Hàn Quốc: Binh sỹ bắn chết 5 đồng đội đấu súng với lực lượng vây bắt
Các binh sỹ Hàn Quốc hôm nay (22/6) đã đấu súng với nghi phạm trong vụ nổ súng làm 5 đồng đội thiệt mạng tại một chốt biên phòng. Vụ việc diễn ra gần một trường tiểu học sau khi nghi phạm bỏ trốn cùng súng và nhiều đạn dược.
Theo hãng tin AFP, nghi phạm là một trung sỹ quân đội họ Lim, 23 tuổi. Người này đã nổ súng vào các đồng đội tại một chốt kiểm soát ở khu phía Đông của biên giới liên Triều trong tối 21/6.
Các binh sỹ Hàn Quốc bao vây khu vực có nghi phạm
Hàng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc thì cho biết Lim “đã ném một quả lựu đạn và nổ súng sau khi hoàn tất một ngày trực”. Hậu quả là 5 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương, nhưng những người bị thương được nhận định sẽ sống sót.
Nghi phạm sau đó đã bỏ chạy khỏi hiện trường với một khẩu súng trường tấn công K-2 và nhiều băng đạn.
Một người phát ngôn của Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết Lim có tiền xử bất ổn, đã bị truy lùng và bao vây trước 14 giờ 30 giờ địa phương (5 giờ 30 GMT) hôm nay, tại một địa điểm cách biên giới 10 km.
“Cậu ta đã bắn vào các binh sỹ truy đuổi và họ đã bắn trả”, người phát ngôn cho biết, và xác nhận một binh sỹ đã bị thương vào tay. “Tình hình vẫn đang tiếp diễn”.
Yonhap cũng cho biết cha mẹ của Lim đã được đưa tới hiện trường và kêu gọi con đầu hàng.
Video đang HOT
Ít nhất một người đã bị thương trong cuộc vây bắt
Kim So-rae, một sinh viên đại học sống tại khu làng gần đó cho biết đã nghe thấy ít nhất 3 đợt đấu súng. “Tình hình thật đáng sợ”, Kim thuật lại với kênh truyền hình YTN ngay trước khi quân đội ra lệnh cho người dân trong làng sơ tán khỏi nhà.
Theo nguồn tin quân đội, Lim chuẩn bị được giải ngủ trong vòng vài tháng tới sau khi hoàn tất nghĩa vụ quân sự.
Toàn bộ những người bị sát hại hoặc bị thương đều là thành viên đơn vị của Lim, thuộc sư đoàn bộ binh số 22, tại phía Đông tỉnh Gangwon.
Quân đội Hàn Quốc đã phát lệnh báo động cao nhất tại các khu vực xung quanh trong khi tìm kiếm Lim. Cuộc truy tìm có sự tham gia của hàng nghìn binh sỹ, đại tá Roh Jae-chun khẳng định với các phóng viên. Các đơn vị đặc nhiệm và trực thăng cũng được triển khai.
Lim đã gặp khó khăn trong việc thích nghi với quân đội, còn những đánh giá tâm lý trước nhập ngũ đã đề nghị các sỹ quan cấp cao đặc biệt chú ý đến người này, một quan chức quân đội giấu tên tiết lộ.
Đây không phải lần đầu tiên một vụ việc như trên xảy ra với sư đoàn bộ binh số 22. Năm 1984, một binh nhất đã nổ súng và ném lựu đạn vào các đồng đội tại trại lính, khiến 15 người thiệt mạng. Người này sau đó đào tẩu sang Triều Tiên.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ AFP
Hàn Quốc xét xử thủy thủ đoàn vụ chìm phà Sewol
Hàn Quốc hôm nay (10/6) đã mở phiên tòa xét xử thuyền trưởng và các thuyền viên vụ đắm phà Sewol, vốn khiến hơn 300 người chết và mất tích, trong bối cảnh chiến dịch tìm kiếm các nạn nhân của vụ tai nạn thảm khốc vẫn đang tiếp tục.
Theo hãng tin Yonhap, phiên xét xử thuyền trưởng Lee Joon-seok và các thành viên thủy thủ đã bắt đầu lúc 14 giờ giờ địa phương, tại tòa án quận Gwangju, thuộc thành phố Gwangju.
Các thủy thủ và thuyền trưởng phà Sewol có thể đối mặt án tử hình
Vị thuyền trưởng 69 tuổi và 3 thành viên thủy thủ đoàn đã bị khởi tố về tội giết người, các công tố viên cho biết. Nếu bị kết tội, họ có thể phải đối mặt với án tử hình.
11 thành viên thủy thủ đoàn khác đã bị khởi tố về các tội danh bỏ tàu và vi phạm luật an toàn tàu thủy.
Cơ quan công tố nghi ngờ rằng, các thủy thủ đã rời bỏ chiếc phà khi nó đang chìm, trong khi nói với các hành khách, hầu hết là học sinh phổ thông đi nghỉ, rằng hãy ở yên tại chỗ.
Các thủy thủ chính là những người đầu tiên được lực lượng tuần tra bờ biển giải cứu khi họ được cử tới hiện trường.
Nhiều thân nhân các nạn nhân thiệt mạng đã tới tòa trên những chiếc xe buýt để theo dõi phiên xét xử.
Trong phiên hôm nay, tòa chủ yếu lắng nghe tuyên bố của các bị cáo rằng họ có tội hay không có tội trước những cáo buộc chống lại mình, một quan chức của tòa cho biết.
Thuyền trưởng Lee thuộc nhóm đầu tiên được giải cứu khỏi phà Sewol
Trước đó hôm 16/4, chiếc phà Sewol tải trọng 6825 tấn, mang theo 476 người, trong đó có 326 học sinh phổ thông trung học, đã bị chìm ngoài khơi hòn đảo Jindo. Con số người thiệt mạng chính thức hiện là 292 người, và vẫn còn 12 người khác mất tích.
Theo hãng tin AFP, thảm họa này đã khiến dư luận Hàn Quốc rúng động, và tạo ra một làn sóng giận dữ, sau khi các thông tin cho thấy sự kém năng lực, tham nhũng và tham lam là những yếu tố góp phần vào mức độ trầm trọng của thảm họa.
Hầu hết sự giận dữ đều đổ dồn lên ông Lee và các thủy thủ, đặc biệt là sau khi lực lượng tuần tra bờ biển công bố đoạn clip cho thấy vị thuyền trưởng, mặc một chiếc áo khoác và quần đùi, đã leo lên xuồng cứu hộ bỏ lại chiếc phà đắm.
Truyền thông Hàn Quốc khi đưa tin về vụ bắt giữ và cáo trạng thường mang màu sắc ám chỉ những người này có tội. Trong khi đó vài tuần sau thảm họa, Tổng thống Park Geun-Hye khẳng thì tuyên bố rằng hành động của thủy thủ đoàn "không khác nào những kẻ giết người".
Hiện tại, cơ quan công tố Hàn Quốc còn đang truy nã ông Yoo Byung-Eun, người đứng đầu gia tộc sở hữu công ty hàng hải Chonghaejin - chủ sở hữu và vận hành phà Sewol. Ông Yoo bị truy nã để thẩm vấn về nghi án biển thủ và lơ là trách nhiệm hình sự, trong quá trình các công tố viên mở rộng điều tra xem các yếu tố thiếu tiêu chuẩn an toàn và vi phạm pháp luật đã ảnh hưởng ra sao tới thảm họa này.
Hiện cơ quan điều tra đã treo thưởng 500.000 USD tiền mặt cho ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ ông Yoo.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Chủ phà Hàn Quốc xin tị nạn ở nước ngoài Cơ quan công tố Hàn Quốc ngày 3/6 cho biết, gia đình chủ nhân của chiếc phà Sewol bị đắm đã tới một đại sứ quán nước ngoài ở Seoul để xin tị nạn nhưng bị từ chối. Vụ chìm phà Sewol đã khiến khoảng 300 người chết và mất tích Phát biểu trong một buổi họp báo ngắn với các phóng viên...