Hành tinh phản chiếu ánh sáng từ ngôi sao chủ
Một thế giới nóng như thiêu đốt, cách Trái đất hơn 260 năm ánh sáng, phản chiếu 80% ánh sáng từ ngôi sao chủ của nó.
Hành tinh LTT9779b quay quanh ngôi sao của nó chỉ trong 19 giờ.
Các nhà thiên văn học cho biết, một thế giới nóng như thiêu đốt – nơi những đám mây kim loại tạo mưa titan là hành tinh phản chiếu mạnh nhất từng được quan sát thấy bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta.
Thế giới kỳ lạ này, cách Trái đất hơn 260 năm ánh sáng, phản chiếu 80% ánh sáng từ ngôi sao chủ của nó. Đây là kết quả thu được từ các quan sát của kính viễn vọng CHEOPS. Điều đó làm cho nó trở thành ngoại hành tinh đầu tiên sáng bóng tương tự như sao Kim – vật thể sáng nhất trên bầu trời đêm của chúng ta ngoài Mặt trăng.
Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2020, hành tinh có kích thước bằng sao Hải Vương, tên LTT9779b. Hành tinh này quay quanh ngôi sao của nó chỉ trong 19 giờ. Vì ở quá gần, nên mặt của hành tinh đối diện với ngôi sao của nó có nhiệt độ nóng 2.000 độ C. Nhiệt độ này được coi là quá nóng để mây hình thành. Tuy nhiên, LTT9779b dường như vẫn có mây.
“Đó thực sự là một câu đố”, Vivien Parmentier – nhà nghiên cứu tại Đài thiên văn Cote d’Azur của Pháp, đồng tác giả nghiên cứu cho biết. Sau đó, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, chúng ta nên nghĩ về đám mây này giống như cách ngưng tụ hơi nước hình thành trong phòng tắm sau khi sử dụng nước nóng.
Theo nhà nghiên cứu này, giống như nước nóng bốc hơi trong phòng tắm, một dòng kim loại và silicat nóng như thiêu đốt – thứ làm nên thủy tinh, đã làm bão hòa bầu khí quyển của LTT9779b cho đến khi các đám mây kim loại hình thành.
Hành tinh có kích thước gấp khoảng năm lần Trái đất này là một ngoại lệ theo những cách khác. Các ngoại hành tinh duy nhất trước đây được tìm thấy quay quanh ngôi sao của chúng trong vòng chưa đầy 24 giờ. Đồng thời, chúng là những hành tinh khí khổng lồ lớn hơn Trái đất 10 lần hoặc các hành tinh đá có kích thước bằng một nửa.
Tuy nhiên, LTT9779b sống trong một khu vực được gọi là “sa mạc sao Hải Vương” – nơi không thể tìm thấy các hành tinh có kích thước như nó. “Đó là một hành tinh không nên tồn tại. Chúng tôi hy vọng những hành tinh như thế này sẽ bị thổi bay bầu khí quyển bởi ngôi sao của chúng, để lại những tảng đá trơ trụi”, ông Parmentier nói.
Theo nhà khoa học dự án CHEOPS của Cơ quan Vũ trụ châu Âu – Maximilian Guenther, các đám mây kim loại của hành tinh “hoạt động giống như một tấm gương”, phản chiếu ánh sáng và ngăn không cho bầu khí quyển bị thổi bay.
Các nhà khoa học nhận định, nghiên cứu đánh dấu “một cột mốc quan trọng” bởi vì nó cho thấy cách một hành tinh có kích thước bằng sao Hải Vương có thể tồn tại trong sa mạc của sao Hải Vương.
Bắt được tín hiệu lạ từ ngoại hành tinh rất giống Trái Đất
Các nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy tín hiệu rõ ràng của một trong các yếu tố hàng đầu đảm bảo cho sự sống sinh tồn trên một hành tinh đá cách Trái đất 12 năm ánh sáng.
Theo Live Science, phát hiện đến từ các quan sát gần đây của VLA - kính viễn vọng đo giao thoa vô tuyến đặt tại New Mexico, miền Tây Nam nước Mỹ - khi hướng tầm nhìn về phía ngôi sao YZ Ceti cách Trái Đất chỉ 12 năm ánh sáng.
Các nhà khoa học từ Đài quan sát thiên văn vô tuyến Quốc gia (NRAO - Mỹ) xác định được quanh ngôi sao này có một hành tinh mang tên YZ Ceti b, một hành tinh đá giống Trái Đất.
Tuy nhiên, YZ Ceti b không phải là một hành tinh có thể ở được. YZ Ceti b ở khá gần ngôi sao của nó - quá gần để có nhiệt độ dễ chịu cho sự sống - và nó cũng quay quanh với tốc độ một năm của nó chỉ bằng hai ngày trên Trái đất.
Dù vậy các nhà khoa học lại tìm được một thứ thú vị hơn: Một số tín hiệu vô tuyến cho thấy dấu hiệu của từ trường.
Từ trường đặc biệt thú vị đối với các nhà thiên văn học vì chúng là một phần quan trọng trong việc tạo ra một hành tinh có thể ở được. Nếu không có từ trường, các hạt năng lượng từ một ngôi sao có thể làm xói mòn bầu khí quyển của một hành tinh, tước bỏ lớp khí có thể hỗ trợ sự sống. Trên Trái đất, từ trường bảo vệ các sinh vật sống khỏi tia nắng mặt trời, kéo kim la bàn về phía bắc và thậm chí tạo ra cực quang tuyệt đẹp.
Cho dù YZ Ceti b có sống được hay không, phát hiện này vẫn là một đột phá lớn trong hành trình chứng minh chúng ta không cô đơn trong vũ trụ.
"Nghiên cứu này không chỉ cho thấy hành tinh đá đặc biệt này có khả năng có từ trường mà còn cung cấp một phương pháp đầy hứa hẹn để tìm kiếm các ngoại hành tinh có thể sinh sống được", Giám đốc NRAO Joe Pesce, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Để bắt đầu dễ dàng, các nhà khoa học đã chọn YZ Ceti b vì nó gần ngôi sao mẹ và có thể quan sát rõ. Thế nhưng với phương pháp sàng lọc tín hiệu đã được chứng minh là hiệu quả này, họ sẽ có bước đệm để tiến đến các hành tinh có nhiều yếu tố phù hợp với sự sống hơn. Dạng hành tinh đó đã được tìm thấy không ít và vẫn đang chờ được xem xét thêm.
Với YZ Ceti b, từ quyển của nó còn giúp các nhà khoa học nghiên cứu thêm về ngôi sao mẹ của nó, từ đó tìm hiểu cái gọi là "thời tiết không gian ngoài hệ Mặt Trời".
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.
Phát hiện ra hành tinh ngoài hệ Mặt trời có hoạt động núi lửa giống Trái đất Nhiệt độ bề mặt của hành tinh ấy dường như ấm hơn một chút so với Trái đất và nó nằm trong vùng có thể ở được, còn được gọi là vùng Goldilocks. Nơi ấy các điều kiện có thể phù hợp với nước ở dạng lỏng và có khả năng tồn tại sự sống. Mô phỏng về hành tinh LP 791-18 D...