Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ bàn kế hoạch ba điểm cho Ukraine
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) Jens Stoltenberg cho biết trong cuộc họp báo ngày 7/7 rằng NATO sẽ phải đàm phán về một kế hoạch ba điểm trong hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius (Litva), nhằm đưa Ukraine tiến gần hơn tới việc gia nhập liên minh này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AP
Theo hãng thông tấn Nga TASS, ông Stoltenberg nói: “Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo trong liên minh sẽ đồng ý một gói gồm ba yếu tố nhằm đưa Ukraine xích lại gần NATO hơn. Gói này sẽ bao gồm một chương trình hỗ trợ kéo dài nhiều năm để đảm bảo khả năng cộng tác; thắt chặt quan hệ chính trị qua việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp mở màn của Hội đồng NATO -Ukraine mới thành lập; tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO”.
Trả lời câu hỏi về sự khác biệt giữa thời điểm hiện nay và thời điểm năm 2008 – khi NATO tuyên bố rằng Ukraine có quyền tham gia NATO nhưng chỉ dừng lại ở đó, ông Stoltenberg nói: “Tất nhiên, một điểm khác biệt quan trọng là Ukraine đã tiến gần hơn đến NATO, bởi vì các thành viên NATO đã hợp tác chặt chẽ với Ukraine trong nhiều năm, đặc biệt là kể từ năm 2014. Điều này đã đảm bảo mức độ hợp tác và khả năng cộng tác cao hơn nhiều giữa Ukraine và NATO”.
Vào tháng 4/2008, các nhà lãnh đạo NATO từ chối cung cấp cho Ukraine và Gruzia các kế hoạch hành động về tư cách thành viên, nhưng đã đưa ra một tuyên bố chính trị rằng dần dần Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên NATO, khi họ tuân thủ tất cả các tiêu chí của liên minh này.
Ông Stoltenberg gọi Hội đồng Ukraine – NATO là một cương lĩnh chính trị, giúp tổ chức các cuộc tham vấn giải quyết khủng hoảng và đưa ra quyết định về việc tăng cường hợp tác chính trị.
Video đang HOT
Ông nói: “Hội đồng NATO – Ukraine sẽ là một hội đồng do Ukraine và 31 thành viên NATO thành lập và hy vọng sẽ sớm có 32 thành viên trong trường hợp Thụy Điển gia nhập. Chúng tôi sẽ cùng nhau tham gia hội đồng này một cách bình đẳng. Chúng tôi sẽ nhất trí về các thể thức liên quan tần suất họp của hội đồng này, nhưng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ nhất trí cả về các thể thức để đảm bảo rằng từng thành viên hội đồng, gồm cả Ukraine, có thể triệu tập một cuộc họp để tham vấn khi có khủng hoảng”.
Theo ông Stoltenberg, Hội đồng NATO – Ukraine cũng sẽ đưa ra quyết định sau các cuộc họp của mình.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên về những đảm bảo an ninh mà liên minh này có thể đưa ra cho Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, ông Stoltenberg cho biết đảm bảo an ninh tốt nhất là viện trợ quân sự từ NATO và viện trợ này phải tiếp tục ngay cả sau khi xung đột kết thúc.
Trong khi đó, ngày 7/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng sẽ thấy tinh thần đoàn kết giữa các nước thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Litva, đồng thời mong muốn nhìn thấy các bước đi cụ thể liên quan tới nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine. Tổng thống Zelensky cho hay ông cũng hy vọng các nhà lãnh đạo NATO sẽ thảo luận về các gói hỗ trợ quân sự bổ sung cũng như đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga yêu cầu các bên tôn trọng các mối quan ngại của nước này về an ninh liên quan đến NATO.
Theo đài RT (Nga), trong bài phát biểu ngày 2/7, ông Medvedev nhấn mạnh Nga sẽ ngăn chặn mối đe dọa về việc Ukraine gia nhập NATO bằng mọi cách. Ông cũng cảnh báo rằng vì các thành viên NATO nói rằng họ không thể kết nạp một quốc gia đang tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang, nên cuộc xung đột hiện tại Ukraine sẽ còn kéo dài, bởi sự tồn vong của nước Nga đang bị đe dọa.
Những mục tiêu chính của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO
Trong khi một số thành viên NATO ở châu Âu ủng hộ mạnh mẽ triển vọng gia nhập liên minh của Ukraine, Mỹ vẫn hoài nghi rằng việc nhanh chóng gia nhập NATO của Kiev là điều không cần thiết cho chính liên minh.
Tổng thư ký Jens Stoltenberg (trái) gặp Tổng thống Ukraine Zelensky trong một chuyến thăm Kiev. Ảnh: Nato.int
Theo tờ Pravdar châu Âu của Ukraine (eurointegration.com.ua), Kiev đang chắc chắn rằng Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius dự kiến diễn ra vào ngày 11/7 tới sẽ rất quan trọng đối với tư cách thành viên trong tương lai của nước này trong bối cảnh có những thành viên của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu thiếu sự đồng thuận trước thềm cuộc họp của các nhà lãnh đạo NATO.
Ukraine đã bị NATO từ chối tư cách thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest 2008, nhưng kể từ đó, quan điểm của một số thành viên đã "thay đổi 180 độ". Giờ đây, Pháp và đặc biệt là các nước ở vùng Baltic đang vận động để Ukraine vào NATO. Tuy nhiên, Mỹ, vốn là động lực thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO vào năm 2008, hiện do dự trong việc xác nhận bất kỳ bước tiến nào.
Nhưng Kiev nhắc lại rằng họ sẽ không chấp nhận dừng lại. Mặc dù cố vấn ngoại giao của Tổng thống Zelensky, Ihor Zhovkva, thừa nhận rằng tư cách thành viên NATO sẽ không xảy ra khi Ukraine đang có xung đột, nhưng ông này khẳng định rằng không có gì ngăn cản NATO mời Ukraine trở thành thành viên về mặt chính trị ngay bây giờ.
Theo ông Zhovkva, Ukraine sẽ từ chối bất kỳ quyết định nào từ hội nghị thượng đỉnh sắp tới với kết quả như "làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác" giữa Ukraine và NATO, ngay cả khi điều này được giải thích là "sự chuẩn bị cho tư cách thành viên trong tương lai", theo Kế hoạch hành động thành viên (MAP).
"Chúng tôi không muốn bất kỳ kế hoạch, chương trình mục tiêu nào", ông Ihor Zhovkva, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine kiêm Cố vấn Ngoại giao về Hội nhập châu Âu - Đại Tây Dương, giải thích tại một hội nghị ở Kiev.
Ông Zhovkva nói thêm rằng Kiev đang kỳ vọng vào hai vấn đề sẽ "quyết định thành công lịch sử" của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius: "Thứ nhất là quyết định chính trị để bắt đầu thủ tục cho Ukraine trở thành thành viên và tiếp theo là quyết định liên quan đến đảm bảo an ninh", đồng thời lưu ý thêm rằng Ukraine sẽ "không thỏa hiệp".
"Ukraine muốn nhận được một quy trình ở Vilnius, vốn đã nằm trên bàn của mỗi nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên NATO. Mọi người đều biết về chúng. Mọi người đều cảm thấy rằng Ukraine sẽ kiên quyết yêu cầu đến ngày cuối cùng trước khi hội nghị thượng đỉnh điễn ra", cố vấn ngoại giao của Tổng thống Zelensky tuyên bố.
Mặc dù quy trình cụ thể không được tiết lộ, nhưng phác thảo chung được chỉ ra là: Đầu tiên, Ukraine nhấn mạnh vào công thức được áp dụng cho Thụy Điển và Phần Lan. Điều đó có nghĩa là NATO chính thức công nhận "đơn xin gia nhập" của Ukraine mà không qua các giai đoạn trung gian như MAP, trái ngược với thủ tục tiêu chuẩn của NATO.
Thứ hai, Kiev đồng ý rằng thủ tục có thể chậm lại sau khi được khởi động một cách nhanh chóng. Như một lựa chọn, NATO có thể công bố "lời mời chính trị" tại Vilnius, với xác nhận cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào năm 2024.
Thứ ba, quyết định cuối cùng về tư cách thành viên NATO của Ukraine được đề xuất đưa ra khi "các điều kiện an ninh" hoặc "các cân nhắc về an ninh" cho phép. Điều này có nghĩa là trong bối cảnh Ukraine tiếp tục bị pháo kích, dẫn đến các điều kiện an ninh vẫn còn nhiều thách thức, nhưng các thành viên NATO có thể thay đổi các cân nhắc về an ninh để ngăn Nga có quyền "phủ quyết ẩn" (Nga cố tình tấn công Ukraine để chặn tư cách thành viên NATO của Kiev) đối với việc gia nhập của Ukraine.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine thừa nhận rằng vẫn chưa có sự đồng thuận trong NATO về tư cách thành viên của Kiev. Nhiều nguồn tin của Pravda cho biết vấn đề chính của Ukraine là quan điểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Nhà Trắng, với sự nghi ngờ rằng việc Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO là điều không cần thiết cho chính liên minh.
Ian Brzezinski, thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định về tính khả thi của các kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine: "Tôi cho rằng có thể mời Ukraine gia nhập tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington năm 2024. Tiếp đó, Điều 5 (về phòng thủ tập thể trong NATO) sẽ chỉ áp dụng cho các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát".
Đức cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng dập tắt hy vọng sớm gia nhập NATO Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 22/6 đã cam kết đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine nhưng đã dập tắt hy vọng của Kiev về việc nhanh chóng trở thành thành viên NATO. Các đồng minh phương Tây tranh luận căng thẳng về hình thức "bảo đảm an ninh" cho Ukraine. Ảnh: EPA "Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ...