Hành trình xây cột mốc chủ quyền trong lòng người Việt Nam
Việt Nam là quốc gia biển, công dân Việt Nam là những công dân biển, cột mốc xây dựng ở ngoài khơi, ở tọa độ với các kinh độ, vĩ độ. Nhưng cột mốc chủ quyền biển đảo cũng phải xây dựng trong lòng người dân Việt Nam.
Khi mới ra mắt, triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” có lẽ không được hình dung sức sống dài hơi lâu đến vậy. Rong ruổi qua hơn 15 tỉnh, thành phố, huyện đảo trong suốt 2014, sức sống dài hơi của cuộc triển lãm đặc biệt này được tiếp sức bởi chính tình yêu của người dân đối với hai quần đảo máu thịt của Tổ quốc.
Ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban tổ chức triển lãm, khi nhìn lại chặng đường đã đi trong suốt 2014 đã phải thừa nhận rằng những người tổ chức đã gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Việt Nam là quốc gia biển, công dân Việt Nam là những công dân biển
“Người ta bảo với những việc đáp ứng công đức của tiền nhân, có trách nhiệm với chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ không gian sinh tồn đời đời của dân tộc, dường như luôn có sự thuận của tự nhiên, trời đất và linh hồn của tổ tiên”, ông Huynh dường như suy tư.
Bởi vậy mà tuần trước vừa triển lãm ở Cà Mau, tuần này những người tổ chức đã ra Quảng Ninh, đảo Cô Tô. Tuần này vừa lên vùng núi Cao Bằng, tuần sau đã vào với người dân Kiên Giang…
Trong chặng đường 15 điểm dừng chân đó, triển lãm nhận được sự tiếp sức và sáng tạo của từng địa phương. Từ những tư liệu được trao tặng, địa phương tiếp tục tổ chức nhiều điểm triển lãm di động để người dân tiếp cận các nguồn thông tin tư liệu này dễ dàng và sâu rộng hơn.
Nhiều người bảo tưởng triển lãm này không có gì mới, nhưng vào xem mới thấy không những có cái mới mà còn hiểu thêm, nắm vững thêm những điều họ có thể chưa thực sự hiểu hết. Ví dụ thủy quân Hoàng Sa khác với hải đội Hoàng Sa thế nào, vì sao trong tư liệu lịch sử cha ông ta gọi Trường Sa là Bắc Hải… Mới thấy biển là của ta, đảo là của ta, ta đã quản lý liên tục, hợp pháp và hòa bình trong lịch sử” – ông Huynh chia sẻ.
Hay vì sao tranh chấp lãnh thổ và các vùng nước phải giải quyết trên cơ sở hòa bình? Hay những khái niệm pháp lý chẳng hạn, rất sâu rộng. Ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi. Cuộc đấu tranh vì độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta phải tiếp tục, nhưng lần này, bắt đầu trước hết là trên cơ sở pháp luật quốc tế với nhiều khái niệm vừa mới vừa khó đối với đại chúng, đòi hỏi hệ thống thông tin truyền thông phải tích cực hơn nữa, chạy đua với thời gian, góp phần nâng cao nhận thức trong công chúng để sớm đạt được hiệu quả về truyền thông, tâm lý và pháp lý.
Triển lãm, một hình thức thông tin cơ sở – tức là đưa thông tin trực tiếp đến người dân – góp phần giải quyết cả 3 vấn đề công khai, công luận và công pháp.
Có những nơi như huyện đảo Phú Quốc, dự định triển lãm diễn ra 7 ngày nhưng sau đó địa phương đề nghị kéo dài thời gian và ban tổ chức đã đồng ý. Có thể thống kê được đã có bao nhiêu người đến xem triển lãm, bao nhiêu đoàn học sinh, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ… Tuy nhiên, khó thống kê tiếp tục sau đó, bởi vì mỗi nơi triển lãm sẽ thành một “bảo tàng tư liệu” tại địa phương để tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu lâu dài.
Triển lãm tại Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng
“Thêm một điều không thể thống kê, đó là tình cảm dân tộc trong mỗi con người VN mạnh mẽ thế nào. Chỉ cần một thông tin gì đó về Hoàng Sa, Trường Sa xuất hiện trên truyền thông là ngay lập tức xuất hiện bao nhiêu lượt bình luận, thích, chia sẻ, để thấy thông tin đó quan trọng và được công chúng quan tâm đến mức nào”, ông Huynh nói.
Video đang HOT
Người theo sát hành trình của chuỗi triển lãm từ đó tin rằng có “cảm hứng dây chuyền”, thông tin không chỉ đến với người dân, mà chính người dân cũng đem những tư liệu, hiện vật mình có đóng góp vào cho nguồn sử liệu, bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo của VN thêm phong phú.
Các nữ cảnh sát biển tham quan triển lãm tại Cao Bằng. Ảnh: H.Nhì
Ông Đoàn Công Huynh kể lại câu chuyện khởi đầu khi ông Trần Thắng, một Việt kiều tại Mỹ, trao tặng toàn bộ số bản đồ và các cuốn atlas (do các nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1919 và 1933) mà anh sưu tầm được. Từ cuộc triển lãm đầu tiên ở Đà Nẵng, nơi có Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, sau khi được các nhà nghiên cứu thẩm định giá trị, những tư liệu này đã gia nhập cuộc trưng bày tài liệu, thư tịch cổ liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa của Bộ TT&TT, trở thành một đợt truyền thông có quy mô sâu rộng như hiện nay.
Bản đồ giá trị nhất trong bộ sưu tập 150 bản đồ do Việt kiều Trần Thắng tặng. Ảnh: Lê Anh Dũng
“Chúng tôi vẫn có mục tiêu là xã hội hóa công việc này, thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 11-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ vềtăng cường công tác sưu tầm, thẩm định, công bố, sử dụng các tài liệu, bản đồ, ấn phẩm và khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức đã sưu tầm và hiến tặng tài liệu liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam.Cho đến nay, những đóng góp của đồng bào đều hoàn toàn là tự nguyện”, ông Huynh cho biết.
Chu du thế giới
Với tiếng vang bước đầu mà triển lãm tạo ra, những người thực hiện lạc quan có thể giới thiệu những thông tin này tới nhiều đối tượng công chúng hơn nữa, thậm chí có thể xây dựng được như một bảo tàng thực sự về quản lý Hoàng Sa, Trường Sa đương đại.
Trước hết là kế hoạch đưa triển lãm ra nước ngoài trong năm 2015. Ông Huynh cho rằng, kiều bào là đầu cầu, là “con mắt nhìn ra thế giới”, khi tiếp cận được thông tin, họ sẽ tiếp tục đưa những nội dung này đến công chúng nước sở tại mà họ đang sinh sống, bằng cách chuyển ngữ nhiều thứ tiếng khác nữa, sẽ góp thêm tiếng nói, dư luận, tạo sự đồng thuận giữa nhân dân trong nước, bà con kiều bào và cả bạn bè quốc tế đối với quan điểm, đường lối, chủ trương bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN.
Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện, mở rộng giới thiệu triển lãm đến công chúng quốc tế qua các thứ tiếng chủ lực: Việt, Anh, Hoa, Pháp, Tây Ban Nha…, để thu hút sự ủng hộ của dư luận thế giới.
Khách nước ngoài tham quan triển lãm tại Đà Nẵng. Ảnh: Vũ Trung
Ông Đoàn Công Huynh cũng kỳ vọng thông tin đại chúng phải giúp sức tích cực hơn nữa với thông tin cơ sở để tăng hiệu quả tích cực của triển lãm. Ông Huynh gợi ý các lực lượng thông tin đại chúng và thông tin cơ sở nên khai thác thế mạnh trên cả hai lĩnh vực truyền thông nhanh và truyền thông chậm về sự kiện triển lãm này.
Truyền thông nhanh là đưa tin, phản ánh về sự kiện, cổ động người dân tiếp cận với triển lãm, khai thác được những khía cạnh mới qua từng nội dung các cuộc triển lãm ở cơ sở để dẫn giải, hấp dẫn người xem. Truyền thông nhanh là những gì nặng phần nóng hổi thời sự.
Truyền thông chậm là kiên trì khai thác thông tin tại triển lãm ở trên tất cả các khía cạnh có tính chuyên đề, nặng và sâu hơn, đều đặn và dài hơi hơn, dưới các góc độ khoa học lịch sử, nhận thức pháp lý, tâm thức biển đảo, tâm thức đại dương, môi trường biển, kinh tế biển, ngư trường truyền thống, chiến lược đấu tranh thực địa lâu dài trong hòa bình…
Để khắc phục tình trạng hay sai sót bất cập chỉ vì chạy theo thời sự, tin nóng, truyền thông về chủ quyền biển đảo nói chung, một mặt cần hoan nghênh cả truyền thông nhanh, kịp thời, nhanh nhạy bằng các kênh tiếng, kênh hình vốn mang lại các kết quả nhanh chóng về truyền tin, dễ thấy và trực diện, thu hút quan tâm.
Mặt khác cũng đặc biệt khích lệ truyền thông chậm, về khía cạnh ngoại giao văn hóa, về ngoại giao công chúng trên tất cả các mặt liên quan như -địa kinh tế, địa – chính trị, công pháp quốc tế, sử liệu, văn học nghệ thuật, tâm lý, môi trường, địa chất, kinh tế đại dương, giao thương hàng hải, an ninh an toàn hàng hải khu vực,v.v…Nên nhớ là truyền thông chậm có vai trò rất quan trong trong việc góp phần đấu tranh trên cả 3 lĩnh vực truyền thông, tâm lý và pháp lý lâu dài về vấn đề biển đảo của nước ta hiện nay.
Ông Đoàn Công Huynh tiết lộ hình thức tổ chức cũng sẽ đổi mới và tiếp tục sáng tạo để hấp dẫn người xem về các giác quan, chẳng hạn, bênh cạnh kênh hình, sao không có kênh tiếng cho sinh động và tăng phần hiệu quả, và, ngoài bản đồ phẳng sao không có thêm bản đồ hình tròn, hình quả đất, và ngoài thông tin lịch sử còn nên cập nhật thêm tình hình quản lý thực tế trên biển, những hiện vật, dấu tích vừa có từ cuộc đấu tranh xung quanh giàn khoan Hải Dương 981, những đóng góp phong phú từ chính bà con ngư dân ta trên biển…Đấy là những hướng có thể phát huy trong tương lai của những cuộc triển lãm này.
“Để không những khẳng định là VN quản lý Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu mà ngay lúc này, ngay hôm nay, ta vẫn luôn quản lý liên tục, hợp pháp và hòa bình biển đảo, để ngày sau các thế hệ trẻ sẽ tiếp nối”, ông Đoàn Công Huynh nhận định.
Gọi ý tưởng triển lãm này là “sự tri ân tổ tiên để lại cho chúng ta di sản biển đảo, không gian sinh tồn ngày nay, tri ân những người có công sưu tầm tư liệu để truyền lại cho các đời con cháu”, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở nhận định: Việt Nam là quốc gia biển, công dân Việt Nam là những công dân biển, cột mốc đóng ở ngoài khơi, ở các kinh độ, vĩ độ.
Bút tích của các em học sinh tại Đà Nẵng khi tham quan triển lãm.
Nhưng cột mốc chủ quyền biển đảo cũng phải đóng trong lòng người dân Việt Nam. Đặc biệt là với thế hệ trẻ, hôm nay ta đóng niềm tin, ý thức và tâm lý để sau này họ tiếp tục công việc đang còn dang dở.
Trong năm 2014, triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã được tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Quảng Nam, Cà Mau, Cao Bằng, Kiên Giang, Quảng Ninh, và các huyện đảo Cô Tô, Lý Sơn, Trường Sa.
Triển lãm trưng bày các tư liệu khẳng định việc khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam, của các nhà nước Việt Nam từ phong kiến đến XHCN.
Ngoài ra còn có các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam cộng hòa thời kỳ 1954 – 1975, các bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo do Việt Nam và phương Tây công bố từ thế kỷ 17 đến nay…
Đáng chú ý có 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản (Trung Quốc địa đồ, Trung Quốc toàn đồ, Trung Quốc bưu chính dư đồ, Trung Hoa bưu chính dư đồ), chỉ rõ cương giới cực Nam của TQ luôn chỉ đến đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo Vietnamnet
Ngắm Trường Sa, Hoàng Sa giữa lòng châu Âu
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tới đây sẽ được tổ chức tại CH Séc và Đức, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam ra quốc tế.
Thông tin được Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chia sẻ trong cuộc thăm và làm việc đầu Xuân với Bộ Tư lệnh Hải quân sáng nay ở Hải Phòng.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn tặng quà lưu niệm cho Chuẩn đô đốc - Chính ủy Quân chủng Hải quân Đinh Gia Thật. Ảnh: T.C
Trong cuộc làm việc, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Bộ TT&TT luôn hướng tới biên giới biển đảo trong cả 5 lĩnh vực hoạt động của Bộ, bao gồm báo chí, xuất bản, bưu chính, công nghệ thông tin, viễn thông.
Đặc biệt, lực lượng báo chí luôn sát cánh cùng các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển trong thời gian qua để phản ánh chính xác tình hình trên biển. Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại cũng rất quan trọng, để dư luận thế giới nhận thức đúng về tình hình cũng như dành sự ủng hộ cho Việt Nam.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn thăm Lữ đoàn 126
Đồng thời, theo Thứ trưởng, hoạt động thông tin cơ sở sẽ được đẩy mạnh thời gian tới để tăng cường đoàn kết, thống nhất nhận thức người dân trong nước, tiến tới thống nhất hành động, nâng cao trách nhiệm của người dân đối với chủ quyền biển đảo quốc gia. "Bộ TT&TT hứa sẽ luôn đồng hành sát cánh cùng Quân chủng Hải quân", ông khẳng định.
Chuẩn đô đốc - Chính ủy Quân chủng Hải quân Đinh Gia Thật ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực của Bộ TT&TT với lực lượng hải quân trong những năm qua, nhất là khi tình hình biển đảo vẫn đang diễn biến phức tạp.
"Bảo vệ biển đảo là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự kết hợp đấu tranh trên nhiều mặt trận như ngoại giao, dư luận, chính trị, báo chí, thực địa... Mong rằng giữa báo chí và Hải quân sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ", ông Đinh Gia Thật bày tỏ.
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ TT&TT đã đến thăm, tặng quà cho cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công hải quân 126.
Theo T.Cầm
Vietnamnet
Lý thuyết Tam chiến của Trung Quốc Vào năm 2003, Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Quân ủy Trung ương đã phê chuẩn cho khái niệm tam chiến (san zhong zhanfa; ; tam chủng chiến pháp), đó là cuộc chiến nhắm đến thế thượng phong cho Trung Quốc trong các tranh chấp tương lai. Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo ở đá Gạc Ma chiếm của Việt...