines nói.
Ngoài ra, việc quốc hội Mỹ xét xử Trump, rủi ro địa chính trị và các vấn đề khác nhau liên quan đến sự phát triển của kinh tế thế giới như sự chậm lại và phục hồi đột ngột, cũng là các yếu tố tác động đáng quan tâm.
Đối với các rủi ro mà các nhà kinh tế nhận thấy, "căng thẳng Mỹ-Trung" vẫn là rủi ro hàng đầu ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan. "Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại" do hậu quả của cuộc chiến thương mại là rủi ro hàng đầu tại Singapore. "Rắc rối trong lĩnh vực tài chính" tăng vọt trở thành rủi ro hàng đầu ở Ấn Độ.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Giá vàng hôm nay 6/11, vào đợt giảm giá mạnh Giá vàng hôm nay 6/11 trên thị trường thế giới giảm phiên thứ 2 liên tiếp do đồng USD tăng trong bối cảnh triển vọng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục sáng lên với khả năng Mỹ có thể hoãn, thậm chí đẩy lùi hàng rào thuế quan hiện tại. Đêm 5/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức...