Hàng triệu người tuần hành hưởng ứng phong trào ‘Thứ Sáu vì Tương lai’
Ngày 20/9, hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới đã tham gia một cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu do giới trẻ dẫn đầu.
Hưởng ứng phong trào “Thứ Sáu vì Tương lai” mà nữ sinh người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng từ tháng 8/2018.
Tuần hành chống biến đổi khí hậu tại Brussels, Bỉ, ngày 20/9. Ảnh: THX/TTXVN
Ban tổ chức 350.org cho biết khoảng 4 triệu người đã xuống đường tại các thành phố trên khắp thế giới, trong một cuộc tuần hành lớn nhất từ trước đến nay để kêu gọi chống lại mối đe dọa đối với hành tinh của chúng ta do nhiệt độ tăng. Những người tham gia tuần hành, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, cùng hô vang các khẩu hiệu và giơ cao biểu ngữ mang những dòng chữ “Không có hành tinh B” và “Hãy làm Trái Đất vĩ đại trở lại”. Tuần hành diễn ra khắp nơi, bắt đầu ở châu Á- Thái Bình Dương, lan đến châu Phi, châu Âu và Mỹ Latinh, với trung tâm là cuộc tuần hành tại New York (Mỹ), nơi nữ sinh Thunberg có mặt. Phát biểu khai mạc ngày hành động tập thể tại Công viên Battery ở New York trước 1,1 triệu người, nữ sinh Thunberg khẳng định: “Thay đổi sẽ xảy ra dù chúng ta có muốn hay không. Chúng ta cần có một tương lai an toàn”.
Theo ban tổ chức, các cuộc tuần hành ngày 20/9 khởi đầu cho 5.800 cuộc tuần hành tại 163 quốc gia trên thế giới trong tuần tới. Riêng tại Mỹ có tới hơn 800 cuộc tuần hành đã được lên kế hoạch, và khoảng 400 cuộc tại Đức.
Tại thủ đô Washington của Mỹ, hàng nghìn người đã đến Đồi Capitol, mang theo các khẩu hiệu nhấn mạnh sự cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu, như “Trái Đất của chúng ta đang chết”, hay “Nếu chúng ta không làm gì, chúng ta sẽ chết”. Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren, ứng cử viên Tổng thống Mỹ, đã gửi thông điệp ủng hộ các cuộc tuần hành khí hậu tại thủ phủ bang. Trong một đoạn video, bà phát biểu nhấn mạnh: “Chúng ta phải chắc chắn rằng sẽ chiến đấu trước khi quá muộn”.
Tại Đức, hơn 100.000 người đã tuần hành ở thủ đô Berlin. Tại Paris (Pháp), nhiều thanh thiếu niên, có những em mới chỉ 10 tuổi, cũng tham gia cuộc tuần hành kêu gọi chính phủ hành động chống biến đổi khí hậu. Tại Anh, các nhà hoạt động cho biết hơn 200 sự kiện được tổ chức trong ngày 20/9. Tại Slovakia, cậu bé Teo 5 tuổi đã đứng lên diễn thuyết trước 500 người trong đoàn tuần hành, kêu gọi “không chặt phá rừng nữa, giảm rác thải, và không dùng ô tô sử dụng quá nhiều dầu”.
Tại Australia, ban tổ chức cho biết có hơn 300.000 học sinh, sinh viên cùng các bậc phụ huynh và những người ủng hộ xuống đường kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu. Australia là nước xuất khẩu than đá và khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Gần đây, nước này phải đối mặt với nhiều trận hạn hán, cháy rừng ngày càng nghiêm trọng, lũ lụt nặng nề và cả vấn đề trắng hóa rạn san hô Great Barrier mà các chuyên gia khẳng định là do biến đổi khí hậu.
Tại Bangkok (Thái Lan), nữ sinh 12 tuổi Lilly Satidtanasarn, được mệnh danh là “Greta của Thái Lan” với chiến dịch phản đối sử dụng túi nilon tại các siêu thị, phát biểu trước những người tham gia tuần hành, nhấn mạnh: “Chúng tôi là tương lai, và chúng tôi xứng đáng được hưởng tương lai tốt đẹp hơn”.
Tại Philippines, nơi các chuyên gia cảnh báo đang đối mặt với các mối đe dọa do mực nước biển dâng cao và những trận bão ngày càng mạnh, hàng nghìn người cũng xuống đường hưởng ứng phong trào.
Video đang HOT
Trong khi đó, cuộc tuần hành tại Brazil, nơi rừng mưa Amazon đang phải đối mặt với những vụ cháy lớn, cũng thu hút sự tham gia của hàng nghìn người.
Ở châu Phi, khoảng 200 người tham gia tuần hành tại thủ đô Accra của Ghana, nơi có tới 44% dân số chưa từng nghe nói về biến đổi khí hậu. Cô Ellen Lindsey Awuku, 26 tuổi, thành viên ban tổ chức, cho biết: “Các nước đang phát triển như Ghana bị ảnh hưởng nhiều nhất, chúng ta không có nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Các lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào hành động tập thể ngày Thứ Sáu. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhân dịp này đã cam kết chi ít nhất 100 tỷ USD để giải quyết vấn đề khí khải trong các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, thúc đẩy sử dụng các phương tiện chạy bằng điện. Nhóm các nhà lãnh đạo thế giới The Elders do ông Nelson Mandela sáng lập cũng bày tỏ sự ủng hộ. Phó chủ tịch The Elders, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon cho biết: “Chúng ta cần dũng cảm để bước một bước dài và tạo ra những thay đổi mà hành tinh đang cần”.
Phong trào tuần hành chống biến đổi khí hậu toàn cầu cũng nhận được sự ủng hộ của giới doanh nhân. Chủ tập đoàn Amazon Jeff Bezos ngày 19/9 cam kết “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ này sẽ trở thành công ty không thải carbon vào năm 2040 và khuyến khích các công ty khác làm như vậy. Hơn 6.000 trang mạng và công ty cũng tham gia một “cuộc đình công khí hậu trên mạng kỹ thuật số”, trong đó có Tumblr, Kickstarter và WordPress. Hơn 2.000 nhà khoa học từ 40 quốc gia cũng đình công để nâng cao ý thức về khí hậu. Một số công ty, như Patagonia và Ben &Jerry’s, đã đóng cửa trong ngày 20/9 để thể hiện sự đoàn kết với phong trào này.
Hành động tập thể ngày Thứ Sáu cũng đánh dấu khởi động một số sự kiện khí hậu quy mô lớn tại New York. Một hội nghị thượng đỉnh thanh niên về khí hậu sẽ diễn ra tại LHQ ngày 21/9 (theo giờ Mỹ). Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-te-rết) sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 23/9, với sự tham gia của 64 nước cùng Liên minh châu Âu (EU), để kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nâng cao cam kết đã đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Theo văn kiện này, các nước cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất ở mức tối đa 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, và nếu có thể là 1,5 độ C.
Nữ sinh Thunberg 17 tuổi, người Thụy Điển, trở thành biểu tượng đấu tranh chống biến đổi khí hậu của giới trẻ toàn cầu sau sự kiện cô quyết định nghỉ học và ngồi bên ngoài trụ sở Nghị viện Thụy Điển từ ngày 20/8/2018 đến ngày 9/9/2018 (ngày bầu cử) để yêu cầu chính phủ giảm lượng khí thải carbon theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong năm qua, Thunberg đã tổ chức các cuộc tuần hành hàng tuần với khẩu hiệu “Thứ Sáu vì Tương lai”, tạo cảm hứng cho hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên xuống đường yêu cầu chính phủ hành động. Phong trào học sinh, sinh viên tuần hành vì khí hậu do cô khởi xướng đã lan khắp thế giới.
Theo Bích Liên (TTXVN)
Sinh viên khắp thế giới bãi khóa vào 'thứ sáu chống biến đổi khí hậu'
Ngày 20/9, cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu quy mô toàn thế giới lần thứ ba diễn ra trên hơn 4.000 địa điểm khắp thế giới và thu hút hàng triệu người tham dự đã bắt đầu.
Từ Sydney tới Manila, Delhi tới London và New York, hàng triệu học sinh và sinh viên trên nhiều châu lục đã cùng nhau tuần hành nhằm yêu cầu các chính phủ có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn thảm họa môi trường. Cuộc tuần hành diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu của Liên Hợp Quốc tại New York vào tuần tới. Trong ảnh, học sinh ở Nicosia, Cyprus, trong cuộc biểu tình ngày 20/9. Ảnh: Reuters.
Các cuộc biểu tình trải rộng được lấy cảm hứng từ nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg. Thunberg bắt đầu biểu tình một mình bên ngoài tòa nhà quốc hội Thụy Điển vào tháng 8/2018. Hơn 1 năm qua, thanh thiếu niên trong các cộng đồng khác nhau đã tổ chức các cuộc tuần hành để tham gia phong trào Thứ sáu vì Tương lai của Thunberg. Trong ảnh là Greta Thunberg bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ để hỗ trợ các vụ kiện về môi trường của trẻ em chống lại chính phủ Mỹ. Ảnh: AFP.
Ngày 18/9, Thunberg đã xuất hiện trước một số ủy ban của Quốc hội Mỹ để thể hiện quan điểm của thế hệ tiếp theo về biến đổi khí hậu, thúc giục đưa ra những thay đổi nhanh chóng trong cách sống của mọi người để tránh nhiệt độ tăng 1,5 độ C vào năm 2030. Trong ảnh, các nhà hoạt động đứng trong tư thế bị treo cổ và trên một tảng băng ở Berlin, Đức, ám chỉ việc Trái Đất đang nóng lên làm tan băng và kéo theo đó là các thảm họa đe dọa sự sinh tồn của nhân loại. Ảnh: Reuters.
"Tôi không muốn các bạn nghe tôi nói. Tôi muốn các bạn lắng nghe khoa học và hành động," Thunberg nói trong lời mở đầu trong buổi điều trần tại Mỹ. Trong ảnh, người biểu tình tại London, Anh, ngày 20/9. Ảnh: Reuters.
Cuộc tuần hành môi trường này sẽ diễn ra ở nhiều quốc gia với nhiều sự kiện để bắt đầu phong trào kéo dài một tuần để thu hút sự chú ý của quốc tế về tình trạng khí hậu khẩn cấp. Ước tính sẽ có 800 sự kiện ở Mỹ, 400 ở Đức, Anh, Úc, Pháp và Bỉ. 13 thành phố của Ấn Độ và 12 thành phố của Indonesia cũng tham gia vào phong trào này. Trong ảnh, cuộc tuần hành tại thành phố Lublin, Ba Lan. Ảnh: CNN.
Cuộc tuần hành trên toàn thế giới lần này không chỉ có học sinh, sinh viên mà các tổ chức lao động, tổ chức nhân đạo, các tổ chức môi trường và nhân viên của một số thương hiệu lớn nhất thế giới cũng sẽ tham gia. Ảnh: AP.
Các thành phố thủ đô là nơi tụ tập những đám đông lớn nhất. Tại Berlin, Đức, phong trào lên đến đỉnh điểm vào lúc 3 giờ chiều tại Potsdamer Platz. Người biểu tình đã công bố kế hoạch chặn các nút giao thông quan trọng trên toàn thủ đô. Trong ảnh là các nhà hoạt động môi trường đạp xe chặn các nút giao thông tại quảng trường Ernst-Reuter-Platz ở Berlin, Đức, khi họ tham gia vào cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu toàn cầu ngày 20/9. Ảnh: Reuters.
Tại Úc, hơn 100,000 người biểu tình đã tập trung tại nhiều thành phố lớn như thủ đô Canberra, Melbourne, Sydney, ... Họ đưa ra 3 yêu cầu đối với chính phủ: không thực hiện dự án khai thác than, dầu khí mới; dùng năng lượng tái tạo 100% và đạt đến xuất khẩu vào năm 2030; tài trợ cho việc chuyển đổi và tạo việc làm cho tất cả các cộng đồng và công nhân trong các ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch. Trong ảnh, cuộc tuần hành tại thành phố Brisbane, Australia. Ảnh: Reuters.
Thành phố New York được dự đoán là nơi diễn ra cuộc tuần hành khí hậu lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua tại đây. Cuộc tuần hành này được đồng tổ chức bởi hơn 20 nhóm hoạt động tại địa phương và trên cả nước. Người biểu tình sẽ tập trung tại một công viên bên ngoài Tòa thị chính của New York lúc 12 giờ trưa và diễu hành đến Công viên Battery, nơi Greta Thunberg sẽ có một bài diễn thuyết vào buổi chiều cùng với những người biểu diễn và diễn giả khác. Ảnh: Reuters.
Trong một chương trình hỗ trợ, giáo dục thành phố New York các quan chức sẽ xin phép vắng mặt trong số 1,1 triệu học sinh trường công muốn tham gia. Trẻ em vẽ trên một chiếc dù làm bằng giấy ở thành phố New York trước cuộc tấn công khí hậu của giới trẻ ngày 20/9. Ảnh: CNN.
Tại Brussels, Bỉ, cuộc tuần hành sẽ bắt đầu tại nhà ga phía Bắc và đạt cao trào bên ngoài trụ sở EU. Trong khi đó ở Paris, cuộc tuần hành sẽ bắt đầu tại Place de la Nation và kết thúc bằng một cuộc tụ họp tại công viên giải trí với các hội thảo, hội nghị và các cuộc họp của người dân. Ảnh: Al Jazeera.
Ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều nước sẽ chìm nếu nước biển dâng cao như New Zealand, Thái Lan, Indonesia, người dân đã xuống đường để kêu gọi chính phủ thực hiện các hành động khẩn cấp để giải quyết khủng hoảng khí hậu và ngăn chặn thảm họa môi trường. Trong ảnh, thanh thiếu niên tuần hành ở tỉnh Central Kalimantan trong ngày 20/9 trong làn khói bụi mù mịt từ những đám cháy rừng đang hoành hành tại nước này. Ảnh: Reuters.
Theo Zing.vn
Hàng trăm người tuần hành vì môi trường bên ngoài Nhà Trắng Nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg dẫn đầu cuộc tuần hành đã kêu gọi Mỹ và Tổng thống Donald Trump nhanh chóng hành động để loại bỏ những hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg và đoàn tuần hành. (Nguồn: AP) Ngày 13/9, nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi Greta...