Hàng nghìn người tắm biển sáng sớm
Bình minh lên, hàng nghìn người đổ ra các bãi tắm công cộng dọc đường biển Võ Nguyên Giáp để giải nhiệt, rèn luyện sức khỏe.
Những ngày hè oi bức, các bãi biển Mỹ Khê, T20, Phạm Văn Đồng ( quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà) luôn đông người đi tắm biển sáng sớm. Miền Trung đang trải qua đợt nắng nóng, với nền nhiệt cao nhất phổ biến từ 36 đến 39 độ C.
Một gia đình đưa con 8 tháng tuổi đi tắm nắng sớm và làm quen với nước biển.
Trước khi xuống tắm, nhiều người tập thể dục khởi động trên bãi cát.
Nếu như những năm trước, buổi sớm chủ yếu chỉ có người dân địa phương, buổi chiều mới chật kín du khách thì những tháng trở lại đây rất đông du khách đổ xô ra tắm biển từ sáng sớm.
Nhiều người ra xa bờ khoảng 50 m để rèn luyện bơi lội. Anh Nguyễn Khả Hải (trú Hà Nội) cho biết vừa đến du lịch Đà Nẵng hôm qua nhưng sáng nay gia đình bốn người đã gọi nhau dậy sớm để tắm biển. “Biển đẹp nên nhà tôi quyết định đi tắm sớm, thời tiết cũng dịu mát hơn”, anh nói.
Hai nữ du khách chụp hình lưu niệm bên bờ biển.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết ước tính mỗi ngày trên 10.000 người đi tắm biển và sẽ còn đông nữa do học sinh được nghỉ hè.
Các bãi tắm dọc đường Võ Nguyên Giáp đều đông kín người. “Nhiều hôm buổi sáng còn đông người tắm biển hơn buổi chiều. Một phần do thời tiết nắng nóng, nhiều hôm 18h mặt trời vẫn còn gắt”, ông Vũ nói.
Nhiều trẻ em được cha mẹ trang bị phao. Dịch vụ cho thuê đồ bơi, phao trên bãi biển cũng đông khách sử dụng.
Nhiều người đưa trẻ em ra xa bờ để dạy bơi. Lực lượng cứu hộ túc trực để nhắc nhở người dân tắm đúng khu vực. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng người dân và du khách cần tuân thủ các khuyến cáo để đảm bảo an toàn, tránh tắm quá xa bờ và ở những khu vực cấm.
Cụ Phan Văn Tuyết (91 tuổi, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) mỗi sáng sớm đều giành 2 tiếng tắm biển, bơi lội. “Tôi từng là ngư dân, giờ nghỉ rồi nhưng nhớ biển nên đi tắm sớm. Nhờ tắm biển mà tôi giữ được sức khỏe, giờ vẫn có thể bơi được vài chục mét”, cụ Tuyết nói.
Khoảng 6h sáng, nhiều người dân địa phương đã ra về để đi làm. Trong khi khách du lịch vẫn đang tập trung đông kín ngoài bờ biển. Đến khoảng 7h30, khi mặt trời lên cao, mọi người mới ra về.
Niềm vui của du khách khi được tắm biển thỏa thích.
Hàng nghìn người tắm biển sáng sớm ở Đà Nẵng. Video: Nguyễn Đông.
Chuyên gia hiến kế trồng cây xanh ở Đà Nẵng
Nhiều chuyên gia cho rằng ngoài quản lý tốt quy hoạch, thành phố nên đưa ra yêu cầu trồng cây xong mới được bán đất nền, trồng cây đặc trưng.
Dù đã có nhiều đề án trong những năm qua, Đà Nẵng vẫn không thoát khỏi tình trạng chung của các đô thị lớn là tỷ lệ cây xanh đô thị không đạt tiêu chuẩn 8-9 m2/người. Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết thời gian đến thành phố cần tập trung mọi nguồn lực để tăng nhanh độ phủ xanh đô thị, nhất là cây xanh sử dụng công cộng.
Giải pháp được đưa ra là nhanh chóng đầu tư các công viên đã được phê duyệt, như công viên Bách thú - bách thảo quy mô hơn 200 ha tại xã Hòa Phú (huyện Hoà Vang); công viên văn hoá tâm linh Ngũ Hành Sơn; kiên trì quan điểm sử dụng các khu đất ven biển đã thu hồi để đầu tư công viên.
Thêm vào đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng sẽ yêu cầu các chủ đầu tư, cơ quan chuyên ngành phải đảm bảo bố trí đủ diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng khi thẩm định các đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500; rà soát, đánh giá hiện trạng đất cây xanh sử dụng hạn chế tại các trường học, bệnh viện, cơ quan công sở để xem xét đưa vào cây xanh công cộng...
Một góc đô thị Đà Nẵng ở quận Hải Châu và Sơn Trà cho thấy không có nhiều diện tích cho cây xanh đô thị. Ảnh: Thanh Hiếu.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói, Đà Nẵng đang gặp khó khăn khi cải thiện tỷ lệ cây xanh, bởi dân số sẽ tăng cao nhưng quỹ đất phát triển không gian đô thị không còn nhiều. Cùng với các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, thành phố biển trong tương lai "còn tệ hơn nữa" vì nhiều dự án đô thị mới đang tiếp tục đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên theo ông Sơn, Đà Nẵng với quy mô đô thị nhỏ nên còn có cơ hội khắc phục. Trong đó, thay vì xây dựng đô thị ở những khu vực quá sát với rừng Sơn Trà và danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố nên sử dụng một quỹ đất ở vùng đệm để tạo thành "vành đại xanh".
Ven sông Hàn và sông Cu Đê cũng nên tính toán diện tích cây xanh, vườn dạo, thay vì việc cho phép xây dựng những toà nhà cao tầng. Trong quy hoạch hiện tại, thành phố có nhiều tuyến đường nối ra biển theo hướng Đông - Tây. Do đó KTS Sơn đề xuất nên bổ sung cây xanh phù hợp với hướng nắng.
"Cây xanh không chỉ giúp điều hoà khí hậu mà còn hạn chế ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, gia tăng trữ lượng nước ngầm trong tình huống Đà Nẵng đang ngày càng bị xâm nhập mặn. Thành phố chọn hướng phải triển bền vững thì không được bỏ qua việc đảm bảo tiêu chuẩn về cây xanh", ông nói.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ngoài ra, KTS Sơn cho rằng khi phê quyệt quy hoạch các dự án, cơ quan chức năng thành phố phải kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư làm xong hạ tầng gồm đường, hệ thống ngầm, cây xanh, công viên mới được bán dự án. Tránh tình trạng nhiều dự án quy hoạch không bám thực tế, hoặc để cây xanh làm sau cùng nhưng thực chất là điều chỉnh để phân lô, bán nền.
"Trong xu hướng phát triển, các nhà đầu tư hướng theo lợi nhuận thì sẽ tập trung vào những dự án nhà ở, bán lấy tiền trước. Tôi cũng đã nhiều lần góp ý và đến nay TP HCM đã ra quyết định là yêu cầu chủ đầu tư các khu đô thị mới phải xây dựng hạ tầng song song với xây dựng dự án. Đà Nẵng cũng có thể áp dụng", ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cũng cho rằng chính quyền thành phố nên rà soát lại quy hoạch, trong đó trú trọng vào khu vực trung tâm. Khi tái thiết lại không gian đô thị, phải kiên quyết ưu tiên cho diện tích cây xanh mới mong đạt được tiêu chuẩn đã được Bộ Xây dựng thẩm định.
Theo ý tưởng của ông Tiến, thành phố nên tận dụng ngay diện tích đất rẻo, đất chưa sử dụng để trồng cây xanh, có như thế mới nhanh chóng tăng khoảng xanh đô thị. Thêm vào đó, việc xã hội hoá cây xanh cần phải có chiến lược rõ ràng, tiếp cận đa chiều, tạo ra sự hưởng ứng thực sự từ người dân và du khách.
"Du lịch thành phố có thể đón 7 - 8 triệu lượt khách, nếu có khu vực quy hoạch cho trồng cây xanh, thì việc vận động một du khách trồng một cây xanh không phải là điều khó khăn. Nhiều năm sau nữa, có thể họ quay lại Đà Nẵng với lý do đơn giản là muốn biết cây xanh mình trồng đã lớn như thế nào", ông Tiến nói.
Tuyến đường Hoàng Hoa Thám thưa vắng cây xanh bóng mát. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Thành phố cũng nên hình thành những tuyến phố có cây xanh đặc trưng ở khu vực trung tâm, nhằm tạo điểm nhấn và thu hút người dân địa phương cũng như du khách. Như nhắc đến Hải Phòng người ta nghĩ ngay đến thành phố hoa phượng, cố đô Huế là bằng lăng tím. Ở Đà Nẵng thì chưa trồng được loài hoa đặc thù", ông nói.
Ông Tiến cũng mạnh dạn đề xuất thành phố nên giao Công ty công viên - cây xanh về cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, vì thành phố là đô thị loại 1, tỷ lệ đất nông nghiệp ít. Ngành xây dựng quá nhiều việc. Trong khi ngành nông nghiệp có chuyên gia về lâm nghiệp để tư vấn và trồng cây xanh tốt hơn.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, nói có một thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương, không riêng gì Đà Nẵng, là "cứ thấy cây nào dễ thì trồng". Hà Nội đã từng sai lầm khi trồng hoa sữa là một ví dụ. Điều này cho thấy năng lực của đơn vị trực tiếp trồng, quản lý cây xanh.
"Mỗi địa phương đều có đặc thù riêng. Nếu thành phố Đà Nẵng muốn chỉnh trang lại cây xanh đô thị theo hương bền vững, có đặc thù riêng thì quan trọng nhất là phải mời được chuyên gia về lâm nghiệp, có năng lực thực sự, để tư vấn những loại cây phù hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu, cảnh quan đô thị", ông Nghĩa nói.
Từ năm 2018 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã quy hoạch bổ sung thêm hơn 22 ha trồng cây xanh, vườn dạo, công viên để cải thiện chỉ tiêu diện tích cây xanh đô thị. Trong đó gồm 5 lối xuống biển xen kẽ tại các dự án khu resort nghỉ dưỡng ven biển Ngũ Hành Sơn; xây dựng 4 khu công viên ven biển và một công viên tại quận Hải Châu, từ việc thu hồi các dự án.
Chung tay vì đoàn viên - lao động khó khăn Sáng 14-5, LĐLĐ TP Đà Nẵng đã tặng 1.500 phần quà (1 triệu đồng/phần) cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu và Công ty CP SX-TM Hữu Nghị Đà Nẵng (KCN An Đồn). Kinh phí được trích từ ngân sách CĐ TP....