Hàn Quốc gia hạn giãn cách xã hội mức cao nhất ở vùng thủ đô Seoul
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này phát hiện thêm 1.540 ca COVID-19, trong đó có 1.476 ca lây nhiễm trong nước và 64 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 213.987 ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 1/8/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Trong số các trường hợp lây nhiễm tại địa phương, thủ đô Seoul ghi nhận 356 ca, tiếp theo là tỉnh Gyeonggi, bao quanh Seoul với 398 ca và 64 ca ở thành phố Incheon. Thành phố cảng Busan ghi nhận thêm 105 ca mắc.
Hàn Quốc thông báo đã có thêm 9 người tử vong, nâng tổng số người tử vong do dịch COVID-19 lên 2.134 người.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách quyết định gia hạn thực hiện giãn cách xã hội mức độ cao nhất (cấp độ 4) ở vùng thủ đô Seoul đến ngày 22/8 tới, trong khi đa số các khu vực khác áp dụng lệnh giãn cách ở cấp độ 3.
Thành phố Busan, miền Nam Hàn Quốc, quyết định nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 4, mức cao nhất, để phòng ngừa dịch COVID-19. Theo đó, 7 bãi tắm nổi tiếng của thành phố đều phải tạm đóng cửa, dừng đón du khách. Dù chỉ tạm bị đóng cửa, nhưng chỉ 2 tuần nữa là qua đợt cao điểm nghỉ mát mùa Hè, nên hoạt động của các bãi tắm này trong năm nay coi như đã kết thúc vào cuối tuần trước. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng giới hạn tụ tập riêng tư dưới 4 người cho tới 18h, và chỉ 2 người vào ban đêm.
Thành phố cũng rút ngắn thời gian hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng, giảm 30% số chuyến xe buýt nội thành và 12% số tuyến xe buýt chạy trong quận, phường sau 22h. Các tuyến đường sắt đô thị cũng bị giảm 30% số chuyến, áp dụng từ ngày 13/8, do cần thời gian điều chỉnh các tuyến. Với phương tiện taxi, thành phố khuyến cáo giới hạn số hành khách đi taxi tối đa là 2 người sau 18h.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc hướng dẫn vẫn cho học sinh tới trường ở mức giãn cách xã hội cấp độ 4, song chính quyền thành phố Busan vẫn quyết định chuyển sang giảng dạy từ xa bắt đầu từ tuần này, áp dụng trong vòng 1 tuần, sau đó sẽ quyết định phương án giảng dạy cụ thể.
* Cùng ngày 10/8, nhà chức trách Australia thông báo tăng cường thực thi biện pháp giãn cách để phòng chống dịch COVID-19 tại thành phố Sydney thuộc bang New South Wales (NSW) sau khi thành phố này ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất từ đầu dịch.
Chính quyền bang NSW cho biết cảnh sát đã được yêu cầu tăng cường kiểm tra số lượng người được phép ở trong các cửa hàng nhỏ và kiểm soát những người di chuyển trong trường hợp không cần thiết.
Video đang HOT
Hơn 5 triệu dân thành phố Sydney hiện đang thực hiện lệnh giãn cách trong hơn 6 tuần trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát mạnh do biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ có khả năng lây lan cao. Thành phố lớn nhất Australia công bố thêm 343 ca mắc ngày 10/8, tăng 66 ca so với một ngày trước.
Chính quyền bang NSW cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong, đều là những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Tổng cộng 357 ca mắc đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 60 ca được điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt với 28 ca cần thở máy.
"Giải mã" cảnh báo cứng rắn của em gái ông Kim Jong-un
Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phản ứng giận dữ trước việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung, bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng.
Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul năm 2018 (Ảnh: AP).
Bà Kim Yo-jong, em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 10/8 đã chỉ trích chính quyền Hàn Quốc "phản bội" khi tiến hành cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ. Trước đó, truyền thông Hàn Quốc đưa tin Mỹ và Hàn Quốc sẽ bắt đầu cuộc huấn luyện sơ bộ kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ 10/8, trước khi tổ chức tập trận giả lập trên máy tính từ ngày 16-26/8.
Tuyên bố của bà Kim Yo-jong - Phó chủ nhiệm thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên - được đưa ra bất chấp sự tan băng gần đây trong quan hệ Hàn - Triều, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in liên tục trao đổi thư cá nhân.
Tháng trước, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí khôi phục đường dây liên lạc xuyên biên giới, vốn bị cắt đứt từ hơn một năm trước, đồng thời thông báo các nhà lãnh đạo của hai nước đã đồng ý cải thiện quan hệ.
Bà Kim Yo-jong, cố vấn thân cận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là quan chức cấp cao trong chính quyền Triều Tiên, đã lên án quốc gia phía Nam tổ chức các cuộc tập trận chung "nguy hiểm" với Washington trong tháng này. Bình Nhưỡng từ lâu vẫn cho rằng việc Hàn Quốc và Mỹ tập trận chung nhằm chuẩn bị cho kịch bản xâm chiếm Triều Tiên.
"Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng hơn khi phớt lờ những cảnh báo liên tục của chúng tôi để thúc đẩy các cuộc tập trận quân sự nguy hiểm", bà Kim Yo-jong cho biết.
Bà Kim Yo-jong cũng chỉ trích Mỹ "đạo đức giả" khi một mặt đề xuất nối lại đối thoại về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, mặt khác lại tập trận chung với Hàn Quốc. Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng sẽ không thể có hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên trừ khi Mỹ rút binh sĩ và vũ khí khỏi Hàn Quốc.
"Để duy trì hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ buộc phải rút quân và khí tài chiến tranh được triển khai ở Hàn Quốc. Chừng nào lực lượng Mỹ còn ở lại Hàn Quốc, nguyên nhân sâu xa khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng sẽ không bao giờ biến mất", bà Kim Yo-jong cho biết.
Theo giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, tuyên bố của bà Kim Yo-jong cho thấy Triều Tiên sẽ tiếp tục yêu cầu Mỹ rút quân, nhưng sẽ không thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào để trả đũa các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc.
"Đánh giá từ tuyên bố này cho thấy, Triều Tiên có khả năng sẽ kêu gọi mạnh mẽ việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc nếu đối thoại mở lại", chuyên gia Yang nhận định.
Trong tuyên bố mới nhất, bà Kim Yo-jong cho biết Triều Tiên sẽ "thúc đẩy các nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa năng lực phòng thủ quốc gia và khả năng tấn công phủ đầu mạnh mẽ" để có thể nhanh chóng đáp trả bất kỳ hành động quân sự nào.
"Thực tế đã chứng minh rằng chỉ có sự răn đe thực tế, chứ không phải lời nói, mới có thể đảm bảo hòa bình và an ninh cho bán đảo Triều Tiên và chúng ta phải tăng cường sức mạnh để đáp trả mạnh mẽ các mối đe dọa từ bên ngoài", bà Kim Yo-jong nhấn mạnh.
Trước đó, hồi tháng 1, ông Kim Jong-un đã tuyên bố tại một cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên rằng, Bình Nhưỡng sẽ "tăng cường hơn nữa khả năng răn đe hạt nhân" và liệt kê một loạt vũ khí mà Triều Tiên đang phát triển, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật tối tân, tên lửa đa đầu đạn, vệ tinh trinh sát quân sự, tàu ngầm hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm và đất liền.
Triều Tiên muốn giữ ưu thế đàm phán?
Theo giới phân tích, hiện vẫn chưa rõ liệu việc bà Kim Yo-jong đe dọa nâng cao năng lực tấn công phủ đầu có báo hiệu việc Triều Tiên nối lại hoạt động thử nghiệm vũ khí hay không.
Vào tháng 3, Triều Tiên đã chấm dứt một năm tạm dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo bằng việc bắn 2 tên lửa tầm ngắn xuống biển. Triều Tiên có truyền thống "nắn gân" các chính quyền mới của Mỹ bằng các cuộc thử nghiệm vũ khí và các hành động khiêu khích nhằm "đo đếm" phản ứng của Washington và đạt được nhượng bộ.
Tuy nhiên Triều Tiên không thực hiện bất kỳ vụ thử vũ khí nào kể từ đó, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tập trung mọi nỗ lực vào việc đối phó với đại dịch Covid-19 và cứu vãn nền kinh tế đang gặp khó khăn nghiêm trọng do đóng cửa biên giới để chống dịch.
Phản ứng giận dữ của bà Kim Yo-jong, một quan chức Triều Tiên, đối với cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn càng làm tiêu tan hy vọng của Hàn Quốc về việc cải thiện quan hệ song phương, dù hai nước đã nhất trí nối lại đường dây liên lạc hồi tháng 7.
Một số nhà phân tích cho rằng quyết định khôi phục đường dây liên lạc của Triều Tiên chủ yếu nhằm thúc đẩy Seoul thuyết phục Washington nhượng bộ trong khi chính sách ngoại giao hạt nhân vẫn còn bế tắc.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Martin Meiners từ chối bình luận về tuyên bố của bà Kim Yo-jong. "Hoạt động huấn luyện kết hợp là quyết định song phương của Mỹ - Hàn và bất kỳ quyết định nào được đưa ra cũng dựa trên một thỏa thuận chung", ông Meiners nói.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang thảo luận về thời gian, quy mô và phương thức của cuộc tập trận thường kỳ. Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan phụ trách các mối quan hệ với Triều Tiên, cho biết họ sẽ không suy đoán về ý định của Triều Tiên mà sẽ chuẩn bị cho mọi khả năng có thể xảy ra.
Chuyên gia Yang Moo-jin cho biết Bình Nhưỡng có thể đang cố gắng đảm bảo duy trì được ưu thế trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Hàn Quốc và Mỹ.
"Mặc dù Kim Yo-jong đề cập đến hành vi "phản bội", nhưng giọng điệu của cô ấy có vẻ tương đối kiềm chế vì không đe dọa những hành động cụ thể mà Triều Tiên có thể thực hiện như những lần trước đây", ông Yang nhận định.
Mỹ hiện duy trì khoảng 28.500 quân tại Hàn Quốc. Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc đã được thu hẹp lại trong những năm gần đây để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các cuộc đàm phán đã sụp đổ vào năm 2019. Mặc dù cả Triều Tiên và Mỹ đều khẳng định sẵn sàng đối thoại, song cả hai nước cũng nói rằng hành động của bên này sẽ phụ thuộc vào thiện chí của phía bên kia.
Giới chuyên gia dịch tễ Hàn Quốc khuyến cáo về biến thể Delta Plus Ngày 4/8, các chuyên gia dịch tễ Hàn Quốc đã khuyến cáo chính phủ nước này cần thực hiện ngay các biện pháp phủ đầu trước khi biến thể Delta Plus lây lan rộng ra cộng đồng. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 1/8/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Seoul,...