‘Hàng rào’ muộn màng ngăn chủng nCoV mới
Không rõ chủng nCoV mới đã lây lan ở quy mô thế nào, vì vậy những động thái đóng biên với Anh có thể một lần nữa là quá muộn.
Khi một loạt quốc gia gấp rút đóng biên với Anh tuần này để lập “hàng rào” ngăn chặn chủng nCoV mới, các động thái gợi lại ký ức về cách thế giới phản ứng khi nCoV bắt đầu xuất hiện trên diện rộng vào mùa xuân. Hầu hết những lệnh đi lại ban đầu đó đến quá muộn, được đưa ra sau khi virus đã lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng.
Lần này, khi các quốc gia đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của chủng nCoV mới được phát hiện tại Anh, các biện pháp đóng biên cũng có thể đã quá muộn. Các chuyên gia cho biết chưa rõ chủng mới này đã lây lan đến mức nào và các lệnh cấm đi lại có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn hơn về kinh tế và tâm lý.
Cảng ở Dover, Anh bị đóng vào ngày 21/12. Ảnh: NYTimes .
“Thật là ngớ ngẩn”, Tiến sĩ Peter Kremsner, Giám đốc Bệnh viện Đại học Tbingen ở Đức, nói. “Nếu chủng mới chỉ xuất hiện ở Anh thì việc đóng biên với Anh mới có ý nghĩa. Nhưng nếu nó đã lan rộng thì chúng ta phải chiến đấu với chủng mới ở khắp mọi nơi”.
Ông nhấn mạnh rằng giới khoa học mới chỉ có hiểu biết hạn chế về chủng mới và mức độ nguy hiểm của nó còn chưa rõ ràng. Ông mô tả quan điểm cho rằng chủng mới chưa phổ biến rộng rãi ở bên ngoài nước Anh là “ngây thơ”.
Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, nói rằng các quốc gia thành viên sẽ cố gắng đưa ra cách tiếp cận nhất quán đối với bất kỳ mối đe dọa nào do chủng mới gây ra. Ông viết trên Twitter: “hạn chế đi lại để ngăn chặn lây lan là biện pháp thận trọng cho đến khi chúng ta có thông tin tốt hơn”. Nhưng ông nhấn mạnh “không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn”.
Khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi Washington theo chân các quốc khác đóng biên với Anh, Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, khuyến cáo nên thận trọng và nói rằng nhiều khả năng chủng mới đã đến Mỹ.
“Tôi không nghĩ kiểu tiếp cận khắc nghiệt đó là cần thiết”, ông nói hôm 21/12. “Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét nghiêm túc phương án yêu cầu người đi từ Anh làm xét nghiệm trước khi lên máy bay đến Mỹ”.
Thống đốc New York Andrew M. Cuomo cho biết British Airways, Delta Air Lines và Virgin Atlantic đã đồng ý yêu cầu hành khách phải trình kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên chuyến bay từ Anh đến New York. Do không có quy định liên bang nào được đưa ra, lãnh đạo các bang và địa phương khác cũng đang kêu gọi các biện pháp tương tự trước cao điểm đi lại vào dịp nghỉ lễ.
Nhiều quốc gia đã yêu cầu hành khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được nhập c ảnh, nhưng việc đóng biên là một phương án gay gắt hơn. Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các thành viên EU dỡ bỏ lệnh cấm đối với Anh để việc đi lại vì mục đích thiết yếu có thể diễn ra. Nhưng hiện tại, các quốc gia dường như thích đặt ra quy tắc của riêng mình hơn.
Tối 22/12, Pháp nới lỏng lệnh đóng biên mà họ áp đặt hôm 20/12, đã khiến hơn 1.000 tài xế xe tải mắc kẹt. Giờ họ cho phép một số nhóm người có thể nhập cảnh nếu họ làm xét nghiệm nCoV gần đây.
Tình hình đang làm chao đảo ngành du lịch vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, buộc hàng triệu người phải thay đổi kế hoạch kỳ nghỉ và càng làm tăng thêm lo lắng vào cuối một năm vốn đã quá ảm đạm.
Trong khi đó, một chủng nCoV khác đang gây lo ngại khi nó lây lan ở Nam Phi. Ít nhất 5 quốc gia gồm Đức, Israel, Arab Saudi, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng biên với Nam Phi.
Thụy Điển đã dừng cho người đi từ Đan Mạch nhập cảnh sau khi chủng nCoV mới ở Anh được phát hiện ở đây. Arab Saudi thậm chí còn đi xa hơn, đình chỉ tất cả chuyến bay quốc tế đến nước này trong ít nhất một tuần.
Video đang HOT
Chủng mới ở Nam Phi đã trở thành chủ đề thu hút nhiều nghiên cứu sau khi các bác sĩ phát hiện ra những người nhiễm nó có tải lượng virus cao hơn trong đường hô hấp trên. Đối với nhiều bệnh do virus gây ra, điều này đồng nghĩa với việc có triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Vì chưa rõ mức độ lây lan của hai chủng mới này, không thể đánh giá tác động của những nỗ lực “cách ly” Anh và Nam Phi trong việc kiềm chế virus.
Hơn nữa, còn một nguyên nhân khác cần chú ý là Anh vốn có nỗ lực giám sát gene hàng đầu thế giới, nên việc phát hiện chủng mới ở Anh là điều dễ hiểu , trong khi nó có thể không được phát hiện nếu xuất hiện ở nước khác.
Anh đã giải mã trình tự khoảng 150.000 bộ gene nCoV trong nỗ lực xác định các đột biến, chiếm một nửa dữ liệu bộ gene của thế giới về nCoV, Sharon Peacock, giám đốc của Covid-19 Genomics U.K. Consortium, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Cambridge, cho biết. “Vì vậy, nếu xuất hiện thứ gì mới, có lẽ bạn sẽ tìm thấy nó ở Anh trước tiên”.
Ở xứ Wales, nơi có ba triệu dân, các nhà di truyền học tuần trước giải mã nhiều trình tự gene nCoV hơn so với các nhà khoa học ở Pháp, quốc gia 67 triệu người, đã thực hiện kể từ khi đại dịch bắt đầu, Thomas Connor, giáo sư chuyên nghiên cứu về biến đổi mầm bệnh tại Đại học Cardiff, nói.
“Có khả năng các biến chủng tương tự đang xuất hiện trên khắp thế giới”, ông nhận định. “Có thể có những biến chủng đang xuất hiện ở những nơi khác và lây lan cục bộ mà không bị phát hiện”.
Giới chức Anh cho biết họ phát hiện những ca nhiễm chủng nCoV mới đầu tiên ở Kent, đông nam nước Anh, vào ngày 20/9. Đến tháng 11, khoảng 1/4 trường hợp ở London liên quan đến chủng mới. Chỉ vài tuần sau, nó được cho là nguyên nhân gây ra gần 2/3 trường hợp ở Vùng đô thị Đại London.
Điều đó có nghĩa là đến thời điểm Thủ tướng Boris Johnson phát biểu tối 19/12 để thông báo các biện pháp phong tỏa mới với hàng triệu người ở và xung quanh London, chủng này đã lan rộng trong nhiều tháng.
Giới chức Pháp và Đức hôm thứ 22/12 thừa nhận chủng mới có thể đã lây lan ở nước mình. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết một số trường hợp nhiễm chủng mới đã được phát hiện ở Đan Mạch, Iceland và Hà Lan. Giới chức y tế ở Australia và Italy đã báo cáo các trường hợp người đến từ Anh nhiễm nCoV dù chưa rõ có phải là chủng mới hay không.
Những người ủng hộ lệnh đóng biên cho rằng chúng có thể giúp giữ cho trường hợp nhiễm chủng mới thấp hơn. “Các con số là vấn đề quan trọng”, Emma Hodcroft, nhà nghiên cứu tại Đại học Bern ở Thụy Sĩ, viết trên Twitter. Số người nhiễm chủng mới ở châu Âu có thể vẫn còn ít. Với các biện pháp xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, nhận diện và hạn chế, chúng ta có thể ngăn virus lây lan thêm”.
Nếu chủng mới được chứng minh là dễ lây lan hơn và đã xuất hiện trên diện rộng, nó có thể làm phức tạp các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Ugur Sahin, người đồng sáng lập BioNTech, cảnh báo rằng sẽ mất hai tuần trước khi kết quả từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cung cấp cái nhìn đầy đủ về cách các đột biến có thể thay đổi hiệu quả của vaccine. “Chúng tôi tin rằng không có lý do gì để lo ngại cho đến khi chúng tôi có được dữ liệu”, ông nói.
Sahin nói trong một cuộc họp báo hôm 22/12 rằng nếu cần chỉnh sửa vaccine để đối phó chủng mới thì họ có thể hoàn thành trong 6 tuần, nhưng họ sẽ cần phải xin các cơ quan quản lý cấp phép thêm và điều đó có thể làm tăng thời gian chờ đợi.
Ông cũng nói rằng nếu virus trở nên mạnh hơn, mục tiêu đạt được mức độ miễn dịch cần thiết để chấm dứt đại dịch sẽ trở nên khó khăn hơn. “Nếu virus trở nên mạnh hơn thì chúng ta có thể cần tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, để đảm bảo cuộc sống bình thường có thể tiếp tục mà không bị gián đoạn”.
Hơn 77,6 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO trấn an về chủng nCoV mới
Hơn 77,6 triệu người nhiễm, hơn 1,7 triệu người chết vì Covid-19 toàn cầu, WHO kêu gọi các nước không nên quá lo lắng vì chủng nCoV mới tại Anh.
Thế giới ghi nhận 77.646.747 ca nhiễm và 1.707.703 người đã chết do Covid-19, tăng lần lượt 511.608 và 8.440 ca một ngày, trong khi 54.499.215 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước không quá lo lắng trước chủng nCoV mới được phát hiện tại Anh, cho rằng đây là điều bình thường trong quá trình tiến hóa của virus và khẳng định nhiều công cụ để truy dấu virus đang có hiệu quả.
"Minh bạch là rất quan trọng, cần phải cho công chúng biết điều gì đang diễn ra, nhưng cũng phải cho thấy đây là điều bình thường trong vòng đời virus. Việc theo dõi virus chặt chẽ, cẩn thận và mang tính khoa học là bước đi rất tích cực với y tế toàn cầu", giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho hay.
Hành khách tại sân bay Heathrow, Anh, hôm 21/12. Ảnh: AFP .
Quan chức WHO cho biết chưa có bằng chứng cho thấy chủng nCoV mới tại Anh gây tình trạng trầm trọng hơn hoặc có tỷ lệ tử vong cao hơn những chủng nCoV đã ghi nhận, nhưng dường như nó có khả năng lây nhiễm cao hơn.
"Các nước áp lệnh cấm đi lại từ Anh đang thể hiện cẩn trọng trong lúc đánh giá nguy cơ. Đó là điều khôn ngoan, nhưng mọi người cần hiểu rằng điều này luôn xảy ra, sẽ luôn xuất hiện những chủng virus mới", giám đốc Ryan nói thêm.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 169.261 ca nhiễm và 1.506 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 18.425.166, trong đó 326.312 người đã chết.
Tổng thống đắc cử Joe Biden tiêm vaccine Covid-19 trên truyền hình trực tiếp tối 21/12 để trấn an người dân về độ an toàn của vaccine. Đệ nhất phu nhân tương lai Jill Biden cũng tiêm vaccine Covid-19 cùng ngày. Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris và chồng Doug Emhoff dự kiến tiêm trong tuần tới.
Giới chức y tế Mỹ cho biết họ dự kiến cung cấp đủ liều vaccine đầu tiên cho 20 triệu người vào cuối năm nay, nhưng sẽ còn lâu nữa vaccine mới được phổ biến. Ngay cả trong điều kiện hoàn hảo, người dân Mỹ có thể sẽ không được tiêm chủng cho đến cuối mùa xuân hoặc mùa hè năm 2021. Giới chức y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh những tháng tới sẽ rất thảm khốc.
Anh báo cáo thêm 33.364 ca nhiễm và 215 người chết, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.073.511 và 67.616.
Hàng loạt nước châu Âu và châu Á đã cấm mọi chuyến bay, hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh sau khi phát hiện chủng nCoV mới tại nước này. Các nhà khoa học Anh tin rằng biến thể mới không gây tình trạng nghiêm trọng hơn bản gốc, song nó có khả năng lây truyền cao hơn tới 70%.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết chủng virus đột biến mới là nguyên nhân gây ra 60% ca nhiễm mới ở London và các vùng lân cận. Chính phủ Anh đã phải áp lệnh phong tỏa Giáng sinh ở London và phía đông nam đất nước do chủng virus này "vượt tầm kiểm soát", đồng nghĩa hàng triệu người dân sẽ phải hủy các kế hoạch Giáng sinh và ở yên trong nhà.
Pháp , vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 5.797 ca nhiễm và 351 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.479.151 và 60.900. Phủ tổng thống Pháp hôm 21/12 cho biết tình hình Tổng thống Emmanuel Macron đã ổn định, nhưng ông vẫn còn một số triệu chứng của Covid-19.
Đức báo cáo 19.333 ca nhiễm và 533 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.534.116 và 27.297. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuần trước cho hay nước này muốn Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech "trước Giáng sinh", để có thể đạt mục tiêu bắt đầu tiêm chủng tại Đức trước cuối năm nay.
Chính phủ Đức áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 16/12 nhằm kiềm chế sự lây lan của nCoV dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Lệnh phong tỏa dự kiến được áp dụng tới ngày 10/1. Cửa hàng không thiết yếu và trường học đóng cửa, công ty được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc kéo dài thời gian nghỉ lễ.
Italy hiện báo cáo 1.964.054 ca nhiễm và 69.214 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 10.872 và 415. Nước này đã ban hành lệnh cấm tiếp nhận các chuyến tàu hay máy bay từ Anh do lo ngại về chủng nCoV mới.
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 19.174 ca nhiễm và 302 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.075.422 và 146.145.
Giới chức Ấn Độ thông báo đình chỉ mọi chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 cho đến hết ngày 31/12. Mọi hành khách đến từ Anh trước khi lệnh cấm có hiệu lực phải xét nghiệm ngay khi nhập cảnh tại sân bay. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định chính phủ đã chuẩn bị đối phó với chủng nCoV mới và người dân không cần hoảng loạn.
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 518 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 187.291. Số người nhiễm nCoV tăng 25.019 trong 24 giờ qua, lên 7.263.619.
Chính phủ Brazil dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho 51 triệu người, tức khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, cơ quan quản lý y tế Anvisa đánh giá các tiêu chuẩn phê duyệt sử dụng khẩn cấp CoronaVac, vaccine Covid-19 của Trung Quốc đang thử nghiệm diện rộng ở Sao Paulo, không minh bạch.
CoronaVac đang trở thành chủ đề tranh cãi chính trị ở Brazil. Tổng thống Jair Bolsonaro gieo nghi ngờ vào loại vaccine này, mô tả nó là công cụ của Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người được cho là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử tới, cũng như chính quyền Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm vaccine trên diện rộng của họ.
Tổng thống Bolsonaro hôm 18/12 cũng bày tỏ nghi ngờ về vaccine Pfizer-BioNTech.
Nga , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 29.350 ca nhiễm nCoV và 493 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.877.727 và 51.351.
Nga đang chiến đấu với sóng lây nhiễm thứ hai khi giới chức Saint Petersburg cho biết họ sắp hết giường dành cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết giới chức không có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Từ đầu tháng 12, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và giáo viên, bắt đầu được tiêm vaccine Sputnik V.
Iran , một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 53.816 người chết, tăng 191, trong tổng số 1.164.535 ca nhiễm, tăng 6.151. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng thông báo tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, nhưng họ lại đối mặt thử thách mới liên quan đến vaccine.
Tổng thống Hassan Rouhani cho biết Iran vẫn chưa thể mua vaccine Covid-19 do các ngân hàng không sẵn sàng xử lý giao dịch, bởi lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp vaccine cùng những mặt hàng nhân đạo khác được cho là sẽ nhận được quyền miễn trừ.
Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 926 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 50.591, trong đó 698 trường hợp tử vong, tăng 24 ca so với một ngày trước.
Vùng thủ đô Seoul (Seoul, Incheon và các thành phố vệ tinh) sắp hết giường điều trị tích cực. Dù từng được coi là một hình mẫu chống Covid-19, sự trỗi dậy của virus gần đây khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải xin lỗi vì không ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời cảnh báo tình hình hiện nay "vô cùng nghiêm trọng". Giới chức cho biết nhiều người đã chết trong khi chờ giường bệnh vì tình trạng quá tải.
Chính phủ đã chỉ thị tất cả các trường học ở Vùng thủ đô Seoul đóng cửa trong một tháng nhưng không ban lệnh phong tỏa do lo ngại về thiệt hại đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 671.778 ca nhiễm, tăng 6.848, trong đó 20.085 người chết, tăng 205. Tổng thống Joko Widodo thông báo ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Indonesia và toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với khoảng 270 triệu người, nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên gồm 1,2 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc hôm 6/12. Nước này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số là lao động từ 18 đến 59 tuổi, những người được coi là phải di chuyển nhiều nhất vì nghề nghiệp của họ.
Philippines báo cáo 461.505 ca nhiễm và 8.957 ca tử vong, tăng lần lượt 1.721 và 10 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Đột biến virus ở Anh gây hoảng sợ, Nhật, Hàn điêu đứng vì Covid-19 Nhiều nước châu Âu đã bắt đầu áp lệnh cấm đi lại với Anh sau khi quốc gia này thông báo phát hiện một đột biến của virus corona chủng mới lây lan nhanh hơn, "vượt ngoài tầm kiểm soát". Theo BBC, Ireland, Đức, Pháp, Italia, Hà Lan và Bỉ hiện đều cấm các chuyến bay đến từ Anh. Các quy định mới...