Hạn mặn rút đi, miền Tây lại lo bão lũ
Phấn khởi khi mưa cùng với nước thượng nguồn đổ về đã đẩy lùi hạn mặn, nhưng miền Tây cũng lo lắng khi sắp đối mặt với hiện tượng La Nina.
Nông dân miền Tây tranh thủ xuống giống khi mưa liên tục những ngày qua. Ảnh: Cửu Long
Mưa lớn nhiều ngày qua làm độ mặn trên sông Hàm Luông và kênh nội đồng ở Bến Tre giảm 3-4 lần so với tháng 3, tháng 4. Người dân bắt đầu xả nước trong ao hồ, mương vườn để đón nước ngọt vào chuẩn bị thả cá tôm. “Hiện nước sông lờ lợ, có thể nấu ăn được rồi. Cây lá xanh tươi, đâm chồi mơn mởn”, vua trồng dừa Đỗ Thành Thưởng (77 tuổi, huyện Giồng Trôm) phấn khởi.
Theo ông Bùi Văn Lâm – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, đã có 50/164 xã, phường thị trấn trong tỉnh thoát khỏi xâm nhập mặn, số còn lại có độ mặn giảm nhiều lần so với lúc cao điểm. Trong tuần tới sẽ có nhiều địa phương nữa thoát khỏi danh sách mặn.
“Trong nội đồng ‘rốn mặn’ tại huyện Ba Tri độ mặn còn 1,8-1,9. Nếu không có gì thay đổi thì đầu tháng 6, nông dân Bến Tre sẽ đồng loạt xuống giống vụ hè thu”, ông Lâm nói.
Bà Nguyễn Thị Diễm Phượng, Tổng Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Bến Tre cho biết, việc cấp nước ở tỉnh đã trở lại bình thường. Nước xử lý phục vụ cho người dân, doanh nghiệp và các đơn vị trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn cho phép, không còn nhiễm mặn nặng như trước.
Tại nhiều địa phương ở Sóc Trăng, Trà Vinh… nước mặn cũng đã lùi sâu về phía biển. “Mấy tuần nay, nước hết mặn và mưa nhiều làm hơn 2 ha chôm chôm, nhãn, bưởi của gia đình đâm chồi rất mạnh. Dưới mương cá tôm tự nhiên vào nhiều hơn”, ông Trần Văn Phát ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang Trần Quang Củi, các huyện vùng tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau không còn bị nhiễm mặn, nông dân đang chuẩn bị xuống giống hàng chục nghìn ha lúa hè thu đợt hai. “Nhờ mưa những ngày qua, 120.000 ha lúa hè thu xuống giống đợt một phát triển rất tốt. Có thể nói, thiên tai hạn mặn đã rút lui”, ông Củi khẳng định.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong tuần cuối tháng 5, nắng nóng ở miền Tây chấm dứt hoàn toàn, thay vào đó sẽ có lượng mưa từ 40-90 m, tùy từng tiểu vùng. Mực nước tại nhiều điểm trên sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ Tây đều xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,07-0,25 m.
“Nếu lượng mưa như dự báo của cơ quan chức năng thì cơ bản thiên tai hạn mặn đã rút khỏi miền Tây”, tiến sĩ Dương Văn Ni – chuyên gia về Môi trường (Đại học Cần Thơ), nói.
Video đang HOT
Theo tiến sĩ Ni, trước những diễn biến thời tiết hiện nay, có thể khẳng định miền Tây bắt đầu vào mùa mưa. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và người dân phải đề phòng tình trạng nắng hạn trở lại khoảng 5-10 ngày sau đơt mưa đầu mùa. “Người dân cần phải có giải pháp dự phòng tích trữ nước ngọt trong kênh mương nội đồng, ao hồ”, tiến sĩ Ni khuyến cáo.
Sau hạn hán, người dân miền Tây lo bão lũ. Ảnh: Cửu Long
Dù phần khởi nhưng nhiều người dân miền Tây cũng đang lo ngại, sau trận thiên tai lịch sử này, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra thì thời tiết sẽ như thế nào?
PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết, vấn đề hiện nay là các địa phương cần tập trung xử lý hậu quả của hạn, mặn. Theo đó, các nơi bị nhiễm mặn nặng nề và đã xì phèn, người dân cần tích cực đưa lượng nước lớn vào để rửa sạch, sau đó xuống giống mới đạt hiệu quả cao.
“Sau đợt thiên tai này (El nino), miền Tây rất có thể đối mặt với tình trạng La Nina, mà dấu hiệu sẽ bắt đầu từ nay đến cuối năm”, tiến sĩ Tuấn dự đoán và dẫn chứng những trận mưa lớn kèm giông lốc hoặc kéo dài bất thường vừa qua là một trong những dấu hiệu cho biết khí hậu đang rơi từ cực đoan này qua cực đoan khác, khiến con người trở tay không kịp…
Theo tiến sĩ Tuấn, một trong những “đặc sản” của kiểu thời tiết La Nina cần đặc biệt lưu ý và đề phòng là số lượng bão lũ, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn, thậm chí có những cơn bão mạnh, trái quy luật, khó lường trước được những hậu quả. “Chính quyền và người dân cần chủ động các biện pháp ứng phó như nạo vét hệ thống kênh mương; gia cố đê bao, cống đập; sửa chữa hệ thống chống ngập úng…”, ông Tuấn nói.
Đợt thiên tai hạn, mặn lịch sử tại miền Tây làm cho hàng trăm nghìn ha lúa đông xuân, vườn cây ăn trái, rau màu, vùng nuôi thủy sản… bị thiệt hại nghiêm trọng. Có 12/13 tỉnh bị “lũ mặn” tấn công. Trong đó, 10 địa phương đã công bố tình trạng thiên tai. Tổng thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cửu Long
Theo VNE
Bộ đội chia nước ngọt cho dân vùng thiên tai lịch sử
Trong cơn hạn mặn lịch sử, nhiều ngày qua lực lượng quân đội chở nước ngọt đến vùng sâu, vùng xa chia sẻ khó khăn với đồng bào nghèo miền Tây.
Lữ đoàn 167 - Vùng 2 Hải quân - tặng bồn nước cho người dân vùng bị nhiễm mặn gay gắt tỉnh Sóc Trăng, để họ trữ nước ngọt sinh hoạt hàng ngày.
Nhiều ngày qua, Bộ Chỉ huy Quân sư tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Cục Hậu cần Quân khu 9 mang nước ngọt đến hỗ trợ cho người dân vùng mặn ở các xã: Viên Bình, Thạnh Thới An, Lịch Hội Thượng, Viên An, Liêu Tú của huyện Trần Đề. "Do ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn, nhiều hộ nghèo tại các xã này buộc phải sử dụng cả nước mặn và nước không hợp vệ sinh...", một cán bộ huyện Trần Đề cho biết.
Các điểm cấp nước dã chiến được thành lập tận các vùng nông thôn sâu, thuận lợi cho người dân đến lấy về sử dụng. Số nước ngọt này Quân khu 9 mua của nhà máy, đem chia lại cho người dân.
Các chiến sĩ gánh nước đến tận nhà những người dân nghèo, có hoàn cảnh neo đơn. "Đồng ruộng khô hết không ai làm gì. Mấy đứa nhỏ kéo nhau lên Sài Gòn làm mướn hết rồi, nhà chỉ còn mình tui. Được mấy chú bộ đội lo cho vầy, thiệt cảm ơn hết sức", bà Thạch Phi nói.
Bộ đội đẩy nước vào tận phun sóc phục vụ đồng bào Khmer nghèo vùng hạn, mặn của tỉnh Sóc Trăng. Hiện, có hơn 5.000 hộ được tiếp tế nước sạch.
Tại An Giang, các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) kéo nước đến hỗ trợ người dân nghèo vùng biên giới đang bị hạn gay gắt, thiếu nước nghiêm trọng.
"Ngoài nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các đơn vị đóng quân nơi khô hạn phải khắc phục khó khăn, tham gia cùng chính quyền đoàn thể bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn", đại tá Đậu Đức Phượng - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 25 - cho biết.
Với những gia đình nghèo vùng biên giới ở xa, không có người ra điểm lấy nước, bộ đội phân công nhau đưa nước sạch đến tận nhà.
"Ở đây không có nước ăn, nhiều nhà phải đi mua về xài. Nhà tui nghèo,không có tiền mua, giờ hôm nào cũng được bộ đội mang cho 100 lít nước, mừng lắm". Bà Phạm Thị Xuân ở ấp Phú Tâm, xã An Phú (huyện biên giới Tịnh Biên, An Giang) nói.
Ngoài việc cấp nước cho dân, các đơn vị quân đội còn tham gia lắp đặt đường ống dẫn nước sạch về các vùng bị hạn mặn nghiêm trọng.
Hiện, toàn miền Tây có 12/13 tỉnh bị xâm nhập mặn hoành hành. Hàng trăm nghìn ha lúa, mía, cây ăn trái, hoa màu, vùng nuôi thủy sản của người dân bị thiệt hại nặng nề trong cơn thiên tai lịch sử được đánh giá nghiêm trọng nhất một trăm năm qua. Khoảng một triệu người đang thiếu nước sinh hoạt.
Hồng Hiếu
Theo VNE
Hàng trăm người miền Tây bỏ quê đi tìm việc vì 'bão hạn' Người dân ở Sóc Trăng, Cà Mau ví hạn mặn năm nay như "cơn bão" càn quét qua xóm nghèo, khiến nhiều người phải bỏ xứ lên TP HCM mưu sinh. Cơn hạn mặn hoành hành, đất sản xuất không thể trồng trọt, nhiều tháng qua, cả trăm thanh niên độ tuổi lao động ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng,...