Hạn hán uy hiếp nguồn lương thực của 26 triệu người ở Nam châu Phi
Ngày 4/12, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo trận hạn hán lịch sử diễn ra ở khu vực phía Nam châu Phi đang đe dọa trực tiếp đến nguồn lương thực của 26 triệu người dân nơi đây.
Cánh đồng ngô khô héo do hạn hán tại làng Kanyemba ở Rushinga, Zimbabwe, ngày 3/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện tượng thời tiết El Nino trong năm 2023-2024 đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và cuộc khủng hoảng này được dự báo sẽ kéo dài ít nhất đến vụ mùa tiếp theo bắt đầu vào tháng 3 hoặc tháng 4/2025. Ông Eric Perdison, Giám đốc của WFP phụ trách khu vực phía Nam châu Phi của WFP, cho biết ước tính có tới 26 triệu người trong khu vực đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính, nguyên nhân chính là do hạn hán kéo dài vị hiện tượng El Nino. Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Angola, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Zambia và Zimbabwe.
Để ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trở nên trầm trọng hơn, gây ra nạn đói rộng khắp, WFP cho biết cần thêm 300 triệu USD viện trợ khẩn cấp cho những nước này.
Trong những tháng qua, 5 quốc gia là Lesotho, Malawi, Namibia, Zambia và Zimbabwe đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do hạn hán gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng và chăn nuôi. Nhiều nông dân không thể gieo hạt hay trồng trọt vì đất đai quá khô cằn.
Nhiều cánh đồng tại Mozambique không thể canh tác, trong khi nhiều gia đình đang đối mặt với tình trạng lương thực dần cạn kiệt. Tại nước láng giềng Malawi, WFP cho biết nước này đã phải nhập khẩu lương thực để bù đắp thiếu hụt sau khi gần một nửa vụ ngô bị thiệt hại do hạn hán, thậm chí, người lớn còn phải nhịn ăn để nhường cho trẻ em. Ngay cả Namibia, một quốc gia có thu nhập trung bình khá, tình hình cũng không khả quan hơn. Có tới 14 khu vực tại Namibia bị ảnh hưởng vì hạn hán, trong đó có một số nơi đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực rất nghiêm trọng.
Trong chuyến công du vừa qua đến châu Phi, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ nhân đạo trị giá 1 tỷ USD cho 31 quốc gia trong khu vực, trong đó có các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề vì hạn hán.
Biến đổi khí hậu: El Nino đe dọa an ninh lương thực ở châu Phi
Ngày 8/3, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo hiện tượng thời tiết El Nino, cùng với tình trạng hạn hán lan rộng, đang đặt ra nguy cơ ngày càng lớn đối với an ninh lương thực ở khu vực miền Nam châu Phi.
Trẻ em xếp hàng đợi nhận khẩu phần ăn do Chương trình Lương thực Thế giới tài trợ tại Harare, Zimbabwe. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong Báo cáo về Triển vọng cây trồng và Tình hình lương thực, FAO cho biết, trong thời gian mùa Hè ở Nam bán cầu từ giữa tháng 11/2023 đến tháng 2 vừa qua, các vùng trồng trọt chính ở Malawi, Mozambique, Namibia, Zambia và Zimbabwe chỉ nhận được 80% lượng mưa so với mức trung bình. Đáng chú ý, trong tháng 2 - thời điểm mà lượng nước tưới có tác động lớn nhất đến năng suất cây trồng, lượng mưa ghi nhận ở mức "thiếu hụt đáng kể".
Theo báo cáo được xuất bản 3 lần một năm này, nhiệt độ cao hơn mức bình thường và lượng mưa phân bố "thất thường" đã khiến tình hình an ninh lương thực ở khu vực Nam châu Phi trở nên tồi tệ hơn. Sản lượng ngũ cốc ở khu vực dự báo sẽ giảm trong năm nay, làm tăng nhu cầu nhập khẩu. Nam Phi, nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất khu vực, cũng đã phải hứng chịu lượng mưa ít và nhiệt độ cao trong 2 tháng đầu năm nay, có nguy cơ làm giảm sản lượng ngô so với năm ngoái.
Theo FAO, việc mua thực phẩm có thể tiếp tục bị ảnh hưởng do thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn giảm và giá cả có thể tăng do áp lực nguồn cung.
Cơ quan LHQ cho biết tình hình trở nên trầm trọng hơn do đồng nội tệ ở một số quốc gia trong khu vực trượt giá, khiến chi phí sinh hoạt tăng cao. Cuối tháng trước, Zambia đã chính thức ban bố tình trạng "thảm họa quốc gia" do hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện tượng El Nino xảy ra một cách tự nhiên trong mỗi 2 đến 7 năm, thường làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất trong năm tiếp theo sau khi hiện tượng này phát triển. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhấn mạnh hiện tượng El Nino xảy ra chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu vốn đang diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, thế giới có thể chưa chứng kiến phần lớn tác động của El Nino cho đến năm 2024. Cho đến thời điểm này, năm 2016 được ghi nhận là năm nóng kỷ lục do ảnh hưởng của El Nino.
Namibia dự kiến giết 83 con voi để phân phát thịt cho người dân vùng hạn hán Namibia dự kiến sẽ giết thịt 723 động vật hoang dã, bao gồm 83 con voi, và phân phối số thịt này cho người dân đang gặp khó khăn ở những vùng hạn hán nghiêm trọng khắp phía Nam châu Phi. Đất đai khô cằn do hạn hán tại Windhoek, Namibia. Ảnh: AFP/TTXVN Bộ Môi trường Namibia ngày 26/8 cho biết những động...