Hàng rong và những pha “biểu diễn” thót tim
Hàng chục người, trên tay lỉnh kỉnh hoàng hóa, bất ngờ lao ra giữa đường rồi chui tọt vào giữa hai làn xe chạy, khiến tài xế nhiều phen thót tim…
Sau nhiều ngày có mặt trên quốc lộ 1A, đoạn thuộc phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (TPHCM) chúng tôi thấy, mỗi khi ô tô dừng đèn đỏ là hàng chục người bán hàng rong lập tức bủa vây. Họ đứng xung quanh, đứng giữa hai làn xe ô tô nối dài. Mỗi khi thấy cửa kính chiếc xe tải nào kéo xuống là nhiều người nhao nhao chạy lại, mời chào mua hàng. Thậm chí có nhiều phụ nữ còn đu cả lên ca bin xe, dù tài xế khoát tay từ chối, nhưng họ vẫn cố nài nỉ, ép lái xe mua hàng bằng được. Thường thì trong trường hợp này, tài xế đành mua cho họ chai nước, bao thuốc, lúc đó họ mới chịu nhảy xuống và tiếp cận các xe khác.
Anh Lưu Văn Bảo, một tài xế xe tải cho biết: “Nói về khoản liều mạng thì những người bán hàng rong là số một. Mỗi khi xe đến khu vực này là tài xế rất lo, chỉ sợ xảy ra tai nạn. Nhiều khi xe đang chạy ngon trớn bỗng bất ngờ mấy ổng, mấy bà lao ra cầm bịch cóc, chai nước suối mời chào. Mình không mua thì họ cố tình đứng trước đầu xe, nếu cố cho xe chạy thì họ lại luồn lách qua lại rồi nhảy lên các xe khác, lái xe quan sát không kĩ là tai nạn như chơi…”.
Những người bán hàng rong đứng lọt thỏm giữa hai làn xe chạy.
Lý giải vì sao biết nguy hiểm mà vẫn làm liều – chị Phan Thị Hoài, quê ở Bình Định, 32 tuổi – cho biết, chị có thâm niên hơn 10 năm buôn gánh, bán bưng nơi đất khách. “Ngày trước tôi mua trái cây ở chợ Đầu Mối Thủ Đức rồi chở đi bán dạo khắp nơi, nhưng gần 2 năm trở lại đây buôn bán ế ẩm, dân phần lớn mua đồ ở siêu thị, họ sợ trái cây lề đường có nguồn gốc từ Trung Quốc, do vậy tôi phải gia nhập đội quân “nhảy”, mỗi ngày cũng kiếm gần 200 ngàn tiền lời. Những ngày đầu đứng lọt giữa những làn xe đang chạy, sợ đến tái mặt, nhưng dần cũng quen. Tuy nhiên cái gì cũng có giá của nó, đầu tháng 3 vừa qua, đứa em họ tôi trong lúc bám ca bin xe đã bị té gãy tay, phải về quê dưỡng thương rồi. Mấy hôm nay gia đình liên tục gọi điện thúc tôi về quê tìm việc khác để tiện chăm sóc mấy đứa nhỏ, mình đang phân vân không biết thế nào”.
Video đang HOT
Còn anh Lâm Thế Hà (36 tuổi quê Khánh Hòa) thì nói: “Tôi làm cái nghề đu bám trên các con lộ đã gần 10 năm rồi mà không dám cho gia đình ở quê hay biết, vì sợ cả nhà biết sẽ lo. Tôi phải nói dối là đang làm bảo vệ cho một công ty xây dựng ở quận 2″.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi nhưng những người bán hàng rong cứ nhấp nha, nhấp nhổm, câu chuyện liên tục bị đứt quãng bởi mỗi khi có ô tô dừng là họ lại lao đến…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đội quân bán hàng rong trên các tuyến quốc lộ ở TP HCM hầu hết là người dân ở các tỉnh lẻ, phần lớn là ở các tỉnh miền Trung. Dù tình cảnh của họ rất đáng chia sẻ, nhưng trước sự mất an toàn giao thông, đề nghị cơ quan chức năng của quận Thủ Đức nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng lộn xộn này!
Theo 24h
Gồng gánh tha phương nuôi con vào đại học
Một ngày kiếm sống của người phụ nữ có thân hình mỏng manh ấy bắt đầu từ 2 giờ 30 sáng đến tận 10 giờ đêm. Thức khuya dậy sớm, oằn vai quảy gánh đậu hũ đi bán nhưng chị luôn mỉm cười...
Chỉ khi ai đó vô tình nhắc đến đứa con trai lớn vừa giỏi vừa ngoan của chị là nỗi buồn lại đong thành giọt nơi khoé mắt chị.
Để đời con không khổ như cha mẹ
Chị tên Nguyễn Thị Thanh Thuý, sinh năm 1966, quê ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Bởi ở quê "chỉ kiếm 5.000 đồng mỗi ngày sao nuôi nổi ba đứa con vẫn còn nhỏ xíu", chị kể, nên sau khi đưa con gái út vào trường mẫu giáo, chị về nhà thắp nhang lạy ông bà tổ tiên rồi xách giỏ đi thẳng ra bến xe mà không dám ngoái đầu nhìn lại. Chị nhớ như in đó là ngày 24.10.1993, buổi sáng mà đất trời âm u, mưa lất phất. "Thiệt là não ruột, đi không đành", chị Thuý ngậm ngùi nhớ lại. Vậy mà, thoắt đó chị vô Sài Gòn bán đậu hũ dạo đã 20 năm.
Nhờ một người chị bà con dạy cách nấu đậu hũ, chị tập tành buôn bán. Ngày đầu tiên, chị quảy gánh đến một con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng, quận 3 ngồi bán, sau đó gánh đi bán rong. Hồi đó, điện thoại chưa phổ biến và giá rẻ như bây giờ, chị vừa buôn bán kiếm tiền vừa trông coi có ai về quê để gửi thư, gửi quà cho con. Mỗi lần chị có dịp về quê, khi chuẩn bị hành lý trở vô Sài Gòn thì đứa con trai lớn níu mẹ lại hỏi nghe đứt ruột: "Không lẽ má đi hoài?".
Chị Thanh Thuý và gánh đậu hũ mưu sinh 20 năm nay ở Sài Gòn.
Vợ ở Sài Gòn lang thang buôn gánh bán bưng, chồng ở quê làm đủ chuyện lặt vặt, cực khổ vậy nhưng anh chị quyết tâm nuôi ba đứa con học tới đại học để "đời tụi nó không khổ như đời cha mẹ", chị nói. Nên ngày biết tin con trai lớn đậu đại học Kinh tế ở TP.HCM, hai vợ chồng mừng không thể tả. Anh chị còn vô cùng hãnh diện vì là gia đình đầu tiên trong xóm có con đậu đại học. Mừng đến nỗi đang ăn cơm, nghĩ đến chuyện con thi đậu, vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ cùng cười tủm tỉm.
"Vợ chồng tôi quyết tâm đầu tư cho các con ăn học tới nơi tới chốn nên cực khổ cỡ nào cũng không than với con", chị kể trong ánh mắt tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng đang mở ra cho các con thân yêu của mình.
Lá vàng khóc lá xanh
Rồi cũng đến ngày, con trai lớn của chị tốt nghiệp đại học. Tuy mới ra trường nhưng con chị may mắn được một công ty lớn ở TP.HCM nhận vào làm việc ngay. Chuyện không ai ngờ, năm 2007, đang trên đường đi ăn trưa thì con trai chị bị tai nạn giao thông, qua đời ở tuổi 22 tràn sức sống. Kỷ niệm đau thương ùa về, chị kể mà nước mắt rưng rưng: "Chắc số đã định, hôm đó, chú nó rủ đi ăn trưa, không ai chịu đi, vậy mà nó lại đi. Nó chỉ mới đi làm được hai tháng thôi mà!"
Người mẹ gồng gánh tha phương cầu thực vì con như chị ở lại nhân gian trong nỗi đau thương tức tưởi. Con trai mất hơn năm năm rồi nhưng chị cứ ngỡ mới hôm qua. Nhiều lúc nhớ con không chịu nổi, chị tự an ủi: "Nó vừa ngoan hiền vừa hiếu thảo, chắc không phải con mình nên trời Phật đưa nó đi sớm".
Giờ đây, chị vẫn cố gắng sống vì chồng, vì hai đứa con gái. Con gái thứ hai của chị đang làm cô giáo đi dạy ở quê nhà. Con gái út cũng đã ra trường và đi làm. Ngày ngày chị vẫn gánh hàng đi bán. Chén đậu hũ của chị có những viên ỷ dai giòn, đậu hũ mềm mịn, chan thêm nước gừng nóng ấm cùng nước cốt dừa béo ngậy, hương lá dứa thơm phức lan toả cả góc phố trong buổi sớm mai. Gánh đậu hũ của người mẹ đó đã nuôi ba con ăn học thành tài trong khốn khó.
Hỏi chị có dự tính về quê đoàn tụ cùng chồng không, chị cười buồn: "Còn sức khoẻ thì còn làm, ráng kiếm thêm chút đỉnh để có chút vốn phụ con cái".
Theo SGTT
Vụ ông lão bảo vệ kiếm 30 triệu/tháng: "Nếu thật, 2 năm sẽ mua ô tô" Giữa thời cuộc kinh tế khó khăn như hiện nay, một ông lão bảo vệ bán bánh mỳ có thu nhập đến 30 triệu đồng/tháng là thông tin khiến nhiều người ao ước... Ông lão bảo vệ ở Hà Nội, thu nhập "khủng" 30 triệu đồng/tháng Tìm tới xe bánh mỳ nằm ngay trước cổng siêu thị Sunmart trên đường Tam Trinh -...