Hành trình xâm lấn thị trường PC của tablet
Lịch sử phát triển điện toán đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi và chuyển dịch, nhưng đa số mang tính “tiến hóa” hơn là “cách mạng” cho đến khi iPad xuất hiện cách đây 3 năm.
Ben Bajarin, chuyên gia phân tích công nghệ tại công ty Creative Strategies, đã đưa ra những nhận định của ông về thị trường máy tính.
Ảnh minh họa: Inmobi.
Ngành công nghiệp máy tính đang trải qua một trong những giai đoạn đáng chú ý nhất trong lịch sử của nó, dù không phải mọi công ty sẽ sống sót trước sự thay đổi này.
Trong nhiều năm, PC (bao gồm các hệ thống desktop và laptop) luôn tăng trưởng. Nó tăng 30% mỗi năm vào giai đoạn đầu và khoảng 5 đến 12% trong vòng 5 năm trở lại đây. Khoảng 380 đến 400 triệu PC được tiêu thụ hàng năm, một phần nhờ netbook giá rẻ hợp với các thị trường mới nổi. Thứ hạng có thể thay đổi giữa các nhà sản xuất, nhưng mọi chuyện đều diễn ra ổn thỏa.
Nhưng rồi iPad ra đời.
Trong khoảng 2 năm qua, sự nổi lên của iPad và tablet nói chung đã khiến mức tăng trưởng của PC chậm lại và giảm dần. Năm 2012, doanh số desktop và notebook giảm 5 đến 7%. Quý IV vốn vẫn được coi là giai đoạn khởi sắc của PC thì trong mùa mua sắm lớn nhất năm 2012, doanh số PC giảm tới 10% trên toàn thế giới. Kịch bản này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2013 khi Creative Strategies dự đoán ngành này phải đón nhận những con số không mấy tích cực thời gian tới.
Video đang HOT
Tablet trông đơn giản so với máy tính desktop hay laptop. Ngành máy tính đã không nhận ra rằng kiểu dáng, tính năng và giao diện cảm ứng của tablet chính là thứ mà nhiều người mong muốn (tablet PC đã xuất hiện trước đó nhiều năm nhưng không hội tụ đủ ba tiêu chí này). “iPad mang tính cá nhân hơn notebook và đem đến nhiều khả năng hơn smartphone”, Steve Jobs từng nói trong lễ công bố iPad tháng 1/2010.
Tin hay không thì máy tính bảng vẫn là những gì người dùng phổ thông cần. Nó chưa chiếm được thị phần cao chẳng qua vì PC quá phổ biến và ăn sâu vào thói quen sử dụng của con người. Trong khi đó, chức năng của PC vượt quá nhu cầu thông thường còn tablet lại đáp ứng vừa đủ các nhu cầu đó.
Nhiều người đang coi iPad là chiếc máy tính họ luôn đem theo bên mình và thực hiện hầu hết các công việc hàng ngày giống như họ từng làm trên PC như duyệt web, đọc thư, vào mạng xã hội… Nó không phải thiết bị của lập trình viên, chuyên gia thiết kế đồ họa… nhưng rõ ràng là hàng trăm triệu người dùng khác đang thấy tablet là đủ với họ mà không cần tới desktop nữa.
Cần nhấn mạnh rằng những chiếc PC quen thuộc với con người sẽ không biến mất đi đâu cả. Nó vẫn tồn tại, vẫn phổ biến, nhưng nó giờ đã có một vai trò mới. Vì các tác vụ cơ bản đã có tablet đảm nhiệm, PC sẽ được chọn cho các công việc “nặng nhọc” hơn, cần hiệu suất cao hơn như tại các văn phòng, hay dành cho các chuyên gia…
Sự chuyển dịch này không diễn ra một sớm một chiều nhưng ngày càng hình thành rõ nét qua việc thị phần tablet tăng lên trong khi nhu cầu sắm desktop giảm xuống mạnh mẽ.
Creative Strategies cũng nhận thấy các nhà sản xuất đang thay đổi để thích nghi bằng cách biến PC của họ trông giống tablet hơn như cho ra đời các dòng máy tính lai với màn hình tháo rời, gập, xoay… Điều này mang đến cả cơ hội lẫn thách thức, nhưng ít nhất, các hãng máy tính đang từ bỏ lối tư duy cũ về sản phẩm để đón nhận những quan điểm mới nhằm giúp hợp nhất tablet và PC.
Theo VNE
CEO Lenovo Việt Nam: Chiến lược PC Plus đang đi đúng hướng
Khẳng định được vị thế trên thị trường máy tính cá nhân bằng những thành công ngoạn mục trong thời điểm đầy thách thức, ông Nguyễn Minh Sơn, tân Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về chiến lược PC plus của Lenovo.
Ông Nguyễn Minh Sơn trong lễ ra mắt sản phẩm mới IdeaPad Yoga và ThinkPad Twist của Lenovo tại Việt Nam ngày 16/1 vừa qua.
Lenovo vừa đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ông có thể chia sẻ thành công này được xây dựng trên những nền tảng nào?
Lenovo đặt trọng tâm vào sự đổi mới và hỗ trợ khách hàng trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng hành vi tiêu dùng. Đội ngũ nghiên cứu và thiết kế của Lenovo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khảo sát và đánh giá nhu cầu tiêu dùng, để tạo ra những sản phẩm mang lại cho người sử dụng giá trị sử dụng lâu dài với mức chi phí hợp lý.
Với những nghiên cứu chiến lược dài hạn, Lenovo xác định trọng tâm vẫn là máy tính cá nhân (PC), đồng thời phát triển nghiên cứu sang các dòng sản phẩm mang tính chất thời thượng như smartphone, tablet, smart TV... và cố gắng tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, mà ở đó, PC là "trái tim" cho cuộc sống số của người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Đây chính là điểm khác biệt của Lenovo so với các hãng khác.
Để tiếp cận sâu hơn với từng phân khúc khách hàng, bộ phận kinh doanh của Lenovo cũng được chia ra thành 2 nhóm. Think Business Group chuyên về các dòng sản phẩm cao cấp cho doanh nghiệp, doanh nhân cùng với các giải pháp dành cho doanh nghiệp (lưu trữ, máy chủ) và máy trạm. Còn Lenovo Business Group chuyên về các dòng sản phẩm phổ thông cho đại đa số người dùng.
Trên phạm vi toàn cầu, Lenovo vẫn theo đuổi chiến lược "protect and attack" (bảo vệ và tấn công). Nghĩa là vừa bảo vệ thị phần tại các phân khúc thị trường mà Lenovo đang chiếm vị trí dẫn đầu, đồng thời phát triển các thị trường mới. Chiến lược đúng đắn này đã mang lại sự tăng trưởng thần kỳ của hãng trong thời gian vừa qua.
Vậy Lenovo định vị thế nào về thị trường Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của mình?
Việt Nam với 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, kinh tế đang phát triển là thị trường rất tiềm năng và quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Lenovo đang nỗ lực không ngừng thúc đẩy tăng trưởng tại thị trường này thông qua việc mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho người sử dụng. Hệ thống bảo hành, bảo trì cũng tiếp tục được Lenovo phát triển mạnh để tiếp cận gần nhất và rộng rãi nhất tới khách hàng.
Trong chiến lược dành cho thị trường Việt Nam, việc bổ nhiệm CEO bản xứ vào vị trí "thuyền trưởng" Lenovo Việt Nam mang ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Việc lựa chọn một CEO là người địa phương cho thấy Lenovo tin tưởng vào kinh nghiệm và khả năng của người địa phương cũng như xem trọng việc am hiểu thị trường, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng bản địa để có những chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả.
Hiểu rõ thị trường là yếu tố quan trọng trong chiến lược "protect and attack" của Lenovo và là bước tiên quyết để các sáng tạo của Lenovo đem lại các sản phẩm có giá trị sử dụng lâu dài cho người sử dụng.
Lenovo vừa công bố chiến lược PC plus, điều này liệu có hợp lý khi mà các hãng khác đang theo đuổi mục tiêu phát triển các thiết bị di động cá nhân?
Đây là chiến lược tạo nên sự khác biệt của Lenovo và được Lenovo hiện thực hoá thành công qua kết quả kinh doanh trong nhiều quý gần đây nhất.
Theo các báo cáo của IDC, trong 12 quý liên tiếp vừa qua, Lenovo có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các hãng PC lớn với tỷ lệ trung bình 10,2% hàng năm. Lenovo cũng nắm giữ vị trí số 1 tại 5 trong số 7 thị trường PC lớn nhất trên thế giới. Quý IV/2012, Lenovo vẫn duy trì đà tăng trưởng này với tỷ lệ 8,2%, cao nhất trong các hãng sản xuất PC. Điều này cho thấy chiến lược PC plus của Lenovo đang đi đúng hướng.
Theo đánh giá của IDC, thị trường PC thế giới vào khoảng 260 triệu máy vào năm 2011, đến năm 2016 là hơn 500 triệu máy, với mức tăng trưởng 7,7%/năm. Vì vậy, Lenovo càng có cơ sở cho chọn lựa của mình. Ngoài ra, Lenovo không bỏ qua các phân khúc sản phẩm công nghệ cao khác như smartphone, tablet, smart TV theo cách tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho các khách hàng sử dụng sản phẩm của Lenovo.
Theo Báo Đầu Tư
Samsung liệu có đi theo vết xe đổ của Dell? Năm qua, Samsung đã tiến bộ vượt bậc. Từ chỗ chỉ là một nhà sản xuất điện từ thành công, hãng điện tử Hàn Quốc trở thành nhà sản xuất di động thành công nhất thế giới, vượt qua Apple. Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee. Cùng với Apple, Samsung chiếm tới 98% lợi nhuận của thị trường smartphone. Samsung trở thành một trong...