Hàn Quốc lại thắp sáng “cây thông Giáng sinh” dọc biên giới
Tháp đèn “ cây thông Giáng sinh” được thắp sáng tại biên giới liên Triều hồi năm 2010 – Ảnh: Reuters
Người Hàn Quốc đã thắp sáng một tòa tháp có gắn đèn trang trí như cây thông Giáng sinh khổng lồ đặt gần biên giới Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 23.12 cho biết, bộ này cho phép những người Hàn theo Công giáo thắp sáng hàng ngàn bóng đèn điện trang trí trên ngọn tháp khổng lồ bằng sắt cho đến ngày 2.1.2013, theo hãng tin AP.
Bình Nhưỡng, vốn từ lâu đã cho rằng Seoul dùng tháp đèn này để tuyên truyền chống phá Triều Tiên, vẫn chưa có phản ứng gì trước thông tin này.
Theo hãng tin Yonhap, nhiều người dân Hàn Quốc tại biên giới giáp Triều Tiên đã lên tiếng phản đối. Họ cho rằng việc thắp sáng tháp đèn này có nguy cơ làm mất an ninh khu vực biên giới.
“Cây thông Giáng sinh” ở biên giới liên Triều này không được thắp sáng hồi năm ngoái, do các quan chức Hàn Quốc muốn tránh căng thẳng gia tăng giữa hai nước sau cái chết của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il hồi tháng 12.2011.
Video đang HOT
Hồi năm 2004, Bình Nhưỡng và Seoul đạt được thỏa thuận chấm dứt tuyên truyền chống phá tại biên giới hai nước này. Hàn Quốc sau đó đã dừng hoạt động thắp sáng tháp đèn tại biên giới hoàn toàn, nhưng lại khôi phục vào năm 2010, theo AFP.
An ninh tại khu vực biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc được siết chặt sau khi Bình Nhưỡng phóng thành công tên lửa Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo hôm 12.12.
Theo TNO
Cuộc đua gay cấn của các ứng viên tổng thống Hàn Quốc
Người dân Hàn Quốc cuốn mình trong áo choàng và khăn quàng cổ, đi bỏ phiếu để chọn ra tổng thống mới giữa một ứng viên có tư tưởng hòa giải với Triều Tiên và nữ ứng viên đầu tiên cho chức vụ tổng thống.
Ông Moon Jae-in (trái) và bà Park Geun-hye, có cuộc chạy đua sít sao vào Nhà Xanh của Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Bà Park Geun-hye, 60 tuổi, thành viên đảng cầm quyền Saenuri, nỗ lực trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, với cam kết phục hồi kinh tế và đoàn kết dân tộc. Bà là con gái cựu tổng thống Park Chung-hee, nhân vật gây tranh cãi nhất Hàn Quốc thời hiện đại, vừa được ngưỡng mộ vì đã đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, vừa bị lên án vì chính sách đàn áp tàn nhẫn những người bất đồng chính kiến suốt 18 năm cầm quyền.
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm chạp và dấu hiệu khoảng cách thu nhập ngày càng tăng, các nhà quan sát nói hình ảnh của bà Park Geun-hye gợi nhớ đến thời điểm nền kinh tế Hàn Quốc từ nghèo đói trở nên giàu có dưới thời cầm quyền của cha bà.
Đối thủ của bà là ông Moon Jae-in, 58 tuổi, thuộc đảng đối lập chính Liên minh Dân chủ (DUP). Ông Moon là con trai của gia đình người gốc Triều Tiên và ủng hộ quan điểm đối thoại với Triều Tiên vì những lợi ích về an ninh và kinh tế.
Người dân Hàn Quốc bày tỏ lo ngại trước tình hình kinh tế và chán ghét tệ tham nhũng mà đương kim Tổng thống Lee Myung-bak và gia đình được cho là có liên quan. Nhiều cử tri cũng phản đối quan điểm và đường lối cứng rắn của ông Lee đối với nước láng giềng Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng quyết tâm phóng tên lửa và thể hiện quan điểm đối đầu với Hàn Quốc.
Cả hai ứng cử viên đều cam kết sẽ thay đổi chính sách với Triều Tiên nhưng ông Moon nổi bật hơn so với bà Park trong vấn đề này. Ông Moon từng là cựu nhân viên của người tiền nhiệm của ông Lee, cố tổng thống Roh Moo-hyun, người đã đấu tranh cho "chính sách ánh dương" về việc viện trợ không hoàn lại cho Bình Nhưỡng. Ông Moon cũng muốn gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong khi bà Park cũng có kế hoạch tương tự nhưng chỉ là "cuộc đối thoại trung thực về vấn đề hai bên cùng quan tâm".
Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy bà Park và ông Moon có cuộc chạy đua gay cấn vào chiếc ghế lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á và là đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực.
"Mọi việc hiện tại phụ thuộc vào số phận. Tôi đã nỗ lực hết sức của mình", ứng cử viên Moon Jae-in nói với các phóng viên tại điểm bỏ phiếu ở thành phố Busan, miền nam Hàn Quốc.
Bà Park, có 5 năm ngồi ghế nghị sĩ, bỏ phiếu tại Seoul và nói rằng bà chờ đợi sự chọn lựa sáng suốt của người dân và kêu gọi các cử tri "mở ra thời kỳ mới" cho đất nước.
"Tôi không ăn sáng mà đi bỏ phiếu. Tôi đã đợi ngày này 5 năm. Tôi nghĩ đã đến lúc thay đổi chính phủ mới", Kim Young-jin, một cử tri 37 tuổi, nói và cho biết anh bỏ phiếu cho ông Moon.
Tại một điểm bỏ phiếu khác ở Seoul, những cử tri cả già cả trẻ xếp thành hàng dài chờ bỏ phiếu, bấp chấp thời tiết giá lạnh. "Tôi tin tưởng bà Park", Choi Yong-ja, một cử tri 59 tuổi cho biết khi bà rời điểm bỏ phiếu tại một trường học. "Bà ấy có kinh nghiệm chính trường phong phú".
Cả hai ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc đều cam kết sẽ chống tham nhũng, tăng cường phúc lợi xã hội, hỗ trợ những công ty nhỏ, giảm khoảng cách giàu nghèo, nhưng khác nhau ở mức độ thực hiện. Ông Moon muốn nhanh chóng mở rộng phúc lợi, trong khi bà Park thận trọng hơn với lo ngại việc mở rộng quá nhiều có thể làm tổn thương nền kinh tế.
Về vấn đề đối ngoại, dù ai sẽ trở thành tổng thống thì Nhà Xanh cũng sẽ có những mối quan hệ kiểu mới với Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tất cả các nước kể trên đều có những nhà lãnh đạo vừa bắt đầu nhiệm kỳ mới. Cả hai ứng cử viên đều cam kết thúc đẩy quan hệ đồng minh với Mỹ và tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu ông Moon thắng cử thì có thể tạo ra sự không hài lòng từ Washington khi hỗ trợ cho Bình Nhưỡng mà không kèm theo điều kiện giải trừ vũ khí hạt nhân nào.
Ngoài ra, nếu ông Moon chiến thắng, thì chính là kết quả phản ánh sự chán nản của người dân với chính quyền của tổng thống Lee, Hahm Sung Deuk, chuyên gia của trường đại học Hàn Quốc tại Seoul, cho hay. Ông Moon nổi lên là "một người tử tế, trung thực và trong sạch".
Cuộc đua của hai ứng cử viên với điểm đáng chú ý là Hàn Quốc có thể có nữ tổng thống đầu tiên. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc chạy đua về bình đẳng giới mà người dân sẽ căn cứ và các chính sách về kinh tế và ngoại giao của các ứng viên để quyết định. Cuộc bỏ phiếu sẽ kết thúc vào 18h chiều nay.
Theo VNE
Người Hàn, Triều trong ngày 12/12/12 Người dân Hàn Quốc và Triều Tiên có những cảm xúc trái ngược nhau trong ngày 12/12/2012, khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Những người dân Triều Tiên bước đi trên một con phố tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm nay. Ảnh: Xinhua Những người này cùng nhảy múa phía trước một nhà...