Hội thảo tư vấn viên lao động Việt Nam tại Hàn Quốc
Ngày 24/8, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Seoul, Ban quản lý lao động Việt Nam phối hợp với Văn phòng quản lý lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động người nước ngoài (EPS) tại Hàn Quốc đã tổ chức hội thảo tư vấn viên, đại diện nhóm cộng đồng Việt Nam tại Hàn Quốc.
Tham dự hội thảo có Tham tán Công sứ Nguyễn Việt Anh phụ trách cộng đồng người Việt của Đại sứ quán và 39 tư vấn viên, đại diện nhóm cộng đồng tại các tỉnh, thành Hàn Quốc.
Ông Đoàn Quang Việt, Quản trị viên trang điện tử “Hàn Quốc ngày nay”, tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Đức Thắng/PV TTXVN tại Seoul
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tại hội thảo, đại diện hai cơ quan quản lý lao động Việt Nam đã phổ biến, cập nhật nhiều hướng dẫn và chính sách mới của Việt Nam và Hàn Quốc liên quan đến quyền và lợi ích của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng đại diện EPS đã hướng dẫn người lao động khai báo thông tin trực tuyến, cách thay đổi thủ tục nhận tiền ký quỹ khi về nước, cập nhật thông tin chính sách mới của Việt Nam và của Hàn Quốc, đồng thời chỉ ra những vấn đề tồn tại đối với lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, qua đó đội ngũ tư vấn viên nắm được và truyền đạt, tư vấn cho người lao động.
Video đang HOT
Bà Tạ Thị Thanh Thúy, Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết hiện có trên 55.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc với 4 loại hình lao động chính là lao động theo chương trình EPS, lao động thuyền viên, lao động thời vụ và lao động có tay nghề (visa E-7). Đa số lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được khuyến khích học tiếng Hàn. Lao động theo diện visa E-9 được khuyến khích theo đuổi con đường học vấn, tiếp tục học đại học.
Do thị trường đang khan hiếm lao động nên Hàn Quốc có nhiều chính sách thu hút nhân lực nước ngoài, như các chính sách chuyển đổi visa, gia hạn thời gian làm việc cho lao động thời vụ và tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động. Thời hạn cư trú để làm việc bằng visa E-9 được kéo dài tới 10 năm không phải về nước, bổ sung visa E-7-S để thu hút những người nước ngoài ưu tú vào Hàn Quốc làm việc dễ hơn; cho phép chuyển đổi visa thực tập sinh nước ngoài D-4-6 sang visa E-7; cho phép chuyển đổi sang visa E-9 đối với du học sinh nước ngoài không thể chuyển đổi sang visa E-7. Một số chỉ tiêu tuyển dụng tăng lên, như tăng số lượng cho phép chuyển đổi sang visa E-7-4 từ 2.000 người năm 2022 lên 5.000 người trong năm 2023, tăng số lượng tiếp nhận lao động theo chương trình EPS lên 110.000 người, tăng tỷ lệ hạn mức người lao động nước ngoài được tuyển dụng từ 20% lên 30% tổng số nhân viên người Hàn.
Tham luận của các tư vấn viên đến từ các tỉnh, thành Hàn Quốc có lao động Việt Nam đã bày tỏ những vấn đề còn tồn tại trong lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, đặc biệt là điều kiện làm việc, nơi ở, chính sách bảo hiểm, an sinh xã hội đối với lao động thuyền viên. Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất phát huy vai trò của mạng xã hội (Facebook, Youtube, Naver Café, Viber, Kakao Talks…) để cập nhật thông tin mới, tiếp tục phát huy vai trò của phòng “chat” trò truyện trên mạng để hỗ trợ giữa các khu vực có lao động Việt Nam với nhau, tuyên truyền tư vấn pháp luật, động viên lao động Việt Nam thực hiện đúng các cam kết hợp đồng lao động, hỗ trợ người lao động hết hợp đồng và phòng ngừa, ngăn chặn các vấn đề nhức nhối trong cộng đồng liên quan tới tội phạm ma túy, đánh bạc và lừa đảo.
Hội thảo đã đề cập nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến lao động và đề ra giải pháp khắc phục kịp thời. Các tâm tư của lao động Việt Nam đã được đại diện tư vấn viên phản ánh tại hội thảo. Đại diện quản lý lao động đã ghi nhận và giải đáp những ý kiến đóng góp của các đại biểu ngay tại hội thảo và tập hợp chung những vấn đề mới để có những giải pháp thấu đáo hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Anh, Tham tán Công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, bày tỏ vui mừng phấn khởi trước những nỗ lực của đội ngũ tư vấn viên tận tâm, đầy nhiệt huyết thời gian qua đã luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng đại diện quản lý lao động và đại diện các ban ngành của Đại sứ quán, góp phần bảo vệ lợi ích của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Việt Anh nhấn mạnh: “Mục đích của các hoạt động hướng tới người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc là giúp người lao động mới sang hòa nhập nhanh chóng với môi trường sống mới ở nước sở tại, giúp người lao động đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc có cuộc sống ổn định và được bảo đảm an sinh xã hội, các tổ chức hội người Việt có sự kết nối, tương thông và hợp tác với nhau để nâng cao hiệu quả chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động nói riêng và cộng đồng người Việt Nam nói chung”.
Hội thảo tư vấn viên, đại diện nhóm cộng đồng Việt Nam tại Hàn Quốc đã đạt được các mục tiêu đề ra của ban tổ chức, đáp ứng nguyện vọng của đội ngũ tư vấn viên, đại diện nhóm cộng đồng. Tùy vào điều kiện thực tế, hội thảo được định kỳ tổ chức hằng năm tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc gia hạn lưu trú cho lao động nhập cư thời vụ
Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch gia hạn thời gian lưu trú cho người lao động nhập cư thời vụ từ 5 tháng lên 8 tháng nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.
Lao động Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Incheon, Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN
Theo hãng tin Yonhap, trong thông báo chung ngày 30/5, Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này sẽ sửa đổi một sắc lệnh thực thi để nâng thời hạn của thị thực lao động thêm 3 tháng, có giá trị một lần. Sắc lệnh thực thi sửa đổi áp dụng đối với những lao động thời vụ đang làm việc tại Hàn Quốc cũng như những lao động người nước ngoài mới đến Hàn Quốc.
Bộ trưởng Tư pháp Han Dong-hoon cam kết sẽ sớm sửa đổi luật để nâng thời hạn lưu trú cho lao động nhập cư thời vụ, đồng thời tăng cường nỗ lực nhằm giải quyết những khó khăn mà nông dân và ngư dân địa phương gặp phải.
Trong bối cảnh thu nhập và mức sống tăng đều từ những năm 1980, Hàn Quốc đối mặt với tình trạng thiếu lao động, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Lý do là người Hàn Quốc bắt đầu tránh những công việc lao động tay chân, khó và nguy hiểm. Vì vậy, chính phủ nước này đã có các biện pháp nhằm thu hút lao động nhập cư thông qua các chương trình như thực tập sinh năm 1993 và thị thực lao động năm 2003. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động vẫn không có dấu hiệu cải thiện, nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi nhiều vấn đề mới tiếp tục nảy sinh.
Hàn Quốc sẽ tuyển khoảng 7.400 lao động thời vụ nước ngoài trong nửa cuối năm nay Ngày 6/7, Bộ Tư pháp Hàn Quốc (MOJ) cho biết Hội đồng Thẩm định phân bổ lao động thời vụ mới đây đã ấn định quy mô tuyển dụng khoảng 7.400 lao động thời vụ nước ngoài để phân bổ cho 84 địa phương trên toàn quốc trong nửa cuối năm nay. Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn...