Hàng loạt “kẻ ăn thịt hành tinh” xuất hiện khắp vũ trụ
Chúng ta có thể đang nhìn vào nhiều “sát thủ” từng nuốt chửng các hành tinh ngay trên bầu trời Trái Đất.
Nhóm nghiên cứu Úc – Mỹ – Ireland dẫn đầu bởi TS Fan Liu từ Đại học Monash (Úc) đã kiểm tra 91 cặp sao song sinh và xác định nhiều “kẻ ăn thịt hành tinh” đáng sợ.
Một hành tinh đang bị một ngôi sao “ăn thịt” – Ảnh đồ họa: PHYS
Các cặp sao này được thu thập dữ liệu chi tiết bằng 4 công cụ tối tân là Vệ tinh Lập bản đồ bầu trời – Kính viễn vọng Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Kính viễn vọng Very Large của Đài thiên văn Nam Âu (ESO), Kính viễn vọng Magellan (Chile) và Kính viễn vọng Keck (Hawaii – Mỹ)
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nature, họ phát hiện ra rằng 8% – tương đương 1/12 – các ngôi sao trong 91 cặp này là đã từng nuốt chửng một vài hành tinh trong vòng đời!
Điều này được thể hiện qua sự khác biệt thành phần giữa ngôi sao ăn thịt và bạn đồng hành của nó.
Video đang HOT
Hai ngôi sao song sinh lẽ ra phải hoàn toàn giống nhau về thành phần hóa học, thứ có thể được tiết lộ qua dữ liệu quang phổ. Khi một ngôi sao không còn giống người anh em song sinh, nó phải từng kết hợp với một thứ gì đó đáng kể.
Và nuốt một hành tinh là gần như là cách duy nhất để tạo ra sự khác biệt rõ rệt đó.
“Phát hiện ngụ ý rằng các hệ hành tinh ổn định như hệ Mặt Trời của chúng ta không phải là chuẩn mực. Điều này cho chúng ta một góc nhìn sâu sắc hơn về vị trí của chúng ta trong vũ trụ” – TS Yuan-Sen Ting từ Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, đồng tác giả, nói với Space.com.
Một ngôi sao ăn thịt hành tinh không phải chuyện lạ, nhưng trước đây người ta cho rằng chỉ xảy ra khi ngôi sao đó đang hấp hối, bùng thành một sao khổng lồ đỏ.
Khoảng 5-6 tỉ năm nữa, Mặt Trời của chúng ta sẽ cạn năng lượng và trở thành sao khổng lồ đỏ như thế, dự kiến nuốt 3 hành tinh ở gần nhất là Sao Thủy, Sao Kim và Trái Đất.
Tuy nhiên, các ngôi sao trong 91 cặp song sinh nói trên là các ngôi sao đang trong thời kỳ đỉnh cao, trẻ trung. Tức chúng đã nảy sinh hành vi ăn thịt khi vẫn còn trẻ tuổi hoặc “trung niên”.
Các hành tinh bị ăn thịt có thể có nguồn gốc khác nhau, nhưng khả năng cao nhất chúng không phải là “con” của chính ngôi sao mà là những hành tinh lang thang bị đẩy khỏi hệ sao khác, sau đó vô tình đi ngang và bị nuốt chửng.
Cũng có khả năng thứ các hành tinh này nuốt các tiền hành tinh chưa hoàn thiện vào đầu vòng đời của nó, chứ không phải các hành tinh đã hình thành.
Nhưng dù là kịch bản nào, chúng vẫn là những kẻ ăn thịt đáng ngại.
Hai hệ hành tinh có sự sống mới đang hình thành?
Kính viễn vọng không gian James Webb có thể vừa cung cấp cái nhìn 'xuyên không' về hành tinh có sự sống của chúng ta 5 tỉ năm trước.
Theo Sci-News, các nhà thiên văn từ Đại học Leiden (Hà Lan) đã sử dụng thiết bị hồng ngoại trung (MIRI) trên James Webb - kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới - để xác định các phân tử tiền thân của sự sống ở hai tiền sao trong tinh vân NGC 1333.
Hình ảnh James Webb cho thấy các tiền sao - Ảnh: NASA/ESA/CSA
Tinh vân NGC 1333 nằm cách Trái Đất khoảng trên dưới 1.000 năm ánh sáng, ở phía Bắc chòm sao Anh Tiên. Hai tiền sao được chú ý mang tên NGC 1333 RAS 2A và NGC 1333 IRAS 23385 6053.
Tiền sao tức là những ngôi sao vẫn còn đang trong giai đoạn hình thành từ không gian giữa các vì sao.
Xung quanh 2 tiền sao này là dấu hiệu đáng kinh ngạc của nhiều loại phân tử khác nhau, từ những phân tử tương đối đơn giản như methane, formaldehyde, sunfur dioxide..., đến các hợp chất phức tạp như ethanol (rượu) và axit axetic.
Chúng là những hạt giống quan trọng cho sự sống.
Qua một thời gian, các tiền sao này sẽ dần thành hình, tạo thành những ngôi sao non trẻ và có thể là một đĩa tiền hành tinh xung quanh, nơi các hành tinh lần lượt ra đời.
Trong đó, NGC 1333 IRAS 2A gây chú ý đặc biệt bởi nó là một tiền sao khối lượng thấp, thứ có thể giống với Mặt Trời của chúng ta thuở đang chập chững hình thành.
Vì vậy, nhìn vào nó cũng giống như nhìn vào quá khứ của hệ Mặt Trời, cũng là quá khứ của Trái Đất.
Khi NGC 1333 IRAS 2A xuất hiện đĩa tiền hành tinh, một hành tinh giống với địa cầu có thể sẽ hình thành. Đó là lúc các phân tử hữu cơ được kết hợp vào để tạo nên một hành tinh có sự sống.
Hơn hết, các phân tử hữu cơ được xác định cũng chính là những thứ quan trọng đối với sự sống sơ khai của chính hành tinh chúng ta, ví dụ sunfur dioxide và các hợp chất chứa lưu huỳnh khác đã được chứng minh là thúc đẩy các phản ứng trao đổi chất trên Trái Đất nguyên thủy.
Như vậy, nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics này là một bằng chứng khác cho lý thuyết ngày càng được ủng hộ: Sự sống Trái Đất - bao gồm chúng ta - có nguồn gốc từ không gian giữa các vì sao.
Phát hiện mới: 7 hành tinh giống Trái Đất có thể ở được Bảy hành tinh trong hệ thống TRAPPIST-1 đều mang vài đặc điểm giống với Trái Đất và thuận lợi để hỗ trợ sự sống. Bảy hành tinh TRAPPIST-1 từ lâu vẫn là tâm điểm của cuộc tranh cãi kéo dài, khi các nhà khoa học lo ngại rằng một số yếu tố từ ngôi sao mẹ và trong chính nội tại các hành...