Hamas phản đối việc lực lượng nước ngoài hiện diện tại Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 5/7, phong trào Hồi giáo Hamas đã bác bỏ mọi tuyên bố và lập trường ủng hộ các kế hoạch cho phép lực lượng nước ngoài tiến vào Dải Gaza dưới bất kỳ danh nghĩa hoặc lý do nào.
Những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Hamas khẳng định việc quản lý Dải Gaza là một vấn đề thuần túy của người Palestine. Người dân Palestine sẽ không cho phép bất kỳ sự giám hộ hoặc áp đặt bất kỳ giải pháp nào từ bên ngoài.
Trong khi đó, Ủy ban Kháng chiến nhân dân (PRC), một nhóm vũ trang liên minh với Hamas, cũng phản đối mọi nỗ lực nhằm triển khai các lực lượng quốc tế hoặc các lực lượng khác ở Gaza.
Trước đó, hồi cuối tháng 6, Chính quyền Palestine đã phản đối bất kỳ sự hiện diện có yếu tố nước ngoài nào trên các vùng lãnh thổ của Palestine. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Nabil Abu Rudeineh khẳng định bất kỳ sự hiện diện nào của nước ngoài trên vùng đất Palestine đều không hợp pháp và chỉ người dân Palestine mới có quyền quyết định ai có thể điều hành và quản lý các công việc của họ.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã thảo luận kế hoạch giai đoạn chuyển tiếp đối với Gaza, với giả định rằng khả năng quân sự của Phong trào Hồi giáo Hamas đã suy giảm và không thể tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn. Theo đó, các lực lượng quốc tế (có thể bao gồm binh sĩ từ Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Maroc) sẽ giám sát an ninh ở Gaza trong khi phía Mỹ sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt và hỗ trợ logistics từ bên ngoài vùng lãnh thổ này, có thể là tại Ai Cập. Kế hoạch này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn từ phía Bắc xuống Nam Gaza nhằm dần chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho lực lượng Palestine.
Tuần hành trên thế giới phản đối bạo lực tại Gaza, ủng hộ bảo vệ dân thường
Ngày 13/10, hàng chục nghìn người tại các nước Trung Đông, châu Á, châu Âu và Mỹ đã xuống đường tuần hành, bày tỏ phản đối bạo lực, ủng hộ bảo vệ tính mạng dân thường trong bối cảnh xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và quân đội Israel leo thang tại Dải Gaza.
Người dân Palestine sơ tán tránh chiến sự ở Dải Gaza ngày 13/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, ở Thổ Nhĩ Kỳ, đám đông tập trung bên ngoài thánh đường Hồi giáo cầu nguyện cho người Palestine. Tại Nablus, thuộc khu Bờ Tây do Israel kiểm soát, nhiều thanh niên tụ tập trên đường phố và xô xát với quân đội Israel. Tại thủ đô Baghdad của Iraq, hàng chục nghìn người đã tập trung tại Quảng trường trung tâm Tahrir, vẫy cờ Palestine. Các cuộc tuần hành tương tự cũng diễn ra tại Iran.
Tại châu Âu, các cuộc tuần hành phản đối bạo lực diễn ra ở Rome (Italy) và nhiều thành phố khác như Braband (Đan Mạch), Berlin (Đức), London (Anh)... Một số người biểu tình có hành vi quá khích khiến cảnh sát phải can thiệp. Nhiều nước phương Tây như Pháp, Hà Lan, Anh... đã tăng cường an ninh tại các giáo đường và trường học có người Do Thái.
Tại Mỹ, nhiều người dân ở các thành phố lớn như Washington, New York, Los Angeles, Portland, Pittsburgh... đã xuống đường bày tỏ đoàn kết với cả người dân Palestine và Israel.
Cảnh sát đã được tăng cường đảm bảo an ninh tại những khu vực người Do Thái và cộng đồng Hồi giáo sinh sống.
Các cuộc tuần hành phản đối bạo lực leo thang tại Trung Đông cũng diễn ra ở Indonesia, Bangladesh, Nhật Bản, Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan, Yemen...
Liên hợp quốc lo ngại sâu sắc về tác động của lệnh sơ tán mới ở Dải Gaza Ngày 2/7, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của lệnh sơ tán mới trong vòng bán kính 127km tại hai thành phố Khan Younis và Rafah, phía Nam Dải Gaza. Người dân Palestine sơ tán tránh xung đột tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 2/7/2024....