Hậu bê bối Snowden, bùng nổ xu hướng smartphone ’siêu bảo mật’
Bên cạnh những câu chuyện về công nghệ smartphone mới cùng những chiếc màn hình “khủng” – vốn là tâm điểm chú ý của Triển lãm di động toàn cầu 2014 (MWC), một xu hướng khác trong thế giới di động cũng bắt đầu bùng nổ: điện thoại “siêu bảo mật” nhằm đảm bảo sự riêng tư của người dùng.
Điện thoại siêu bảo mật Blackphone của hãng Geeksphone
Thực tế cho thấy, kể từ khi Edward Snowden trở thành người “thổi còi” tiết lộ hàng loạt những bí mật động trời liên quan đến hoạt động giám sát, theo dõi toàn cầu của Mỹ và các chính phủ đồng minh khác, sự riêng tư trong các cuộc gọi điện, và sử dụng email đã trở thành mối quan tâm lớn của người dùng di động. Nắm bắt được tâm lý này, tuần vừa qua, công ty công nghệ của Mỹ FreedomPop đã cho ra mắt dòng “điện thoại riêng tư”, hay còn được mệnh danh là “Snowden phone”.
Theo CNBC, chiếc điện thoại này được đánh giá là “siêu bảo mật” có khả năng mã hóa các cuộc gọi, dữ liệu và tin nhắn văn bản. FreedomPop cho biết khách hàng có thể dùng tiền ảo Bitcoin để mua chiếc điện thoại này, đồng thời cũng nhằm mục đích đảm bảo bí mật về danh tính.
Điều đáng nói là chiếc điện thoại riêng tư của FreedomPop chỉ là một trong số những chiếc điện smartphone bảo mật mới nhất được công bố gần đây. Tuy nhiên, rõ ràng với mức giá 189 USD, chiếc điện thoại của hãng FreedomPop có mức giá “mềm” hơn hẳn so với các thiết bị di động khác có cung cấp chức năng mã hóa các cuộc gọi điện và email. Đơn cử như chiếc điện thoại bảo mật Blackphone của Geeksphone cũng được trình làng tại MWC 2014 diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha và dự kiến tung ra trên thị trường vào hè tới nhưng với mức giá “chát” hơn 629 USD (chưa bao gồm thuế và phí vận chuyển).
Tuần trước, Boeing cũng ra mắt smartphone chống trộm loại “khủng” với 2 sim bảo mật cao, tự hủy dữ liệu khi bị mở vỏ. Theo Boeing, Black Smartphone là một thiết bị di động cần thiết cho các doanh nghiệp, Chính phủ và nhà thầu – những người cần giữ thông tin liên lạc và các dữ liệu một cách an toàn nhất. Được biết chiếc Black Smartphone là kết quả thử nghiệm trong vòng 36 tháng và vẫn chưa rõ liệu có kế hoạch sản xuất hàng loạt hay không.
Hòa nhịp cùng xu hướng này, chỉ một ngày trước khi diễn ra MWC, Samsung cũng tổ chức lễ ra mắt Galaxy S5. Bằng việc trang bị cảm biến nhận diện vân tay Finger Scanner được tích hợp trên phím Home, Galaxy S5 được kỳ vọng sẽ giúp người dùng bảo mật điện thoại an toàn hơn, và cũng cho phép người dùng bảo mật các giao dịch thương mại điện tử trên di động.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của tờ CNBC, Ben Wood – giám đốc nghiên cứu của CCS Insight – cảnh báo những điện thoại bảo mật mới này không hoàn toàn “miễn dịch” khỏi “tai mắt” của các cơ quan gián điệp.
“Hầu hết những thiết bị di động này đều đang tận dụng sự hoang mang của người dùng sau bê bối nghe lén và rình mò của Cơ quan An ninh Mỹ (NSA). Tuy nhiên, việc mã hóa các dữ liệu trên điện thoại di động chỉ có thể giúp bạn bảo vệ những nội dung tin nhắn hay các thông tin cuộc gọi trên điện thoại. Trong khi đó, NSA vẫn có cách để chụp lại những dữ liệu này và vẫn lén theo dõi nhất cử nhất động của bạn qua chiếc smartphone”, Ben Wood nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo Neil Mawston – CEO của hãng Strategy Analytics – đối với một người dùng phổ thông, vấn đề bảo mật thường không phải là ưu tiên hàng đầu của họ khi lựa chọn mua một sản phẩm smartphone. Điều họ quan tâm chính là thương hiệu, kiểu dáng, phong cách và giá cả. Do đó, những chiếc điện thoại di động “siêu bảo mật” sẽ chỉ phù hợp đối với những khách hàng giới kinh doanh, nhà báo điều tra, cơ quan chính phủ, nhà thầu – vốn có rất nhiều thông tin bí mật cần phải được bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, thực tế cũng không phủ nhận những tính năng bảo mật của smartphone đã mở ra một hướng đi mới của ngành công nghệ di động, đồng thời thu hút được không ít sự quan tâm của những người dùng tò mò, thích khám phá.
Theo CNBC