Hàng loạt lãnh đạo thành F1 nghi nhiễm, chứng khoán đỏ sàn vì virus
Hàng nghìn người hỗn loạn đặt lại hoặc huỷ vé máy bay sau khi ông Trump bất ngờ tuyên bố cấm đi lại giữa Mỹ và châu Âu, còn Trung Quốc tuyên bố dịch Covid-19 sẽ hết vào tháng 6.
Với tình hình dịch Covid-19 tại châu Âu tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, với các ca bệnh tăng kỷ lục, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định bất ngờ: cấm toàn bộ đi lại giữa Mỹ và 26 nước thuộc khu vực Schengen của EU.
Trong khi lệnh cấm đột ngột này đã gây ra những phản ứng hỗn loạn ở cả Mỹ và châu Âu, thì Trung Quốc – nơi khởi nguồn của dịch bệnh – lại cho rằng Covid-19 đã qua đỉnh ở nước này, và tình hình dịch bệnh trên toàn cầu có thể suy giảm vào tháng 6 này nếu các quốc gia thực hiện các biện mạnh giống như Bắc Kinh đã làm.
Trong một diễn biến khác, virus SARS-CoV-2 đã “sờ gáy” đến chính phủ nhiều nước khi người lãnh đạo hàng loạt chính phủ phải cách ly, xét nghiệm sau khi một số người họ từng tiếp xúc gần đây được xét nghiệm dương tính với virus.
Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo chính quyền của ông sẽ cấm việc đi lại giữa Mỹ và châu Âu trong vòng 30 ngày. Ảnh: Reuters.
Một cơn hoảng loạn
Ông Trump từ lâu đã giảm nhẹ mối nguy của Covid-19 đối với nước Mỹ, nhưng do dịch bệnh lan rộng trong những ngày qua ở Iran, Italy và Tây Ban Nha, chính quyền của ông đã ban hành lệnh cấm đi lại với châu Âu trong vòng 30 ngày.
“Đây là nỗ lực mạnh mẽ và toàn diện nhất để đối mặt với một virus ngoại lai trong lịch sử”, ông Trump nói trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tại Nhà Trắng.
Động thái của Mỹ khiến sắc đỏ tràn ngập các thị trường chứng khoán, với giá cổ phiếu châu Âu lao dốc xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm, và giá dầu hay vàng cũng giảm mạnh.
Nó cũng khiến cho các khách du lịch Mỹ phải đổ xô tới các sân bay và quầy vé nhằm tìm chỗ trong những chuyến bay cuối cùng được đi vào không phận Mỹ từ châu Âu.
Anna Grace, một sinh viên người Mỹ đang theo học tại Đại học Suffolk, và đang có chuyến du lịch đầu tiên của mình ở châu Âu, phải bật dậy lúc 5h sáng, tới sân bay Barajas ở Madrid để mua vé về nhà.
“(Việc cấm đi lại) đã tạo ra một cơn hoảng loạn lớn”, Grace chia sẻ.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, thể thao và giải trí trên toàn thế giới. Nhưng tại điểm khởi nguồn của nó – thành phố Vũ Hán thủ phủ tỉnh Hồ Bắc – mọi chuyện dường như đang nhanh chóng trở nên tươi sáng hơn với số ca nhiễm mới và tử vong liên tục đạt mức chỉ một con số.
Ngoài tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ghi nhận 7 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 12/3, và 6 trong số đó là ca nhiễm từ nước ngoài về.
Ông Mễ Phong, phát ngôn viên của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho rằng đã qua đỉnh của dịch Covid-19 ở nước này.
Một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán đã không còn bệnh nhân và chuẩn bị được dỡ bỏ. Ảnh: AP.
Cố vấn cấp cao nhất của chính quyền Trung Quốc trong công cuộc chống dịch, chuyên gia dịch tễ học Chung Nam Sơn, cho rằng dịch Covid-19 có thể kết thúc vào khoảng giữa năm nay.
“Nếu tất cả các quốc gia đều được huy động, dịch bệnh có thể hết vào tháng 6. Nhưng nếu một số quốc gia không điều trị cho người bị nhiễm và người bị nguy kịch một cách nghiêm túc, và không can thiệp mạnh mẽ, thì nó sẽ kéo dàn hơn”, ông Chung nhận định.
Những lãnh đạo thành F1, bị cách ly
Truyền thông Brazil đưa tin Fábio Wajngarten, thư ký báo chí của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, vừa được xét nghiệm dương tính với virus.
Tổng thống Bolsonaro đang được theo dõi xem có xuất hiện triệu chứng gì không. Ngoài ra, ông Wajngarten ở trong phái đoàn Brazil đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Mỹ Donald Trump vài ngày trước, và ông đã đăng tải một tấm ảnh cho thấy mình tươi cười đứng sát vai tổng thống Mỹ (dù chưa rõ ngày bức ảnh được chụp).
Thành viên phái đoàn này cũng đã ăn tối cùng tổng thống Mỹ và vợ chồng con gái của ông hôm 7/3.
Bức ảnh cho thấy Fábio Wajngarten, thư ký báo chí của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, chụp cùng tổng thống Mỹ. Ảnh: Instagram.
Trước đó, hôm 9/3, nghi vấn đã nổi lên về khả năng tổng thống tiếp xúc với virus sau khi ông xuất hiện trong bức ảnh bắt tay với Matt Schlapp, Chủ tịch Liên minh Bảo thủ Mỹ (ACU). Schlapp cho biết ông đã tiếp xúc trực tiếp với một người được xác nhận nhiễm virus corona trong Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tháng trước.
Ngay sau đó, Nhà Trắng nói rằng tổng thống chưa được xét nghiệm, nhưng tình trạng sức khỏe của ông đang tốt.
Tổng thống Philippines đã được lấy mẫu để xét nghiệm virus corona nhằm “phòng ngừa” vì đã tiếp xúc với một số quan chức có nguy cơ nhiễm bệnh.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và phu nhân Sophie đang trong quá trình tự cách ly và chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 vì bà Sophie sốt nhẹ sau khi trở về từ một sự kiện ở London.
Thiệt hại lớn trong ngắn hạn
Virus corona đã khiến cho gần 130.000 người bị nhiễm trên toàn cầu và khiến hơn 4.600 người tử vong, phần lớn là ở Trung Quốc, dù nhiều nước như Italy, Đức, Tây Ban Nha hoặc Iran cũng có số ca nhiễm tăng mạnh những ngày này.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Robert O’Brien hôm 12/3 đã cáo buộc Trung Quốc cố tình che đậy đợt bùng phát dịch ở thành phố Vũ Hán, và cho rằng điều đó khiến cho thế giới mất đi 2 tháng để phản ứng với bệnh dịch.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, cho rằng những nỗ lực của Trung Quốc đã mang lại thêm thời gian cho các nước khác đối phó với dịch bệnh, và nói rằng những phát ngôn “thiếu đạo đức và vô trách nhiệm” sẽ không giúp Mỹ kiểm soát dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức gọi Covid-19 là đại dịch toàn cầu, có nghĩa là nó đang lây lan với tốc độ nhanh chóng tại nhiều quốc gia.
27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu rõ ràng là không hài lòng với lệnh cấm di chuyển đột ngột của Mỹ.
“Liên minh châu Âu không chấp thuận thực tế rằng quyết định của Mỹ về việc áp đặt lệnh cấm đi lại đã được đưa ra một cách đơn phương mà không có sự tham khảo ý kiến”, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng của khối cho biết trong một tuyên bố chung.
Thị trường phản ứng tiêu cực với quyết định của Washington, đặc biệt là trong nhóm cổ phiếu các ngành hàng không và du lịch.
“Đây là điều mà các thị trường chưa nghĩ tới… nó là một thiệt hại kinh tế rất lớn trong ngắn hạn”, ông Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ngân hàng ANZ, nhận định về lệnh cấm của Mỹ.
Sân bay LAX ở bang California trở nên vắng vẻ khi dịch Covid-19 đang lây lan nhanh ở Mỹ. Ảnh: AP.
Mặc dù nằm ngoài danh sách các quốc gia bị cấm đi lại với Mỹ, Anh cũng thất vọng với quyết định của chính quyền Trump, và cho rằng nó sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế nước này, trong bối cảnh họ vừa mới rới khỏi EU.
Tại Mỹ, trường học đã bị đóng cửa ở khu vực Seattle, nơi ghi nhận phần lớn ca tử vong (38) trên đất Mỹ vào lúc này.
Diễn viên từng đạt giải Oscar, Tom Hanks thông báo rằng ông và vợ mình có kết quả dương tính với virus corona khi đang thực hiện một bộ phim ở Australia.
Theo news.zing.vn
Quan chức châu Âu 'sốc' trước lệnh hạn chế nhập cảnh của Mỹ
Một số quan chức châu Âu tại Washington cho biết họ không có thông tin về lệnh hạn chế nhập cảnh của Mỹ với 26 nước châu Âu, dù các bên vẫn thường xuyên liên lạc.
Theo CNN, một số đại sứ châu Âu tại Washington nói họ không biết Mỹ sẽ tuyên bố lệnh hạn chế đi lại từ 26 quốc gia ở lục địa già. Một đại sứ thậm chí nói "không có dấu hiệu nào" cho thấy ông Trump sẽ đi đến quyết định ở mức độ như vậy.
"Chúng tôi biết có gì đó sắp được đưa ra liên quan đến châu Âu (như khuyến cáo hạn chế du lịch) nhưng không phải ở mức quyết liệt như thế này" - đại sứ Bỉ nói. "Điều không thể hiểu được là tại sao Vương quốc Anh lại được loại trừ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo lệnh hạn chế nhập cảnh từ châu Âu trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục. (Ảnh: CNN)
Một số đại sứ bày tỏ mong muốn được làm rõ về thông báo mới. Họ cho biết đã nhận được cuộc gọi từ Bộ Ngoại giao Mỹ sau thông báo, nhưng họ "chưa trả lời câu hỏi của chúng tôi".
Theo nguồn tin của CNN, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ không biết chính xác ông Trump định thông báo những gì, vì có nhiều phương án được đặt ra thảo luận. Ngoại trưởng Mike Pompeo gặp Ngoại trưởng Australia chưa đầy 5 tiếng trước bài phát biểu, và cũng không thể hiện điều gì về thông báo. Ông Pompeo thừa nhận sẽ có nhiều khó khăn hơn trong khoảng 6 tuần tới.
Trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump hôm 11/3 tuyên bố cấm đi lại giữa Mỹ và 26 nước châu Âu trong 30 ngày, bao gồm: Áo, Bỉ, CH Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italy, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển và Thuỵ Sỹ.
Lệnh cấm có hiệu lực từ đêm 13/3.
Video: Virus corona mới đã biến chủng
Đối với công dân Mỹ, Bộ An ninh Nội địa sẽ đưa ra thông báo trong 48 giờ tới yêu cầu hành khách Mỹ đã đi du lịch ở các vùng của châu Âu đi qua các sân bay được chính phủ chọn để thực hiện các thủ tục sàng lọc nâng cao.
PHƯƠNG ANH (Nguồn: CNN)
Theo vtc.vn
Quan chức Brazil từng gặp Trump bị nghi nhiễm nCoV Fabio Wajngarten, thư ký báo chí của Tổng thống Brazil, vừa có kết quả xét nghiệm nCoV dương tính lần một, truyền thông địa phương đưa tin. Fabio Wajngarten sẽ lấy mẫu xét nghiệm nCoV lần hai để có được xác nhận cuối cùng, báo O Estado de S. Paulo hôm nay cho biết nhưng không tiết lộ họ lấy nguồn tin từ...