Hàng chục nữ sinh ở Iran lại bị đầu độc
Trong hai ngày 3 và 4.4, ít nhất 5 trường học trên toàn Iran đã trở thành mục tiêu tấn công, trong đó các học sinh nữ dường như bị đầu độc bằng hóa chất lan khắp các tòa nhà.
Một trường học bị tấn công. Ảnh IRAN INTERNATIONAL
Theo Iran International, truyền thông và các nhóm nhân quyền cho biết các cuộc tấn công đã xảy ra ở trường học tại các thành phố Urmia và Naqadeh (thuộc tỉnh Tây Azarbaijan), cũng như tại Tabriz (thủ phủ tỉnh Đông Azarbaijan) và Esfahan (thủ phủ tỉnh cùng tên).
Hãng thông tấn nhà nước ISNA dẫn lời lãnh đạo cơ quan khẩn cấp của tỉnh Đông Azarbaijan, Asghar Jafari Rouhi, ngày 4.4 cho biết 20 nữ sinh ở Tabriz đã được đưa đến bệnh viện với các triệu chứng hô hấp, bao gồm khó thở.
Theo thông tin mà Iran International nhận được, một vụ tấn công hóa học đã xảy ra tại một trường tiểu học ở Urmia, nhưng không có thêm thông tin về số lượng trẻ em bị nhiễm độc.
Lãnh tụ tối cao Iran: Gây ngộ độc cho các nữ sinh là “không thể tha thứ”
Nhóm nhân quyền người Kurd Hengaw báo cáo rằng ở Naqadeh, ít nhất 4 trường học đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công hóa học và hàng chục học sinh bị nhiễm độc.
Ngoài ra, hãng thông tấn Rokna, cơ quan chuyên đưa tin về những vụ việc như vậy, cho biết một vụ tấn công hóa học khác xảy ra tại một trường nữ sinh ở thành phố miền trung Esfahan.
Tin tức về việc hàng chục nữ sinh trúng độc ngay khi trường học mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ năm mới ( Nowruz, theo lịch Ba Tư) xuất hiện trong bối cảnh ít nhất 130 trường tiểu học và trung học đã trở thành mục tiêu tấn công ở Iran trong năm qua. Hơn 5.000 học sinh đã bị ngất xỉu, buồn nôn, khó thở và có các triệu chứng khác sau khi báo cáo về mùi “khó chịu” tại trường học, một số cần được điều trị tại bệnh viện, theo AFP.
Các vụ tấn công, bắt đầu vào tháng 11, vẫn tiếp diễn trong khi chính phủ Iran chưa đưa ra được lời giải thích cho phụ huynh và học sinh vốn đang lo sợ về những gì đang xảy ra ở rất nhiều trường học.
Vào đầu tháng 3, Iran cho biết hơn 100 người đã bị bắt giữ liên quan đến các vụ đầu độc, cáo buộc rằng thủ phạm có thể có liên hệ với các nhóm “thù địch”. Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã kêu gọi truy lùng những kẻ đã phạm “tội ác không thể tha thứ” một cách “không thương tiếc”.
Các vụ đầu độc diễn ra hai tháng sau khi phong trào biểu tình bùng nổ và lan rộng ở Iran vì cái chết của cô gái người Kurd tên Mahsa Amini, 22 tuổi, vào ngày 16.9 năm ngoái. Trước khi qua đời, cô đã bị cảnh sát đạo đức ở Tehran bắt và tạm giam với cáo buộc vi phạm quy định về trang phục của phụ nữ.
Cục diện mới cho Trung Đông
Iran và Arab Saudi vừa thông báo sẽ tái lập quan hệ ngoại giao thông qua một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian.
Sự kiện này lập tức gây được chú ý của cộng đồng quốc tế, khi nó không chỉ giúp thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước, mà còn tác động đến cục diện chính trị ở Trung Đông.
Bước ngoặt
Iran và Arab Saudi là hai nước lớn ở Trung Đông, đồng thời là hai đối thủ trong khu vực. Những yếu tố lịch sử đẩy hai quốc gia về hai hướng khác nhau từ thời Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là sau Cách mạng Hồi giáo Iran 1979. Cuộc nội chiến ở Syria từ năm 2011, xung đột tại Yemen từ năm 2015 cũng trở thành nơi hai nước đối đầu, khi ủng hộ những lực lượng khác nhau.
Sự khác biệt từ hệ tư tưởng và quản trị cũng tạo ra chia rẽ giữa hai quốc gia. Dù cùng theo đạo Hồi nhưng Iran là quốc gia lớn nhất được lãnh đạo bởi những người Hồi giáo dòng Shiite còn Saudi Arabia lại là quốc gia lớn nhất được lãnh đạo bởi những người Hồi giáo dòng Sunni. Xung đột trong quan điểm tôn giáo khiến mối quan hệ giữa hai nước luôn ở trạng thái khó lường.
Dấu ấn của Trung Quốc trong thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai cường quốc Trung Đông là rất đậm nét.
Năm 2016, Arab Saudi đã cắt đứt quan hệ với Iran, sau khi đại sứ quán nước này ở Tehran bị xâm phạm, chung quanh việc chính quyền Riyadh hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite.
Dẫu vậy, với tư cách là hai quốc gia có ảnh hưởng lớn trong thế giới Arab, hai bên cũng luôn thể hiện mong muốn tìm cách đối thoại để giảm căng thẳng. Từ năm 2019, thái độ thiện chí từ phía chính quyền Iran đã dẫn đến những vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước, với những bàn tay trung gian của nhiều đối tác, từ Pakistan, Iraq cho đến Oman... Tuy nhiên, tiến độ của những vòng đàm phán này đều rất chậm, do những bất đồng giữa hai bên về các vấn đề khu vực. Bước ngoặt chỉ thực sự xảy ra khi có một "nhà môi giới" mới đủ uy tín bước vào, đó chính là Trung Quốc.
Ngày 10/3 vừa qua, cả Iran và Arab Saudi đều đưa ra thông báo hai nước đã đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao sau nhiều năm gián đoạn. Thỏa thuận này do Trung Quốc làm trung gian, được công bố sau 4 ngày đàm phán bí mật trước đó ở Bắc Kinh, giữa các quan chức an ninh hàng đầu của hai nước là Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran, Ali Shamkhani và Cố vấn An ninh quốc gia Arab Saudi, ông Musaad bin Mohammed al-Aiban.
Đây là một sự kiện bất ngờ với giới quan sát khi nó gần như không được dự báo từ trước, ngược lại với xu hướng cải thiện quan hệ gần đây giữa Israel với một số quốc gia Arab trong khu vực. Ngoài việc tái lập quan hệ ngoại giao, hai nước Iran và Arab Saudi đều thông báo sẽ tái kích hoạt hiệp định hợp tác an ninh từ năm 2001, cũng như hàng loạt hiệp định khác trước đó về thương mại, kinh tế và đầu tư. Đây có lẽ là thỏa thuận lớn nhất trong nhiều thập kỷ giữa hai quốc gia đối địch.
Thêm vào đó, sự xuất hiện của "nhân tố" Trung Quốc trong cuộc đàm phán thành công này đã tạo ra một thay đổi lớn trong bàn cờ chính trị Trung Đông khi nó khẳng định tầm ảnh hưởng của quốc gia này đã vượt ra ngoài phạm vi châu Á - Thái Bình Dương.
Tạo ảnh hưởng lớn
Thỏa thuận nối lại quan hệ giữa hai cường quốc đối nghịch trong khu vực đã đem đến những niềm hy vọng mới. Chúng ta đều biết, đằng sau Iran và Arab Saudi là những chính quyền, những lực lượng ủng hộ đáng kể vẫn còn đang ở thế đối đầu với nhau trong khu vực. Việc Iran và Arab Saudi nối lại quan hệ sẽ mở đầu cho những cuộc đàm phán giữa các lực lượng này. Ít nhất, hai cuộc xung đột ở Yemen và Syria sẽ có thêm lời giải. Mối quan hệ trong khối Arab cũng sẽ có cơ hội cải thiện, để cùng tìm giải pháp cho nền hòa bình Trung Đông bền vững hơn.
Những phát biểu mới nhất tới từ những nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) hay Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đều hoan nghênh thỏa thuận mới này. Ông Hussain Ibrahim Taha, Tổng thư ký OIC, tin tưởng thỏa thuận giữa Arab Saudi và Iran sẽ "góp phần củng cố các trụ cột của hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, đồng thời tạo động lực mới cho hợp tác giữa các quốc gia thành viên OIC".
Iran và Arab Saudi thường xuyên trong tình trạng đối đầu, trở thành ngòi nổ cho không ít cuộc xung đột tại Trung Đông.
Đối với Iran, thỏa thuận là "một chiến thắng ngoại giao hiển nhiên", theo đánh giá của ông Nicholas Heras tại Viện Chiến lược và Chính sách New Lines. Iran đang phải đương đầu với những lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, do những nghi ngờ về chương trình hạt nhân của mình. Thỏa thuận ngoại giao mới đạt được mở cho Tehran lối thoát mới, để giảm bớt ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt. Arab Saudi là quốc gia trước đây luôn bày tỏ lo lắng lớn nhất với chương trình hạt nhân của Iran thì nay với thỏa thuận này, cơ hội để đạt được bước tiến mới hướng tới dỡ bỏ lệnh trừng phạt trở nên khả thi hơn rất nhiều.
Việc bình thường hóa với Arab Saudi cũng mở ra cơ hội cho Iran xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với nhiều quốc gia Arab khác. Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani ngay lập tức nhận được lời mời thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hôm 16/3, khi mới trở về từ Bắc Kinh. Ngược lại, đối với Arab Saudi, thỏa thuận với đối thủ hàng đầu trong khu vực sẽ giúp đảm bảo an ninh, giảm những quan ngại về các cuộc tấn công xuyên biên giới - vốn gây lo ngại lớn cho những dự án phát triển khổng lồ họ đang muốn tiến hành. Thêm vào đó, kết nối lại với Iran sẽ giúp Arab Saudi giữ được vị thế trong thế giới Arab, sau khi có những nghi ngờ nước này bắt tay với Israel để loại bỏ cơ hội xây dựng nhà nước độc lập cho người Palestine.
Khi Trung Quốc khẳng định ảnh hưởng
Cộng đồng quốc tế và khu vực càng vui mừng bao nhiêu vì thỏa thuận ngoại giao mới đạt được giữa Iran và Arab Saudi thì đó lại càng là một thắng lợi ngoại giao rực rỡ của Trung Quốc. Khi Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - ông Vương Nghị - đứng giữa làm cầu nối cho hai nhà lãnh đạo Trung Đông tiến lại gần nhau thì là lúc ông "ghi điểm" cho đất nước mình trước toàn Trung Đông.
Mối quan hệ Iran và Arab Saudi vốn không dễ hàn gắn, bởi nhiều yếu tố khác biệt có tính lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà phải đến tận bây giờ, câu chuyện dài này mới có được bước đột phá.
Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Iran là không phải bàn cãi, khi trong một thời gian dài quốc gia này đã hỗ trợ nước Cộng hòa Hồi giáo chống đỡ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc Trung Quốc có thể tác động tới cả Arab Saudi cho thấy tầm ảnh hưởng của nước này ở khu vực Trung Đông đã trở nên rất khác biệt.
Arab Saudi vốn được biết tới là đồng minh lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế ngày càng khăng khít với Bắc Kinh đã khiến những nhà lãnh đạo ở Riyadh thoải mái hơn khi trao đổi các vấn đề đối ngoại, an ninh với bạn hàng phương Đông của mình.
Chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Riyadh tháng 12/2022 rõ ràng đã đem đến một xung lực mới cho quan hệ hai nước. Sự thân thiết giữa nhà lãnh đạo hai nước trong chuyến thăm này được cho là hoàn toàn trái ngược với sự lạnh lùng mà nước chủ nhà đã dành cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong chuyến thăm ngắn 4 tháng trước đó. Đây cũng là kết quả của việc Mỹ đã không còn duy trì được mối quan hệ tốt với Riyadh dưới thời ông Biden. Thỏa thuận ngoại giao lần này, có thể nói, một lần nữa thách thức vị thế và vai trò của Mỹ trong khu vực.
Bất chấp việc Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết đã được thông báo về các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh và không đề cao vai trò của Trung Quốc, vẫn có những ý kiến bày tỏ sự ngưỡng mộ Bắc Kinh. Ông Jeffrey Feltman, cựu quan chức cấp cao của Mỹ ở Liên hợp quốc cho biết: Trung Quốc có vai trò quan trọng giúp hai nước đồng ý mở cửa trở lại các đại sứ quán. Ông Feltman cho rằng động thái này chứng minh "Trung Quốc là một cường quốc đang lên". Trong khi đó, nhà ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chỉ nhẹ nhàng mô tả thỏa thuận này "là một chiến thắng cho đối thoại và hòa bình", đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn trên toàn cầu. Đó cũng như lời khẳng định, Trung Quốc sẽ không dừng lại.
Iran, Saudi Arabia xúc tiến cuộc gặp cấp ngoại trưởng Ngày 26/3, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, trong đó thảo luận về việc tổ chức cuộc gặp song phương trong những ngày tới. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian (phải) và Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan (trái), ngày 23/3. Ảnh: IRNA/TTXVN Theo...