Hàn Quốc cân nhắc gia hạn lưu trú cho lao động thời vụ nước ngoài
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét tăng thêm thời gian lưu trú, tối đa đến 8 tháng, cho lao động thời vụ nước ngoài, đồng thời mở rộng phạm vi công việc cũng như cải thiện tiêu chuẩn đảm bảo mức lương tối thiểu nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động trầm trọng tại khu vực nông thôn.
Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ảnh tư liệu: Anh Nguyên/PV TTXVN tại Hàn Quốc
Trong tuyên bố ngày 26/11, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn; Bộ Đại dương và Thủy sản để cải thiện hệ thống làm việc thời vụ theo hướng trên. Đây là biện pháp tiếp theo trong Kế hoạch thúc đẩy chính sách nhập cư mới do Bộ Tư pháp công bố hồi tháng 9 vừa qua. Kế hoạch này quy định, các cơ quan sẽ tiếp nhận ý kiến của các tầng lớp trong xã hội để thúc đẩy cải thiện chế độ cho lao động thời vụ nước ngoài trong ngành nông nghiệp và thủy sản.
Chế độ lao động thời vụ nước ngoài cho phép tuyển dụng người lao động nước ngoài trong thời gian tối đa 8 tháng để làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp, vốn rất cần nhân lực ngắn hạn theo từng thời điểm cho các hoạt động gieo trồng và thu hoạch. Trước đây, chủ tuyển dụng phải đảm bảo thuê lao động nước ngoài làm việc tối thiểu 75% thời gian lưu trú và trả lương tương ứng. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cho thấy quy định này không hoàn toàn phù hợp trong một số điều kiện nhất định như thời tiết không cho phép, hay tạo gánh nặng trả tiền công lớn cho các chủ thuê nhân công do lương tối thiểu tăng.
Vì thế, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch thay đổi tiêu chuẩn tuyển dụng bắt buộc thành đảm bảo trả lương cho lao động thời vụ trên 35 giờ/tuần trong thời gian lưu trú. Hợp đồng lao động cũng sẽ linh hoạt hơn như thời gian làm việc mùa cao điểm là 48 tiếng/tuần, trong khi vào tháng 7 và 8 thường có nắng nóng và mưa sẽ giảm xuống còn 35 tiếng/tuần. Ngoài ra, phạm vi công việc cũng sẽ được mở rộng, cho phép lao động thời vụ nước ngoài có thể làm các việc như chọn lọc, rửa, đóng gói, sơ chế nông sản và quản lý cây giống trong các cơ sở công cộng như trung tâm phân phối nông sản khi điều kiện thời tiết không cho phép họ làm việc ngoài đồng ruộng.
Theo kế hoạch, từ ngày 1/1/2025 đến năm 2026, Hàn Quốc sẽ giảm dần số lượng lao động thời vụ được người nhập cư theo diện kết hôn mời sang làm việc. Cụ thể, mỗi người nhập cư theo diện kết hôn chỉ được mời tối đa 10 lao động thời vụ nước ngoài sang làm việc, thay vì 20 người như trước đây, đồng thời cũng sẽ giới hạn đối tượng được mời là người trong họ hàng gồm bố mẹ, vợ/chồng, anh chị em ruột, cô chú, dì cậu, anh chị em họ.
Ngoài ra, 2 loại thị thực dành cho lao động thời vụ hiện tại sẽ được hợp nhất thành một loại thị thực duy nhất (E-8), trong khi mức trần thời gian lưu trú được kéo dài từ 5 tháng lên 8 tháng mà không cần xin gia hạn.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ xây dựng cơ chế hợp tác giữa các cơ quan liên quan để bảo vệ quyền lợi của lao động thời vụ, tăng cường rà soát liên ngành và đảm bảo những người bị thiệt hại có thể tái tham gia chương trình lao động thời vụ.
Hàn Quốc tuyển dụng thêm 26.788 lao động thời vụ người nước ngoài
Bộ Tư pháp Hàn Quốc (MoJ) ngày 14/12 cho biết Hội đồng thẩm định bố trí lao động thời vụ người nước ngoài đã nhất trí tuyển dụng thêm 26.788 lao động thời vụ người nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 nhằm giải tỏa vấn nạn thiếu nhân lực ở vùng nông thôn và làng chài.
Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ảnh tư liệu: Anh Nguyên/TTXVN
Đây sẽ là lần tuyển dụng cao kỷ lục của Hàn Quốc và cao gấp 2 lần số lượng lao động thời vụ đã được "chiêu mộ" trong nửa đầu năm 2022 với 12.330 người.
Theo MoJ, các địa phương được phép sử dụng nhân lực lao động người nước ngoài cũng tăng từ 114 trong nửa đầu năm 2022 lên 124 trong nửa đầu năm 2023. Ngoài ra, MoJ cũng sẽ cho phép các hộ nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ ở huyện Goseong, tỉnh Nam Gyeongsang được tuyển dụng lao động thời vụ người nước ngoài trong mùa nuôi cấy giống sò điệp từ tháng Hai đến tháng Năm và mùa thu hoạch từ tháng Bảy tới. Tuy nhiên, người lao động đến từ những quốc gia có tỷ lệ lao động thời vụ bỏ trốn cao sẽ bị hạn chế tuyển dụng trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2023. Đặc biệt, trong các quốc gia có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao, một số nước chỉ bị hạn chế tuyển dụng trong 1 năm.
MoJ cho biết sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác với các chính quyền địa phương để những khu vực nông thôn và làng chài thiếu nhân lực có thể tuyển dụng lao động mùa vụ người nước ngoài một cách suôn sẻ và kịp thời.
Người lao động nước ngoài đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong thời hạn 3 tháng hoặc 5 tháng được cấp visa C-4 hoặc E-8 với công việc chủ yếu làm trong lĩnh vực nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản nông sản... Điều kiện đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc cũng khá đơn giản như: người lao động ở độ tuổi từ 25 đến 40, sức khỏe tốt và không yêu cầu về trình độ bằng cấp. Thu nhập nhận của người lao động thời vụ ở Hàn Quốc vào khoảng từ 40 triệu đồng/tháng đến 50 triệu đồng/tháng.
Trên 10.000 người nhập cư bất hợp pháp phải rời khỏi Hàn Quốc Ngày 14/12, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết trong hai tháng vừa qua, trên 10.000 người nhập cư bất hợp pháp đã rời nước này sau chiến dịch trấn áp của cơ quan chức năng sở tại và thực hiện chương trình tự nguyện về nước. Hành khách tại sân bay Incheon ở phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh tư...