Hàng ngàn cuộc kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm trên đầu ngón tay
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, trong số các Bộ được giao nhiệm vụ cải cách các quy định pháp luật về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương là Bộ có số văn bản được nêu nhiều nhất, nhưng lại ít có sự chuyển biến.h
(Ảnh minh hoạ).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng 2020.
Tại công văn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, trong số các Bộ được giao nhiệm vụ cải cách các quy định pháp luật về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương là Bộ có số văn bản được nêu nhiều nhất, nhưng lại ít có sự chuyển biến. Những vướng mắc lớn nhất về quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay hầu như tập trung chủ yếu tại các quy định của Bộ Công Thương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu trường hợp về việc kiểm tra formaldehyte và amin thơm trên các sản phẩm dệt may đã thực hiện từ 2009 căn cứ theo các Thông tư 32/2009/TT-BCT và Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương. Theo đó, đánh giá, việc kiểm tra này ảnh hưởng lớn đến hai ngành sản xuất, xuất khẩu lớn của Việt Nam, với hàng nghìn doanh nghiệp, hàng triệu lao động là dệt may và da giày. Trong 7 năm qua, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, bức xúc với quy định này, nhiều lần kiến nghị sửa đổi, nhưng không được chấp nhận.
Thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy, chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định. Hơn nữa, cũng chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyte cao quá mức quy định.
Theo thống kê của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, từ khi thực hiện Thông tư 32/2009/TT-BCT đến năm 2015, mỗi năm có khoảng 8000 lô hàng sản phẩm dệt may làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị này phải kiểm tra hàm lượng formaldehyte, nhưng chỉ có 6 trường hợp (0,0125%) không đáp ứng hàm lượng quy định.
Video đang HOT
Trong khi đó, 7 năm qua, doanh nghiệp phải trả chi phí hàng trăm tỉ đồng cho việc kiểm tra, và thời gian thông quan hàng hoá kéo dài.
Ngoài ra, nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật cũng cho thấy việc ban hành Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm là thiếu cơ sở pháp lý, không tuân thủ quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá (Khoản 2 Điều 70).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trên cơ sở rà soát các văn bản pháp lý và từ thực tiễn kiểm tra formaldehyte trong những năm qua, kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu bãi bỏ Thông tư này và thay thế bằng phương thức quản lý khác hiệu lực và hiệu quả hơn.
Từ sự việc Bộ Công thương mở rộng Danh mục hàng hóa nhóm 2 quá phạm vi quy định của Luật, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát Danh mục hàng hóa nhóm 2 của các Bộ quản lý chuyên ngành để yêu cầu loại bỏ những mặt hàng mà các Bộ này đã mở rộng quá phạm vi cho phép của luật.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc kiểm tra hiệu suất và dán nhãn năng lượng tối thiểu được điều chỉnh bởi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là vấn đề vướng mắc và gây bức xúc nhất hiện nay cho doanh nghiệp và cả cơ quan hải quan.
Cụ thể, doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện, thiết bị phải thực hiện thủ tục 2 giai đoạn do 2 đơn vị khác nhau thực hiện: vừa phải thủ tục thử nghiệm tại các tổ chức đánh giá sự phù hợp do Bộ Công thương chỉ định, kéo dài hàng tháng, chi phí lớn, nhiều sản phẩm phải kiểm tra phá hủy (bao gồm cả những mặt hàng giá trị cao của các thương hiệu nổi tiếng thế giới); vừa phải xin cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng (một loại giấy phép) ở Bộ Công thương (Tổng cục năng lượng) với vô vàn khó khăn, phức tạp, tốn kém chi phí.
Quy định 2 giai đoạn cũng được đánh giá là không cần thiết, làm tăng thủ tục, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Trên thực tế, việc cấp giấy chứng nhận dán nhãn hoàn toàn dựa trên hồ sơ và kết quả thử nghiệm, có thể giao cho tổ chức thử nghiệm đảm nhiệm, theo đó, có thể bỏ giai đoạn cấp giấy chứng nhận dán nhãn tại Tổng cục Năng lượng.
Thông tư 07 quy định việc thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận dán nhãn được thực hiện đối với từng lô hàng. Với quy định này, hầu hết các doanh nghiệp và đơn vị Hải quan đều không đồng tình với quy định này và cho rằng, quản lý hiệu suất năng lượng là quản lý đối với hàng hoá, chứ không phải là quản lý doanh nghiệp nhập khẩu. Thay vì phải cấp giấy chứng nhận cho mặt hàng, Bộ Công thương lại quy định cấp cho từng lô hàng, dẫn tới một mặt hàng/model hàng phải thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận nhiều lần, gây phiền hà, tốn kém chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Về thái độ của cán bộ công chức liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng (Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương), doanh nghiệp bức xúc với cách làm việc mập mờ, thiếu minh bạch của cán bộ. Cụ thể là: gửi hồ sơ qua bưu điện thì không trả lời; gửi hồ sơ trực tiếp không có phiếu hẹn ngày trả kết quả, thậm chí không ký nhận; doanh nghiệp thường phải sử dụng hình thức qua trung gian hoặc trả chi phí không chính thức.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Bộ Công Thương bỏ thủ tục “Xác nhận khai báo hoá chất” nhập khẩu do thực tiễn 8 năm thực hiện Luật Hoá chất chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào vi phạm quy định Khai báo hóa chất, nhưng thủ tục này đã gây tốn kém chi phí và thời gian của doanh nghiệp.
Từ năm 2015, phí xác nhận khai báo hoá chất là 100.000 đồng/Giấy xác nhận khai báo hóa chất nhập khẩu, 200.000 đồng/ Giấy xác nhận khai báo hóa chất sản xuất. Theo một khảo sát độc lập năm 2015, mỗi năm Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) cấp khoảng trên 50.000 Giấy xác nhận khai báo hóa chất, mất thời gian trung bình từ 12-14 ngày/lô hàng. Như vậy, việc xác nhận khai báo hóa chất theo quy định hiện hành đã làm mất thời gian của doanh nghiệp và khoản chi phí chính thức vào khoảng 5-10 tỷ đồng/năm.
Phương Dung
Theo Dantri
Đẩy mạnh thanh tra các cơ sở dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - chỉ đạo quận 1 (TPHCM) đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở dễ xảy ra tham nhũng và lãng phí, nhất là với những lĩnh vực nhạy cảm như thuế, đất đai, xây dựng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Chiều qua (25/9), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trương Hoà Bình đã làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Quận 1 (TPHCM).
Biểu dương những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính của Quận 1, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, Quận 1 đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Quận 1 đã quy định phân cấp quản lý cán bộ, bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển cán bộ để phòng chống tham nhũng, ban hành xây dựng môi trường làm việc thân thiện, quy tắc ứng xử để cán bộ có thái độ hoà nhã, chống quan liêu khi tiếp xúc với nhân dân, cải tiến lề lối làm việc, xem xét xử lý cán bộ cố tình chậm trễ trong việc giải quyết công việc của dân; đồng thời niêm yết công khai thủ tục hành chính, quy hoạch xây dựng đô thị và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng...
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Quận 1 tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về công tác này để thực hiện có hiệu quả hơn, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, nhất là cho họat động khởi nghiệp; đánh giá kỹ hơn những nguy cơ tiềm ẩn về tham nhũng, từ đó làm tốt công tác phòng ngừa, kiểm tra giám sát nội bộ để từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
Về phương hướng và nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quận 1 phải xác định đây là công tác thường xuyên, lâu dài, trọng tâm, gắn với xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, nếu xảy ra hậu quả, có dấu hiệu bao che thì xử lý ngay người đứng đầu; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với công tác này; đẩy mạnh tuyên truyền; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở dễ xảy ra tham nhũng và lãng phí, nhất là với những lĩnh vực nhạy cảm như thuế, đất đai, xây dựng. Đi liền với đó phải nâng cao sự phối hợp hoạt động trong các cơ quan phòng chống tham nhũng; quan tâm đến phẩm chất, năng lực của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trong quá trình thực hiện công tác phòng chống tham nhũng...
Phó Thủ tướng nêu rõ, quận 1 cần tiếp tục triển khai kế hoạch cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thành phố, xây dựng chính quyền chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện; bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực thực hiện việc giải quyết và thực hiện công vụ với người dân. Qua đó, tiết kiệm công sức, thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp.
Tiến hành cải cách công vụ, công chức và thực hiện Đề án vị trí việc làm, gắn chặt cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị dịch vụ công như y tế, giáo dục; tăng cường theo dõi mức độ cải cách hành chính của các đơn vị và thăm dò sự hài lòng của người dân; đẩy mạnh sự tham gia của người dân về cải cách hành chính; xử lý nghiêm cá nhân và tổ chức có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thế Kha
Theo Dantri
Các sở của Hà Nội sau sắp xếp giảm 46 phòng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Chúng tôi luôn xác định công tác CCHC là một trong 3 khâu đột phá để xây dựng Thủ đô. Sáng nay (17/8), báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính 2016-2020 do...