Hàng giả, nhái và nỗi lo thật
Chị Nguyễn Thuỵ Kim Vui, quận Bình Tân, TP.HCM chuyên nấu tiệc cho các sự kiện; một tháng đầu năm 2018, tại một sự kiện, khi khách hàng đang ăn uống thì chiếc bếp đột ngột bốc lửa khiến khách hoảng loạn. Tuy vậy, bản thân chị lúc đó vẫn thấy may mắn vì sự cố không ảnh hưởng đến tính mạng thực khách.
Đau đáu nạn hàng nhái, giả
Khi xảy ra sự cố, chị Vui cầm cái bếp gas lên gặp công ty NaMilux thì mới biết đây không phải sản phẩm của công ty. Kiểm tra kỹ nguồn gốc, chị Vui phát hiện bếp gas inox NaMilux được nhân viên ra ngoài mua cách nay chưa lâu, có thể cửa hàng bán sản phẩm nhái chứ không phải chính hãng. “Dù thiết kế vỏ hộp, thân bếp giống hàng chính hãng đến 90% nhưng đi vào chi tiết bên trong, bếp gas nhái không có cụm van an toàn, gờ xếp mí, khay kiềng. Coi như một lần rút kinh nghiệm”, chị Vui tâm sự.
Trao đổi với TGTT, ông Đỗ Hoàng Nam, phụ trách marketing công ty NaMilux cho biết, thời gian qua công ty phát hiện rất nhiều vụ việc cá nhân, đơn vị nhái nhãn hiệu bếp gas NaMilux, dù sản phẩm NaMilux đã được đăng ký độc quyền kiểu dáng. Từ những mẫu hàng nhái mà công ty thu được có thể thấy, nếu không xem xét kỹ lưỡng, người mua rất dễ bị lầm. Theo ông Nam, cấu trúc bên trong của bếp gas NaMilux rất khó làm nhái nên các đối tượng chỉ làm giả bao bì, nhãn hiệu, người tiêu dùng khó phát hiện. Ngoài ra, một số cơ sở có đăng ký kinh danh hẳn hoi cũng nhái tên NaMilux, bằng cách cho ra một loại bếp gas với tên gọi na ná như KaMilux, Minalux… và thông thường, các đơn vị này lấy những chi tiết từ các cơ sở khác nhau để tránh phát hiện.
Với mỗi gia đình, chiếc khoá được coi là vật dụng đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng mỗi thành viên, thế nhưng, một thương hiệu Việt quen thuộc là khoá Việt Tiệp cũng đau đầu tìm cách chống chọi với nạn hàng nhái, hàng giả. Theo ông Lê Văn Toàn, giám đốc chi nhánh khoá Việt Tiệp Cần Thơ, nhãn hiệu Việt Tiệp bị làm giả nhiều nhất là khoá tay nắm tròn và khoá tay gạt cửa… Và mỗi năm, khoá Việt Tiệp thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì tình trạng trên.
“Thường thì các cá nhân đơn vị tại Việt Nam đặt hàng bên Trung Quốc sản xuất làm, có giá chênh lệch khoảng 30% so với sản phẩm thật nhưng chất lượng, vật liệu rất kém”, ông Toàn cho biết. Thời điểm các đối tượng hàng giả thường dựa vào lúc Việt Tiệp chạy kích cầu để trà trộn bán hàng, hoặc dồn hàng vào cuối năm người dân hoàn thành công trình nhà cửa để tuồn ra thị trường.
Đầu tư công nghệ để chống hàng giả
Không phải ngẫu nhiên mà NaMilux phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng sắm máy móc nhằm nâng cấp một số tính năng, thay đổi mẫu mã để cho ra đời dòng bếp gas mini mới tên là bếp gas 2S.
Video đang HOT
Theo ông Đỗ Hoàng Nam, đây là loại bếp thông minh chống cháy nổ với những chi tiết và thành phần mà đối tượng làm giả sẽ rất khó nhái. NaMilux kỳ vọng đây sẽ là sự đột phá để các đối tượng, tổ chức làm giả khó có thể theo kịp.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty cổ phần Saigon Food, cũng cho biết phải bỏ ra rất nhiều tiền đầu tư thiết bị Nhật Bản, bảo quản cháo tươi theo công nghệ “phi hành gia” để “cắt đứt” tình trạng làm giả, làm nhái. Tuy nhiên, thay vì nhái bao bì, các cơ sở vẫn có thể làm na ná nguyên liệu, khẩu vị như cháo tươi Saigon Food được, đây là tình trạng phổ biến và công ty không thể có cách nào ngăn ngừa.
Máy in lụa tự động của công ty Minh Long Hưng là một trong những biện pháp khiến hàng giả không kịp đua theo hàng thật. Ảnh: TLTQ
Hay như câu chuyện của Minh Long Hưng, một công ty may thêu, quy mô chỉ với 90.000 – 100.000 sản phẩm mỗi tháng cũng quyết định đầu tư số tiền lớn vào công nghệ để chống lại nạn làm giả, làm nhái. Ông Lý Thành Sinh, giám đốc Minh Long Hưng, nói việc đầu tư công nghệ tự động hoá đã giúp công ty “chạy” nhanh hơn về mẫu mã, đa dạng chủng loại, để những đối tượng làm giả (đa phần là những nhà may tư nhân nhỏ) không đủ con người và phương tiện thiết bị theo kịp. Nhờ đầu tư công nghệ phối màu, trộn màu nên Minh Long Hưng sản xuất ra những sản phẩm có tính chất vùng miền, đi vào chiều sâu của nghiên cứu thị trường (những người làm hàng giả không làm điều này), như khu vực Tây Nguyên họ thích hàng màu, rẻ tiền, chất lượng, hay như khu vực miền Nam không thích dùng bo mà thích dùng viền, thích ống lửng, không thích ống dài, còn ngoài Bắc thì ngược lại…
“Nhiều thời điểm, chúng tôi cũng phải chấp nhận chi tiền mua nguyên liệu “độc” mà những đối tượng làm giả không có được, thậm chí, liên kết với các doanh nghiệp trong hội dệt may để nhuộm sản phẩm theo mã số quốc tế”, ông Sinh tâm sự.
Hiện nay, cùng với các biện pháp huấn luyện phân biệt hàng nhái, giả tại điểm bán, trong các sự kiện lớn, để chống hàng giả, nhái, công ty Việt Tiệp cho hay họ còn áp dụng quy trình chống hàng giả xác thực với những tính năng đơn giản, tiện lợi. Đó là việc gắn tem thông minh chống hàng giả. Người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sau khi xác thực thông tin và nhập mã thì điện thoại sẽ báo cho họ biết là sản phẩm này có phải là hàng chính hãng hay không. Việc này cũng giúp nhà sản xuất xác thực được thông tin về khách hàng của mình, thời điểm mua hàng, mua ở đâu…
Ứng dụng chống hàng giả của IDEĐể góp phần hỗ trợ người tiêu dùng có thể phân biệt hàng thật, hàng giả, tự bảo vệ mình, vừa qua trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), thuộc hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đã triển khai “Quy trình xác thực chống hàng giả” với những ứng dụng mới, bước đầu phát huy hiệu quả.Bà Phạm Thị Lý, giám đốc IDE, cho biết: “Quy trình xác thực chống hàng giả bao gồm một phần mềm ứng dụng mang tên CheckVN cài đặt trên điện thoại thông minh, một cổng thông tin bảo mật tại địa chỉ check.net.vn và một con tem dán trên sản phẩm, có chức năng kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng”. Trong đó, mỗi mã tem tương ứng với một sản phẩm, do nhà sản xuất và nhà cung ứng dịch vụ tạo ra một cách độc lập với nhau, bảo đảm tính xác thực của thông tin. Theo bà Lý, điều này không chỉ giúp ngăn chặn được hàng giả từ bên thứ ba, mà còn giúp ngăn chặn việc làm giả tem hoặc giả sản phẩm, bởi chính nhà sản xuất hoặc người cung cấp dịch vụ.Người tiêu dùng có thể kiểm tra hàng hoá qua điện thoại di động bằng cách tải ứng dụng CheckVN. Sau đó, bật ứng dụng, chọn “xác thực” rồi đưa camera lại gần mã QR, ngay lập tức thông tin về sản phẩm được hiển thị bao gồm: mã sản phẩm, tên sản phẩm, số series, giá sản phẩm, giảm giá (nếu có), hình ảnh, bản mô tả về sản phẩm, cơ quan bảo hộ cho sản phẩm. Khi tem bị làm giả hoặc sản phẩm không nằm trong hệ thống mã do IDE bảo hộ, màn hình điện thoại sẽ hiển thị thông báo “sản phẩm không hợp lệ”.
Theo Bảo Anh – Trần Quỳnh ( Thế giới tiếp thị)
Nhiều cán bộ công chức bán "hàng xách tay" không rõ nguồn gốc
Các đại biểu HĐND nêu rõ, tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng dưới mác "hàng xách tay" tại Nghệ An diễn ra phổ biến và khó kiểm soát. Việc bán hàng qua mạng có sự tham gia của nhiều cán bộ, công chức nhà nước.
Các đại biểu kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII tại phiên thảo luận tổ
Trong năm 2017, các lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An đã triệt xóa một số đường dây, ổ nhóm lớn vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, trong năm, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý 145 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ với tổng giá trị thu phạt gần 1,3 tỷ đồng.
Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, nước giải khát, hàng hóa vi phạm sở hữu công nghiệp... Không chỉ xảy ra ở miền xuôi, các đô thị, thành phố mà hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã "đổ bộ" lên miền núi, nơi người dân không có nhiều thông tin về hàng hóa.
Đại biểu Nguyễn Đình Hùng: Công chức cũng tham gia bán hàng xách tay trên mạng xã hội
Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất không chỉ khiến cơ quan chức năng đau đầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, sức khỏe người dân. Bởi vậy việc quản lý, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực này cũng được các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An rất quan tâm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, khi tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trở nên "nóng" hơn.
Đại biểu Phan Thị Hoan (huyện Nghĩa Đàn) cho biết: "Trên địa bàn TP Vinh xuất hiện nhiều cửa hàng treo biển "hàng xách tay" với chủng loại hàng hóa rất đa dạng, từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di dộng... Các sản phẩm dưới mác "hàng xách tay" được bán với giá cả rất cao, từ hàng trăm, hàng triệu, thậm chí cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc xuất xứ thì nhân viên bán hàng trả lời là hàng xách tay, từ nhiều nước khác nhau còn cụ thể thế nào người tiêu dùng cũng không thể nắm được".
Chi cục quản lý thị trường Nghệ An tiểu hủy lô mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (ảnh Hoàng Thái)
"Lâu nay trên các trang mạng, Facebook cá nhân, mỗi công chức chúng ta đi làm vẫn sẵn sàng bán "hàng xách tay", mỗi cán bộ, thậm chí học sinh, sinh viên cũng bán "hàng xách tay". Mặc dù không có cái gì ở trong nhà nhưng cứ thông qua mạng xã hội thông báo ngày mai là có hàng. Khi lên mạng thì long lanh còn khi mua về nhà thì không thể dùng được, tình trạng này rất nhiều", đại biểu Nguyễn Đình Hùng (huyện Con Cuông) nêu thực trạng.
Chất lượng, xuất xứ các sản phẩm dưới mác "hàng xách tay" chưa được cơ quan có thẩm quyền quản lý, kiểm tra. Phần lớn các thông số sản phẩm được thông tin tới khách hàng thông qua quảng cáo của người bán. Bởi vậy, các đại biểu đều cho rằng ngành công thương và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng xách tay, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc thông qua mạng xã hội để không gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Sốc với "công nghệ" chế nước tương Maggi độc hại Mashable dẫn tin theo tờ Tin tức Bắc Kinh, một nhóm gồm khoảng 50 nhà máy đã bị phát hiện sản xuất các loại nước chấm và hương liệu nhân tạo, trong đó có một số có chứa các thành phần trái phép, ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Cơ sở sản xuất hàng giả. (Nguồn: mashable.com) Sốc với "công nghệ" chế...