Hành trình dặm dài biên cương phía Bắc- Kỳ 1: Mỗi cột mốc là chủ quyền thiêng liêng của đất nước
Lần đầu tiên trong đời, tôi có cơ hội theo chân các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng của hai tỉnh Hà Giang, Lào Cai đi tuần tra biên giới, cột mốc và thực hiện nghi lễ chào cột mốc. Tôi thấy đất dưới chân mình thật thiêng liêng biết bao, hai chữ chủ quyền, lãnh thổ thật thấm thía và máu thịt.
Hơn 1.360 km hành trình trong chuyến đi kéo dài một tuần đến 5 đồn biên phòng của hai tỉnh địa đầu phía Bắc đất nước có thể không là bao, so với 4.639 km tổng chiều dài đường biên giới trên đất liền của Tổ quốc. Nhưng ý thức lớn lao về lãnh thổ đất nước, sự cảm phục với các anh – những người lính quân hàm xanh nơi phên dậu của đất nước, chắc chắn khó mà đo đếm được.
Hành trình đến Đồn biên phòng Nghĩa Thuận, Xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là đi qua những cung đường mây, cung đường núi. Lúc trời mù tầm nhìn chỉ còn dưới 3m, lúc gió hắt quật rét và sương giá vào mặt. Nhưng thời tiết có sá gì, ngày nào, các chiến sĩ Đồn biên phòng Nghĩa Thuận cũng tổ chức các đội tuần tra cột mốc biên giới.
Đến mỗi cột mốc, đội hình lại ngăn nắp, nghiêm chỉnh giơ tay chào. Bên này cột mốc là lãnh thổ đất nước mình, giống như lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm mà tôi vẫn nhớ: “Em ơi em đất nước là máu xương của mình”. Còn bên kia cột mốc là lãnh thổ nước bạn. Hai tiếng “chủ quyền lãnh thổ” trong tôi thấm thía và xúc động hơn bao giờ, khi đứng trước mỗi cột mốc, đường biên đất nước.
Đồng chí Thượng tá Nguyễn Hữu Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn biên phòng Nghĩa Thuận cho biết: Việc tuần tra, đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới là nhiệm vụ hàng đầu của cán bộ chiến sĩ biên phòng tại Nghĩa Thuận.
Đặc biệt hơn, thực hiện chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đồn cũng phối hợp với các tổ tự quản, lực lượng dân quân tự vệ để tham gia các hoạt động tuần tra cột mốc biên giới. Từ đầu năm 2018 đến nay, Đồn đã tổ chức tuần tra được 35 lần/107 lượt cán bộ, chiến sĩ và 84 lượt dân quân tham gia. Kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động vi phạm Quy chế biên giới, chống vượt biên, xâm nhập, buôn lậu, gian lận thương mại.
Các chiến sĩ Đồn biên phòng Nghĩa Thuận (Hà Giang) thực hiện nghi thức chào cột mốc trong các hoạt động tuần tra biên giới, cột mốc lãnh thổ. (Ảnh: P.T)
Nghĩa Thuận có 9 thôn, trong đó có 5 thôn giáp biên là Xín Cái, Na Cho Cai, Na Lềnh, Ma Xảo Phố và Tả Sống Chư. Nơi đây địa hình chia cắt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, dựa vào cây ngô làm chủ lực. Trong 9 thôn thì có tới 7 thôn vẫn nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Cả 9 chi bộ thôn đều có 9 đồng chí cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường cho các xã biên giới, giúp dân xây dựng chi bộ vững mạnh. Đặc biệt, 2 thôn Ma Xào Phố và Tả Sống Chư đều có bí thư chi bộ thôn là cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường.
Video đang HOT
Không chỉ ở riêng Nghĩa Thuận, hoạt động cùng nhân dân tham gia tuần tra biên giới, kiểm tra các cột mốc đều được các cán bộ, chiến sĩ biên phòng trên cả nước và hai tỉnh Hà Giang, Lào Cai tích cực đẩy mạnh. Bởi ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự góp sức của nhân dân tham gia bảo vệ biên giới.
Tại Đồn biên phòng Xín Mần, xã Xín Mần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, buổi tuần tra cột mốc có sự tham gia của hai nữ dân quân tự vệ người H’Mông vừa năng nổ, vừa xinh đẹp. Trong đó, nữ dân quân tự vệ Sùng Thị Thu (SN 1992) kể: “Từ năm 2016, em tham gia tổ dân quân tự vệ, hàng tháng đều có tham gia tuần tra đường biên giới và cột mốc lãnh thổ. Đây là công việc định kỳ, mỗi lần tuần tra chúng em sẽ kiểm tra xem có gì bất thường xung quanh cột mốc không, phát quang cỏ dại đường biên và không thể thiếu nghi lễ “chào cột mốc”. Em đã “chào cột mốc” nhiều lần mà lần nào chào cũng thấy nghiêm trang, xúc động lắm ạ”.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm biên phòng cửa khẩu Xín Mần (Hà Giang) phối hợp cùng lực lượng dân quân tự vệ tổ chức các hoạt động tuần tra biên giới, cột mốc. (Ảnh: P.T)
Đúng như khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đảng ủy bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Huyện ủy 7 huyện biên giới, chỉ đạo các đồn biên phòng và các xã biên giới tổ chức ký cam kết cho 105 tập thể và 898 hộ gia đình tham gia tự quản.
Như chia sẻ của đồng chí Đại tá Nông Thế Hanh, Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giàng thì: Những năm qua, cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang đã xác định tốt vai trò trách nhiệm bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, tham mưu cho địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Thời gian tới, bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, thực hiện các kế hoạch một cách đồng bộ, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng thế trận lòng dân, tiến tới xây dựng mô hình mỗi một người dân ở vùng biên là một cột mốc sống. Qua đó, tạo động lực để người dân cùng với bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Còn ở Đồn biên phòng A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai – vẫn được xem là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, thì đơn vị có nhiệm vụ quản lý 4 cột mốc (từ cột mốc 90 – 93) trên địa bàn 2 xã A Mú Sung và Nậm Chạc, chiều dài gần 27 km đường biên giới dọc suối Lũng Pô và sông Hồng với 520 hộ và trên 4.900 nhân khẩu gồm 5 dân tộc thiểu số.
Những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp với các loại tội phạm như: ma túy, buôn bán người, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép… .. làm cho công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Đồn biên phòng A Mú Sung đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp thực hiện.
Một trong những nội dung đó là tham mưu cho UBND huyện công nhận 6 tổ tự quản đường biên, cột mốc và 12 tổ tự quản về an ninh, trật tự xã hội, thành lập 5 mô hình “Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc”. Đơn vị cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh biên giới, đường biên, cột mốc. Từ tháng 11-2016 đến tháng 10-2018, đơn vị đã tổ chức tuần tra 320 lần với trên 1.800 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương tham gia.
Có theo chân các chiến sĩ bộ đội biên phòng, mới thấm thía được nỗi vất vả của của các anh và đồng bào các dân tộc vùng phên dậu của đất nước trong việc tham gia giữ gìn chủ quyền, anh ninh biên giới đất nước và cũng cảm phục hơn tinh thần khắc phục vượt khó của quân và dân vùng biên. Hôm nay, cùng bà con và các chiến sĩ tại những nơi tôi đi qua chào cột mốc, nỗi xúc động về quê hương, đất nước mình thấm sâu vào trái tim và suy nghĩ, khó nói hết qua một đôi lời. “Chào cột mốc” – mới thấy mỗi cột mốc biên giới đều thiêng liêng như tiếng gọi Tổ quốc mình!
(Còn nữa)
Phan Thủy
Theo Phapluat&xahoi
Cứu nạn 9 thuyền viên chìm tàu trên biển
Sáng 9/2, tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh TT-Huế cho biết, đơn vị vừa phối hợp các lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn thành công 9 thuyền viên bị chìm tàu trên vùng biển tỉnh này.
Các thuyền viên găp nạn chìm tàu trên biển được cứu hộ thành công
Trước đó, vào ngày 7/2, tàu Đức Phát 66 của Cty Vận tải Biển Hải Đạt (địa chỉ Diêm Điền, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) chở hơn 1.800 tấn gạo trên hành trình từ An Giang đi Hải Phòng. Khi tàu di chuyển đến tọa độ 170 24'N, 1070 04'E thuộc vùng biển tỉnh TT-Huế thì phát hiện bị nước tràn vào hầm hàng. Thuyền trưởng Nguyễn Huy Hùng ngay sau đó đã phát tín hiệu cấp cứu.
Kiểm tra sức khỏe thuyền viên sau khi được cứu hộ, đưa vào bờ an toàn
Nhận thông tin từ tàu Đức Phát 66, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh TT-Huế đã thông báo sự việc đến Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn Khu vực I; đồng thời, chỉ đạo Đài thông tin Tìm kiếm cứu nạn thuộc Biên phòng tỉnh tiếp tục giữ liên lạc với tàu gặp nạn. Biên phòng TT-Huế cũng phát thông báo tìm kiếm cứu nạn đến các tàu lân cận đánh bắt hải sản trên biển nhằm phối hợp tổ chức cứu nạn.
Lúc này, tàu Long Phú 18 trên hành trình từ Nghệ An đi Dung Quất đã nhận được tín hiệu yêu cầu cứu hộ và ở cách tàu Đức Phát 66 khoảng 3 hải lý, cách các phao bè tàu Đức Phát khoảng 2 hải lý. Thuyền trưởng tàu Long Phú 18 là ông Trần Văn Dũng lệnh cho tổ máy giảm tốc độ và tiếp cận 2 phao bè để cứu 9 thuyền viên. Đến 7h15 phút sáng 7/2, 9 thuyền viên tàu Đức Phát 66 đã được cứu hộ lên tàu Long Phú 18 an toàn, tình trạng sức khỏe ổn định.
Đến chiều 7/2, tàu Long Phú 18 cập cảng Chân Mây (TT-Huế) và bàn giao các thuyền viên gặp nạn cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Chân.
NGỌC VĂN
Theo TPO
Xuân yêu thương đến với mọi nhà Càng đến gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, hoạt động chăm lo tết tại TPHCM được các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể triển khai sôi nổi để người dân được hưởng tết cổ truyền vui vẻ, ấm áp. Mục tiêu của thành phố là mọi người, mọi nhà đều có tết, không ai bị bỏ lại phía sau... Tết nghĩa...