Hành trình trở thành tỷ phú của Mark Zuckerberg
Khởi đầu từ ký túc xá Kirkland House (Đại học Harvard), Mark Zuckerberg từ một sinh viên suýt bị đuổi học đã trở thành tỷ phú, biểu tượng của giới công nghệ.
Tháng 10/2003, cậu sinh viên năm hai Mark Zuckerberg đã dựng nên “ Face mash” – ứng dụng phiên bản Hot or Not sử dụng hình ảnh bạn cùng lớp hack được từ thư mục lưu trữ của trường nhằm tìm ra người “ nóng bỏng” nhất.
Chỉ trong vòng 4 giờ lên sóng, Face mash đạt được con số 22.000 lượt xem. Tuy nhiên, trang này nhanh chóng bị ban quản lý Harvard ra lệnh đóng cửa. Zuckerberg bị phạt vì vi phạm an ninh, xâm phạm bản quyền và xâm phạm quyền tự do cá nhân, đồng thời đối mặt với việc bị đuổi học. May mắn thay, các cáo buộc đã được hủy bỏ. Không nản lòng, ngày 4/2/2004, Mark tiếp tục thành lập “The Facebook” với địa chỉ tên miền thefacebook.com.
Mark bị 3 cựu sinh viên Harvard khác là cặp song sinh nổi tiếng Cameron và Tyler Winklevoss cùng Divya Narendra cáo buộc sử dụng ý tưởng về trang kết nối HarvardConnection.com của họ để tạo ra Facebook. Vụ kiện chỉ được thu xếp ổn thỏa vào năm 2008 khi những người này được quyền sở hữu 1,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 300 triệu USD sau này. Việc đăng ký thành viên ban đầu giới hạn trong những sinh viên của Harvard. Một tháng đầu tiên, hơn nửa số sinh viên trong trường đã đăng ký dịch vụ này. Tháng 3/2004, Facebook mở rộng tới các trường đại học.
Những đơn hàng quảng cáo bắt đầu xuất hiện. Tốc độ tăng trưởng nhanh kèm theo những mặt hạn chế về chức năng dần lộ diện. Mặc dù vẫn điều hành Facebook trong căn phòng nhỏ ở ký túc xá, song Mark đã có những ý tưởng nghiêm túc về việc kinh doanh. Điều gì đến cũng phải đến, Mark chính thức bỏ học Harvard để theo đuổi đam mê, giống Bill Gates trước kia.
Tháng 6/2004, Facebook chuyển cơ sở điều hành đến Palo Alto, California trong một văn phòng nhỏ và khiêm tốn với những bức họa graffiti đặc trưng.
Mọi người kể lại rằng, Mark thường xuất hiện với chiếc quần soóc, chân trần và không thể thiếu chai bia trên tay.
Cùng thời điểm này, Facebook nhận được khoản tài trợ 500.000 USD đầu tiên đến từ giám đốc điều hành của PayPal – Peter Thiel cùng cộng sự Elon Musk (sau này trở thành tỷ phú và nhà sáng lập Tesla). Từ đây, Facebook bắt đầu quá trình phát triển không ngừng. Tháng 5/2005, tài khoản viện trợ được nâng lên 13,7 triệu USD. Năm 2006, Facebook ra mắt News Feed, cho phép người dùng theo dõi hoạt động của bạn bè theo thời gian thực.
Video đang HOT
Cuối năm 2007, Mark có cuộc gặp gỡ với Sheryl Sandberg – một trong các giám đốc của Google – tại bữa tiệc Giáng sinh. Là một phụ nữ tài năng, Sheryl đang được cân nhắc cho vị trí cấp cao của thời báo The Washington. Không để vuột mất cơ hội, Mark ngay lập tức mời cô về làm việc cho Facebook với chức danh giám đốc điều hành.
Năm 2009 đánh dấu bước phát triển thần kỳ của Facebook trước sự bùng nổ của smartphone. Lượt truy cập lên đến 1.000 tỷ mỗi tháng. Văn phòng cũng được chuyển tới địa điểm rộng rãi hơn. Tháng 2/2011, lần đầu tiên Facebook trở thành công cụ chính trị trong cuộc nổi dậy của người dân Ai Cập.
Chủ nhân của mạng xã hội này cũng được giới nghị sĩ, chính trị gia quan tâm trong các buổi nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới về việc phổ cập Internet toàn cầu.
Đây cũng là một trong những mạng xã hội tiên phong trong chiến dịch ủng hộ hôn nhân bình đẳng và nhân quyền.
Ngay sau khi đưa Facebook trở thành công ty đại chúng, Mark tiến hành hôn lễ với người bạn gái lâu năm từ thưở đại học – Priscilla Chan.
Vốn dĩ đã ở trên ngai vàng của mạng xã hội nhưng Facebook luôn luôn cảnh giác trước các start-up có khả năng đe dọa ngôi vị của mình. Vì vậy, công ty đã thực hiện hàng loạt các thương vụ đình đám, trong đó có dịch vụ chia sẻ hình ảnh Instagram với mức giá 1 tỷ USD vào năm 2012.
Đỉnh điểm là vụ mua bán có mức giá trên trời – 19 tỷ USD – với công ty phát triển ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Đồng sáng lập của công ty này – Jan Koum – hiện là thành viên hội đồng quản trị của Facebook. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dường như không có điểm dừng của công ty với hơn 2.800 nhân viên, Mark sẵn sàng cho xây dựng những cơ sở mới, được thiết kế bởi kiến trúc sư huyền thoại Frank Gehry.
Ông chủ Facebook cho biết dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, công ty vẫn sẽ theo đuổi sứ mệnh duy nhất là kết nối tất cả mọi người trên thế giới với nhau: “Đơn giản, chúng tôi không xây dựng nên các dịch vụ để kiếm tiền. Ngược lại, chúng tôi kiếm tiền để xây dựng các dịch vụ tốt hơn”.
Tháng 12/2015, Zuckerberg công bố thành lập Zuckerberg Chan – công ty thụ hưởng 99% lợi nhuận từ Facebook, với mục đích tái đầu tư vào công cuộc cải thiện sự biến đổi khí hậu thế giới.
Dù khá bận rộn với những kế hoạch từ thiện, chương trình mở rộng Internet toàn cầu, Mark Zuckerberg vẫn duy trì quyền kiểm soát nhất định với công ty. Sau tất cả, với Mark, cơ ngơi tỷ đô hiện nay vẫn chỉ như trang ứng dụng Hot or Not trong phòng ký túc xá ngày nào.
Minh Minh
Theo Zing
Mục đích từ thiện 45 tỷ USD của Mark Zuckerberg bị nghi ngờ
Mark Zuckerberg vừa bán số cổ phiếu Facebook trị giá 95 triệu USD cho hoạt động từ thiện. Nhưng để góp tới 45 tỷ USD như đã hứa hẹn, mọi việc sẽ chẳng thể dễ dàng.
95 triệu USD là số tiền đầu tiên mà ông chủ Facebook góp vào quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative mới được thành lập từ cuối năm ngoái. Trước đó, hai vợ chồng Zuckerberg và Priscilla Chan cam kết sẽ dành 99% tài sản của họ tại Facebook, tức là tương đương với 45 tỷ USD, cho hoạt động từ thiện trong suốt quãng đời còn lại.
Tuy nhiên, việc một trong những nhân vật quyền lực nhất giới công nghệ hiện nay cho đi gần như tất cả tài sản của mình cũng làm dấy lên nhiều nghi ngờ. Nhất là khi tuyên bố này không đi kèm kế hoạch và lịch trình cụ thể cho hoạt động từ thiện.
Theo tờ Wired, Zuckerberg bị nghi ngờ dùng hoạt động từ thiện để đánh bóng tên tuổi. Tức là cứ "mạnh mồm" công bố hiến một đống tiền cho từ thiện nhưng việc giải ngân còn phải chờ chán chê mà có khi chẳng bao giờ thành hiện thực.
Trong khi đó, 95 triệu USD giải ngân đầu tiên chỉ là "muỗi" nếu so với khoản tiền 45 tỷ USD như cam kết. Rob Reich, đồng giám đốc Trung tâm Bác ái và Xã hội Dân sự Stanford (SCPCS), Mỹ kêu gọi cần có sự minh bạch rõ ràng hơn trong cam kết từ thiện này, còn nếu không nó cũng chỉ là cách đánh bóng tên tuổi của Zuckerberg mà thôi.
Ông chủ Facebook hưởng lợi lớn từ quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative.
Nhưng Mark Zuckerberg, vốn đã quá nổi tiếng với mạng xã hội Facebook - hiện đang có 1,65 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng, có cần phải đánh bóng tên tuổi kiểu đó hay không?
Thực tế, vụ bán 95 triệu USD cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh Facebook đang dần cải tổ theo hướng trao cho Zuckerberg quyền lực kiểm soát tuyệt đối ngay cả khi CEO này bán tất cả cổ phiếu Facebook.
Tháng 6 vừa qua tại hội nghị cổ đông hàng năm, các cổ đông Facebook đã thống nhất thông qua kế hoạch tái cấu trúc cổ phần công ty, theo đó cho phép Mark Zuckerberg giữ quyền kiểm soát Facebook ngay cả khi công ty phát hành thêm cổ phiếu hoặc CEO bán các cổ phiếu của mình.
Nói tóm lại, hội nghị này là động thái khẳng định vị trị độc tôn của Mark Zuckerberg với Facebook cho dù có xảy ra bất cứ chuyện gì sau này. Facebook cũng là một trong số ít công ty công nghệ công khai kế hoạch phát triển 10 năm tiếp theo.
Trong khi đó, Zuckerberg từng tuyên bố rằng sẽ không cho đi quá 1 tỷ USD cổ phiếu Facebook mỗi năm từ nay tới hết 2018. Điều đó có nghĩa, sẽ còn rất lâu nữa số tiền 45 tỷ USD mới được giải ngân hết.
Facebook hiện có 1,65 tỉ người dùng thường xuyên hàng tháng.
Quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative hoạt động cho sứ mệnh "đào tạo cá nhân, hạn chế bệnh dịch, kết nối người dân và xây dựng cộng đồng". Dự án đầu tiên của quỹ là đầu tư cho Andela, một công ty khởi nghiệp đào tạo kỹ sư ở châu Phi làm trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, chẳng có thêm thông tin nào về hoạt động của Chan Zuckerberg Initiative.
Trong khi đó, Zuckerberg được hưởng lợi rất lớn từ quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative. Ngoài chuyện được miễn thuế ra, CEO Facebook còn có được ảnh hưởng lớn về mặt chính trị và xã hội.
Theo Wired, khi đã thừa tiền rồi, Zuckerberg sẽ là nhân vật có tiếng trong giới chính trị. Tiếng nói của tỷ phú công nghệ này sẽ có trọng lượng lớn trong mọi vấn đề.
Trên thực tế, Chan Zuckerberg Initiative không phải tổ chức phi lợi nhuận (NPO), vậy nên Zuckerberg có bán hết cổ phiếu Facebook cho từ thiện đi chăng nữa cũng không phải là hành động bác ái đơn thuần.
Zuckerberg từng đứng ra bảo vệ cơ cấu của Chan Zuckerberg Initiative và cho rằng việc không phải là NPO giúp tổ chức này linh hoạt hơn khi cấp vốn cho các sứ mệnh cụ thể. Nói tóm lại, Zuckerberg có thể dùng tiền của mình đầu tư cho bất cứ thứ gì mình thích, đó có thể liên quan tới chính trị, bầu cử hoặc lĩnh vực công cộng.
Cả thế giới có thể ngỡ ngàng với việc cho đi gần như toàn bộ tài sản của vợ chồng Mark Zuckerberg, nhưng thực tế người hưởng lợi lớn nhất từ quyết định này có thể lại chính là Mark Zuckerberg.
Gia Nguyễn
Theo Zing
Tại sao Mark Zuckerberg luôn chỉ mặc một chiếc áo phông? "Thay vì tốn thời gian để suy nghĩ và đưa ra những quyết định phù phiếm, tôi dành năng lượng của mình để xây dựng các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho cộng đồng", Mark chia sẻ. Các nhân viên ở thung lũng Silicon trước giờ luôn được biết đến với phong cách ăn mặc đơn giản, phóng khoáng, đối nghịch...