Hành trình 16 năm Merkel dẫn dắt châu Âu
Sau 16 năm nắm quyền Thủ tướng Đức và ba thập kỷ tham gia chính trị, Anglela Merkel được xem như một “tượng đài” của châu Âu.
Cử tri Đức cuối tuần này sẽ đi bỏ phiếu bầu quốc hội liên bang (Bundestag), đánh dấu kỷ nguyên của Thủ tướng Angela Merkel sắp khép lại. Khi quyết định không tham gia cuộc bầu cử toàn quốc ngày 26/9, bà trở thành thủ tướng Đức đầu tiên rời nhiệm sở theo nguyện vọng cá nhân.
Bundestag sẽ bầu tân Thủ tướng của nước Đức. Nếu các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới kéo dài sau cuộc bầu cử ngày 26/9, Merkel có thể vượt qua Helmut Kohl để trở thành lãnh đạo có thời gian tại nhiệm lâu nhất của Đức.
Những người hâm mộ đã dành nhiều lời ca ngợi Merkel, từ lãnh đạo của thế giới tự do đến “thánh nữ Jeanne dArc đương đại”, dù bà luôn từ chối nhận những danh hiệu này. Bà cũng nhiều lần được vinh danh là một trong số phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng mô tả Merkel là nhà lãnh đạo chính trị toàn cầu xuất sắc.
Trong sự nghiệp chính trị lâu dài của mình, Thủ tướng Merkel đã để lại một di sản phức tạp. Một số người ủng hộ phong cách chính trị khiêm tốn, đồng thuận của bà, trong khi những người khác cảm thấy bà thiếu sự táo bạo, đặc biệt là trong mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Các sử gia sẽ tranh luận về ảnh hưởng của Merkel trong nhiều năm tới, nhưng có một điều chắc chắn là khi rút khỏi chính trường, bà sẽ để lại khoảng trống lớn sau một sự nghiệp chính trị kéo dài ba thập kỷ, bắt đầu từ cuối Chiến tranh Lạnh.
Angela Merkel, khi là bộ trưởng phụ nữ, và cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl tại hội nghị ở Dresden ngày 16/12/1991. Ảnh: AP
Chính sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 đã mở ra con đường chính trị cho Merkel, con gái của một mục sư ở Đông Đức. Trong bài phát biểu tại Đại học Harvard năm 2019, bà kể về việc đi qua bức tường nổi tiếng mỗi ngày khi trên đường đi làm tại một viện khoa học.
“Bức tường Berlin đã hạn chế những cơ hội của tôi. Nó đã thực sự cản đường tôi”, bà nói.
Khi Bức tường Berlin, biểu tượng tồn tại lâu nhất của Chiến tranh Lạnh, bắt đầu sụp đổ, Merkel đã ở tuổi 35. “Chính tại nơi từng chỉ có một bức tường đen, một cánh cửa đã đột ngột mở ra. Đối với tôi, đó chính là thời khắc để bước qua. Lúc đó, tôi đã bỏ lại công việc của một nhà khoa học để tham gia vào chính trị. Đó là khoảng thời gian thú vị và kỳ diệu”, bà nói.
Lịch sử đó định hình sự nghiệp chính trị của Merkel khi bà cố gắng biến Đức và châu Âu thành cầu nối giữa phương Đông và phương Tây.
Khi bước chân vào chính trị, Merkel đã nổi lên rất nhanh. Bà gia nhập đảng Dân chủ Thiên chúa giáo có đường lối bảo thủ truyền thống và do nam giới thống trị. Năm 1990, bà được bầu vào quốc hội Đức. Là một người được Kohl, thủ tướng Đức khi đó, bảo trợ, bà Merkel được bổ nhiệm làm bộ trưởng phụ nữ và thanh niên vào năm sau, đồng thời trở thành phó chủ tịch đảng. Trong những ngày đầu sự nghiệp, Merkel được mệnh danh là “cô gái của Kohl”.
Video đang HOT
Nhưng trong một động thái làm giới chính trị Đức choáng váng, bà quay lưng với Kohl trong bài báo vào tháng 12/1999, khi kêu gọi người thầy cũ từ chức. Bà lập luận rằng uy tín của Kohl và của đảng đã bị tổn hại trong một bê bối quyên góp.
“Do đó, đảng phải học cách bước đi từng bước. Đảng phải tin tưởng vào chính mình để tham gia vào cuộc chiến với đối thủ chính trị trong tương lai ngay cả khi không có chiến mã già, như cách Helmut Kohl thường thích tự gọi mình như thế”, Merkel viết.
Kohl sau đó tỏ ra thất vọng với quyết định quay lưng của Merkel. “Tôi đã nuôi ong tay áo”, ông nói.
Nhưng Merkel vẫn tiến lên và giành chiến thắng sát nút trong cuộc bầu cử năm 2005, đưa bà lên nắm quyền thủ tướng. Khi đó, rất ít người kỳ vọng về những thay đổi sâu rộng trong chính trường Đức, trong khi nhiều nhà chỉ trích cho rằng bà không thể tại vị lâu.
“Nhiều người sẽ nói liên minh này đang thực hiện những bước đi nhỏ thay vì những bước lớn. Tôi sẽ trả lời họ rằng “đúng, đó chính xác là cách chúng tôi làm”, bà nói trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng.
Bà lên nắm quyền trong một giai đoạn tương đối bình yên, trước khi châu Âu sớm bị vùi dập trong các cuộc khủng hoảng liên tiếp.
Khi cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro bắt đầu vào cuối năm 2009, Merkel đã giúp dẫn dắt nỗ lực cứu đồng tiên chung châu Âu. “Nếu euro sụp đổ, châu Âu sẽ sụp đổ”, bà nói.
Bằng cách thắt chặt ví tiền của châu Âu, Merkel đại diện cho sự căn ke của Bắc Âu, nhưng cũng trở thành “người đàn bà đáng ghét” ở các quốc gia như Hy Lạp, khi họ phải thắt lưng buộc bụng dưới chính sách mới. Các tờ báo Hy Lạp đã so sánh Merkel với Hitler và các chuyến thăm của bà tới nước này suốt nhiều năm sau đó luôn đi kèm biểu tình phản đối.
Cuối cùng, bà đã giúp Đức và khu vực đồng euro thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Merkel gần đây nói bà xem đó là một trong những thành tựu lớn nhất của bà với tư cách Thủ tướng.
Thủ tướng Merkel tại một buổi họp báo ở Berlin, Đức ngày 6/4/2016. Ảnh: Reuters
Thời điểm mang tính quyết định nhất trong sự nghiệp chính trị của Merkel có lẽ là năm 2015, khi dòng người tị nạn bắt đầu đổ về châu Âu, tạo nên một cuộc khủng hoảng mới. Nhiều người trong số đó chạy trốn cuộc nội chiến ở Syria và chấp nhận những hành trình vượt biển đầy rủi ro để tới châu Âu.
Thủ tướng Merkel quyết định mở cửa nước Đức với người di cư. Trong một bình luận được đưa ra sau chuyến thăm trung tâm tị nạn vào tháng 8 năm đó, Merkel trấn an dư luận Đức rằng “chúng ta có thể làm được”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó cho rằng Merkel đã có lựa chọn đúng đắn, nhưng lập trường thân thiện với người tị nạn của bà đã khiến châu Âu chia rẽ và bà trở thành mục tiêu công kích của phe cực hữu Đức.
Vào thời điểm thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tính thời đại tiếp theo, đại dịch Covid-19, Merkel đã hiểu được tầm quan trọng của việc giao tiếp rõ ràng và thẳng thắn. Khi một số lãnh đạo thế giới trở nên mờ nhạt trong đại dịch, Thủ tướng Đức nổi lên với cách tiếp cận dựa trên khoa học.
Đại dịch đã phơi bày một số lỗ hổng của đất nước, như sự thiếu linh hoạt khiến chiến dịch tiêm chủng bị cản trở. Nhưng phần lớn người Đức vẫn ủng hộ cách lãnh đạo của bà Merkel.
16 năm nắm quyền của Merkel đã chứng kiến sự thay đổi của trật tự thế giới. Mỹ đã gây áp lực buộc Đức phải có lập trường cứng rắn với Nga và Trung Quốc. Nhưng là người lớn lên trong Chiến tranh Lạnh, Merkel đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh một cuộc chiến tranh khác.
Bà đã cố gắng tách những căng thẳng chính trị với Trung Quốc và Nga khỏi nhiều vấn đề thương mại và kinh tế. Đôi khi, bà cũng thấy mình không cùng quan điểm với các láng giềng châu Âu.
Mối quan hệ của bà với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đôi lúc trở nên căng thẳng và đối đầu. Nhưng bà nói việc duy trì các kênh đối thoại là điều cần thiết.
Là Thủ tướng Đức qua 4 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, Merkel vẫn giữ cam kết với liên minh Đại Tây Dương, ngay cả khi mối quan hệ trở nên đặc biệt căng thẳng dưới thời tổng thống Donald Trump. Năm 2018, tài khoản Instagram chính thức của Merkel đăng bức ảnh chụp bà đứng chống tay xuống bàn khi Trump đang ngồi khoanh tay ở phía đối diện.
Thủ tướng Merkel (giữa) cùng tổng thống Trump (ngoài cùng bên phải) và các lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 ở Quebec, Canada ngày 9/6/2018. Ảnh: AP
Nhưng ở tuổi 67, Merkel cho rằng đã đến lúc bà dừng lại. “Tôi cũng muốn viết lách, trò chuyện hay leo núi chứ. Tôi cũng muốn ở nhà, cũng thích du lịch khắp thế giới nữa”, bà nói tháng này.
Merkel thường từ chối những câu hỏi về di sản của bà, nói rằng phân tích lịch sử không phải chuyên ngành của bà. Thay vào đó, bà muốn tập trung vào công việc của mình.
Nhưng trong cuộc trao đổi ở một thị trấn ven biển ở Stralsund năm 2019, khi được hỏi muốn trẻ em đọc được điều gì về bà trong sách lịch sử 50 năm sau, Merkel nói đó là “bà ấy đã cố gắng”.
Những nỗi lo sau chiến thắng
Trong cuộc tổng tuyển cử tốn kém nhất lịch sử Canada (có chi phí ước tính khoảng 470 triệu USD), người dân Canada cuối cùng đã lựa chọn tiếp tục cùng đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau "tiến lên phía trước, vì lợi ích của tất cả mọi người".
Thủ tướng Justin Trudeau phát biểu tại Montreal, Quebec, Canada, ngày 21/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Như một cơn giông mùa hè, chiến dịch bầu cử liên bang đã ào đến và đi. Đó là một chiến dịch diễn ra với thời lượng ngắn nhất được luật pháp Canada cho phép (vỏn vẹn 36 ngày), được khởi động trong một mùa hè u ám và bị chi phối bởi một loạt nhân tố như cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, số ca mắc COVID-19 gia tăng và sự chia rẽ trong dân chúng. Cuộc bầu cử đã đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ đối với Cơ quan Bầu cử Canada (Elections Canada - chuyên tổ chức các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân tại Canada), khi làn sóng lây nhiễm thứ tư của đại dịch COVID-19 ồ ạt đổ bộ vào nhiều tỉnh của nước này.
Ở thời điểm chính phủ của Thủ tướng Trudeau nắm quyền chưa đầy 2 năm, không có lý do cấp bách nào liên quan đến lợi ích quốc gia hoặc chính sách công đòi hỏi phải có một cuộc bầu cử. Theo giới quan sát, lý do thực sự duy nhất để đảng Tự do kích hoạt một cuộc bầu cử vào thời điểm này là đảng Tự do dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Và Thủ tướng Trudeau đã đặt cược vào khả năng đây là thời điểm tốt nhất để chính phủ đảng Tự do chuyển từ thế thiểu số ở quốc hội thành thế đa số. Nhưng kết quả cuối cùng là "hình hài" của hạ viện sau cuộc kiểm phiếu đêm 20/9 không có quá nhiều khác biệt so với "phiên bản" bị giải tán hồi tháng 8 vừa qua, và tiếp tục làm dấy lên câu hỏi về tính cấp thiết của cuộc tổng tuyển cử lần thứ 44.
Nhà lãnh đạo đảng Tự do chỉ giành đủ số ghế để tiếp tục thành lập một chính phủ thiểu số - một chiến thắng có thể không được như ý đối với Thủ tướng Trudeau. Trong 6 năm cầm quyền vừa qua, đảng Tự do đã làm được nhiều việc quan trọng, như tiến hành cải cách thượng viện, đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, triển khai một trong những chiến dịch tiêm chủng thành công nhất thế giới... Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Trudeau trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong bối cảnh nền kinh tế sa sút vì đại dịch, nợ nần chồng chất và lạm phát cao kéo dài.
Vấn đề cấp bách nhất vẫn là phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tỷ lệ tiêm chủng cao ở Canada đã cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại trong mùa Hè, với nhiều nhân viên chuẩn bị trở lại văn phòng vào mùa thu này. Nhưng biến thể Delta đang tạo ấn tượng về một kịch bản phục hồi nhiều chông gai. Một minh chứng điển hình là tình hình dịch bệnh ở tỉnh Alberta. Sau khi vội vã dỡ bỏ các hạn chế về y tế công cộng hồi đầu năm nay, Alberta đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt, đe dọa hệ thống chăm sóc sức khỏe của tỉnh. Thủ hiến tỉnh Alberta, Jason Kenney ngày 15/9 đã lên tiếng xin lỗi về cách xử lý đại dịch và cho biết ông sẽ triển khai hộ chiếu vaccine. Alberta cũng đang áp dụng trở lại các hạn chế về giãn cách nơi công cộng; ra lệnh cho mọi người làm việc tại nhà...
Nền kinh tế Canada đang dần phục hồi sau đợt đóng cửa đầu tiên hồi mùa xuân năm 2020 và giá dầu lao dốc đã khiến nền kinh tế đi xuống với tốc độ mạnh nhất trong lịch sử. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá vận chuyển lên cao, gây khó khăn cho nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và đè nặng lên xuất khẩu.
Những quyết định quan trọng nhất về y tế công cộng sẽ tiếp tục được thực hiện ở cấp tỉnh. Nhưng chính phủ liên bang trong thời gian tới cũng phải đối mặt với những lựa chọn quan trọng liên quan đến việc áp dụng các hạn chế ở biên giới và những yêu cầu tiêm chủng, nhất là đối với lĩnh vực giao thông vận tải. Chính phủ cũng có nhiệm vụ "nhạy cảm" là cắt giảm hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp và cá nhân, chuyển từ cứu trợ trên diện rộng sang hỗ trợ có mục tiêu cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất mà không gây ra làn sóng phá sản và sa thải.
Thị trường lao động của Canada đang ở trong một tình huống kỳ lạ. Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài để thị trường khôi phục hoàn toàn, nhưng các công ty thông báo đang gặp khó khăn trong việc lấp đầy các vị trí việc làm. Các nhà tuyển dụng đang đối mặt với một vấn đề dai dẳng: thiếu nhân lực có kỹ năng. Canada cần các chính sách táo bạo để đảm bảo có đủ người làm đúng việc.
Sự hỗ trợ của chính phủ dành cho các cá nhân và doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch đã khiến nợ công tăng cao chưa từng thấy. Thâm hụt ngân sách trong tài khóa vừa qua lên tới 335 tỷ CAD (tương đương 262 tỷ USD) và dự kiến năm nay là 138 tỷ CAD. Nợ liên bang dự kiến xấp xỉ 1.200 tỷ CAD trong năm nay, tương đương khoảng 48% GDP, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.
Với lãi suất ở mức thấp kỷ lục, chi phí trả lãi cho gánh nặng nợ vẫn có thể kiểm soát được. Nhưng tình hình sẽ khó khăn khi lãi suất chắc chắn sẽ tăng trong những năm tới, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đẩy lùi lạm phát và rút lại các biện pháp kích thích.
Hơn nữa, tất cả đang dựa vào những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế để giảm tỷ lệ nợ công/quy mô nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế mạnh sẽ không được đảm bảo, đặc biệt là khi dân số già đi và Canada tiếp tục vật lộn với tốc độ tăng năng suất thấp. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Montreal Douglas Porter lưu ý nếu không thực hiện những biện pháp điều chỉnh về tài chính ngay bây giờ, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, thì nền kinh tế có nguy cơ bị tổn thương mạnh trước các thách thức lớn trong tương lai.
Lạm phát của Canada trong tháng 8/2021 đã vọt lên mức cao nhất trong 18 năm (4,1%), trong bối cảnh các doanh nghiệp mở cửa kinh doanh trở lại, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá cả tăng so với năm ngoái. Ngân hàng Trung ương Canada cho biết sẽ không tăng lãi suất cho đến khi thị trường lao động "lành lặn" và sản lượng kinh tế quay lại bình thường - một kịch bản khó có thể xảy ra trước nửa cuối năm 2022. Nhưng sau 5 tháng lạm phát vượt quá phạm vi mục tiêu 1 - 3%, Ngân hàng Trung ương Canada có thể đang cân nhắc lại lộ trình dỡ bỏ các biện pháp kích thích và tăng lãi suất.
Khả năng chi trả của người dân trong bối cảnh thị trường nhà đất không ngừng tăng nhiệt đã trở thành một chủ đề "nóng" trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Nhưng vấn đề này đã tồn tại trong nhiều năm. Vấn đề quan trọng là nguồn cung: không có đủ nhà được xây dựng để theo kịp tốc độ tăng dân số, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Toronto và Vancouver. Theo chuyên gia kinh tế hàng đầu của Bank of Nova Scotia, ông Jean-Franois Perrault, Canada có số lượng đơn vị nhà ở tính trên 1.000 dân thấp nhất trong Nhóm 7 nước công nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới (G7).
Còn vô vàn những nỗi lo khác đang chờ chính phủ của Thủ tướng Trudeau ở phía trước, khi Ottawa phải đưa ra những quyết sách liên quan đến biến đổi khí hậu, tương lai năng lượng, hoạt động giao thương và nền kinh tế số,... trong bối cảnh chiến thắng của đảng Tự do trong cuộc bầu cử ngày 20/9 không phải ở thế đa số, thậm chí có thể cũng không phải ở thế thiểu số mạnh hơn cách đây 2 năm. Nhưng đây vẫn là một chiến thắng mà Thủ tướng Trudeau cần "để đưa Canada vượt qua đại dịch và đến những ngày tươi sáng hơn ở phía trước" như ông cam kết.
Tân đại sứ Đức tại Trung Quốc đột ngột qua đời Tân đại sứ Đức Tại Trung Quốc đã đột ngột qua đời ở tuổi 54 khi mới đảm nhiệm vị trí được 2 tuần. Đại sứ Đức tại Trung Quốc Jan Hecker. Ảnh: Getty Images Bộ Ngoại giao Đức đã xác nhận thông tin trên vào sáng 6/9. Đại sứ Jan Hecker và gia đình ông vừa đến Bắc Kinh trong tháng 8....