Hàng trăm tiểu thương đóng quầy, phản đối sáp nhập chợ
Hàng trăm ki ốt trong khu vực chợ Kỳ Anh, nằm ở trung tâm thị xã Kỳ Anh đã đồng loạt đóng cửa mấy ngày nay để phản đối chính quyền ép buộc sáp nhập vào chợ mới.
Ghi nhận của PV Dân trí, liên tục từ ngày 28/6 đến nay, hơn 500 hộ kinh doanh cố định và nhiều hộ kinh doanh lưu động tại chợ trung tâm thị xã Kỳ Anh đã đồng loạt đóng cửa, không hoạt động. Các ki ốt đóng cửa im lìm khiến hoạt động thương mại bị gián đoạn. Người dân đến trao đổi, mua bán hàng hóa đều lắc đầu ngao ngán vì chẳng biết bán cho ai hay mua cái gì ở khu chợ này.
Các ki ốt hàng hóa ở chợ trung tâm thị xã Kỳ Anh đồng loạt đóng cửa mấy ngày nay
Lí do khiến bà con tiểu thương đồng loạt đóng cửa không hoạt động là để phản đối chính quyền ép buộc sáp nhập vào chợ mới – một trung tâm thương mại có tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng – bị cáo buộc khi xây dựng không lấy ý kiến toàn dân, không công khai, minh bạch, không tính hết lợi ích của bà con tiểu thương.
Ông Đặng Quốc Sinh, một thương binh đang buôn bán tại chợ Kỳ Anh bức xúc: “Việc xây chợ mới đáng lẽ chính quyền phải họp các tiểu thương để bàn bạc, hay có một thông báo về quy hoạch chợ mới để mọi người được biết. Vậy nhưng chính quyền (UBND huyện Kỳ Anh cũ) đã không họp để lắng nghe ý kiến của người dân, đến khi hoàn thành rồi thì lại bắt ép chúng tôi vào chợ mới. Nếu bắt buộc phải đi thì đi như thế nào chứ”.
Chị Nguyễn Thị Hương, một tiểu thương buôn bán ở chợ lâu năm lại bức xúc vì thiệt thòi quá lớn mà không được chính quyền hỗ trợ gì từ việc phải di chuyển đến chợ mới. “Ở trong đình chợ hiện nay chúng tôi có trên 100 hộ kinh doanh đủ các mặt hàng. Để làm ăn thuận lợi bà con đã đầu tư tu sửa ki ốt của mình tốn cả hàng trăm triệu đồng. Nay phải di chuyển đến chợ mới chúng tôi không thấy chính quyền có chính sách hỗ trợ như thế nào. Thiệt thòi quá lớn nên chúng tôi không đồng ý, tạm nghỉ bán để làm rõ việc này với chính quyền, chủ đầu tư”- chị Hương nói.
Video đang HOT
Nhiều ý kiến khác bức xúc nói, việc chính quyền không lấy ý kiến, không lắng nghe ý kiến xác đáng của người dân đã dẫn tới khu chợ mới khó lòng đáp ứng hoạt động thương mại trên địa bàn do vị trí chợ mới vừa xa trung tâm, vừa nằm ở dưới sâu.
Khu chợ trung tâm bình thường rất đông người mua kẻ bán, do tiểu thương đóng cửa phản đối chính quyền sáp nhập chợ mới nên hiện rất vắng vẻ
Ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh thừa nhận, việc bà con tiểu thương chợ trung tâm Kỳ Anh đóng quầy nghỉ bán đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động thương mại trên địa bàn.
Cũng theo ông Vĩnh, việc phải đóng cửa chợ cũ là điều chắc chắn, lộ trình đến cuối tháng 10 phải hoàn thành cho các tiểu thương vào chợ mới. “Hiện thị xã đang đối thoại tuyên truyền với người dân về việc di dời chợ, đồng thời rà soát lại chế độ chính sách nhằm đảm bảo cho bà con tiểu thương không bị thiệt thòi khi di dời chợ.
Minh Đức
Theo Dantri
Thủ tướng duyệt chi 3.200 tỷ đồng di dân làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Dự án di dân, tái định cư của các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Gần 1.300 hộ dân với 4.900 nhân khẩu phải di chuyển với tổng chi phí trên 3.200 tỷ đồng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam cấp vốn thực hiện.
Khảo sát khu vực triển khai thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Dự án nhằm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ di dân, tái định cư, tái định canh cho người dân khu vực bị ảnh hưởng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tạo điều kiện để người dân trong vùng dự án sớm ổn định chỗ ở và đời sống, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dự án nói riêng, tỉnh Ninh Thuận nói chung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tổng số dân phải di chuyển là 1.288 hộ/4.911 nhân khẩu, trong đó, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là 477 hộ/2.084 nhân khẩu; dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 là 811 hộ/2.827 nhân khẩu.
Dự kiến tiến độ di chuyển dân hoàn thành trong năm 2018. Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 bố trí 1 điểm tái định cư tại Thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận với diện tích 43,67 ha.
Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 bố trí 2 điểm tái định cư: Một điểm tại Khu Hòn Một, thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận với diện tích 45 ha; và khu quy hoạch chỉnh trang khu dân cư hiện hữu tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận với diện tích 13,4 ha.
Về hệ thống kết cấu hạ tầng tái định cư, tại khu tái định cư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư tập trung, xây dựng khu nghĩa trang phục vụ khu tái định cư, xây dựng hệ thống cấp nước phục vụ khu tái định cư.
Còn tại khu tái định cư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư tập trung, xây dựng hạ tầng chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, xây dựng khu nghĩa trang phục vụ khu tái định cư, xây dựng hệ thống cấp nước phục vụ khu tái định cư, xây dựng khu tái định canh.
Tổng mức đầu tư Dự án là 3.235,526 tỷ đồng, nguồn vốn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam cấp theo kế hoạch sử dụng sau khi thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
P.Thảo
Theo Dantri
Nắng nóng kéo dài, nền sản xuất nông nghiệp bị đe dọa Nắng nóng kéo dài, phổ nhiệt cao, nguồn nước cạn kiệt khiến sản xuất nông nghiệp tại Nghệ An đang đứng trước nhiều khó khăn. Vụ Xuân nhiều nơi xảy ra tình trạng mất mùa, trong khi đó, vụ Hè Thu lại khó triển khai vì thiếu nước trầm trọng. Mất mùa do nắng nóng, thiếu nước Mùa hè 2015 được dự báo...