Hàng chục trang web bị tấn công mỗi tuần
Cục An toàn thông tin ( Bộ Thông tin và Truyền thông) phát hiện hàng chục vụ tấn công vào các trang web mỗi tuần, để lợi dụng thực hiện các hành vi lừa đảo, gây mất an toàn thông tin.
Thống kê số lượng URL bị tấn công theo tên miền trong thời gian từ ngày 8 đến 14-10.
Cục An toàn thông tin cho biết trên không gian mạng đang tồn tại nhiều trang web (bao gồm cả những trang web sử dụng dịch vụ máy chủ nước ngoài) bị tấn công, lợi dụng để thực hiện các hành vi gây mất an toàn thông tin như phát tán thư rác, tấn công từ chối dịch vụ, cài đặt và phát tán các loại mã độc (gần đây nhất là cài đặt và phát tán mã độc để đào tiền ảo), lưu trữ các mã khai thác điểm yếu lỗ hổng một cách tự động (như lỗ hổng trên trình duyệt hay các thành phần mở rộng của trình duyệt mà người dùng sử dụng…).
Đơn cử, trong tuần từ 8 đến 14-10, cơ quan này ghi nhận có ít nhất 61 đường dẫn (URL) trên các trang web tại Việt Nam bị tấn công, lợi dụng để thực hiện các hành vi gây mất an toàn thông tin; ít nhất 66 trang web cũng bị lợi dụng để thực hiện tấn công lừa đảo ( phishing).
Video đang HOT
Thống kê số lượng các trang web phishing trong thời gian từ ngày 8 đến 14-10
Cũng trong thời gian này, các tổ chức quốc tế đã công bố và cập nhật ít nhất 441 lỗ hổng, trong đó có ít nhất 97 lỗ hổng RCE (cho phép chèn và thực thi mã lệnh) và 17 lỗ hổng đã có mã khai thác.
Từ đó, hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê cho thấy có 8 nhóm lỗ hổng trên các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phổ biến, có thể gây ảnh hưởng lớn đến người dùng như nhóm 86 lỗ hổng trong phần mềm trong một số phiên bản Adobe Acrobat & Reader, nhóm 49 lỗ hổng trên một nhiều sản phẩm của Microsoft…
Thông tin cá nhân có thể bị thu thập từ nhiều nguồn khác nhau
Liên quan đến vụ việc lộ thông tin email, thẻ thanh toán khách hàng được cho là của Thế giới Di động, Cục An toàn thông tin cho biết các thông tin quan trọng của thẻ tín dụng khách hàng không được lưu trữ trên hệ thống do Thế giới Di động quản lý. Thông thường, trong quá trình thanh toán trên máy đọc thẻ tại các điểm bán (POS) và giao dịch trực tuyến qua trang web, thông tin liên quan đến thẻ tín dụng của khách hàng được mã hóa và chuyển sang ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo cơ quan này, với thực trạng nhận thức hiện nay của một bộ phận người dùng, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam về việc bảo vệ thông tin cá nhân thì thông tin email có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau đã từng lộ, lọt trước đây hoặc thông qua lừa đảo.
Cơ quan này cho rằng hướng tấn công mạng để khai thác thông tin cá nhân của người dùng trở nên đặc biệt phổ biến trong năm 2018. Tại Việt Nam, mới đây cũng xuất hiện một số vụ việc ảnh hưởng đến dư luận xã hội khi có thông tin cho rằng người sử dụng dịch vụ trên mạng bị lộ, lọt thông tin cá nhân như thư điện tử, số thẻ tín dụng, lịch sử giao dịch ngân hàng, giao dịch thương mại điện tử do đối tượng tấn công tăng cường thu thập thông tin cá nhân phục vụ các chiến dịch tấn công mạng, đặc biệt là phục vụ tấn công lừa đảo.
Theo Báo Mới
Lây nhiễm mã độc tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp
Sáng 6/11/2018, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát đi văn bản về đôn đốc tăng cường nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.Tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tấn công mạng nguy hiểm...
Có khoảng 4,7 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng mã độc lớn.
Cục An toàn thông tin cho biết, qua công tác theo dõi, giám sát trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại (mã độc) tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tấn công mạng nguy hiểm.
Theo thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, có khoảng 4,7 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng mã độc lớn.
Theo Cục An toàn thông tin, căn cứ Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại, cùng với thực tế diễn biến phức tạp của tình hình lây nhiễm mã độc tại Việt Nam hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018. Lưu ý thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thời hạn hoàn thành (tháng 12/2018) bảo đảm có giải pháp phòng, chống mã độc bảo vệ cho 100% máy chủ, máy trạm, thiết bị đầu cuối liên quan và có cơ chế tự động cập nhật phiên bản hoặc dấu hiệu nhận dạng mã độc mới.
Giải pháp phòng, chống mã độc được đầu tư mới hoặc nâng cấp cần có chức năng cho phép quản trị tập trung; có dịch vụ, giải pháp hỗ trợ kỹ thuật 24/7, có khả năng phản ứng kịp thời trong việc phát hiện, phân tích và gỡ bỏ phần mềm độc hại; có thể chia sẻ thông tin, dữ liệu thống kê tình hình lây nhiễm mã độc với hệ thống kỹ thuật của cơ quan chức năng có thẩm quyền, tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ hai, trong các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải có cấu phần phù hợp cho giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, giải pháp phòng, chống mã độc. Ưu tiên sử dụng giải pháp phòng, chống mã độc sản xuất trong nước theo tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên khi đầu tư, mua sắm có các chức năng, tính năng kỹ thuật của sản phẩm phù hợp với các yêu cầu nghiệp vụ hoặc quy định, hướng dẫn của cơ quan nhà nước.
Thứ ba, chủ động rà soát các điểm yếu, lỗ hổng trên hệ thống; tăng cường triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức mình; theo dõi, giám sát, chủ động phát hiện sớm các nguy cơ, dấu hiệu tấn công mạng, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Cục An toàn thông tin cũng cho biết, khi phát hiện dấu hiệu của các chiến dịch tấn công mạng, thông báo về cơ quan chức năng liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin,) để có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.
Theo Báo Mới
Thiệt hại về uy tín, tài chính là hậu quả nghiêm trọng nhất của cuộc tấn công mạng Nhận định tấn công mạng có thể để lại hậu quả nặng nề cho các doanh nghiệp, hơn 1/4 số người được hỏi trong nghiên cứu mới của Kaspersky Lab xác định thiệt hại về uy tín (28%) và tài chính (25%) là hậu quả nghiêm trọng nhất của cuộc tấn công mạng. Nghiên cứu mới của Kaspersky Lab về vai trò và...