Hành trình chinh phục đỉnh núi thiêng Brăh Yàng ở cao nguyên Di Linh
Với cảnh vật thiên nhiên đẹp nguyên sơ cùng những thác nước và dãy núi hùng vĩ, cao nguyên Di linh (Lâm Đồng) đã tạo sự tò mò và kích thích nhiều bạn trẻ tìm đến khám phá, trải nghiệm.
Ưa thích khám phá những điều mới mẻ về thiên nhiên, nhóm của anh Lê Thuận đã bàn bạc, lên kế hoạch kỹ càng và họ quyết định chọn chinh phục đỉnh núi Brăh Yàng ở huyện Di Linh cho chuyến hành trình lần này của mình.
Bắt đầu hành trình khám phá leo núi Brăh Yàng của nhóm người trẻ.
Trong cái nắng oi ả, sau vài giờ di chuyển từ TP HCM, nhóm anh Thuận đã đến được Di Linh, điều anh cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến đất Lâm Đồng là từng cơn gió thoáng qua phà hơi mát lạnh dịu cả người, thời tiết trên cao nguyên gió ngàn luôn cuốn hút những người thích xê dịch, khám phá, sinh tồn trong những khu rừng già.
Theo anh Lê Thuận, đồng hành với nhóm anh trên hành trình chinh phục núi Brăh Yàng có anh Mul K’Vang, anh K’Brẻoh và anh Nhoi Mur- đây là những người K’Ho bản địa rất vui vẻ, tận tình, mến khách.
Trong hành trình lên núi, du khách sẽ được chiêm ngắm thác nước Bobla tuyệt đẹp.
Theo người dân địa phương kể lại truyền thuyết, Brăh là tên một chàng trai người K’Ho, còn Yàng nghĩa là thần. Ngày nọ, cô tiên từ trên núi xuống tắm suối và lấy cá của chàng. Khi chàng phát hiện, nàng hứa sẽ đền bất cứ thứ gì nhưng chàng không chịu, chỉ muốn được theo cô lên núi ở cùng và cai quản núi, từ đó núi có tên là Brăh Yàng.
Đỉnh núi này có độ cao 1.879m so với mực nước biển, cao nhất ở Di Linh, núi này đã trở thành điểm du lịch trekking (đi bộ trong rừng) khám phá, thử thách nhiều bạn trẻ.
Phóng tầm mắt nhìn những ngọn núi ở cao nguyên Di Linh.
“Để lên được đỉnh Brăh Yàng, chúng tôi phải lội bộ, băng qua những ruộng lúa, những đồi cà phê, lội suối, vượt đèo, băng qua rừng thông, leo lên từng con dốc dựng đứng. Dưới cái nắng gắt, chúng tôi vẫn hừng hừng cuốc bộ trong rừng sâu, mồ hôi nhễ nhại ướt như tắm”. Anh Thuận chia sẻ.
Đường lên đỉnh núi hiểm trở.
Vừa leo núi, nhóm du khách đến từ TP HCM được các anh đồng hành người K’Ho kể lại những câu chuyện huyền thoại của thần núi, thần rừng cũng như kinh nghiệm sinh tồn trong rừng như; tìm nguồn nước uống và thức ăn, rau cỏ. “Trong quá trình leo núi có những lúc mỏi mệt chúng tôi đã dừng ở khu đất trống để chế biến, tìm thức ăn từ nấm, cây rừng hay săn bắt, hái lượm như người rừng, một cảm giác thật tuyệt vời chưa từng có”. Anh Thuận cười nói.
Video đang HOT
Tại điểm dừng chân, nhóm của anh Thuận không quên chụp ảnh kỷ niệm.
Trong hàng trăm thảm thực vật trong rừng nguyên sinh trên núi Brăh Yàng, anh Thuận ấn tượng nhất với loài cây sống ký sinh được gọi là “cây đa bóp cổ” hoặc “quái vật rừng xanh”. Loại cây này là hạt mầm mà loài chim hoặc dơi ăn xong thả trên thân cây cổ thụ, sống ký sinh ôm ấp nhau tưởng như tình yêu vĩnh cửu.
“Chiều dần buông xuống cũng là lúc lượng nước mang theo vào rừng cạn dần. Những người con của Brăh Yàng dẫn chúng tôi đến giếng nước thần gần đỉnh núi, nơi có nguồn nước mát quanh năm không bao giờ cạn”. Anh Thuận cho biết thêm.
Sau khi dừng chân ở giếng nước thần, nhóm anh Thuận tiếp tục hành trình lên gần đỉnh núi thì trời đã về chiều tối, sương mù bắt đầu bao phủ dày đặc cả khu rừng, khung cảnh trông hãi hùng nhưng không kém phần lãng đãng.
Du khách Lê Thuận bên “cây đa bóp cổ”.
Khi sương mù tan dần, họ chia nhau đi lấy nước nấu cơm, nấu thức ăn, chế biến những món ăn đặc sản trên núi Brăh Yàng. Anh K’Brẻoh cho biết, khi mình đi rừng, trước lúc ăn uống thường phải mời thần núi, thần rừng bát cơm, chén rượu để những vị thần dùng trước giúp mọi người bình an.
Người dân bản địa tìm nấm để làm bữa ăn trên rừng.
Bởi chúng mình là con cháu của Yàng nên khi đi rừng, đi núi lên thăm Yàng như những người con trở về thăm nhà, nên trước khi ăn uống cần bày tỏ lòng biết ơn đến Yàng.
“Giữa đêm, chúng tôi theo chân K’Brẻoh vào rừng…Đi suốt đêm chúng tôi chỉ phát hiện vài con ếch, vài loài chim còn những loài thú lớn rất khó bắt gặp. Đêm giữa rừng thật hoang vắng, chỉ cần những tiếng động mạnh cũng làm vang động cả một góc rừng”. Lê Thuận kể lại.
Nhóm du khách từ TP HCM đã chinh phục được đỉnh núi Brăh Yàng.
Thức giấc sau một đêm ngủ, nhóm người trẻ lại tiếp bước lên rừng, với sức khỏe dẻo dai không bỏ cuộc giữa chừng, cuối cùng họ đã chinh phục được đỉnh núi thiêng Brăh Yàng trong niềm vui sướng và tự hào.
Xuyên rừng rêu ma mị, chinh phục đỉnh Sa Mu - U Bò cao 2756m
Xuyên suốt hành trình chinh phục đỉnh núi Sa Mu - U Bò, tầng tầng lớp lớp kỳ hoa, dị thảo trong cánh rừng nguyên sinh khiến du khách như lạc bước vào chốn huyền bí.
Thi thoảng trên các diễn đàn leo núi, tín đồ trekking không khỏi xuýt xoa, mê mẩn bức ảnh ghi lại cảnh rừng rêu ma mị ở Sa Mu - U Bò (Sơn La). Thế nhưng, để xách ba lô lên và đi ngay thì không phải ai cũng dám liều. Người dân bản địa vẫn thường gọi U Bò là một trong ba đỉnh núi hiểm trở nằm trong khu vực "Tam giác quỷ" của Tà Xùa. Sở dĩ U Bò có "biệt danh" này bởi nơi đây có nhiều đỉnh núi cao chọc trời.
Tháng 2, 3 hàng năm, đỉnh Sa Mu - U Bò thuộc rừng đặc dụng Tà Xùa lại được phủ lên thảm thực vật phong phú tuyệt đẹp. Đây cũng chính là cung đường trekking được Nguyễn Thu Hương (Hà Nội) lựa chọn là chuyến khởi hành đầu năm nay.
"Để bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Sa Mu - U Bò, bạn cần chuẩn bị tốt cho mình về sức khỏe, kĩ năng, kiến thức vì trekking trong rừng không chỉ là đi thoả mãn đam mê, mà cần phải đặt an toàn lên hàng đầu", Thu Hương chia sẻ.
Đỉnh núi Sa Mu vừa được cắm chóp vào tháng 12/2022. Theo cô nàng 9X, Sa Mu là một đỉnh núi rất hoang sơ và chỉ mới rộ lên trekking khoảng một năm trở lại đây. Ấn tượng của cô nàng về Sa Mu đó là sạch không có rác, địa hình đa dạng về thảm thực vật từ con suối mát lạnh tới tán rừng già, rừng rêu, rừng trúc xanh. Đặc biệt hơn, ở đây có rất nhiều cây cổ thụ sừng sững, hiên ngang tạo nên khung cảnh kỳ vĩ hiếm có.
"Để leo Sa Mu có rất nhiều cung đường, nhưng chúng tôi chọn leo lên hướng Xím Vàng và xuống hướng Háng Đồng. Lựa chọn cung đường này bạn sẽ được trải nghiệm cảnh chiều lên nắng đẹp khô ráo, chiều xuống mờ ảo nhưng lầy lội và mù mịt", Thu Hương cho biết.
Bước qua cửa rừng, khi các tán cây lối vào dần thu hẹp sau lưng, Thu Hương và các thành viên trong đoàn chính thức bắt đầu hành trình lên đỉnh Sa Mu - U Bò. Con đường mòn với độ dốc được nâng dần, càng lên cao nhiệt độ càng thấp. Ở độ cao trên 2.000 m (so với mực nước biển) những khe suối nhỏ chạy róc rách, cây cỏ xanh mướt, hoa lá đẹp mắt. Dọc lối mòn ven suối xuất hiện nhiều loại dị thảo càng gợi lên sự tò mò khám phá cho du khách.
Càng lên cao, cánh rừng hai bên đường lên đỉnh Sa Mu lại mang đến cảnh sắc thiên nhiên mới mẻ. Rêu vàng ngự trị khắp nơi. Rêu dưới chân, rêu mọc trên phiến đá, rêu bám đầy thân cây cổ thụ tựa như ngàn năm đã ở đó.
Những thân cây to, hình dáng kỳ quái bám đầy rêu ẩn hiện mờ ảo giữa màn sương. Một khung cảnh huyền bí tựa như lạc vào cảnh phim đầy kỹ xảo. Thảm thực vật thay đổi kỳ diệu khi được ánh mặt trời chiếu sáng. Ở tầng thấp cây cỏ hoa lá khoe sắc, tầng cao cũng rất đặc sắc với vô số loài thực vật sống ký gửi trên thân cây gỗ.
Khi leo tới độ cao 2.700m, khoảng trời bao la điểm xuyết những bông hoa đỗ quyên bung nở. Thi thoảng bạn sẽ bắt gặp những cây sa mu bám đầy rêu phong vươn cao giữa đám đỗ quyên.
Theo kinh nghiệm của nhiều du khách, săn mây ở đỉnh Sa Mu cũng rất lý tường. Càng lên cao, những cuộn mây trời lúc hoàng hôn hay bình minh cũng rất thơ.
Với kinh nghiệm trekking gần 10 ngọn núi, theo cô nàng 9X, cung đường chinh phục Sa Mu không dễ dàng như lời truyền tai của nhiều người rằng đây là "cung dưỡng sinh".
Check-in đỉnh Sa Mu
Hướng đi xuống núi rất dài, cộng với địa hình lên xuống liên tục, lầy lội rất dễ trơn trượt và ngã. Chính vì vậy, để giữ thăng bằng rất mất sức, chưa kể rừng Sa Mu rất nhiều lối rẽ nên dễ bị lạc.
Thưởng thức bữa ăn giữa cánh rừng nguyên sinh
"Chuyến đi lần này với 10 thành viên đủ thế hệ từ 7X cho đến các bạn trẻ sinh năm 2000, trải qua hai ngày một đêm đồng hành cùng nhau với rất nhiều kỉ niệm. Đặc biệt buổi tối mọi người cùng tâm sự bên nồi lẩu trong lán nghỉ, mặc cho bên ngoài gió rít thổi ù ù. Nhưng có lẽ đây là buổi tối lần đầu tiên trong 3 năm leo núi tôi có một giấc ngủ ngon và trọn vẹn...", Thu Hương bày tỏ.
"Đối với tôi leo núi không phải là chinh phục đích đến mà đó là hành trình bản thân trải nghiệm và trải qua cảnh vật thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ, không khí trong lành cùng những người bạn và là lúc cảm nhận được sức khỏe, sự kiên trì, ý chí không bỏ cuộc. Nếu có câu hỏi leo đỉnh Sa Mu - U Bò có khó với tôi không? Với bản thân tôi, tôi nghĩ rằng "cứ đi rồi sẽ đến thôi", Thu Hương chia sẻ.
Giới hạn khách leo núi Phú Sĩ để hạn chế đám đông và rác thải Những người muốn leo lên một trong những con đường mòn nổi tiếng nhất trên núi Phú Sĩ (Nhật Bản) sẽ phải đặt chỗ và trả phí vì vấn đề đám đông, xả rác, mất an toàn và bảo tồn. Núi Phú Sĩ cao 3.776 mét đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2013. Nguồn: AP....