Hàn Quốc, NATO lập quan hệ đối tác hợp tác mới trong 11 lĩnh vực
IPCP vạch ra hoạt động hợp tác trong 7 lĩnh vực, gồm kết nối chính trị-quân sự, phòng thủ mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố, trong khi ITPP tăng số lượng lĩnh vực hợp tác lên 11.
Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: koreajoongang daily)
Theo Yonhap, Phủ Tổng thống Hàn Quốc thông báo Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 11/7 đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác song phương mới trong 11 lĩnh vực, từ chống khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho tới các ngành công nghệ mới nổi và phòng thủ mạng.
Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở thủ đô Vilnius (Litva), hai bên đã thông qua Chương trình Hợp tác được điều chỉnh riêng (ITPP), nâng cấp quan hệ song phương từ Chương trình Hợp tác Đối tác cá nhân (IPCP) được thiết lập vào năm 2012.
IPCP vạch ra hoạt động hợp tác trong 7 lĩnh vực, bao gồm kết nối chính trị-quân sự, phòng thủ mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố, trong khi ITPP gia tăng số lượng lĩnh vực hợp tác lên 11, bao gồm cả đối thoại và tham vấn nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau về các mối đe dọa an ninh chung.
Video đang HOT
Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố: “Tôi có mặt ở đây để thể chế hóa một khuôn khổ hợp tác bằng cách thiết lập ITPP và thực hiện các cuộc tham vấn về hợp tác với NATO trong lĩnh vực thông tin quân sự và mạng. Vào thời điểm khi không thể tách rời an ninh ở Đại Tây Dương và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, với NATO.”
Về phần mình, ông Stoltenberg đồng quan điểm với Tổng thống Yoon Suk Yeol, khẳng định Hàn Quốc là một đối tác được đánh giá cao của NATO. Ông nói: “Chúng tôi đánh giá cao quan hệ hợp tác với các bạn vì an ninh không phải chỉ dừng ở cấp khu vực mà là an ninh toàn cầu. Những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương quan trọng đối với châu Âu và những gì xảy ra ở châu Âu cũng quan trọng đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ngoài ra, trong cuộc gặp, nhà lãnh đạo Hàn Quốc giải thích kế hoạch của nước này trong việc thành lập một trung tâm diễn tập mạng quốc tế vào năm 2027, đồng thời bày tỏ hy vọng sự hợp tác chặt chẽ giữa trung tâm mới này và Trung tâm Hợp tác phòng thủ không gian mạng ưu việt (CCDCOE) của NATO.
Ông Yoon Suk Yeol còn tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Hàn Quốc đối với Ukraine trong cuộc chiến hiện nay, và người đứng đầu NATO cảm ơn chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ người dân Ukraine. Hai bên còn thảo luận về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) ngày 22/6 cho biết nước này và NATO đã ký thỏa thuận khởi động quy trình công nhận máy bay quân sự do hai bên sản xuất đủ an toàn để bay.
Theo DAPA, nếu quá trình công nhận song phương hoàn tất, NATO sẽ công nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện bay mà Chính phủ Hàn Quốc cấp cho một chiếc máy bay do nước này sản xuất.
Hồi tháng 1, Tổng thống Hàn Quốc cũng đã có cuộc gặp người đứng đầu NATO thảo luận mối quan hệ Hàn Quốc-NATO, chiến lược của Hàn Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cùng các vấn đề khác.
Ngoài ra, ông Stoltenberg cũng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong Sup, thảo luận an ninh khu vực và hợp tác song phương.
Hai bên cũng nhất trí hợp tác để tăng cường trao đổi thông tin về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới, chẳng hạn như khoa học và công nghệ quốc phòng./.
Nga cảnh báo nguy cơ từ quyết định đưa cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đến gần biên giới
Theo hãng tin TASS, ngày 11/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng châu Âu sai lầm khi chưa hiểu những nguy cơ từ quyết định di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến gần biên giới với Nga, vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột hiện nay.
Các nước NATO chưa đồng thuận về triển vọng gia nhập liên minh của Ukraine NATO đẩy nhanh quy trình Ukraine gia nhập liên minh Hải quân Nga từ bỏ dự án đóng tàu chiến tàng hình tối tân
Người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov phát biểu tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Peskov đưa ra tuyên bố trên sau khi nhật báo The Times của Anh trong tuần này đưa tin Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đưa ra đề xuất về việc thành lập các căn cứ thường trực của NATO gần biên giới với Nga và hủy bỏ một thỏa thuận giữa Nga và NATO từ năm 1997, trong đó nêu rõ không triển khai vũ khí hạt nhân và các lực lượng chiến đấu đáng kể thường trực trên lãnh thổ của các nước thành viên mới của liên minh.
Liên quan đến việc Ukraine gia nhập NATO, ông Peskov cảnh báo điều này rất nguy hiểm đối với an ninh châu Âu và tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn. Ngày 7/7 vừa qua, NATO đã quyết định cắt giảm thủ tục gia nhập liên minh của Ukraine trong tương lai bằng cách loại bỏ yêu cầu Kiev phải thực hiện Kế hoạch hành động để có tư cách thành viên (MAP) như một phần trong quy trình gia nhập khối quân sự này. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích rằng Ukraine không cần MAP nữa vì "nước này đã tiến gần hơn đến liên minh" và giai đoạn này của thủ tục gia nhập sẽ được loại bỏ đối với Kiev.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết Nga sẽ có các biện pháp đáp trả sau khi Thụy Điển gia nhập NATO và sẽ tương tự như những biện pháp đang được lên kế hoạch liên quan đến việc Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này trước đó.
Thụy Điển cùng với Phần Lan đã xúc tiến các thủ tục gia nhập NATO vào năm ngoái, tuy nhiên vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ do mẫu thuẫn giữa các bên. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận để Phần Lan trở thành quốc gia thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4 năm nay, trong khi vẫn từ chối Thụy Điển. Tuy nhiên, ngày 10/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Litva trong hai ngày 11 - 12/7.
Tổng thống Joe Biden gặp riêng Tổng thống Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh NATO? Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ tổ chức cuộc gặp riêng với nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tuần này tại Vilnius (Litva). Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một sự kiện G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21/5/2023....