Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày dưới 40 ca
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10h (giờ địa phương) ngày 16/6, với 34 ca nhiễm mới được phát hiện, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng lên 12.155 ca.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 12/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Như vậy, Hàn Quốc trong 3 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 40 ca.
Theo KCDC, trong số 34 ca nhiễm mới ghi nhận có 21 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở COVID-19 ở nước này lên 278 ca, trong khi có thêm 30 bệnh nhân COVID-19 bình phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 10.760 người, chiếm 88,5%.
Đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cho gần 1.200.000 người. Hầu hết các ca nhiễm mới đều ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận gồm thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi, đều có liên quan đến những ổ lây nhiễm tập thể nhỏ lẻ. KCDC cũng lo ngại về sự gia tăng các trường hợp nhiễm virus không có triệu chứng, chiếm 10% các ca nhiễm mới được xác định trong tháng này.
Hàn Quốc đã gần như kiểm soát được sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên quy mô toàn quốc, song một loạt ổ lây nhiễm mới liên quan đến các cuộc tụ họp tôn giáo, khu vui chơi giải trí về đêm và một công ty bán hàng ở khu vực Seoul và vùng phụ cận đã xuất hiện, theo đó số ca nhiễm mới tăng trở lại. Theo số liệu thống kê mới nhất, 85,4% số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là công dân của nước này
Trong hai tuần qua, khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận ghi nhận trung bình mỗi ngày có 36,5 ca nhiễm mới, tăng gần gấp đôi so với hai tuần cuối tháng 5 vừa qua. Theo nhận định của KCDC, xu hướng lây nhiễm tập thể tại khu vực này vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt có dấu hiệu bùng phát các cụm lây nhiễm mới tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. KCDC khuyến cáo người dân thủ đô và vùng phụ cận nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh thực hiện các quy định phòng dịch để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng.
Hàn Quốc được coi là một trong những nước kiểm soát dịch COVID-19 thành công nhất mà không cần đóng cửa biên giới. Nước này dự kiến sẽ áp đặt trở lại biện pháp “giãn cách xã hội” nghiêm ngặt nếu số ca nhiễm mới không giảm dưới 50 ca/ngày.
Diễn đàn trực tuyến các chuyên gia toàn cầu kêu gọi tăng cường hợp tác chống COVID-19
Diễn đàn trực tuyến các chuyên gia toàn cầu về Hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/6, đã kêu gọi tinh thần đoàn kết quốc tế nhằm đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Tham gia diễn đàn có hơn 160 chuyên gia; các đại diện truyền thông của 48 quốc gia trên thế giới cùng với một số tổ chức quốc tế. Tuyên bố chung đưa ra sau diễn đàn nhấn mạnh đại dịch là kẻ thù chung của nhân loại và chỉ có đoàn kết và hợp tác, cộng đồng quốc tế mới có thể đẩy lùi được đại dịch.
Theo tuyên bố chung, COVID-19 đã phơi bày những điểm yếu cả ở hệ thống y tế công của nhiều quốc gia và vấn đề quản trị toàn cầu, cũng như nguy cơ dẫn đến gia tăng bất bình đẳng trên thế giới. Để đối phó với đại dịch, cộng đồng quốc tế nên tăng cường đoàn kết, chung tay hành động để xây dựng một cộng đồng y tế toàn cầu cho mọi người, đồng thời cùng giải quyết những thách thức một cách khoa học và hợp lý. Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu sự hợp tác quốc tế chống COVID-19".
Tuyên bố cũng hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin về phòng ngừa dịch bệnh, phương pháp điều trị bệnh nhân và các nghiên cứu liên quan, đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi người cũng như sức khỏe cho tất cả các quốc gia, nhóm xã hội và sắc tộc. Tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ thêm nhân lực, vật lực cho các nước đang phát triển để cải thiện khả năng đối phó dịch bệnh của ngành y tế công, thúc đẩy phục hồi kinh tế, phản đối sự phân biệt đối xử và kỳ thị ở mọi hình thức.
Theo tuyên bố, cộng đồng quốc tế nên tăng cường phối hợp về nghiên cứu, phát triển, sản xuất đại trà và phân phát công bằng vaccine ngừa COVID-19. Các nước cần cùng nỗ lực giảm tác động của đại dịch đối với kinh tế thế giới, tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô quốc tế và duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuối cùng, tuyên bố bày tỏ hy vọng các nhóm chuyên gia toàn cầu sẽ đóng vai trò tích cực để thúc đẩy hợp tác quốc tế chống COVID-19 và các dịch bệnh tương tự trong tương lai.
"Chợ Vũ Hán không phải nơi bắt nguồn mà là nơi siêu lây lan Covid-19" Dù chưa xác định nguồn gốc Covid-19 song giới nghiên cứu cho rằng chợ hải sản Vũ Hán không phải nơi bắt nguồn mà chỉ là nơi xảy ra siêu lây lan. Các chuyên gia vẫn chưa biết về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Các bằng chứng về gen đều cho thấy virus này bắt nguồn từ loài dơi ở Trung Quốc trước khi...