Hàng xóm chỉ chờ tôi mở cửa để vào kể xấu con dâu
Tôi vô tình trở thành chiếc thùng rác của bà hàng xóm, để bà trút vào đó mọi nỗi ấm ách, bực dọc.
Gia đình tôi chuyển về khu chung cư hiện tại được 4 năm. Tôi sống ở tầng 9. Cả tầng có 8 căn hộ, nhưng tôi chỉ giao lưu với nhà đối diện.
Cuộc sống cũng được xem là yên ổn khi hàng xóm văn minh, lịch sự, chẳng ai phiền đến ai. Nhà tôi với nhà đối diện chơi khá thân nhưng không suồng sã. Dù gì cũng đều là người trẻ, chúng tôi hiểu rõ cần tôn trọng không gian sống của nhau.
Đau đầu nghe hàng xóm kể xấu con dâu. Ảnh minh họa: FP
Gần 1 năm trở lại đây, sự văn minh ấy bị phá vỡ. Số là mẹ chồng nhà đối diện từ quê ra chăm cháu. Không hiểu hợp duyên thế nào mà bà rất thích nói chuyện với tôi.
Một tuần 7 ngày thì có đến 6 ngày bà sang nhà tôi kể chuyện. Chỉ cần thấy tôi hé cửa là bà chạy sang.
Thời gian đầu, bà hay hỏi han tôi chuyện quê quán, bố mẹ, anh chị em… Sau này thân hơn, bà lại kể mấy chuyện ở quê, cả chuyện vui vẻ lẫn những chuyện cãi vã, xô xát.
Lúc đầu nghe cũng thấy vui tai nhưng dần dần, tôi phát chán. Bà kể liến thoắng để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp của bà, không cần biết tôi có muốn nghe hay không. Tôi gọi đây là “ giao tiếp một chiều”, bởi tôi chẳng xen vào được câu nào.
Video đang HOT
Đi làm về mệt mỏi, tôi chỉ mong được yên tĩnh nghỉ ngơi một chút rồi lao vào lo cơm nước, con cái. Thế mà chút thời gian yên tĩnh ấy cũng bị bà lấy mất.
Từ chỗ muốn mở cửa cho thoáng, giờ đây mỗi khi về nhà là tôi vội đóng cửa để bà không có cơ hội sang kể chuyện. Đóng cửa cũng chả yên, bà biết tôi về là sang bấm chuông, lấy cớ xin củ hành, củ tỏi… để ngồi kể chuyện.
Có lần, tôi phải kiếm cớ nghe điện thoại để cắt ngang câu chuyện của bà. Nào ngờ, bà kiên nhẫn ngồi đợi tôi nghe xong điện thoại rồi kể chuyện tiếp. Tôi bất lực, trong lòng ngao ngán.
Nhưng cái sự bất lực đó vẫn chưa là gì so với tình huống khó xử tôi vừa gặp phải.
Chẳng là sống lâu ngày với nhau, giữa bà và con dâu nảy sinh mâu thuẫn. Bà chuyển sang kể xấu con dâu với tôi. Bà chê con dâu lười biếng, bừa bộn, thích sai vặt chồng, đi không chịu hỏi, về không chịu chào, hay cãi mẹ chồng…
Bà kể rất gay gắt, cho thấy sự bức xúc lên đến đỉnh điểm. Đi làm về đã mệt, lại phải nghe mấy câu chuyện tiêu cực, tâm trạng tôi tụt dốc không phanh. Bỗng chốc, tôi trở thành chiếc thùng rác của bà, để bà trút mọi nỗi ấm ức, bực dọc.
Chưa kể, tôi vốn khá thân với con dâu bà, thi thoảng cũng nghe em ấy kể xấu mẹ chồng. Đứng ở giữa, tôi chẳng biết đáp thế nào cho phải.
Hôm đó, căn đúng lúc tôi xách túi đi làm về, bà hàng xóm sang trút bầu tâm sự.
Bà chì chiết con dâu: “Nó lười hết phần thiên hạ. Đi làm về cơm sẵn ăn, nước sẵn uống, thế mà có mấy cái bát cũng phải chia đôi với chồng. Đời thuở nhà ai, chồng rửa bát ngày chẵn, vợ rửa bát ngày lẻ. Bác thấy có ngứa mắt không?”.
Tôi chẳng biết phản đối hay đứng về phe bà, chỉ biết nói nước đôi: “Rửa mấy cái bát cũng đơn giản bác nhỉ? Cháu thấy vợ hay chồng rửa cũng được. Hay là em ấy muốn chia việc cho chồng, để cậu ấy học làm việc nhà?”.
Bà bực dọc đáp: “Học cái gì mà học. Đàn ông làm việc lớn chứ ai đi học mấy cái việc vớ vẩn của đàn bà”.
Cháu gái nội 7 tuổi của bà không biết đứng cửa hóng chuyện từ lúc nào, nghe đến đó thì lên tiếng: “ Sao bà cứ đi kể xấu mẹ cháu thế?”, rồi giận dỗi bỏ về.
Ai ngờ, con bé về mách mẹ, không biết kể hơn kể kém ra sao mà tối đó, cô em hàng xóm sang chất vấn tôi. Em bảo tôi hùa vào với bà nói xấu em, khiến nhà cửa tan nát. Tôi nói thế nào em ấy cũng không nghe, nhất mực: “Trẻ con không biết nói dối”.
Chồng tôi thấy vậy thì mắng tôi té tát, bảo tôi “già đời người còn lắm chuyện, rảnh hơi đi nói xấu hàng xóm láng giềng, rồi cái tiếng để đời”. Tình huống này, tôi có 10 cái miệng cũng không cãi lại được.
Từ hôm đó, nhà tôi với hàng xóm gần như cạch mặt nhau. Tôi không thấy bà hàng xóm sang nhà kể xấu con dâu như trước. Buồn thì buồn thật, nhưng đôi khi tôi lại thấy may. Chí ít bây giờ, tôi không phải căng tai nghe mấy chuyện tiêu cực nữa.
58 tuổi, lương hưu 8 triệu/tháng, có nửa tỷ tiết kiệm nhưng tôi vẫn đi làm, đến khi biết nguyên nhân hàng xóm đột ngột qua đời, tôi hốt hoảng xin nghỉ việc
Sau khi đi đám tang người hàng xóm, tôi quyết định gọi điện cho trung tâm, xin nghỉ việc ngay trong tháng này.
Tôi năm nay 58 tuổi, là giáo viên, đã về hưu được gần 3 năm với mức lương hưu hơn 8 triệu đồng/tháng. Vợ chồng tôi sinh được 2 đứa con nhưng chúng đều lập nghiệp và có gia đình ở xa. Con trai đầu thì đang làm công ty nước ngoài, lương cũng cao lắm, tháng nào cũng gửi về cho tôi 5 triệu. Con gái thứ hai thì làm nhân viên ngân hàng, công việc cũng bận rộn, con còn nhỏ nên không có thời gian về nhà chơi nhiều. Mà khi nào về, con gái lại mua rất nhiều đồ ăn ngon, thịt cá chất đầy trong tủ lạnh cho cha mẹ ăn dần. Mọi người trong xóm đều bảo vợ chồng tôi sướng, có con cái thành đạt, hiếu thảo; tiền bạc dư dả thoải mái, nhà cửa khang trang, giàu có. Có người còn ngầm ý mỉa mai tôi tham tiền mà phá sức, đã về hưu rồi thì cứ nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống tuổi già, sao cứ phải đi dạy trung tâm này, trung tâm nọ cho khổ. Tôi chỉ cười cho qua chuyện.
Là giáo viên giỏi đã về hưu nên tôi được mời về dạy ở 2 trung tâm trong thị trấn. Với tôi, đi dạy là đam mê, được đứng trên bục giảng là hạnh phúc. Tôi đi dạy không hoàn toàn là vì tiền mà còn vì muốn được tiếp tục đứng trên bục giảng để truyền lửa cho học trò.
Chồng tôi cũng thường bảo tôi nghỉ việc bớt đi, cứ làm mãi thì sức khỏe nhanh xuống dốc lắm. Nhất là những khi thấy tôi ôm cả đống tài liệu, bài tập của học sinh về chấm; hay khi tôi thức đêm soạn giáo án trình chiếu để hôm sau đi dạy; rồi những lúc tôi ho khan, uống thuốc mãi vẫn không bớt vì nói nhiều thì ông xã càng khó chịu hơn. Các con cũng khuyên răn, con cả còn bảo sẽ gửi thêm tiền về cho tôi, chỉ cần tôi chịu nghỉ việc thôi. Nhưng tôi vẫn kiên quyết không nghỉ. Tôi còn sức khỏe, còn minh mẫn thì tôi cứ đi làm, chẳng ai cấm cản được tôi cả.
Dạo gần đây, tôi thấy mắt mình mờ dần, thường xuyên đau đầu, chân tay run rẩy mà uống thuốc giảm đau cũng không đỡ mấy. Tôi tự đi khám thì biết mình bị tiểu đường tuýp 2, phải nhập viện để điều trị 5 ngày. Sau khi xuất viện, các con càng ép tôi nghỉ việc hơn nhưng tôi vẫn không chịu.
Ảnh minh họa (Nguồn AI)
Thứ 2 tuần trước, hàng xóm cạnh nhà tôi, 61 tuổi qua đời vì đột quỵ. Lúc biết tin, tôi không thể nào tin nổi. Tại sao một người đàn ông khỏe mạnh, sung sức như thế, có thể khiêng vác đồ nặng, trồng cây và thường tập thể dục buổi sáng lại ra đi nhanh đến thế?
Tôi sang nhà hàng xóm đi phúng viếng thì nghe vợ anh ấy kể chuyện. Anh ấy nói bị đau đầu rồi bữa tối đó ăn ít hơn thường lệ. Ăn qua loa một bát cơm, anh ấy đã vào phòng nằm nghỉ. Vợ anh xoa bóp đầu, thoa dầu rồi để anh nghỉ ngơi. 2 người ngủ 2 phòng khác nhau, đến sáng hôm sau, vợ anh ấy sang gọi chồng dậy đi tập thể dục thì phát hiện anh ấy đã mất từ lúc nào rồi. Chị hàng xóm nói trong nước mắt, bảo chồng mình số khổ quá, mới nghỉ hưu được vài tháng nay, còn chưa kịp tận hưởng gì thì đã ra đi đột ngột. Cái chết của anh hàng xóm đã khiến tôi tỉnh ngộ về lẽ vô thường trong cuộc sống.
Ngay tối đó, tôi gọi điện cho 2 trung tâm mà mình đang giảng dạy, bảo họ thu xếp cho tôi nghỉ việc. Các con thấy tôi làm thế thì mừng lắm, còn bảo tôi suy nghĩ đúng đắn. Nhưng không hiểu sao, nghỉ việc ở nhà gần một tuần, tôi lại thấy nhớ phấn trắng bục giảng, thấy ở nhà buồn chán quá, cứ đi ra đi vào. Không làm thì mệt mỏi, cuộc sống đơn điệu. Đi làm thì cũng lo lắng và sợ. Tôi chẳng biết mình nên làm gì để thời gian nghỉ hưu được vui vẻ nữa?
Khốn khổ vì hàng xóm thả rông 3 con chó, đến nhắc nhở lại bị chửi 'đồ nhà quê' Từ ngày hàng xóm mang 3 con chó về nuôi, cả con ngõ nhỏ xáo trộn, cuộc sống đảo lộn, liên tục xảy ra cãi vã, tranh chấp. Đọc những bài viết về chuyện hàng xóm, tôi lại nghĩ đến những tháng ngày sống trong con ngõ nhỏ ở Hà Nội. Cưới nhau không bao lâu, vợ chồng tôi được anh chị chồng...