Hàng loạt trạm thông tin du lịch ở TP HCM bị ‘đắp chiếu’
Sau nhiều năm lắp đặt và không phát huy hiệu quả, nhiều trạm thông tin du lịch, xe buýt tại TP HCM bị hư hỏng, hoang phế.
Trạm thông tin du lịch được lắp đặt, đưa vào sử dụng từ năm 2008 để chỉ dẫn tham quan TP HCM. Dự án được đầu tư 32 tỷ đồng cho 100 trạm, trong giai đoạn đầu lắp đặt 13 trạm ở quận 3 và quận 5. Được kỳ vọng là một trong những chiến lược phát triển kinh tế du lịch bằng công nghệ thông tin của thành phố, tuy nhiên, hiện nay hàng loạt các trạm điện tử đều bị hư hỏng, “đắp chiếu”.
Trạm thông tin du lịch góc đường Cách Mạng Tháng Tám – Tú Xương (quận 3) trở thành nơi chứa rác thải. “Trạm này hư lâu rồi nhưng không thấy ai sửa chữa. Máy móc để gỉ sét nên bà con thường đem rác ra đây đổ”, ông Long, xe ôm ven đường, nói.
Lâu ngày không sử dụng và bảo quản, những mảng sắt tại trạm thông tin du lịch trên vỉa hè đường Võ Văn Tần (quận 3) bị bong tróc sơn, hoen gỉ.
Trạm thông tin du lịch gần Hồ Con Rùa trở nên hoang phế nhiều năm nay. “Thấy trạm không có ai sử dụng nên tôi mới tận dụng làm chỗ trú mưa”, ông Văn Ngọc, làm nghề thu gom phế liệu, chia sẻ.
Màn hình cảm ứng 17 inch để tra cứu thông tin du lịch tại góc đường Võ Văn Tần – Nam Kỳ Khởi Nghĩa hư hỏng và bị vẽ bậy chằng chịt.
Video đang HOT
Mạch điện tại trạm du lịch trên đường Phạm Ngọc Thạch bị hở một mảng lớn. “Tôi nghĩ các trạm điện tử đã hỏng nặng thì nên tháo dỡ cho vỉa hè thông thoáng hoặc sửa chữa để đảm bảo an toàn cho du khách và người đi đường”, Hương Chi, du khách đến từ Hà Nội, nói.
Những mối hàn trên nóc trạm thông tin du lịch bị gỉ sét vì nhiều năm không được bảo dưỡng, tu sửa.
Gạch lát nền tại các trạm du lịch trên đường Phạm Ngọc Thạch bị bong tróc, xuống cấp trầm trọng.
Ngay trước Bảo tàng chứng tích chiến tranh (quận 3), trạm thông tin du lịch đã hư hỏng lâu ngày, du khách không thể sử dụng. “Có lúc đi qua đây, chúng tôi rất muốn sử dụng trạm điện tử để biết thêm thông tin du lịch nhưng các màn hình đều đen kịt. Thật đáng tiếc”, Brian Roseach, du khách Mỹ, chia sẻ.
Màn hình cảm ứng bị đập vỡ khiến trạm thông tin điện tử trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) không thể sử dụng.
Không chỉ có các trạm thông tin du lịch, nhiều trạm thông tin xe buýt tại các quận 1,3 và 5 cũng đang bị hư hỏng, ít người sử dụng.
Ông Trần Chí Trung – Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành Vận tải hành khách công cộng -cho biết, năm 2013, Công ty quảng cáo Đất Việt đã tự bỏ kinh phí lắp đặt thí điểm 54 trạm thông tin xe buýt nhằm phục vụ việc đi lại của người dân, nhưng do diện tích các trạm nhỏ, không thu hút được quảng cáo, cùng với thói quen của người dân nên không phát huy được hiệu quả.
“Vừa qua, công ty đã báo cáo và kiến nghị với trung tâm hai hướng giải quyết là thu hồi, tháo dỡ hoặc bàn giao các trạm thông tin cho UBND TP để quản lý và tiếp tục sử dụng”, ông Trung nói.
Thành Nguyễn
Theo VNE
Hải Vân Quan lẽ ra phải được "cứu" từ lâu
Sau một thời gian dài bỏ hoang, trong tháng 5 tới, di tích Hải Vân Quan sẽ được hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng tiến hành cắm mốc, phân định ranh giới, khoanh vùng bảo vệ để trùng tu, tôn tạo.
Tháng 5 tới, di tích Hải Vân Quan sẽ được trùng tu, tôn tạo
Liên quan đến việc lãnh đạo hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng cùng bắt tay bàn giải pháp cứu di tích Hải Vân Quan, ngày 26.4, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Huỳnh Văn Hùng-Giám đốc Sở Văn hoá thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, di tích Hải Vân Quan lẽ ra phải được "cứu" từ lâu.
Tuy nhiên, từ lâu do Hải Vân Quan nằm chính giữa địa giới hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Địa giới này chưa được phân định rõ ràng dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc" nên di tích mới bị xuống cấp trầm trọng.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo sở văn hoá của hai tỉnh, thành phố đã ngồi lại với nhau để bàn biện pháp khẩn cấp cứu lấy Hải Vân Quan. Việc đầu tiên là hai bên phối hợp làm hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VHTT - DL công nhận Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia. Ngày 14.4 vừa qua, Bộ VHTT-DL chính thức ra quyết định công nhận Hải Vân Quan là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Từ nay trở đi, việc bảo vệ di tích sẽ dựa trên căn cứ của Luật Di sản văn hoá từ việc tu bổ, khảo cổ...đều được Nhà nước quản lý.
Cùng với đó, chiều 24.4 vừa qua, lãnh đạo Sở Văn hoá thể thao cùng các sở ngành liên quan và UBND địa phương của 2 tỉnh, thành phố đã gặp nhau ngay chính trên đèo Hải Vân để bàn biện pháp trùng tu, tôn tạo Hải Vân Quan. Trước mắt, trong tháng 5 tới, hai Sở sẽ khẩn trương phối hợp cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích, xác định vùng bảo vệ. Khi cắm mốc rồi thì đó là vùng bất khả xâm phạm.
Sau đó sẽ dọn vệ sinh, tu bổ những lối đi xuống cấp trầm trọng, lấp lại những hầm hố nhằm để bảo vệ du khách khỏi bị té ngã, dọn dẹp những hiện vật, những bảng biển cắm một cách tuỳ tiện xung quanh trả lại cảnh quan thông thoáng cho Hải Vân Quan.
Về lâu dài Sở văn hoá thể thao của hai tỉnh, thành phố sẽ tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo, mời các chuyên gia trên lĩnh vực bảo tồn di tích để có ý kiến xác đáng, góp ý phương án trùng tu, tôn tạo di tích.
"Sau khi có phương án, hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng sẽ tính đến việc sử dụng ngân sách, đồng thời xin Trung ương để trùng tu di tích này, hướng đến một điểm tham quan hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa đến chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ của Hải Vân Quan", ông Hùng nói thêm.
Chiêm ngưỡng vài hình ảnh di tích Hải Vân Quan dù xuống cấp trầm trọng vẫn thu hút nhiều du khách gần xa đến tham quan:
Di tích này đang xuống cấp trầm trọng
Các bậc thang lên xuống khu di tích bị hư hỏng. Các khu nhà nhếch nhác, hư hỏng
Xung quanh khu di tích cỏ mọc um tùm
Dù vậy di tích Hải Vân Quan vẫn thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ.
Hải Vân Quan là một cụm kiến trúc cổ độc đáo trên đỉnh Hải Vân, được xây dựng vào thời vua Minh Mạng thứ 7 (năm 1826) trên núi Hải Vân, nằm trong hệ thống phòng thủ của kinh đô Huế dưới triều Nguyễn. Ngày nay, Hải Vân Quan nằm giữa điểm giáp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, mặc dù để hoang phế, nhếch nhác nhưng điểm di tích này thu hút rất nhiều khách du lịch gần xa, bạn trẻ đến thăm quan, chiêm ngưỡng.
Theo Danviet
Hải Vân quan được cứu sau hàng chục năm hoang phế Giám đốc hai sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất các giải pháp để bảo vệ Hải Vân quan, sau 20 năm hoang phế vì chồng lấn địa giới. Chiều 24/4, lần đầu tiên lãnh đạo ngành văn hóa của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cùng lên đỉnh Hải Vân quan để bàn cách...