Hàn Quốc kéo dài thời gian hỗ trợ nạn nhân trong thảm họa chìm phà Sewol
Theo hãng tin Yonhap, ngày 29/5, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua dự luật gia hạn hỗ trợ cho các nạn nhân của vụ chìm phà Sewol năm 2014.
Xác phà Sewol được trục vớt và đặt trên một tàu lặn ở ngoài khơi đảo Jindo, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong cuộc họp nội các bất thường, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật Hỗ trợ Nạn nhân Sewol sửa đổi. Dự luật Sewol kêu gọi kéo dài thời gian hỗ trợ chi phí y tế cho các nạn nhân thảm họa thêm 5 năm. Tổng cộng 304 người, chủ yếu là học sinh trung học đã thiệt mạng khi phà Sewol 6.800 tấn chìm ngoài khơi bờ biển Tây Nam Hàn Quốc hồi tháng 4/2014.
Cũng trong cuộc họp, Chính phủ Hàn Quốc chấp thuận các kiến nghị yêu cầu Quốc hội xem xét lại 4 dự luật khác. Cả 5 dự luật đều được Quốc hội do phe đối lập kiểm soát thông qua vào ngày 28/5 bất chấp sự phản đối từ đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền.
Theo giới quan sát, Tổng thống Yoon Suk Yeol có thể sẽ ủng hộ kiến nghị trên của chính phủ. Nếu điều này xảy ra, đây là lần thứ 14 trong 2 năm lãnh đạo, Tổng thống Yoon Suk Yeol sử dụng quyền phủ quyết các dự luật đã được Quốc hội thông qua.
Quốc hội khóa hiện tại của Hàn Quốc sẽ kết thúc vào nửa đêm 29/5. Theo quy định, dự luật bị phủ quyết trong nhiệm kỳ của Quốc hội sắp mãn nhiệm sẽ không thể được đưa ra biểu quyết lại tại Quốc hội khóa mới, có nhiệm kỳ bắt đầu từ ngày 30/5. Điều đó có nghĩa là 4 dự luật này nếu bị phủ quyết, sẽ tự động bị hủy bỏ.
Video đang HOT
Trong 4 dự luật được kiến nghị xem xét lại có luật nhằm hỗ trợ các nạn nhân của một loạt vụ lừa đảo cho thuê nhà, luật hỗ trợ người nông dân nuôi bò thịt “hanwoo” chất lượng cao,…
Sau 10 năm, người thân nạn nhân thảm kịch Sewol vẫn đấu tranh tìm câu trả lời
Một thập kỷ đã trôi qua, gia đình nạn nhân đã ra đi trong vụ chìm phà Sewol ngày 16/4/2014 vẫn sống trong nỗi đau và muốn nhận được câu trả lời từ chính phủ.
Phà Sewol được trục vớt sau khi bị chìm vào tháng 4/2014, vẫn đang neo đậu tại một cảng ở Mokpo, Hàn Quốc. Ảnh: EPA-EFE
Tháng Tư hàng năm, khi nhìn đường phố Hàn Quốc ngập cánh hoa đào rơi, bà Kim Soon-sil nhớ đến 10 năm trước thường đón cô con gái 17 tuổi Jin Yun-hee tan học và cùng chuyện trò trên đường về nhà. Nhưng cũng một ngày xuân như thế này, ngày 16/4/2014, bà Kim đã mãi mãi mất đi con gái trong thảm kịch chìm phà Sewol.
Vụ chìm phà khiến 304 trong số 476 hành khách và thủy thủ đoàn thiệt mạng khi nó bị lật úp ngoài khơi đảo Jindo ở phía tây nam Hàn Quốc.
Hầu hết nạn nhân là những học sinh đang trong chuyến đi học đến đảo nghỉ mát Jeju, bạn học của Yun-hee ở trường trung học Danwon ở thành phố Ansan. Các học sinh đã được yêu cầu ở lại trong cabin của mình khi chiếc phà đang chìm và cuối cùng thiệt mạng thương tâm trong khi chờ đợi cuộc giải cứu không bao giờ đến.
Mười năm trôi qua, những người thân trong gia đình nạn nhân vụ chìm phà Sewol như bà Kim vẫn đau buồn vì những đứa con đã mất. Họ muốn có câu trả lời và không ngừng hối thúc chính phủ đưa ra lời xin lỗi chính thức trước khi mọi chuyện phai dần theo thời gian.
Ông Kim Jong-gi, người có cô con gái 18 tuổi nằm trong số các nạn nhân, nói với truyền thông nước ngoài trong cuộc họp báo ngày 15/4: "Chúng tôi lo lắng về việc ký ức về vụ phà Sewol sẽ bị xóa trước khi sự thật được tiết lộ". Ông cho biết, con gái ông - Kim Soo-jin là con út trong gia đình.
"Tôi rất tiếc cho con gái mình vì chỉ sống được 18 năm ngắn ngủi. Mười năm sau thảm kịch, đôi khi tôi thấy những đứa trẻ khác hoặc bạn bè của con sống trọn vẹn những năm tháng tuổi trẻ, có những lúc tôi cảm thấy ghen tị với điều đó".
Theo kết quả điều tra được công bố vào năm 2018 đã không xác định được nguyên nhân gây ra thảm kịch; mặc dù các yếu tố như sửa đổi tàu trái phép, chở hàng quá tải gấp ba lần giới hạn và lỗi của con người có thể đã góp phần gây ra vụ chìm phà.
Thuyền trưởng, người đã bỏ rơi phà và các nạn nhân đang thụ án tù chung thân trong khi 14 thành viên thủy thủ đoàn khác nhận mức án lên tới 12 năm tù.
Sự phẫn nộ của công chúng khi việc giải cứu thất bại cũng khiến các sĩ quan bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bị buộc tội sai sót trong xử lý việc giải cứu. Cho đến nay chỉ có một chỉ huy bị kết án trong khi cựu giám đốc lực lượng bảo vệ bờ biển Kim Suk-kyoon được tuyên trắng án vào tháng 11/2023.
Được biết vào thời điểm xảy ra vụ việc, khi tin tức về thảm nổ ra đã không thể liên lạc với Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Park Geun-hye và bà vẫn không lên tiếng suốt 7 giờ sau đó.
Nhiều cáo buộc cho rằng các mốc thời gian của thảm kịch đã được sửa đổi để góp phần che đậy cho sự vắng mặt kéo dài hàng giờ của bà Park Geun-hye. Bi kịch được coi là một trong những yếu tố góp phần dẫn đến việc bà bị luận tội vào năm 2017.
Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc ban đầu dự kiến phát sóng một bộ phim tài liệu kỷ niệm 10 năm Sewol để nhìn lại thảm kịch và cuộc đấu tranh của những người sống sót với chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) vào ngày 18/4, nhưng đã hủy bỏ kế hoạch vì sợ rằng nó "có thể ảnh hưởng đến tổng tuyển cử" đang diễn ra ở nước này.
Sau đó, họ nói rằng bộ phim tài liệu sẽ được làm lại thành một loạt phim kể về các trường hợp PTSD của nhiều bi kịch khác nhau và sẽ được phát sóng vào nửa cuối năm nay.
Mặc dù ban đầu có những lo ngại rằng thảm họa dẫm đạp ở Itaewon vào ngày 29/10/2022 có thể làm mọi người không còn chú ý về thảm kịch Sewol, nhưng trên thực tế, nó đã mang lại cho các gia đình Sewol nguồn năng lượng mới trong hành trình tìm kiếm sự thật.
Ông Lee Tae-ho, chủ tịch Liên minh thảm họa chìm phà Sewol 16/4 nói với các phóng viên: "Chúng tôi đã nghĩ rằng có lẽ tiếng nói của chúng tôi và toàn bộ thảm kịch chìm phà sẽ bị gác lại sau sự chống động của vụ Itaewon. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, chúng tôi sớm nhận ra rằng cũng giống như chúng tôi, những gia đình có người thân ra đi trong thảm kịch Itaewon có cùng mục tiêu là tìm ra sự thật và tìm cách tạo ra một xã hội an toàn cho tất cả mọi người".
Ông Kim Jong-gi thừa nhận rằng việc cố gắng lưu giữ ký ức của công chúng về sự việc sau một thập kỷ đã trôi qua là một thách thức. Ông ước tính chỉ có 25% thành viên gia đình nạn nhân chìm phà Sewol còn hoạt động trong nhóm tìm kiếm sự thật. Hầu hết họ rời đi vì kiệt sức về thể chất, tinh thần, khó khăn tài chính và các vấn đề gia đình khác.
"Nhưng ngay cả khi chỉ còn một người trong nhóm, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để tiết lộ sự thật và xây dựng một xã hội an toàn hơn cho mọi người", ông nói.
Vụ Triều Tiên bắn đạn pháo: Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế Ngày 5/1, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế" sau khi Hàn Quốc cho biết Triều Tiên cùng ngày đã bắn loạt đạn pháo gần hai đảo của Hàn Quốc. Đơn vị pháo binh Hwasong của Quân đội Nhân dân Triều Tiên tiến hành tập trận tấn công hỏa lực. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Phát biểu với báo giới, người...