Hàn Quốc thu hồi giấy phép 5G băng tần 28 GHz của các nhà khai thác di động
Thông tin từ Chính phủ Hàn Quốc cho biết, 2 trong số 3 nhà khai thác mạng di động của Hàn Quốc đã được yêu cầu trả lại giấy phép 5G băng tần 28 GHz do không đáp ứng các yêu cầu về triển khai mạng lưới của Chính phủ.
Hàn Quốc được xem là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G thương mại vào tháng 4 năm 2019. Tính đến cuối tháng 7 năm 2022, số thuê bao di động 5G của quốc gia này đã đạt 25,1 triệu, chiếm 33,3% tổng số thuê bao di động trên cả nước.
Trước đó, vào tháng 6 năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai cuộc đấu giá phổ tần số cho 5G nhằm mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới ngành công nghiệp và dịch vụ dựa trên 5G. Với mục tiêu như vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định phân bổ băng tần 3,5 GHz để triển khai 5G trên toàn quốc, trong khi băng tần 28 GHz dành cho các “điểm nóng” (hot spots) nơi tập trung nhiều thuê bao di động như các sân vận động, sân bay, nhà ga tàu điện ngầm…
Ảnh minh họa.
Trong cuộc đấu giá này, cả 3 nhà khai thác di động lớn nhất của Hàn Quốc bao gồm SK Telecom, KT Telecom và LG Uplus đều đã giành được quyền sử dụng phổ tần số ở băng tần 3,5 GHz và 28 GHz. Cuộc đấu giá này cũng đã mang về cho ngân sách Chính phủ 2,776 tỷ USD.
Tuy nhiên, mới đây Chính phủ Hàn Quốc cho biết, họ sẽ thu hồi giấy phép phổ tần số ở băng tần 28 GHz đã được cấp cho các nhà khai thác để triển khai 5G, với lý do các nhà mạng di động thiếu nguồn lực đầu tư và không đáp ứng các yêu cầu của chính phủ trong quá trình triển khai mạng di động 5G ở trong băng tần này.
Theo đó, các nhà khai thác di động KT Telecom và LG Uplus sẽ mất quyền sử dụng phổ tần số ở băng tần 28 GHz mà họ đã giành được trong cuộc đấu giá phổ tần số vào năm 2018 do không triển khai đủ số lượng trạm gốc như cam kết. Trong khi đó, nhà khai thác di động lớn nhất Hàn Quốc, SK Telecom được cho phép kéo dài thời hạn đến tháng 5 năm 2023, sau thời điểm này nếu nhà mạng không thực hiện cam kết triển khai 15.000 trạm gốc trong băng tần 28 GHz thì Chính phủ sẽ thu hồi giấy phép như hai nhà mạng trên.
Video đang HOT
Giải thích về quyết định này, Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc cho rằng, các nhà mạng di động đã hoàn thành số lượng trạm gốc quy định ở băng tần 3,5 GHz (22.500 trạm gốc) nhưng tất cả đều không đạt mục tiêu triển khai được 15.000 trạm gốc ở băng tần 28 GHz trên toàn quốc như cam kết với Chính phủ.
“Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 3 năm kể từ khi phổ tần số trong băng tần 28 GHz được phân bổ, các trạm gốc ở băng tần 28 GHz do các nhà mạng di động xây dựng chỉ chiếm 10% so với cam kết ban đầu và không có thiết bị đầu cuối điện thoại thông minh nào hỗ trợ băng tần 28 GHz ở Hàn Quốc”, Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc cho biết thêm.
Trên toàn cầu, 5G đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển cả về khía cạnh thị trường và công nghệ. Tuy nhiên, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đã sớm chứng minh được những thành công của mình nhằm mở rộng quy mô và xây dựng một chiến lược quốc gia toàn diện nhằm tối đa hóa sự chuyển đổi tiềm năng của mạng 5G.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, ngay cả ở các quốc gia có ngành công nghiệp di động phát triển, Chính phủ vẫn đóng vai trò rất quan trọng với tư cách là nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái 5G. Chính phủ phải đưa ra các chiến lược rõ ràng và áp dụng một quy trình toàn diện trong việc triển khai mạng di động thế hệ mới.
Ở lần ra mắt đầu tiên vào tháng 4 năm 2019, Hàn Quốc chỉ triển khai dịch vụ 5G thương mại trong phân khúc doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Cho đến nay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các nhà khai thác di động của Hàn Quốc đã và đang cung cấp các dịch vụ 5G chuyên dụng trong phân khúc doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) như các nhà máy thông minh, thiết bị bay không người lái (drone)… Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tích cực tài trợ cho các quỹ đầu tư phát triển nhằm vào các dự án 5G trong các ngành chiến lược và dịch vụ cốt lõi của đất nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, bao gồm miễn thuế cho các khoản đầu tư 5G và khuyến khích chia sẻ mạng lưới ở các khu vực nông thôn, ngoại ô thành thị để tạo điều kiện triển khai nhanh chóng mạng 5G trên phạm vi toàn quốc.
Để đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về 5G trên toàn cầu, Chính phủ đã xác định tầm nhìn quốc gia về 5G, loại bỏ các rào cản về pháp lý và tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, công ty viễn thông, nhà cung cấp, nhà nghiên cứu và xã hội dân sự.
Khuyến nghị lộ trình phát triển 5G
Nhiều bài học, khuyến nghị về đầu tư, phát triển mạng 5G được đưa ra tại Hội nghị ASEAN về 5G.
Các nước ASEAN phát triển 5G như thế nào?
Tại Hội nghị ASEAN về 5G trong Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022 vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công nghệ mạng di động mới là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số. Mục tiêu của Hội nghị là thảo luận phương hướng thúc đẩy triển khai 5G và trao đổi các khuyến nghị về lộ trình thực hiện 5G cho ASEAN trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
"Công nghệ số muốn phát huy, cần có hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây. Từ năm 2019, các nước ASEAN đã tổ chức hội nghị thường niên về 5G. ASEAN cam kết đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ mới. Không có lý do gì chúng ta lại đi sau. Cái mới luôn là cơ hội cho những nước đi sau vượt lên phía trước", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo ông Yew Liang Cheng, Giám đốc RedHat khu vực ASEAN, tính đến tháng 6/2022, khoảng 70 quốc gia trên thế giới đã triển khai 5G với tổng cộng 1 tỷ người dùng. Trong cuộc chơi 5G, Việt Nam có nhiều cơ hội nếu biết cách đi tắt, đón đầu.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển 5G, ông Wan Reza, Giám đốc Văn phòng 5G của Bộ Thông tin Truyền thông Malaysia cho biết, từ năm 2018, nước này đã nhận ra tiềm năng của 5G như một nhân tố thay đổi cuộc chơi, thúc đẩy kinh tế phát triển và đã thành lập cơ quan để thúc đẩy sự phát triển của 5G. Tháng 12/2021, Malaysia đã tiến hành thử nghiệm 5G lần đầu. Mức độ bao phủ 5G tại đây tăng từ 5,8% năm 2021 lên 36% năm 2022. Quốc gia này đặt mục tiêu tăng độ bao phủ 5G lên 80% vào năm 2023-2024 và 90% trong giai đoạn 2025-2029.
Trong khi đó, Thái Lan đã thực hiện các nghiên cứu tiền khả thi và thử nghiệm 5G ở nhiều băng tần khác nhau. Quốc gia này cũng có lộ trình triển khai 5G, nhưng gặp khó khăn do sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, mức độ phủ sóng 5G tại Thủ đô Bangkok đã lên tới 99,23%.
Còn theo đại diện Cơ quan quản lý Thông tin và Truyền thông Brunei, quốc gia này đã xây dựng một tổ đặc trách về phát triển 5G thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có các thử nghiệm pháp lý về sandbox, phối hợp với các viện nghiên cứu và trường đại học thí điểm theo dõi, giám sát từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin... Việc thử nghiệm dự kiến bắt đầu vào ngày 18/11 tới.
Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara cho biết, nước này đang cân nhắc bài học từ các quốc gia khác để triển khai 5G. Theo đó, Lào đã cấp phép cho 2 nhà mạng để thử nghiệm 5G. Tuy vậy, chỉ có khoảng 5% thiết bị viễn thông tương thích với 5G. Do đó, cần một khuôn khổ giúp giải quyết vấn đề tương thích thiết bị để thúc đẩy 5G.
Phải đảm bảo có sẵn dải tần số dành cho 5G để phân bổ cho doanh nghiệp
Từ thực tiễn phát triển 5G tại Nhật Bản, ông Atsushi Umino, đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, nước này gặp nhiều thách thức khi triển khai 5G ở nông thôn vì mật độ dân cư không cao. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản muốn xây dựng quốc gia với nhiều thành phố số hóa và kết nối với các nước khác. Vì vậy, xây dựng hạ tầng 5G, mạng cáp quang và trung tâm dữ liệu là chiến lược quan trọng.
Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2023, sẽ đạt mức độ phủ sóng 5G đến 95% người dùng, năm 2025 đạt 97% và đến năm 2030 đạt 99%. Để đạt mục tiêu này, từ năm 2019, Nhật Bản đã phân bổ tần số cho các nhà mạng để phát triển mạnh công nghệ 5G. Bên cạnh đó, nước này đưa ra đạo luật tần số và xây dựng chính sách miễn giảm thuế để thúc đẩy các công ty phát triển 5G.
Trong khi đó, ông Lee Byoung Moog, đại diện Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc cho hay, năm 2019, Hàn Quốc đã thương mại hóa 5G và đến năm 2022 đạt 22 triệu thuê bao. Tại Hàn Quốc, rất nhiều nhà cung cấp 5G đã đưa ra giải pháp cho nhà máy thông minh, xe tự hành, nội dung cho 5G, số hóa chăm sóc sức khỏe, xây dựng thành phố thông minh...
"Hàn Quốc đã xây dựng kế hoạch hành động từ năm 2021 để thúc đẩy 5G với việc cấp nhiều tần số khác nhau. Hiện tại Hàn Quốc có 33 dịch vụ 5G khác nhau với 8 nhóm dịch vụ như: giao thông y tế, an ninh quốc phòng, nhận diện chỗ rò rỉ khí ga, kết nối giữa các trạm truyền tải điện...", đại diện Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc cho biết.
Dù 3 nhà mạng di động lớn của Hàn Quốc đã mở rộng vùng phủ sóng 5G đến hơn 90% diện tích đô thị, nhưng các nhà mạng viễn thông vẫn chưa tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ 5G trong việc đưa các dịch vụ đến người dùng đầu cuối. Vì vậy, thúc đẩy người dùng là yếu tố quan trọng trong chiến lược đầu tư 5G.
Theo khuyến cáo của ông Yishen Chan, Giám đốc phụ trách phổ tần khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA), các chính phủ phải đảm bảo có sẵn dải tần số dành cho 5G để phân bổ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, không nên coi mức phí cấp phép băng tần là công cụ để gia tăng nguồn thu ngân sách, mà nên phân bổ băng tần ở thời điểm phù hợp với mức giá hợp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố. Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G; đồng thời sẽ thí điểm 5G ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu... và đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dân số có kết nối 5G.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA), vào năm 2030, 5G sẽ đóng góp thêm 961 tỷ USD/năm cho nền kinh tế toàn cầu. Mạng lưới 5G cũng sẽ đóng góp gần 900 tỷ USD cho nền kinh tế châu Á trong 15 năm tới. Các nhà điều hành di động châu Á dự kiến đầu tư 370 tỷ USD để xây dựng mạng lưới 5G trong giai đoạn 2018 - 2025, chiếm 2/3 tổng nguồn vốn đầu tư của họ vào các mạng lưới mới.
Các nhà khai thác di động của Mỹ đầu tư bao nhiêu tiền vào cơ sở hạ tầng trong năm 2021? Theo kết quả Khảo sát ngành công nghiệp di động năm 2022 của Hiệp hội Công nghiệp thông tin di động của Mỹ (CTIA), các nhà khai thác di động ở Mỹ đã đầu tư tổng cộng gần 35 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trong năm 2021, đánh dấu năm thứ tư liên tiếp các nhà khai thác di động tăng...